Kiếm Lai

Chương 32: Đào Diệp

Trần Bình An gánh nước về đến sân nhà Lưu Tiễn Dương, đổ vào chum nước trong bếp, sau đó chạy ra cửa phòng gọi lớn: "Lưu Tiễn Dương, cho ta mượn ít củi lửa, muối mắm nhé, ta muốn hầm canh cá cho Ninh cô nương bồi bổ cơ thể, được chứ?"

Lưu Tiễn Dương đang ngủ ngon lành thì bị đánh thức, tức giận gầm lên: "Họ Trần kia! Ngươi phiền chết đi được, ta vừa mơ thấy Trĩ Khuê cười với ta đấy! Mau đền Trĩ Khuê cho ta đi!"

Trần Bình An lắc đầu, nhớ ra một chuyện nên áy náy nói: "Vừa rồi ta có gặp Trĩ Khuê ở giếng Thiết Tỏa, nhưng mà bị Mã bà bà làm phiền nên quên mất không gửi lời giúp ngươi. Lát nữa ta mang canh cá cho Ninh cô nương, nhất định sẽ thay ngươi chuyển lời.”

Lưu Tiễn Dương bật dậy như cá chép lộn mình, vội vàng mặc quần áo, chạy ra bậc cửa trước nhà, nhìn bóng dáng gầy gò đang lui cui trong bếp, cười hì hì: "Lát nữa ta đi cùng ngươi. À mà hôm nay Trĩ Khuê có mặc cái váy màu đỏ hoa lựu không? Hay là cái váy màu xanh nhạt? Haizz, chừng nào ta để dành được hai trăm văn tiền nữa thì sẽ mua được hộp phấn bằng bạc chạm hình rồng kia. Ta biết nàng ấy thích nó lâu rồi mà không nỡ mua. Đều tại tên nhà giàu keo kiệt Tống Tập Tân kia, bản thân thì ăn mặc như công tử bột đường Phúc Lộc, vậy mà nỡ để Trĩ Khuê quanh năm suốt tháng chẳng có mấy bộ đồ mới. Nếu ta mà là thiếu gia nhà ấy, nhất định sẽ mua cho nàng tất cả những gì nàng thích, còn giàu sang hơn cả tiểu thư khuê các ở đường Phúc Lộc, trở thành đại tiểu thư giàu có nhất!”

Trần Bình An không thèm để ý đến giấc mộng viển vông của Lưu Tiễn Dương, thật sự không hiểu nổi tại sao hắn ta lại thích Trĩ Khuê. Đương nhiên không phải là chê bai thân phận nha hoàn của cô nàng, cũng không phải chê cô nàng xấu xí, chỉ là cảm thấy hai người họ…nhìn kiểu gì cũng không giống như có duyên phận.

Trần Bình An tò mò hỏi: “Sao ngươi cũng gọi nàng ta là Trĩ Khuê, mà không gọi là Vương Chu?”

Lưu Tiễn Dương cười toe toét: “Từ hồi biết ngươi không biết viết hai chữ “Trĩ Khuê” thì ta cũng chả thèm quan tâm nữa.”

Trần Bình An bất lực nói: “Ngươi so với ta làm gì, có bản lĩnh thì so với Tống Tập Tân ấy, Trĩ Khuê đâu phải nha hoàn nhà ta.”

Lưu Tiễn Dương khinh bỉ nói: “Tên đó đâu phải cái gì cũng hơn ngươi. Ví dụ như đời này hắn ta đã từng gọi ai là cha, là mẹ chưa? Chưa từng đúng không? Chuyện này chẳng phải là không bằng Trần Bình An ngươi sao? Chẳng trách mẹ của Cố Xán, rồi thì Mã bà bà, mấy bà cô kia đều độc mồm độc miệng như vậy. Tống Tập Tân vốn dĩ cũng không phải người xuất thân trong sạch gì, bằng không tại sao không ở trong phủ quan coi lò nung cho đàng hoàng, lại phải chui rúc ở cái xó xỉnh ngõ Nê Bình nhà ngươi? Tên đó còn dám khinh người, đáng đời bị người ta gièm pha, mắng là đồ con hoang.”

Trần Bình An đứng dậy, đi ra cửa bếp: “Lưu Tiễn Dương, tuy ta và Tống Tập Tân không phải là bạn bè gì, nhưng ngươi nói người ta như vậy…”

Lưu Tiễn Dương vội vàng giơ hai tay lên, kiên quyết không cho Trần Bình An nói tiếp, ranh mãnh nói: “Ta không nói nữa, được chưa? Trần Bình An, cái tính cố chấp của ngươi rốt cuộc là di truyền từ ai vậy? Ông nội ta từng nói, cha mẹ ngươi đều là người dễ tính, đặc biệt là mẹ ngươi, nói chuyện nhỏ nhẹ, lại hay cười, tính tình hiền lành, không chê vào đâu được. Ông nội ta còn nói, ngày trước Mã bà bà mắng chửi gần hết người trong mấy con hẻm này, chỉ khi gặp mẹ ngươi là không những không bắt bẻ mà còn tươi cười niềm nở nữa.”

Trần Bình An cười toe toét.

Lưu Tiễn Dương xua tay đuổi người: “Nhanh đi hầm canh cho cô vợ nhỏ của ngươi đi.”

Trần Bình An trợn mắt: “Ngươi có giỏi thì nói câu đó trước mặt Ninh cô nương xem?”

Lưu Tiễn Dương cười nói: “Ngươi ngốc chứ ta đâu có ngốc.”

Một lát sau, Trần Bình An bưng ra một cái nồi đất nhỏ. Hai người khóa cửa nhà, cửa sân cẩn thận rồi cùng nhau đi về phía ngõ Nê Bình. Đến trước cửa nhà Trần Bình An, thấy cậu ta ngây ngốc đứng gõ cửa, Lưu Tiễn Dương mới biết hóa ra tên này đã đưa hết chìa khóa cho cô gái áo đen. Lưu Tiễn Dương cảm thấy tên này thật sự là hết thuốc chữa.

Lúc ở nhà, cô gái áo đen không đội nón sa. Khi mở cửa, khuôn mặt thanh tú hiện ra, Lưu Tiễn Dương bỗng dưng cảm thấy hơi sợ cô gái ít nói ít cười này, người to con như hắn cũng không hiểu tại sao. Nói về tính cách lạnh lùng thì Trĩ Khuê nhà bên còn hơn thế, nhưng Lưu Tiễn Dương vẫn có gan mặt dày bám lấy cô nàng. Còn nói là do cô gái áo đen đeo kiếm bên người thì cũng không đúng, Lưu Tiễn Dương đối mặt với đám công tử bột đường Phúc Lộc, dù bị truy đuổi đến mấy lần, phải chạy trốn như chó mất nhà, nhưng trong lòng cũng chưa từng sợ hãi.

Nhưng hắn ta lại hơi sợ cô nương tên Ninh Diêu đến từ phương xa này.

Cô gái áo đen ngồi vào bàn, mở nắp nồi, ngửi thấy mùi thơm, khẽ nheo đôi mắt dài hẹp lại, gật đầu dịu dàng nói: “Cảm ơn.”

Trần Bình An tinh ý nhận ra đây chính là biểu hiện tâm trạng đang rất tốt của cô gái lạnh lùng này.

Trần Bình An bắc nồi lên, nấu cho cô gái một nồi cháo, dặn dò cô chú ý lửa, sau đó nói với Lưu Tiễn Dương: “Ngươi tự mình đợi Trĩ Khuê ra ngoài nhé? Ta phải đi đưa thư đây.”

Lưu Tiễn Dương đang ngồi trên bậc cửa, vểnh tai nghe ngóng động tĩnh bên đó, sợ bỏ lỡ bất kỳ âm thanh nào của cuộc chiến giữa thần tiên, tâm trạng đang bực bội, nghe vậy bèn cáu kỉnh nói: “Ngươi đi đi!”

Trần Bình An rời khỏi sân, vừa chạy đến đầu ngõ Nê Bình thì bỗng nhiên thấy trước mắt tối sầm lại. Ngẩng đầu lên nhìn, hóa ra là một người đàn ông cao lớn mặc áo choàng trắng muốt như tuyết, một tay chắp sau lưng, một tay đặt lên thắt lưng bằng ngọc bích trắng, nhìn về phía xa.

Có lẽ nhận ra mình đang chắn ngang con hẻm nhỏ, người đàn ông mỉm cười, chủ động nghiêng người nhường đường cho Trần Bình An.

Trần Bình An thầm nghi hoặc, rảo bước rời khỏi ngõ Nê Bình, ngoái đầu nhìn lại, người đàn ông kia đã chậm rãi bước vào trong ngõ nhỏ.

Dù chỉ là thoáng nhìn, Trần Bình An cũng nhận ra trên chiếc áo choàng trắng muốt không dính một hạt bụi, ở trước ngực và sau lưng đều được thêu bằng chỉ vàng, tạo thành hai hình thù kỳ lạ, giống như có sinh vật sống đang di chuyển trong mây mù, núi non vậy. Trần Bình An không suy nghĩ nhiều, chỉ cho rằng lại có người từ phương xa như Phù Nam Hoa đến ngõ Nê Bình tìm kiếm cơ duyên. Sau hôm đó đi cùng Tề tiên sinh qua gốc cây hòe già, cậu thiếu niên đi giày cỏ cũng không còn lo lắng nữa, luôn cảm thấy chỉ cần có Tề tiên sinh ở thị trấn thì cho dù có chuyện gì xảy ra, ít nhất cũng có thể tìm được công bằng cho mình.

Trần Bình An chạy vụt qua ngõ Hạnh Hoa, nhìn thấy cô gái áo xanh hôm qua gặp ở tiệm hoành thánh, cô nàng vẫn đang ngồi đó, một tay cầm đũa gõ nhẹ lên mặt bàn, cả khuôn mặt tròn trịa mũm mĩm trẻ con tràn đầy vẻ rạng rỡ. Ánh mắt cô gái dán chặt vào nồi hoành thánh đang sôi sùng sục trên bếp, hoàn toàn không chú ý đến Trần Bình An đang đứng cách đó năm, sáu bước chân.

Đối với cô gái áo xanh, trước mặt là mỹ thực thì cho dù trời có sập xuống cũng phải ăn xong rồi mới chạy!

Trần Bình An thật sự bội phục cô gái xa lạ này, cũng không muốn làm phiền cô nên chỉ mỉm cười tiếp tục chạy về phía Đông thị trấn.

Có những người, có những việc, dù chỉ là cảnh đẹp bên đường, nhưng chỉ cần nhìn một cái thôi vẫn khiến người ta cảm thấy vui vẻ.

Khi Trần Bình An đến cổng thành phía Đông, ông lão ăn mặc lôi thôi đang đứng trên gốc cây, kiễng chân nhìn về phía Đông, như thể đang chờ đợi một nhân vật quan trọng nào đó.

Trước đây, Trần Bình An từng nghe các cụ già nói chuyện phiếm dưới gốc cây hòe già, rằng lần đầu tiên vị quan coi lò nung đương nhiệm đặt chân đến thị trấn đã cho người bày binh bố trận rầm rộ, các bậc tiền bối của bốn họ mười dòng họ gần như huy động toàn bộ lực lượng đến cổng thành phía Đông “đón rước”. Kết quả là chờ đợi dưới trời nắng gắt mấy canh giờ, cuối cùng một tên thuộc hạ từ nha môn hớt hải chạy đến, nói rằng quan lớn vừa thức dậy sau giấc ngủ trưa, bảo mọi người đến thẳng nha môn gặp mặt là được. Đám người giàu có kia tức đến mức muốn tu hành luôn tại chỗ. Tuy nhiên, nghe nói sau khi bước vào cổng nha môn lại chẳng ai dám hó hé nửa lời, ai nấy đều cười toe toét như cháu chắt trong nhà.

Trần Bình An luôn thắc mắc tại sao những người già đó nói như thể chính mắt họ đã chứng kiến vậy, mỗi lần kể mấy chuyện về đường Phúc Lộc, ngõ Đào Diệp thì còn thật hơn cả thật. Ví dụ như chuyện nhị phu nhân nhà họ Lư dan díu với tên gia sư dạy võ bị người ta bắt quả tang tại trận, đến cả chi tiết nhị phu nhân luống cuống che chắn bộ ngực đồ sộ bằng cách nào cũng được kể vanh vách y như thể người kể chuyện chính là gã gia sư kia vậy.

Mỗi lần nghe kể, Lưu Tiễn Dương đều nuốt nước bọt ừng ực, Tống Tập Tân thi thoảng cũng đến nghe, nhưng không bao giờ dẫn Trĩ Khuê theo, nụ cười của cậu ta thì kín đáo hơn Lưu Tiễn Dương, nhưng mỗi khi hùa theo mọi người ồn ào thì lại hăng hái hơn cả, còn lớn tiếng hơn cả lúc đọc sách thánh hiền sáng tối.

Trần Bình An ngồi xổm bên cạnh gốc cây, kiên nhẫn chờ đợi ông lão gác cổng.

Ông lão chửi thề một tiếng, nhảy xuống khỏi gốc cây, liếc nhìn cậu thiếu niên đi giày cỏ một cái rồi không nói gì mà đi vào căn chòi bằng đất lấy một xấp thư ra, đưa cho Trần Bình An sáu bức thư nhà, nhưng chỉ đưa năm đồng tiền.

Trần Bình An liếc nhìn địa chỉ trên phong thư, cũng không nói gì. Bởi vì có hai bức thư là gửi cho hai nhà hàng xóm ở đường Phúc Lộc. Trần Bình An không muốn chiếm tiện nghi này, nhưng nếu ông lão kia đột nhiên tốt bụng, ban đầu đưa luôn sáu đồng tiền thì Trần Bình An cũng sẽ không từ chối.

Sau khi sắp xếp xong thứ tự đưa thư, Trần Bình An buột miệng hỏi: “Ông đang đợi ai à?”

Ông lão liếc nhìn con đường lớn phía Đông, bực bội nói: “Đợi ông cố nội nhà ngươi ấy!”

Trần Bình An không muốn ở lại làm bao cát cho ông ta trút giận, vội vàng chuồn thẳng.

Ông lão bật cười: “Ồ, hóa ra là thằng nhóc tinh mắt đấy.”

Ông lão nhìn sắc trời, những tiếng sấm rền vang đã biến mất từ lâu, những đám mây đen kịt như muốn sà xuống mái hiên cũng đã dần tan đi.

Ông lão ngồi phịch xuống gốc cây, thở dài: “Thần tiên đánh nhau, người trần mắt thịt chịu khổ.”

————

Sáu bức thư thì đường Phúc Lộc có bốn bức, gửi cho bốn họ Lư, Lý, Triệu, Tống, hai bức còn lại là gửi đến ngõ Đào Diệp. Trong đó có một bức thư tình cờ lại là gửi cho gia đình của ông lão tốt bụng kia. Còn trùng hợp hơn là người ra mở cửa nhận thư lại chính là ông lão. Nhìn thấy Trần Bình An, ông lão nhận ra cậu thiếu niên đi giày cỏ, liền cười nói: “Cậu bé, vào nhà uống hớp nước đã?”

Trần Bình An ngượng ngùng cười, lắc đầu.

Ông lão cũng không thấy bất ngờ, chỉ lấy từ trong tay áo ra một nắm đồng tiền đưa cho Trần Bình An, cười hiền hậu giải thích: “Hôm nay nhà ta có chuyện vui, chút tiền mừng này coi như chia sẻ niềm vui với cậu, lấy hên thôi. Không nhiều lắm, chỉ mười mấy văn thôi, cứ cầm lấy đi.”

Lúc này Trần Bình An mới nhận lấy, cười nói: “Cảm ơn Ngụy gia gia!”

Ông lão gật đầu, đột nhiên nói: “Cậu bé, dạo này rảnh rỗi thì đến gốc cây hòe già ngồi chơi, nhìn thấy lá hòe, cành hòe gì đó thì nhặt về nhà, có thể đuổi kiến, đuổi côn trùng, tốt lắm, lại không tốn tiền.”

Trần Bình An đứng trên bậc thang, cúi đầu cảm tạ ông lão.

Ông lão mỉm cười: “Đi đi, Nhất niên chi kế tại vu xuân (kế hoạch một năm nằm ở mùa xuân), thanh niên trai tráng thì nên vận động nhiều một chút, chắc chắn là chuyện tốt.”

Cậu thiếu niên chạy ra khỏi con hẻm lát đá xanh, rời khỏi ngõ Đào Diệp.

Ông lão đứng trước cửa nhà rất lâu, nhìn hàng cây đào hai bên đường. Một cô a hoàn trẻ tuổi, dáng người yêu kiều đi đến bên cạnh ông lão, nhỏ giọng nói: “Lão gia, ngài đang nhìn gì vậy ạ? Bên ngoài trời lạnh lắm, cẩn thận cảm lạnh.”

A hoàn hầu hạ ông lão đã nhiều năm, biết rõ lão gia là người nhân hậu nên không hề sợ hãi, mỉm cười tinh nghịch hỏi: “Lão gia, chẳng lẽ ngài đang nhớ về người con gái mình đã gặp lúc còn trẻ sao? Người con gái đó ngày ấy cũng đứng dưới gốc cây đào này à?”

Ông lão tóc bạc phơ cười nói: “Đào Nha, ngươi cũng tinh ý giống như cậu bé đưa thư kia nhỉ.”

A hoàn được khen ngợi, e thẹn mỉm cười.

Ông lão đột nhiên nói: “Hai ngày nữa có một người họ hàng xa ghé chơi, đến lúc đó ngươi đi cùng mấy đứa nhỏ trong nhà ra khỏi thị trấn đi.”

A hoàn sững sờ, bỗng nhiên hai mắt đỏ hoe, nức nở nói: “Lão gia, con không muốn rời khỏi đây.”

Ông lão vốn dễ tính bỗng nhiên phất tay áo: “Để ta ngắm cảnh sắc con ngõ nhỏ này thêm một lát, ngươi về trước đi. Đào Nha, nghe lời, nếu không ta giận đấy.”

A hoàn chỉ đành rụt rè rời đi, ba bước ngoái đầu nhìn lại một lần.

Lá đào ở ngõ Đào Diệp xanh mướt, nhưng vẫn chưa có hoa.

Ông lão khẽ thở dài một tiếng, bước qua ngưỡng cửa, đi xuống bậc thang tiến về phía gốc cây đào gần nhất. Đứng dưới gốc cây, ông lão buồn bã nói: “Tao chi yểu yểu, chước chước kỳ hoa (Cành đào mơn mởn, rực rỡ hoa tươi). Thật sự là không còn được gặp lại nữa rồi.”

Ông lão quay đầu nhìn căn nhà của mình, lẩm bẩm: “Sự ưu ái mà thị trấn nhỏ này có được vốn dĩ đã đi ngược đạo trời, năm xưa bị các vị thánh nhân dùng thần thông biến đổi, hưởng trọn ba nghìn năm khí vận. Người đời đời kiếp kiếp đi ra từ thị trấn này đều sinh sôi nảy nở, phát triển rực rỡ khắp Đông Bảo Bình Châu. Nhưng đâu phải dễ qua mặt ông trời, đến lúc phải tính sổ, đòi nợ rồi. Mấy đứa nhỏ các con không mau rời khỏi, chẳng lẽ còn muốn ở lại đây cùng đám người già chúng ta, những mảnh gốm sứ cũ nát chờ chết hay sao? Phải biết rằng, chết cũng có cái chết lớn, cái chết nhỏ. Mấy nghìn nhân mạng trong thị trấn một khi đã chết, chính là chết oan chết uổng, đến cả kiếp sau cũng không có.”

“Vì vậy, nhân lúc ông trời còn chưa nổi giận, đi được người nào hay người đó.”

Ông lão đưa bàn tay gầy guộc ra vuốt ve cành đào: “Lòng người mong mỏi, hy vọng ông trời đừng phụ lòng người.”

Không biết từ lúc nào, bà lão chống gậy, bà nội của cậu học trò Triệu Dao, đã đi đến bên cạnh: “Đã sắp xuống lỗ rồi mà vẫn còn ngây thơ như vậy, giống hệt đám con gái son phấn lòe loẹt, thật sự là ghê tởm. Đại nạn sắp ập đến, ông nghĩ chỉ bằng chút lòng tốt của mình mà có thể thay đổi được gì sao?”

Ánh mắt ông lão có chút mơ hồ, nhìn bà lão tóc bạc phơ, buột miệng nói: “Bà đến rồi đấy à.”

Bà lão ngẩn người, sau đó lập tức tức giận, giơ gậy đánh tới: “Lão già không biết xấu hổ, sắp chết đến nơi rồi còn giở trò ve vãn à?!”

Cây gậy giáng xuống như mưa, ông lão chỉ đành chạy trối chết, nhưng vẫn không nhịn được cười ha hả.

Bà lão đứng dưới gốc cây đào vẫn còn tức giận, hối hận không nên mềm lòng, tự dưng lại đi đến cái xó xỉnh ngõ Đào Diệp này.

Cuối cùng, bà lão ngẩng đầu nhìn những chồi non đang nhú lên trên cành đào.

Bà lão chống gậy bước từng bước trở về đường Phúc Lộc, tiếng gậy gõ trên mặt đất lát đá xanh vang lên đều đều.

Một thị trấn phồn hoa yên bình ngàn năm, không ngờ đến cuối cùng lại là nơi tập trung những con người đáng thương không có cả kiếp sau.

Thật sự không còn một tia hy vọng nào sao?

————

Nước suối cạn dần, nước giếng lạnh lẽo, cây hòe già càng thêm già cỗi, ổ khóa sắt gỉ, mây đen giăng kín.

Năm nay, lá đào không nhìn thấy hoa.