Thẩm Kinh Minh đã chết, hai người còn lại không rõ thân phận thế nào, Triệu Yên ghi lại tên của họ lên trang giấy.
Dưới đáy của chồng thư có hai phong thư được gấp lại, mở ra xem thì hóa ra là nét chữ của chính Triệu Diễn.
Chắc là thư hồi âm huynh ấy viết gửi cho chư vị nho sinh nhưng chưa kịp gửi đi nên mới nằm lại đây cùng với mấy quyển sách.
Triệu Yên dịch cây đèn lại gần lại, tiếp tục xem lá thư.
[Gửi chư sinh, ta đã xem qua. Như lời quân* nói, không có tiền thì không có quân đội, không có quân đội thì quốc gia yếu kém, quy chế cổ xưa của tôn thất Đại Huyền quá rườm rà chính là căn nguyên của tệ nạn trầm kha. Thuở mới dựng nước, hoàng thân, công huân đã có mấy trăm người. Bởi vậy nên, con cháu của Vương, Hầu, Bá, Khanh được kế thừa phần đất phong hầu cho tới nay đã lên tới hơn ba mươi ngàn người. Sĩ tộc đã đông đảo mà lại còn giữ lối sống xa hoa, toàn thân dát đầy châu ngọc, quốc khố chẳng khác gì nước hồ, chảy ra thì nhiều mà chảy vào thì ít, cứ đà này thì chắc chắn sẽ cạn kiệt trong vòng ba năm…]
*Quân là cách gọi đối phương tỏ ý tôn trọng.
Triệu Yên càng xem càng tỉnh táo, mới đầu đọc nhanh như gió, về sau nhấm nuốt từng chữ từng lời, đôi mắt đào hoa ngập tràn sự kinh ngạc khó lòng che giấu nổi.
Trong ấn tượng của nàng, Triệu Diễn là một người tốt tính đến mức gần như đã trở nên hèn yếu cho nên câu từ mà huynh ấy viết ra hẳn là cũng phô trương phong hoa tuyết nguyệt, thừa vẻ hoa lệ nhưng lại thiếu tính đanh thép.
Thế nhưng, sau khi đọc lá thư này, nàng lại thấy từng chữ của huynh ấy như châu như ngọc, nét chữ đầy rắn rỏi, dùng ngòi bút để mổ xẻ, lên án tệ nạn trầm kha mục nát của triều Đại Huyền.
Mẫu hậu thiên vị huynh ấy cũng không phải là hoàn toàn không có lý do.
Nếu như Triệu Diễn còn sống, ắt hẳn huynh ấy sẽ là bậc minh quân tài đức, sáng suốt, nhân hậu.
Vậy nhưng, một người như vậy lại có cái chết đầy rẫy uẩn khúc, khiến người đời không thể biết được chân tướng.
Nghĩ đến đây, Triệu Yên siết chặt tờ giấy lụa trong tay, cảm xúc trong lòng cuộn trào đan xen vào nhau mãi không thôi.
Nàng có nên cầm thứ này đi gặp Liễu Cơ không?
Không, khoan đã. Triệu Yên nhanh chóng bác bỏ suy nghĩ này.
Hiện tại, Liễu Cơ vẫn còn đề phòng nàng và Đông cung nên nàng ấy sẽ không nói thẳng nói thật, nàng cần phải chờ một thời gian để xem thái độ nàng ấy thế nào. Đợi nàng ấy suy nghĩ thấu đáo, bằng lòng thành tâm hợp tác, Triệu Yên mới có thể phô bày lợi thế của mình ra.
Sau khi tỉnh táo lại, nàng cẩn thận gấp gọn lá thư lại, cất chúng vào trong ngăn ngầm.
Gió bấc thổi ầm ĩ suốt đêm, giữa tiếng những bông tuyết chạm vào nhau nghe lạo xạo, tiết Đông chí lặng lẽ tới.
Xưa nay, triều Đại Huyền rất chú trọng tiết Đông chí, dù có là nhà dân nghèo khổ đến đâu thì hôm đấy cũng sẽ mặc một bộ đồ mới tươm tất để đi thăm nom bạn bè, cúng bái tổ tiên. Trong nội cung, ngày lễ này càng được làm phô trương hơn. Thiên tử bày tiệc thết đãi bách quan, vương hầu quý tộc được phép mang theo nữ quyến và trưởng tử tới dự tiệc, yến tiệc được bày từ gian chính điện của điện Vĩnh Lân ra tới tận ngoài hành lang.
Nghe nói, châu mục Lương Châu cai quản đất Ba Thục cũng cử Thông phán vào cung bàn bạc chuyện chiên hàng đám lính vùng Thục Xuyên. Bầu không khí tiệc tùng yến ẩm rộn rã với quy mô hoành tráng phủ đầy sự giả dối và quỷ quyệt.
Sự kiện lớn thế này, đương nhiên Triệu Yên với tư cách là “Thái tử Đông cung” sẽ phải có mặt.
Xe ngựa dừng ở Thừa Thiên môn, Triệu Yên mặc áo bào tím, đội kim quan, khoác áo choàng màu nguyệt bạch, tôn lên phong thái cao quý và nho nhã của Thái tử Đông cung đầy tinh tế.
“Điện hạ đã nhớ hết tên người và diện mạo của người đó được ghi trong sách rồi chứ?” Lưu Huỳnh xác nhận đi xác nhận lại mấy lượt.
Quyển sách đó được Triệu Yên để ở đầu giường, ngày nào cũng mở ra xem. Chỉ nhìn tranh chân dung của mấy chục người mà nhớ được hết mặt bọn họ quả là chuyện chẳng dễ gì. May mà nàng nghĩ ra một cách độc đáo, rút ra đặc điểm nhận dạng trên khuôn mặt của mỗi người rồi đặt cho người đó một biệt danh sẽ giúp nàng nhớ dai hơn nhiều.
Nàng khép tay áo lại đáp: “Gần như đã nhớ hết rồi. Nếu như cô nhất thời có quên ai thì ngươi đứng bên cạnh nhớ nhắc cô.”
Lưu Huỳnh gật đầu: “Nô tì rõ rồi.”
Sau đó, nàng ấy lại dặn thêm: “Trong triều có rất nhiều phe phái, muốn ứng phó chu toàn chẳng phải là chuyện dễ. Đợi làm lễ thết đãi khách xong, điện hạ nhớ mượn cớ đi khỏi đó.”
Triệu Yên ậm ờ “ừm” một tiếng, đi băng qua Tả đình, hướng về phía lối vào cung.
Nàng vẫn còn canh cánh chuyện “Thư đồng” nên phải nhân cơ hội này dò xét tình hình, chọn ra ứng cử viên có thể tin dùng. Đương nhiên, nàng không thể nói việc này cho Lưu Huỳnh biết.
Nàng đang tập trung suy nghĩ thì chợt nghe đằng trước có tiếng cười nói chói tai.
Triệu Yên ngước mắt lên nhìn, trông thấy một đám con cháu thế gia xúng xính áo quần lộng lẫy đi về phía này. Người đi đầu khoảng chừng hai mươi tuổi, ăn vận loè loẹt, lông mày thưa, người vừa gầy vừa cao, tướng tá coi bộ cay nghiệt, ẻo lả. Hắn ta mặc một chiếc áo lông chim khổng tước lấp lánh trông chẳng khác gì một con gà chọi có bộ lông sặc sỡ đứng chen chúc giữa đám đông.
Triệu Yên vừa nhìn thấy khuôn mặt như con gà chọi của hắn ta là nhớ ra ngay: Chà, đây chẳng phải là Thế tử Ung Vương Triệu Nguyên Dục hay sao.
Ung Vương là bào đệ* của Thiên tử, là người thừa kế hoàng vị đứng thứ hai chỉ sau Thái tử. Đây là sự thật trong triều không thể chối cãi. Nhi tử của Ung Vương cũng được ngồi ngang hàng với Thái tử từ nhỏ nên thành thử tính tình hắn ta trở nên ngang ngược, càn rỡ, ăn chơi trác táng, đã vậy, tính Triệu Diễn lại yếu đuối nhu nhược nên không ít lần, Triệu Nguyên Dục dám đè đầu cưỡi cổ cả Đông cung.
*Bào đệ là em ruột cùng cha cùng mẹ.
Một khi Triệu Diễn mất, người trực tiếp được lợi sẽ là cha con Ung Vương. Triệu Yên dừng bước, im lặng quan sát thật kỹ.
Đương nhiên, Triệu Nguyên Dục cũng đã trông thấy tiểu Thái tử đứng trên hành lang, ánh mắt hắn ta lập tức trở nên u ám.
Triệu Nguyên Dục nở nụ cười trào phúng, chẳng những không tránh né mà còn đi thẳng tới chỗ Triệu Yên, bỉ ổi cười trên nỗi đau của người khác: “Ái chà, Thái tử vẫn còn sống đấy à, quả là may mắn.”
Đã hơn sáu năm trôi qua nhưng gương mặt của hắn ta vẫn đáng ghét y như trước.
Triệu Yên nhếch khóe môi, đáp lễ: “Đúng vậy. Nếu như cô có xảy ra chuyện gì bất trắc thì Thế tử Ung Vương chính là nghi phạm số một bị tru di toàn tộc. Hiện thời, cô bình an vô sự nên Ung Vương phủ mới được bình an vô sự, đương nhiên là đáng để Thế tử coi đây là điều may mắn rồi.”
Lời mỉa mai của Triệu Nguyên Dục bị đáp trả lại toàn bộ, hắn ta tức đến độ đỏ mặt tía tai.
Thành thử, lúc này trông hắn ta lại càng giống một con gà chọi hơn.
“Đúng là loại thích đấu khẩu ganh đua thắng thua chẳng khác gì hạng đàn bà! Chi bằng ngươi về Đông cung, đóng cửa lại mà thêu hoa đi, đồ ma chết sớm.”
Lời chửi rủa ác độc này được Triệu Nguyên Dục nói rất khẽ nhưng Triệu Yên vẫn nghe thấy, nghe thấy rất rõ.
Ý cười bên môi nàng nhạt đi, năm ngón tay ôm lò sưởi hơi siết chặt lại.
Lối đi không mấy rộng rãi, Triệu Nguyên Dục thấy tiểu Thái tử luôn luôn nhu nhược, hiểu lễ không chịu nhường đường cho đường huynh là hắn ta, thái độ nóng nảy càng lộ rõ qua nét mặt của hắn ta.
Hắn ta bèn xông thẳng tới, định xô Thái tử dạt ra. Nào ngờ cánh tay chỉ mới vừa chạm vào vạt áo của Thái tử thì chân hắn ta đã bị vấp một cái, cả người lảo đảo, ngã chúi đầu vào chiếc cột sơn son, mắt nổ đom đóm.
Bọn đi theo nịnh bợ lập tức ùa tới dìu hắn ta dậy, hô to gọi nhỏ khiến gia quyến của các quan viên đi ngang qua đều dồn lại đây xem.
Triệu Nguyên Dục ôm trán, trợn trừng mắt chỉ tay vào Triệu Yên nói: “Ngươi...”
Triệu Yên nhanh chân hơn đối phương, chủ động tựa vào người mỹ nhân đứng trong lối đi, đưa một tay lên đỡ trán, tỏ vẻ nhẫn nhịn cơn đau.
“Điện hạ!”
Lưu Huỳnh nhíu mày sốt ruột, dìu Triệu Yên quay đầu lại, nghiêm nghị nói: “Thế tử Ung Vương, cho dù Thái tử điện hạ đứng cản đường của ngài thì ngài cũng không thể xô đẩy điện hạ mạnh tay như vậy được!”
Triệu Nguyên Dục trợn tròn mắt.
“Ta không hề xô đẩy hắn ta! Không, ta vốn không hề dùng sức!”
Triệu Nguyên Dục đỏ tía mặt nhìn về phía bọn tùy tùng, nói: “Các ngươi đều nhìn thấy mà, tự hắn ta tẽ ngã đấy chứ!”
Bọn tùy tùng nhìn nhau, không ai dám tuỳ tiện lên tiếng.
Đúng là bọn họ đã nhìn thấy Thế tử Ung Vương đẩy Thái tử mạnh tới nỗi khiến chính hắn ta ngã lảo đảo, sau đó Thái tử nhẹ nhàng ngã xuống. Thế nhưng, dù sao bọn họ cũng đang kiếm ăn nhờ phủ Ung Vương nên không thể nói thật, lại cũng không thể giúp hắn ta bắt nạt Thái tử nên quyết định ấp úng không nói năng gì cả.
Triệu Yên mím chặt môi, vịn người mỹ nhân để đứng dậy: “Đúng là do cô bất cẩn nên mới té ngã, chuyện này không liên quan gì tới Thế tử Ung Vương cả.”
Triệu Nguyên Dục cười to: “Các người nghe thấy cả chưa? Chính hắn ta cũng thừa nhận rồi nhé!”
Thế nhưng, liệu có ai tin không?
Hai người này đứng chung một chỗ, sức mạnh giữa đôi bên chênh lệch nhiều tới nỗi có mù cũng nhận ra.
Thế nhưng, “Thái tử” vẫn hiền lành, mỉm cười yếu ớt nhìn về phía các thần tử đứng vây xem, tỏ ý muốn chuyện lớn hóa nhỏ: “Chuyện này thực sự không hề liên quan gì tới Thế tử, là do… Thôi, thôi. Hôm nay là ngày lễ tốt lành, chớ nên làm phụ hoàng khó chịu…”
Lời giải thích của nàng hết sức chân thành khiến mọi người không khỏi cảm động.
Trái ngược với nàng, khuôn mặt của Thế tử Ung Vương đúng là đáng ghét.
“Thái tử bệnh nặng mới khỏi, sao chịu nổi bị Thế tử xô đẩy như vậy được.”
“Đúng vậy, dù cho có quyền có thế tới đâu thì cũng vẫn là thần tử, sao thần tử có thể nói năng lỗ mãng với Thái tử như vậy được!”
Đám quan lại vây xem không thiếu gì người chính nghĩa, bọn họ tới tấp hỏi han, trấn an Thái tử, có người tính cương trực còn thẳng thừng chỉ trích phủ Ung Vương quá phách lối.
Triệu Nguyên Dục đỏ ngầu cả mắt, quẳng lại một câu “ngươi chờ đó” rồi xô mọi người ra, phẩy tay áo bỏ đi.
Trên chiếc cầu có mái che ở đằng trước, chiếc mành buông lắc lư theo gió, tua cờ nhẹ bay.
Văn Nhân Lận đứng dựa người vào lan can, khóe miệng mỉm cười, quan sát thấy tất cả mọi chuyện.
Lời tác giả:
Hoàng ngạch nương đẩy Hi nương nương!
PS: (1) được trích từ nội dung “Cửu Pháp” trong [Huyền Nữ Kinh] miêu tả tư thế nữ trên nam dưới.