Ninh Vân và Ninh Chi từ nhỏ đã theo mẫu thân cùng a nương tập luyện võ công, rèn đao múa kiếm. Sớm đã theo hai người họ ra chiến trận gϊếŧ giặc, luyện binh. Năm Ninh Vân 18 tuổi, mẫu thân trọng thương qua đời, a nương đau lòng đến độ cả ngày khóc thương đến mù lòa hai mắt.
Ninh Vân được truyền lại vị trí đại tướng quân, nắm trong tay hơn ngàn vạn binh sĩ. Ninh Chi năm đó vì nhìn thấy mẫu thân qua đời, lại vì thấy a nương đau thương mà sinh bệnh cũng đi theo người, bà đã tự thề cả đời này tuyệt đối sẽ không thành thân, bà không muốn bất kỳ một ai vì mình mà trở thành cô phụ, hay vì ai mà trở nên đau khổ như vậy.
Ninh Vân tuổi trẻ đã nắm lấy binh quyền, ngày qua tháng lại cũng chỉ nghĩ đến binh thương chiến trận, vốn không cùng ai qua lại thân thích, trong kinh thành cũng chẳng ai dám gả nữ nhi qua cho Ninh gia vì không biết khi nào người tử trận ở chiến trường, xác cũng tìm không thấy. Ninh Vân đến năm 21 tuổi vẫn đơn thân độc mã chém gϊếŧ ở biên cương.
Đại Thành và Đại Sở có mối quan hệ rất tốt, tiếng tăm của Ninh gia sớm đã lan truyền khắp thiên hạ. Năm đó, Đại Sở bị ngoại bang xâm lấn, đưa thư cầu cứu sang Đại Thành, Tiên Đế ban chỉ cho Ninh Vân dẫn theo đại binh đến biên giới hai nước viện trợ. Ninh Vân xông pha chiến trường, bách trận bách thắng. Đại quân Ninh gia kéo đến liền đập tang ngoại bang, càng giúp cho tình hữu nghị giữa Đại Thành và Đại Sở thêm chặt chẽ.
Sau khi cứu viện, Ninh Vân để cho binh sĩ ở lại một thị trấn gần đó nghỉ ngơi trước khi hành quân về lại quê nhà. Tối hôm đó bà một mình đi dạo phố, ngay lúc có lễ hội hoa đăng. Nam thanh nữ tú đều kéo nhau ra ngoài hẹn hò gặp gỡ, Ninh Vân ghé hàng ăn mua một vài xiên thịt nướng. Vừa quay lưng đi chưa kịp thưởng thức đã bị một nữ nhân va phải khiến thịt xiên rơi hết xuống đất, nữ nhân đang cầm hoa đăng trong tay cũng làm rơi xuống bốc cháy.
Nàng ta không những không xin lỗi lại còn hất mặt bắt Ninh Vân phải đền lại hoa đăng cho mình. Ninh Vân không giỏi ăn nói, chỉ tranh cãi với nữ nhân kia một chút liền nói không lại, đành ngậm ngùi mua một cái hoa đăng khác đền cho nàng ta. Sau khi đưa hoa đăng cho nữ nhân, Ninh Vân chán nản quay lưng đi muốn trở về quán trọ nghỉ ngơi không ngờ nữ nhân đó vẫn một mực bám theo bà. Ninh Vân vốn không phải người dịu dàng, Đại Thành lại là đất nước của nữ nhi nên bà đã quen với việc bình đẳng giữa các nữ nhân.
Bị người khác đeo bám, Ninh Vân không nhịn được liền phát tiết giận dữ hù dọa nữ nhân kia. Vốn gương mặt đã lạnh lùng, vô cảm lúc này còn muốn dọa người, Ninh Vân liền biến thành yêu quái ba đầu sáu tay trong mắt nữ nhân kia. Nàng ta khóc rất lớn, lớn đến mức tất cả mọi người đi ngang qua đều nhìn vào hai người chỉ trỏ bàn tán. Ninh Vân không biết cách dỗ dành người khác, trong tình huống khó xử này không thể làm gì hơn đành kéo tay nàng ta vào quán trọ.
Nữ nhân ngồi trên chiếc giường trong phòng Ninh Vân khóc lóc một lúc cũng chịu nín rồi ngủ thϊếp đi. Ninh Vân không nỡ để nàng ta nửa đêm ra ngoài đành ngồi một bên canh giữ, chịu đựng cơn buồn ngủ.
Đến sáng nữ nhân kia mới chịu tỉnh lại, điểm tâm được tiểu nhị mang lên để sẵn ở bàn, Ninh Vân đang ở bên ngoài hối thúc các binh sĩ chuẩn bị hành lý để lên đường quay về Đại Thành. Đến khi bà quay lại phòng để dùng bữa thì thức ăn đã bị nữ nhân kia ăn sạch không chừa lại gì.
Ninh Vân tức giận đến đỏ mặt nhưng không làm gì được nàng ta, chỉ sợ nếu như mình còn lớn tiếng, nàng ta liền dở giọng khóc lóc đến sập cả quán trọ. Ninh Vân đành gọi một phần ăn khác, trong lúc bà đang ăn màn thầu, nữ nhân kia liên tục hỏi bà rất nhiều chuyện. Ninh Vân không giấu giếm nói thật rằng mình là đại tướng quân của Đại Thành mang binh đến cứu viện. Nữ nhân kia hai mắt liền sáng rực nhìn Ninh Vân đòi đi theo bà về Đại Thành.
Ninh Vân một mực từ chối, muốn đưa nữ nhân về nhà rồi mới xuất phát về Đại Thành. Nhưng có hỏi gì nữ nhân kia cũng không thèm nói, đến giờ khởi binh, Ninh Vân thay ra giáp y, vẻ ngoài đầy tiêu soái, uy vũ khiến mọi người đều nhìn bà chăm chú. Nữ nhân kia đứng trước ngựa nói nếu bà không đưa nàng ta theo nàng ta liền tự vẫn trước mặt bà. Ninh Vân không cam tâm nhưng đành cho nàng ta theo, nữ nhân không biết cưỡi ngựa, một mực đòi ngồi cùng con chiến mã của Ninh Vân.
Không thể chậm trễ quay về, Ninh Vân đành thỏa hiệp cho nàng ta ngồi lên chiến mã. Đoàn binh sĩ đi khỏi Đại Sở đến được biến giới Đại Thành, nữ tử kia mới chịu nói tên tuổi. Nàng tên Tần Hy Nghiên, nàng nói nàng là một nữ nhân bình thường ở Đại Sở nhưng Đại Sở trọng nam khinh nữ, nàng sớm đã muốn chạy đến Đại Thành sinh sống nhưng chỉ đi được đến đây liền bị kẹt lại không thể vượt qua biên giới. Phật Tổ phù hộ cho nàng gặp được Ninh Vân nên nàng mới một mực đòi theo bà đến Đại Thành.
Ninh Vân một đường lắng nghe, cũng không chút nghi ngờ, cảm thấy Tần Hy Nghiên không biết võ công lại vô hại, lý gì phải gạt người. Đường từ Đại Sở trở về Đại Thành mất hơn 3 ngày đường, suốt đường đi Tần Hy Nghiên rất ngoãn ngoãn nghe lời. Tính cách nàng hoạt bát, vui vẻ, đôi khi có chút bướng bỉnh, các binh sĩ đều sớm thân cận vì tính cách của nàng. Ngay cả một người vô cảm như Ninh Vân cũng đã động tâm với nàng.
Đại quân về đến doanh trại ở Nam Thành, Ninh Vân mang về một nữ nhân lạ mặt khiến cả quân doanh náo động một trận. Ninh Vân sắp xếp cho Tần Hy Nghiên một gian phòng trong phủ của bà ở doanh trại. Nàng ở quân doanh tính cách càng thể hiện rõ sự phóng khoáng, không ngại khó ngại khổ. Tần Hy Nghiên không biết võ công, nên mỗi ngày nàng đều chạy vào bếp ăn của quân doanh giành nấu ăn. Các binh sĩ càng ngày càng yêu mến nàng, nàng xuất hiện nơi nào, nơi đó liền náo nhiệt vui vẻ.
Sớm chiều ở chung một nhà, dần dần tình cảm của Ninh Vân và Tần Hy Nghiên càng sâu sắc cuối cùng trở thành người nhà. Một đêm xuân thanh tịnh, Ninh Vân cho nàng một hôn lễ đơn giản ở quân doanh để thông cáo thiên hạ, Tần Hy Nghiên là người của mình.
Năm đó Tiên Đế băng hà lần đầu tiên Ninh Vân đưa Tần Hy Nghiên về kinh thành. Khi Kỳ Nguyệt đăng cơ, Ninh Vân một lòng phò tá vì vậy không một kẻ nào dám bạo loạn tranh ngôi, Ninh Vân được phong thừa tướng nhưng chức vị này không quen miệng, người ta thường vẫn gọi bà là Ninh tướng quân.
Sau đó Ninh Vân cho Tần Hy Nghiên ở lại phủ Ninh gia còn mình quay lại Nam Thành luyện binh nhưng hai người sớm kề cận bên nhau nên không thể xa rời. Phải thường xuyên đi lại giữa kinh thành và biên cương, Tần Hy Nghiên không nỡ để Ninh Vân nhọc lòng nên đi theo Ninh Vân đến ở tại Nam Thành, khi có lệnh triệu hồi mới cùng bà quay về kinh.
Nữ Vương đăng cơ được hai năm, một đoàn sứ thần ở Đại Sở đến để tiến cống vật phẩm. Chiếu chỉ hồi kinh ban xuống, Ninh Vân đưa Tần Hy Nghiên quay về kinh thành. Khi gặp đoàn sứ thần mọi chuyện mới vỡ lẽ, Tần Hy Nghiên là đích nữ của Tần gia, một gia tộc lớn bậc nhất ở Đại Sở.
Năm đó phụ thân muốn gả nàng cho một vị hoàng tử để tranh giành vị thế, tính cách bướng bỉnh của Tần Hy Nghiên không cho phép nàng bị người khác định đoạt hạnh phúc. Không thuyết phục được phụ thân, Tần Hy Nghiên bỏ nhà đi biệt tích. Cùng lúc Ninh Vân lại đưa binh sang Đại Sở, Tần Hy Nghiên muốn nhân cơ hội này chạy đến Đại Thành nên đã cố ý tiếp cận bà.
Không ngờ sự cố ý này lại trở thành nguyện ý để hai người đến bên nhau. Đại ca của Tần Hy Nghiên lúc này là gia chủ của Tần gia, phụ thân của Tần Hy Nghiên đã già không thể tiếp quản gia tộc nữa. Nhưng hắn không thể ép nàng quay về được vì lúc này Tần Hy Nghiên đang mang thai Ninh Tử Uyên. Kỳ Nguyệt nghe được chuyện này liền muốn giúp Ninh Vân một chút công đạo, viết một bức thư cho hoàng đế Đại Sở, rồi cùng ban chiếu chỉ liên hôn cho Ninh Vân và Tần Hy Nghiên.