Triệu Yên chưa từng làm chuyện người lớn cũng không phải Hoàng tử đã hiểu chuyện gối chăn, sao nàng lại đọc thứ sách thiếu đứng đắn ấy chứ?
Rõ ràng là Văn Nhân Lận cố ý mượn chuyện đêm qua để làm khó nàng, âm hiểm đến tột cùng.
Triệu Yên hiểu rõ trong lòng nhưng không thể hiện ra ngoài qua nét mặt, chỉ khép tay áo lại, ngồi ngơ ngác, ánh mắt có phần trong veo, vô tội.
Văn Nhân Lận không chấp nhận trò giả ngu của nàng, lơ đãng vuốt nhẹ ngón tay, thong thả đọc thuộc lòng đoạn kinh văn đó: “Nam ngồi thẳng, nữ ngồi dạng chân trên đùi, tay ôm cổ của nam (1). Đây chính là tư thế đêm qua Thái tử sử dụng.”
Triệu Yên vốn ngây thơ không biết gì nhưng sau khi nghe Văn Nhân Lận dùng chất giọng trầm khàn, ấm áp của hắn ngang nhiên đọc đoạn miêu tả cảnh tượng nóng bỏng này, tai nàng bắt đầu nóng bừng lên.
Rõ ràng trong điện không nóng nhưng vẫn có một luồng hơi nóng không tên xông lên mặt nàng rồi lan ra khắp tay chân.
Văn Nhân Lận ngả người ra sau, dựa vào lưng ghế, khuôn mặt tuấn tú bình thản không hề vương chút nét suồng sã, lỗ mãng nào, dường như hắn thực sự chỉ đang nghiên cứu, thảo luận một vấn đề hóc búa nào đấy trong kinh văn: “Xưa nay Thái tử nghe nhiều hiểu rộng, nhìn qua là nhớ, sao lần này Thái tử lại giả vờ ngu dại?”
Triệu Yên cúi mặt xuống, dựa theo tính cách của Triệu Diễn để chọn lựa một cái cớ thích hợp nhất: “Văn Thái sư từng dạy bảo cô rằng, quân tử sống ở trên đời cần phải lấy lễ giáo làm đầu và đọc nhiều sách thánh hiền, bởi vậy nên cô chưa từng xem những thứ sách tiêu khiển ấy.”
Văn Nhân Lận “ồ” khẽ một tiếng: “Nói vậy nghĩa là Thái tử không cần thầy dạy cũng tự tỏ tường rồi.”
Triệu Yên xấu hổ, sau đó, nàng lại nghe thấy cái gã xảo trá, nham hiểm này nói tiếp: “Mặc dù tư thế này giúp nam tử cảm thấy thoải mái hơn nhưng dù sao Thái tử vẫn còn nhỏ tuổi, cơ thể ốm yếu, nếu sa đà vào chuyện này quá mức thì vóc người sẽ không cao lên nổi đâu.”
Câu cuối cùng của hắn thấp thoáng ý cười.
Triệu Yên thẹn thùng, rầu rĩ nhìn chằm chằm bàn cờ trước mặt: “Học trò rõ rồi.”
Sau đó, nàng ngẩng mặt lên, đôi mắt hoa đào khẽ chớp: “Thái phó của Thái tử còn lo dạy dỗ cả những chuyện này sao?”
Đương nhiên Thái phó của Thái tử không chịu trách nhiệm dạy những chuyện này, chẳng qua chuyện này là trò đùa dai có thù tất báo của hắn mà thôi.
Văn Nhân Lận gác cánh tay lên tay vịn của chiếc ghế, mảnh vải suôn mượt thượng hạng bên ống tay áo nhà Nho uốn nếp rủ xuống đầy tự nhiên, không hề có bất kỳ nếp nhàu nào.
Hắn thỏa thích ngắm nhìn trạng thái tinh thần thấp thỏm của tiểu Thái tử đang cố gắng “giãy giụa tìm đường sống” cho tới khi thấy đã đủ rồi mới vui vẻ, cong khớp ngón tay lại, gõ lên bàn cờ.
Nội thị lập tức bước tới cất các quân cờ trắng đen vào trong chiếc hũ đựng cờ, động tác của nội thị nhanh nhẹn, nhẹ nhàng, không hề phát ra bất kỳ tiếng động chói tai nào.
Lý Phù vẫn luôn đứng sau lưng Triệu Yên nãy giờ thấy vậy bèn nhấc ấm nước nóng để trên chiếc lò nhỏ bên cạnh để giữ nhiệt lên, pha cho nàng một chén trà.
Lá trà đã bị giở trò nên chỉ cần uống chén trà này vào thì trong thời gian ngắn, mạch tượng sẽ bị nhiễu loạn, vừa có thể giả bệnh lại che giấu được âm mạch nữ tử của Triệu Yên, thuốc này do Trương Húc của Thái y viện thức đêm chế tạo gấp để chuẩn bị sẵn sàng trước bất cứ tình huống nào.
Thế nhưng, tương lai vẫn còn dài lắm, không thể lần nào cũng giả bệnh để qua mặt được.
Triệu Yên để chén trà qua một bên, không định uống nó.
May là đêm qua nàng nước đến chân mới nhảy cũng đã kịp học sơ qua về “Yến Vĩ trận” của Triệu Diễn nhờ có Liễu Cơ dạy cho. Mặc dù kỹ năng của nàng không thuần thục nhưng dùng để lòe người khác thì vậy là quá đủ rồi.
Dù sao “Thái tử” cũng còn nhỏ tuổi, có thua Túc Vương điện hạ quyền khuynh thiên hạ cũng không thể coi đây là chỗ sơ hở được.
Quả nhiên, nàng thua thê thảm, thứ được gọi là “Yến Vĩ trận” cũng chẳng thể cầm cự nổi trước mặt Văn Nhân Lận quá bảy nước cờ.
“Cô thua rồi.”
Triệu Yên ngoan ngoãn để quân cờ xuống, nhận thua nhưng trong lòng lại âm thầm thở phào nhẹ nhõm như thể vừa vượt qua được một kiếp nạn.
Thế nhưng, Văn Nhân Lận không định tha cho nàng.
“Thua ở đâu?”
Hắn mở bài binh pháp chuẩn bị giảng vào ngày mai ra, phát huy tối đa tinh thần bắn một mũi tên trúng hai đích.
Triệu Yên tỏ vẻ ngoan ngoãn, tự kiểm điểm lại bản thân, hàng lông mi không chịu yên, cứ chớp mãi không thôi.
Văn Nhân Lận cầm sách chỉ vào một vị trí bên phía tay phải, chiếc nhẫn làm bằng huyền thiết đeo trên ngón tay hắn lóe lên ánh sáng lạnh u tối.
Hắn nói: “Thái tử chỉ chăm chăm để ý cái lợi trước mắt nên bị dụ dỗ một chút là dính bẫy ngay. Không biết điện hạ trở nên chỉ quan tâm cái lợi trước mắt như vậy từ bao giờ vậy?”
Triệu Yên cúi đầu, bình thản nói: “Dù sao cô cũng phải chơi cờ với một nhân vật lợi hại như Thái phó nên không khỏi hơi căng thẳng một chút.”
Văn Nhân Lận nhìn nàng, ánh mắt chăm chú nhìn vào nốt ruồi nhỏ nằm ở đuôi mắt của nàng, hắn nghĩ ngợi một lát rồi thong thả nói: “Thua cờ thì còn có thể chơi lại được nhưng nếu như Thái tử đi sai nước cờ trong Hoàng thành thì sao, liệu Thái tử có có cái mạng thứ hai để làm lại không?”
Triệu Yên gật đầu: “Thái phó nói chí phải.”
Văn Nhân Lận tựa người vào ghế, gõ nhẹ quyển sách vào lòng bàn tay: “Xin Thái tử hồi cung chép tay một bản [Hợp Tung] để rèn giũa tâm tính.”
Triệu Yên gật đầu: “Thái phó thật biết nhìn xa trông rộng.”
“Sắp tới tiết Đông chí, cả triều được nghỉ hưu mộc bảy ngày. Mấy ngày tới, Thái tử không cần phải tới điện Sùng Văn nữa.”
“Thái phó...”
Mà khoan!
Ánh mắt xao nhãng của Triệu Yên bỗng chốc tập trung hẳn lại, nàng ngẩng đầu nhìn về phía Văn Nhân Lận.
Không ngờ trên đời này lại có chuyện tốt bực này!
“Vậy thì quả là đáng tiếc lắm thay...”
Triệu Yên lắc đầu thở dài, vào khoảnh khắc ấy, nàng đã phải hồi tưởng lại một lượt tất cả mọi chuyện buồn khổ mình từng nếm trải trong đời, khó khăn lắm mới dằn được trái tim hân hoan nhảy múa xuống.
Văn Nhân Lận nhếch miệng lên cười chẳng lấy gì làm ấm áp nhưng hắn không muốn vạch trần nàng.
Tiếng chuông vang lên rất đúng lúc, vậy là nàng đã hoàn thành xong được nửa ngày học.
Triệu Yên khép tay áo lại hành lễ bái biệt Thái phó cho tới khi tiếng bước chân dần dần đi ngang qua người nàng rồi không còn nghe thấy gì nữa, nàng mới ngước mắt lên khỏi ống tay áo khép sát vào nhau, hỏi Lý Phù: “Hắn đi rồi à?”
Lý Phù bưng chén trà đã nguội lạnh đi ra ngoài, liếc nhìn ngoài cửa: “Đi rồi ạ.”
Triệu Yên như được hồi sinh.
Cửa ải cuối năm sắp tới, bầu trời ở kinh thành vẫn luôn chủ yếu là âm u, ít khi có ngày trời quang. Tuyết còn chưa tan được một tuần, gió bấc đã lại kéo tới mang theo hơi băng tuyết ẩm ướt lạnh lẽo.
Người duy nhất có tâm trạng phơi phới gió xuân là Triệu Yên. Trên đường về, khóe môi nàng không khỏi cong lên.
Nghĩ tới chuyện của Liễu Cơ, Triệu Yên quay trở lại Khôn Ninh cung thỉnh an mẫu hậu, thuật lại tỉ mỉ chuyện Liễu Cơ giúp nàng ứng phó với Túc Vương để mẫu hậu an tâm.
Tới hoàng hôn, nàng mới trở về Đông cung. Triệu Yên ôm chiếc lò sưởi mạ vàng xuống kiệu, trông thấy Thống lĩnh Đông Cung vệ Cô Tinh đứng ở Vĩnh Phúc môn từ đằng xa.
Triệu Yên hắng giọng một tiếng, bảo Lưu Huỳnh: “Túc Vương bảo cô chép cuốn binh thư [Hợp Tung], ngươi đi tìm nó cho cô đi.”
Lưu Huỳnh không nghi ngờ gì, nhận lệnh lui ra ngoài.
Triệu Yên tới thư phòng, cho nội thị hầu bút mực lui ra ngoài, không đầy nửa chén trà sau, quả nhiên Cô Tinh mang theo một túi lụa không có gì thu hút sự chú ý của người khác tới gặp nàng.
“Thái tử điện hạ.”
Hắn ta hành lễ xong mới cẩn thận trình món đồ đựng trong túi vải lên: “Sách và giấy mực mà ngài bảo ti chức lấy đều ở đây.”
Triệu Yên hỏi nhỏ: “Ngươi có làm phiền người nào khác không?”
Cô Tinh đáp: “Ti chức chỉ nói là về nhà lấy vài thứ, không để người khác biết. Ở Minh Đức quán, ti chức cũng tự mình kiểm kê, sắp xếp.”
“Ngươi làm việc cẩn thận đấy.” Triệu Yên khá hài lòng.
Cô Tinh vội cúi đầu xuống: “Đây là bổn phận của ti chức, ti chức không dám nhận công lao.”
Người này làm việc cẩn thận, chắc chắn, tính cách lại trung thành, thật thà, xem ra có thể tin dùng được. Triệu Yên thầm khen ngợi.
“Ngươi đi làm việc đi, sau này cô sẽ vẫn còn có việc cần đến ngươi.” Triệu Yên ra hiệu cho Cô Tinh lui ra ngoài.
Nàng xem sơ qua một lượt, phần lớn số sách này đều được dùng trong lúc nghe giảng bài, trong sách viết chi chít đầy chú giải ghi bằng mực son, tỏ rõ thái độ nghiêm túc, đoan chính của người viết.
Thư từ để lại không nhiều. Nhân lúc Lưu Huỳnh chưa quay lại, Triệu Yên cất túi vải vào trong tay áo lông cáo rộng rãi, lặng lẽ mang chúng về tẩm điện.
Đêm khuya thanh vắng, theo thông lệ, Lưu Huỳnh tới tẩm điện kiểm tra một lượt, dém góc chăn cho chủ tử, thổi tắt chén nến nhỏ còn dư lại, buông rèm, khép cửa, lui ra ngoài.
Triệu Yên lắng tai nghe, đợi cho cửa điện đóng lại, tiếng bước chân đã đi xa rồi, nàng mới mặc áo xuống giường, cầm lấy chiếc đèn nhỏ bằng lụa vốn được dùng để đi tiểu đêm, đi về phía gian phòng nhỏ đằng sau tấm bình phòng.
Nàng nhấn vào ngăn ngầm ở tầng dưới cùng của giá sách, lấy ra thư từ ở Minh Đức quán mà ban ngày nàng đã giấu vào đây.
Triệu Yên ngồi dưới đất, ôm những bức thư a huynh để lại vào lòng, hít thở sâu một hơi rồi mới buồn rầu ôm theo tâm trạng thấp thỏm sắp được gặp lại cố nhân, mở những lá thư này ra.
Đèn đêm tối mờ, chỉ có chiếc bóng lẻ loi làm bạn với nàng.
[Cống sinh Vương Dụ, khấu bẩm Thái tử điện hạ]
[Cống sinh Trình Ký Hành, thân bẩm]
[Thẩm Kinh Minh thân bút]
Mấy phong thư chỉ viết đôi lời ít ỏi, nêu ra kiến giải của mình về tình trạng lễ giáo, quốc pháp, chính trị đương thời, lạc khoản trong thư đều đề là nho sinh của Minh Đức quán, chắc hẳn họ chính là những người cùng chung lý tưởng thường hay trò chuyện rất vui vẻ với Triệu Diễn. Trong số những lá thư này, thư của Thẩm Kinh Minh xuất hiện nhiều nhất, tiếp đến là Vương Dụ và Trình Ký Hành.