Sáng ngày hôm sau tôi dậy rất sớm, tâm trạng tốt, tinh thần tốt nên vừa ra ngoài đã cười tươi:
“Thím Vân nấu đồ ăn sáng đấy à?”.
“Khuê về rồi đấy à?”. Thím Vân quay đầu lại, thấy tôi thì ánh mắt cũng sáng lên: “Về từ lúc nào thế?”.
“Cháu về lúc 11 giờ ạ, giờ ấy thím đi ngủ rồi nên cháu không gọi”.
“Thế hả? Chiều qua Xuyên bảo nấu thêm phần cơm cho cháu, nhưng thím nấu xong rồi chờ mãi mà không thấy cháu về. Cuối cùng thím với Xuyên phải ăn trước”. Thím Vân nhìn tôi từ đầu đến chân một lượt rồi lại hỏi: “Về nhà ngoại chơi vui không? Trông da dẻ có vẻ hồng hào ra đấy. Khác hẳn mấy hôm bị dạ dày phải nằm viện. Mấy hôm đấy trông mặt cháu xanh mét, người thì như tờ giấy ấy”.
“Cháu khỏe rồi. Uống thuốc vào nên dạ dày cũng đỡ, ở bên nhà bên kia có bố mẹ nên vui, nhanh khỏi ốm hơn ạ”.
“Ừ, vẫn còn sớm. Dậy sớm làm gì. Hay vào ngủ thêm đi, thím nấu xong đồ ăn sáng rồi gọi”.
“Thôi, cháu ra vườn cắt mấy bông hoa vào cắm, mặt trời lên rồi mà”.
“Ừ, thế đi đi, cẩn thận gai cào vào người đấy nhé”.
“Cháu biết rồi ạ”.
Buổi sớm, không khí ngoài vườn rất mát mẻ, trên mấy phiến lá còn đọng lại mấy giọt sương đêm qua, khi tôi đi ngang thì rơi rào rào xuống đất, mát rượi cả gót chân.
Có lẽ mới từ nhà bố mẹ về nên tôi không có cảm giác bị giam lỏng, nhìn mấy cánh hoa nở đỏ thẫm vào buổi sớm thậm chí còn cảm thấy rất tự tại thoải mái. Tôi cầm kéo chọn mấy bông hồng sắp nở rồi cắt gọn gàng, cắt đến bông thứ 5 mới chợt thấy ở bên hông nhà có mấy chiếc chum lớn trồng sen.
Lúc trước tôi đi thì không thấy có, giờ bỗng nhiên xuất hiện ở đây thì chắc hẳn là Xuyên vừa mới gọi người mang đến. Trong chum có 4, 5 bông sen hồng đang chuẩn bị nở, tôi cúi đầu hít hít ngửi ngửi, thấy thơm lừng thì không nỡ cắt, chỉ đứng ngắm một lúc rồi ôm bó hồng quay vào nhà.
Giờ ấy Xuyên cũng đã dậy rồi, đang ngồi ở ghế mây đọc báo. Thấy tôi cầm hoa đi vào, anh ta mới hỏi: “Sao không cắt sen?”.
“Đẹp lắm, cắt đi thì tiếc”. Tôi cười: “Anh mới mua mấy chum sen đó à?”.
“Ừ, đang vào mùa, bên công ty cây xanh nói sen đó nở có mùi thơm nên tôi bảo họ mang đến”. Anh ta liếc tôi: “Em thích à?”.
Tôi gật đầu: “Vâng. Thích”.
Trần Lịch Xuyên không nói nữa, lại tiếp tục cúi đầu đọc báo, tôi thì im lặng ở bên cắm hoa, xong xuôi lại nghe tiếng thím Vân í ới gọi ra ăn sáng, giống hệt như một gia đình bình yên vậy.
Nhưng lúc bắt đầu đi đến trại giam thì tôi mới cảm nhận sâu sắc rằng không phải. Tôi với anh ta là kẻ thù, vĩnh viễn không thể đứng chung chiến tuyến, sắp tới tôi là luật sư của bên bị đơn, còn anh ta chính là nguyên đơn.
Tuy nhiên, nguyên đơn lại là người ngủ với tôi mỗi đêm, chuyện này mà truyền ra ngoài thì chắc chắn người ta sẽ phải trố mắt nhìn chúng tôi đấy nhỉ?
Xe chạy không lâu thì dừng ở một đồn công an trong thành phố, hình như mấy cán bộ ở đây có quen Xuyên nên khi chúng tôi bước vào ai cũng đều niềm nở:
“Anh Xuyên đến đấy à?”. Một người công an đứng dậy bắt tay. Xuyên cũng cười đáp: “Mọi người có khỏe không?”.
“Vẫn khỏe. Bọn tôi đang nghiên cứu hồ sơ của anh đây. Chuẩn bị mấy hôm nữa chuyển sang viện kiểm sát để truy tố”.
Anh ta gật đầu: “Cậu ta vẫn tạm giam ở đây phải không?”.
“Vâng. Vẫn tạm giam ở nhà phía sau”. Người công an kia lúc này mới thấy tôi đi sau anh ta, hơi ngạc nhiên hỏi: “Đây là…”.
“Luật sư của bên bị đơn”.
Vẻ mặt của anh công an không khác dự đoán của tôi là bao, nhìn hai người chúng tôi đầy quái gở, giống như hai kẻ tâm thần vừa từ trên trời rơi xuống vậy.
Nguyên đơn dẫn theo luật sư của bị đơn đến, chắc anh ta làm công an chừng ấy năm cũng chưa gặp trường hợp này bao giờ. Nhưng vì phép lịch sự nên vẫn chào hỏi, tôi cũng nhiệt tình bắt tay, giới thiệu mình là luật sư, lần này đến đây để xin gặp đương sự thu thập tài liệu cho việc bào chữa.
Anh công an hỏi tôi: “Chị có thẻ luật sư không?”.
Tôi nói “Có”, sau đó rút ra tấm thẻ luật sư ở nước ngoài. Người kia xem xong mới tròn xoe mắt nhìn tôi: “Chị là tiến sĩ Luật ở Pháp?”.
“Vâng ạ”. Tôi gật đầu: “Tôi có 5 năm kinh nghiệm bào chữa trong hệ thống tòa án của Pháp. Mới vừa thi đỗ tiến sĩ cách đây 3 tháng”.
“Chị có chứng chỉ hành nghề luật sư ở Việt Nam không?”.
“Tôi không có, nhưng chứng chỉ hành nghề ở Pháp của tôi được pháp luật Việt Nam công nhận. Anh có thể kiểm tra ạ”.
Anh công an kia ngây ra vài giây, sau đó nói phải đi hỏi một chút rồi lật đật chạy đi. Trong phòng làm việc chỉ còn hai người bọn tôi và một chị công an nữa đang đánh máy, Xuyên ngồi xuống ghế chờ, tôi cũng ngồi theo.
Anh ta hỏi: “Tiến sĩ Luật?”.
“Tôi thi ăn may nên mới đỗ tiến sĩ thôi”. Tôi ngượng ngập cười: “Ở bên Pháp có nhiều luật sư giỏi lắm. Ở bên ấy tôi cãi thua suốt. Lần nào thua cũng trốn vào một góc uống rượu, nếu gom lại thì vỏ chai chất đầy một xe tải rồi”.
“Khóc à?”.
Tôi bĩu môi: “Chỉ khóc lần đầu tiên thôi. Lần đó lên tòa bị thua đến tơi tả, không còn mặt mũi nào nhìn đương sự nữa. Mãi sau mới biết bọn họ gài tôi”.
Trần Lịch Xuyên nhướng mày, không hỏi, chỉ để tôi tự nói. Có lẽ hôm nay đầu tôi bị úng nước nên mới kể lại chuyện mất mặt đó cho anh ta nghe: “Cái cô đương sự của tôi ấy, mới có 18 tuổi thôi, kiện ông giám đốc quấy rối cô ta. Lúc đầu gặp thì cứ khóc lóc nói ông giám đốc kia vừa c.ưỡ.ng bức vừa đánh, mà người cô ta cũng mấy vết thương như bị đánh thật nên tôi tin. Mãi đến khi lên tòa mới biết cô ta nói dối tôi, cô ta với ông giám đốc kia không thỏa thuận được giá nên mới cãi nhau, xong rồi kiện lên tòa”.
Anh ta bảo: “Năm đó em bao nhiêu tuổi?”
“22 tuổi”.
“Vẫn còn trẻ, thua là chuyện bình thường. Không có gì là mất mặt cả”.
Tôi kinh ngạc ngẩng lên nhìn anh ta, lúc trước chưa từng có ai nói với tôi như vậy. Là một luật sư, lên tòa ai cũng khát khao được thắng, khát khao được chứng minh. Tôi học nhảy cóc, 18 tuổi đã tốt nghiệp đại học, qua 4 năm tập sự hành nghề mới được lên tòa lần đầu tiên, đến khi thua, không những đương sự chửi bới mắng tôi là đồ vô dụng, ngay cả cấp trên của tôi cũng nói tôi làm luật sư thì không nên dễ bị lừa như vậy. Chỉ có Trần Lịch Xuyên bảo người trẻ tuổi thua là chuyện bình thường.
Là bình thường thật sao?
Trong lúc tôi còn chưa biết đáp thế nào thì anh ta lại hỏi: “Em thắng bao nhiêu lần?”.
“Không đếm được”.
Xuyên cũng cười: “Không đếm được nghĩa là cũng giỏi rồi. Tôi cũng phải bảo luật sư của công ty mình chuẩn bị kỹ mới được”.
“Tôi biết luật sư của công ty anh”. Tay tôi vẫn còn mùi thơm thơm của thuốc liền sẹo, lúc ngồi gần nhau, đặt bên cạnh tay anh ta thấy đúng như que củi: “Cô ấy là bạn của tôi. Lúc trước cũng có nói nếu gặp tôi trên tòa cũng sẽ không nương tay với tôi. Nhưng để đảm bảo sòng phẳng, hay là anh cứ thay luật sư khác đi”.
Tôi nghĩ sớm muộn gì Xuyên cũng biết chúng tôi quen nhau, sợ đến lúc lên tòa lại ảnh hưởng đến công việc của Nhung nên mới nói trước thế. Nhưng không ngờ anh ta lại đáp: “Không cần. Tôi tin luật sư của tôi”.
Dùng người phải tin, ý anh ta là như vậy!
Tôi định nói nữa, nhưng lúc này anh công an kia chạy ra, nói tôi có thể vào phòng chờ để được gặp anh trai tôi. Tôi đứng dậy, nhìn Xuyên một cái, thấy anh ta không nói gì mới bảo Xuyên chờ một lát, sau đó mới đi theo công an làm thủ tục để vào khu bên trong.
Đứng chờ gần nửa tiếng thì mới thấy hai người công an khác dẫn anh cả đi ra, đứng từ xa đã nghe giọng anh ấy bực tức mắng: “Tôi không muốn gặp luật sư. Không cần gặp”.
“…”
“Không bào chữa gì hết, các người bảo thằng Xuyên kh.ốn ki.ếp đó có giỏi thì đến đây đánh tay đôi. Đánh xong ngồi tù cả đời cũng được, khỏi cần gặp luật sư”.
Tính anh ấy thế, ngông nghênh không biết trời cao đất dày, tôi không lạ gì. Nhưng miệng thì to thế thôi chứ sau 10 ngày không gặp, trông anh cả tiều tụy đi rất nhiều. Râu ria tóc tai xồm xoàm, mặt mày bầm tím, khóe môi vẫn còn vương mấy vệt máu vừa mới khô. Trông bết bát thảm hại, không còn dáng vẻ của cậu ấm tiền tiêu như rác lúc xưa nữa.
Tôi rất đau lòng, vội vàng gọi một tiếng: “Anh cả”.
Nghe giọng tôi, anh cả lập tức ngước lên, vẻ hung hăng trên mặt vơi đi quá nửa. Có lẽ anh ấy không nghĩ tôi sẽ đến đây nên hơi ngẩn ra, vài giây sau mắt đỏ lên, thì lúng túng quay đi chỗ khác.
Anh ấy nói với người công an bên cạnh: “Tôi không gặp luật sư, đưa tôi về phòng giam”.
“Anh cả”. Tôi sợ anh ấy đi mất nên cuống cuồng chạy lại, định nắm lấy tay anh ấy nhưng mấy người công an kia không cho đến gần, nên tôi chỉ có thể nói: “Anh cả, là em mà. Anh cả, em đến thăm anh”.
“Không cần thăm, em đi về đi”. Anh trai tôi xấu hổ, không có mặt mũi gặp tôi nên xoay lưng lại, vội vã rảo bước định rời đi.
Tôi chạy theo, vừa khóc vừa nói: “Em đến để giúp anh. Anh cả, anh quên à? Em là luật sư. Em có thể giúp anh nhanh được về nhà mà. Anh cả, quay lại nhìn em đi. Em là Cơm Nắm mà”.
“…”
“Anh cả, bố mẹ rất nhớ anh. Không có luật sư bào chữa, anh định ở cả đời trong trại giam à? Mọi người chuyển về nhà ông bà nội rồi, không có anh ở nhà nên bố mẹ phải tự dọn dẹp hết. Bố bê cái chậu hoa, bị đau lưng. Bố bảo nếu có anh ở nhà thì chậu hoa đó để anh bê được rồi”. Tôi không kịp lau nước mắt, không kịp thở, cứ thế nói: “Anh cả, bố mẹ già rồi, em không ở cạnh bố mẹ nhiều được. Anh phải ra sớm còn về phụng dưỡng bố mẹ chứ. Nghe em, để em bào chữa đi. Anh quên Cơm Nắm của anh là luật sư giỏi à? Lúc ở Pháp anh còn đến tòa xem em tranh tụng còn gì? Anh cả”.
Anh cả không đáp, chỉ ngửa mặt lên trời một lúc, rất lâu sau mới quay lại, hai mắt đỏ hoe nhìn tôi: “Cơm Nắm”.
“Vâng, em là Cơm Nắm, em là em gái anh. Không, em là luật sư của anh. Anh cả, anh phải tin em, phải nghe lời em, chúng ta cùng nghĩ cách giải quyết để anh sớm về nhà”.
“Thằng kia sẽ không để cho anh sớm về nhà đâu”.
“Có, anh ấy có”. Chẳng biết sao tôi không cần nghĩ đã khẳng định như vậy, có lẽ vì tôi có lòng tin, tôi tin Trần Lịch Xuyên nói không nhúng tay vào thì chắc chắn sẽ không nhúng tay vào: “Anh ấy đồng ý để em làm luật sư cho anh”.
“Gì cơ?”.
“Anh ấy đồng ý để em làm luật sư cho anh”. Tôi nhắc lại: “Anh cả, vào phòng nói chuyện được không? Thời gian gặp không được nhiều, em cần thông tin để chuẩn bị tài liệu. Sắp tới còn phải lên tòa tranh kiện”.
Tôi thuyết phục đến mỏi cả miệng, cuối cùng anh cả mới chịu vào phòng nói chuyện với tôi. Đây không chỉ là lần đầu tiên tôi làm luật sư ở Việt Nam, mà còn làm luật sư cho anh trai mình, tâm trạng tôi rất căng thẳng. Lúc ngồi xuống cũng không hỏi mấy câu liên quan đến công việc, mà chỉ hỏi anh cả sống ở trong này thế nào, mấy ngày rồi có ăn ngủ được không.
Anh tôi đáp: “Tốt lắm, không phải lo”.
“Người ta có đánh anh không?”. Tôi nhìn khóe môi bị rách của anh ấy, biết mà còn hỏi.
Anh cả vẫn nói: “Chỉ có anh đánh bọn nó thôi chứ đứa nào dám đánh anh. Trong này chỉ có mấy thằng oắt con, không đứa nào đánh lại được anh đâu, không phải lo”
“Vâng”.
“Nói không phải lo mà còn khóc à, lớn rồi, khóc với lóc cái gì”.
Tôi vội vàng lau nước mắt, nói là không khóc nữa nhưng vẫn cứ thút thít. Anh cả bực mình, đành lấy tay chấm nước mắt cho tôi: “Rồi rồi, nín đi, anh cả không sao. Anh cả ăn tốt ngủ tốt, không bị ai bắt nạt. Anh cả sẽ sớm ra ngoài với Cơm Nắm, được không?”.
“Được ạ”. Tôi gật đầu lia lịa, sau đó bắt đầu lấy bút với sổ ra, nói: “Bây giờ em là luật sư của anh đấy. Đừng gọi em là Cơm Nắm nữa. Ngồi nghiêm chỉnh rồi kể lại cho luật sư của anh nghe xem nào”.
“Ừ, luật sư Cơm Nắm”.
“Đã bảo đừng gọi thế nữa mà”.
Anh cả cười cười, cũng không chịu kể đầu đuôi, tôi phải hỏi năm lần bảy lượt mới chịu nói hôm đó anh ấy đi uống rượu, gặp mấy thằng k.hốn khích bác, nói số xe cộ của anh cả bị Vạn Thịnh mua hết, người yêu anh ấy cũng đến làm ‘gái’ ở Vạn Thịnh, bảo anh cả chẳng khác nào thằng vô dụng, từ xe đến bồ đều bị Trần Lịch Xuyên nẫng tay trên.
Tôi nghĩ chắc chắn trong những lời khích bác kia còn có cả tôi nữa, nhưng anh cả không kể, chỉ bảo:
“Anh say, định cầm d.ao đến hỏi tội thằng Xuyên, nhưng lúc vào cửa bị mấy thằng bảo vệ ngăn lại”.
“Xong rồi sao nữa”.
“Anh vung d.ao lên định dọa để bọn nó tránh đường, nhưng có một thằng lao vào nên vung trúng”.
“Nghĩa là anh không cố tình c.hé.m anh bảo vệ đó”.
Anh tôi khẽ cau mày: “Anh thù oán gì với nó mà c.hé.m nó, ai bảo nó tự chạy vào đúng lúc anh đang vung d.ao nên mới bị c.hém trúng đấy chứ”.
“Anh ché.m thế nào?”. Tôi vừa hỏi vừa ghi chép, chữ thì ngoắng, như con giun: “Vung d.ao như thế nào mà trúng người ta”.
“Thì đang giơ lên nó chạy vào, xong anh giật mình mới vung xuống, trúng ngay vai nó. Thằng bảo vệ đó cao bằng một khúc, đứng còn chưa đến ngực anh. Chỉ được cái lăng xăng”.
Hỏi thêm một lúc thì hết giờ, lúc công an đến dẫn anh cả quay về phòng giam, anh ấy mới hỏi tôi Xuyên đối xử với tôi thế nào, thấy tôi nói vẫn tốt, anh cả lại bảo tôi nhớ tự bảo vệ bản thân, anh ấy không ở ngoài nữa, không bảo vệ tôi được.
Tôi mới lau nước mắt không lâu lại muốn khóc tiếp, nhưng sợ anh cả mắng nên chỉ hít vào một hơi thật sâu: “Anh yên tâm, anh ấy là người tốt”.
“Tốt”. Anh cả cố ngoái đầu lại nhìn tôi, nhỏ giọng mắng mỏ: “Đừng nghĩ nó cho em làm luật sư cho anh mà là người tốt. Chắc nó đang âm mưu gì đó thôi. Em đừng có tin nó. Cơm Nắm, nhớ không, đừng có tin nó. Nó là người muốn hại cả gia đình mình, thằng khố.n như nó không để bất cứ ai được yên ổn đâu”.
Tôi nhìn theo anh cả cho đến khi khuất hẳn sau cánh cửa khu tạm giam, nhìn cho đến tận lúc cánh cửa sắt nặng trịch đó đóng lại, lòng cũng nặng nề y như vậy.
Tôi cảm thấy cuộc sống hiện tại của tôi rất mâu thuẫn, hàng ngày chung sống cùng kẻ thù của tôi, gọi người ấy là chồng, nhưng lòng lại biết rõ mình không thể thật sự coi anh ta là người chung chăn gối. Thời gian qua, có rất nhiều lần tôi cảm nhận được anh ta là người tốt, không những đóng viện phí giúp, còn mua thuốc cho tôi, tự tay đút sữa cho tôi uống, vì muốn tôi nhanh khỏi bệnh mà sẵn sàng cho tôi về nhà.
Nhưng anh ta lại hại bố mẹ tôi, hủy hoại công ty của bố tôi, tống anh trai tôi vào tù. Anh cả nhắc nhở tôi Xuyên không phải là người tốt, tôi ngẫm lại cũng cảm thấy những điều anh ta làm đều làm người thân tôi tổn thương.
Vậy tại sao tôi lại có cảm giác anh ta là người tốt?
Thật mâu thuẫn!
Rời khỏi khu nhà tạm giam, có lẽ vì khóc, cũng có lẽ vì khó chịu nên tâm trạng tôi khá mỏi mệt, không còn phấn chấn được như ban sáng.
Xuyên ngồi trên xe chờ tôi, lát sau thấy tôi thất thểu đi ra mới đưa cho tôi một chai nước, hỏi: “Thu hoạch được gì rồi?”.
“Một ít thôi”. Tôi mỏi mệt, không nhìn anh ta, chỉ đáp: “Chắc vẫn sẽ phải đến đây thêm mấy lần nữa. Một mình tôi đến có được không?”.
“Ừ. Khi nào muốn đi thì bảo trợ lý của tôi chở đi”.
“Cái anh tên Trung đó?”.
“Ừ”.
Tôi bắt đầu cáu bẳn vô cớ: “Tôi không thích anh ta”.
Xuyên không nói gì nữa, chỉ nổ máy xe lái đi. Anh ta đưa tôi đến một nhà hàng Trung Hoa, bảo tôi muốn ăn gì thì tự gọi, tôi không khách sáo, gọi một nồi lẩu cay Tứ Xuyên, chọn cấp độ cay nhất.
Anh ta nhìn nồi lẩu đỏ ớt rồi lại nhìn tôi: “Mỗi lúc bực tức thường ăn cái này à?”.
Tôi hơi kinh ngạc, không nghĩ anh ta biết mình đang bực tức, nhưng cũng không thừa nhận mà chỉ bảo: “Lâu không được ăn nên thèm thôi, lẩu Tứ Xuyên cay nhưng ngon mà”. Nói xong, tôi lại làm như nhớ ra chuyện gì đó: “Quên mất, cay thế này anh có ăn được không?”.
Anh ta gật đầu: “Được. Nhưng dạ dày em chưa khỏe, ăn ít cay thôi”.
“Khỏe rồi, hơn một tuần nay không đau nữa”.
“Lúc ở Pháp hay ăn cay?”.
“Ừ. Lúc đầu cũng không ăn nhiều, nhưng ở với một người bạn cùng phòng người Trung, bạn ấy thích ăn cay nên tôi tập ăn theo, dần dần thì nghiện cay”.
“Sau đó thì nhập viện mấy lần vì đau dạ dày hả?”.
“Sao anh biết?”.
“Mấy hôm trước chưa đi bệnh viện đã biết đau dạ dày, một người nôn ra máu mà vẫn bình tĩnh như vậy thì chỉ có một lý do thôi”. Trần Lịch Xuyên cười: “Đau dạ dày đi bệnh viện như cơm bữa”.
Nói đến đây, anh ta lại vẫy tay gọi phục vụ lại, yêu cầu thêm một suất lẩu bình thường, ít cay, còn gọi thêm một ít đồ ăn nhẹ trước để lót dạ. Sau khi đồ ăn được mang lên rồi, anh ta mới quay lại bảo tôi: “Học ăn ít cay dần dần, đến khi vị giác quen rồi sẽ không thèm cay nữa”.
Tôi nhìn nồi lẩu đang bốc khói thơm lừng đặt bên cạnh nồi lẩu Tứ Xuyên nguội ngắt, tự nhiên lòng hết hẳn buồn bực, không muốn nghĩ ngợi để thêm mệt mỏi nữa, ít nhất là trong lúc này.
Tôi ngoan ngoãn gật đầu: “Tôi biết rồi, anh ăn đi”. Cầm đũa xong lại gắp một miếng khoai tây chiên đặt vào bát anh ta: “Chú Xuyên ăn đi”.
Người đàn ông kia khẽ nhíu mày: “Tôi hơn em chỉ 9 tuổi thôi”.
“9 tuổi là cả một thế hệ rồi. Thế hệ của tôi thích uống trà sữa, ăn khoai tây chiên, thế hệ của anh thích đọc báo, nghe đài cát set, còn thích uống chè tươi”.
“Tôi không thích uống chè tươi”.
“Anh thích đọc báo, nghe đài cát set”.
Anh ta gắp miếng khoai tây chiên trong bát bỏ vào miệng, rõ ràng không thích vị này nhưng vẫn lạnh lùng nói: “Tôi ăn được món này”.
Tôi bật cười: “Lẩu thơm quá, ăn thôi”.
Mấy ngày tiếp theo, xem bằng laptop mỏi mắt quá nên tôi lên mạng đặt mấy cuốn Luật về nghiên cứu, rảnh rỗi sẽ tìm kiếm các phiên tòa xét xử án hình sự của Việt Nam để nghe và học hỏi kinh nghiệm.
Nói tôi là tiến sĩ Luật nhưng thực ra chỉ quen với môi trường tố tụng ở Pháp, tranh tụng ở trong nước thì tôi chỉ như tờ giấy trắng, muốn giúp anh cả thì buộc phải học hỏi, buộc phải trau dồi. Mà sẵn tiện thì dạo này tôi đang bị giam lỏng ở nhà, vừa hay có thời gian để làm những việc đó.
Tôi ngồi trên chiếc ghế ngoài phòng khách, lưng đón nắng từ bên ngoài rọi qua khung cửa sổ cũ kỹ, vừa đọc tài liệu vừa hít hà hương hoa theo gió bay vào. Phải công nhận rằng không khí ở ngôi nhà này rất tốt, rất yên tĩnh để làm việc, tôi ngồi ôm sách Luật từ sáng đến tối cũng quên béng cả thời gian, mãi đến khi thím Vân nhắc đi ngủ mới nhớ.
Nhìn đồng hồ đã hơn 10 rưỡi đêm, tôi đứng dậy vươn vai một cái, rồi chợt nhớ ra thiếu thiếu gì đó nên mới quay đầu hỏi thím Vân:
“Anh Xuyên hôm nay đi tiếp khách hả thím?”.
Thím Vân đang dọn dẹp đống giấy tờ giúp tôi, nghe thế thì tròn xoe mắt: “Ơ, Xuyên vào miền nam từ sáng nay rồi. Lúc chuẩn bị đi làm có nói với cháu mà, cháu không nhớ à?”
Mặt tôi cũng ngơ ra: “Ơ… chắc lúc đó cháu đang mải đọc sách nên không để ý. Anh ấy vào từ sáng hả thím?”.
“Ừ, thấy bảo sáng đến công ty một tý rồi ra sân bay vào Nam luôn. Công việc của nó bận thật đấy, cứ bay đi bay lại suốt, cách một tuần lại vào một lần”.
“Vâng. Trụ sở chính của công ty anh ấy ở trong đó mà”.
“Cháu đã vào đó bao giờ chưa?”.
Tôi lắc đầu: “Cháu chưa ạ”.
“Này nhé, chồng vừa đẹp trai vừa có tiền thế thì phải giữ đấy. Đừng có tưởng nó hơn mình nhiều tuổi mà không cần giữ. Thằng Xuyên hơi bị phong độ, ra ngoài các em trẻ hơn mình còn mê như điếu đổ ấy chứ”.
Tôi cười cười, nghĩ mình có muốn giữ anh ta cũng không nổi, mà Xuyên trước giờ cũng đâu có chung thủy với tôi. Mối quan hệ này chỉ là dây dưa trả thù thôi, không phải kiểu vợ chồng như thím Vân nghĩ.
Thím Vân thấy tôi không đáp lại nói: “Cháu gọi cho Xuyên một cuộc đi, hỏi han mấy câu cho nó vui. Chứ đi cả ngày mà vợ không gọi hỏi nó cũng buồn đấy, rồi biết đâu lại có người đến an ủi thì lại xiêu lòng”.
“Vâng, cháu biết rồi. Cháu đi tắm rồi gọi anh ấy ngay đây”.
“Ừ, đi đi. Thím dọn nốt cho”.
Nói là nói thế nhưng tôi không gọi, cũng không có số điện thoại để gọi. Tôi nghĩ không có anh ta ở nhà thì càng tốt, một mình tôi một phòng càng thoải mái, nhưng đến khi đi ngủ bỗng dưng lại trằn trọc, nghĩ ngợi đến nửa đêm mới chợt nhận ra mình khó ngủ vì lòng cảm thấy thiếu thiếu gì đó.
Tôi biết là thứ gì, nhưng trái tim lại không chịu thừa nhận, chỉ nghĩ đến cây cỏ còn có tri giác, huống chi là người với người ở bên nhau. Lâu nay chung chăn gối nên dường như đã hình thành thói quen, không có nữa thì thấy trống trải một chút thôi, chẳng phải là nhớ da diết đến mức không thể vượt qua được.
Hai ngày sau khi Xuyên vào Nam, tôi đã nghiên cứu xong toàn bộ các điều Luật hình sự liên quan đến vụ việc của anh trai tôi. Tiếp theo sẽ đến giai đoạn thu thập các chứng cứ và thông tin bên ngoài nên tôi không thể ở mãi trong nhà được. Rút cuộc vẫn phải gọi điện thoại cho anh ta, nhưng không có số nên đành muối mặt xin thím Vân.
Thím ấy nghe xong thì há hốc miệng: “Cháu không có số của Xuyên à?”.
“Cháu có, nhưng hôm qua tự nhiên máy cháu lại cài đặt lại, mất hết cả số rồi”. Tôi nói dối.
Cũng may thím Vân nhiều tuổi, kém công nghệ nên tin ngay. Thím ấy lật đật lấy số của Xuyên đưa cho tôi, lại dặn đi dặn lại, bảo tôi phải ghi ra một tờ giấy không nhỡ điện thoại bị hỏng nữa thì không có số để liên lạc.
Tôi vâng vâng dạ dạ rồi cầm điện thoại vào phòng, đắn đo cả buổi mới nhắn cho anh ta một tin: “Anh có rỗi không, tôi muốn hỏi anh một ít chuyện”.
Tin nhắn gửi đi, rất lâu sau cũng không thấy anh ta trả lời lại. Tôi nghĩ có thể là Xuyên không biết số tôi, cho nên buổi chiều lại gửi thêm một tin khác: “Tôi là Khuê”.
Kết quả đến tận tối mới nhận được tin trả lời: “Tôi biết”.
Tôi hừ lạnh một tiếng, mắng anh ta biết mà đến giờ mới trả lời lại. Nhưng mắng xong mới chợt nhớ ra một chuyện, chúng tôi chưa từng trao đổi số điện thoại bao giờ, sao anh ta lại biết số của tôi?
Tôi lại lạch cạch gõ tin nhắn: “Anh ăn cơm chưa?”. Nhưng cảm thấy như vậy hơi thân thiết, lại xóa đi, viết một tin khác: “Tôi cần thu thập một ít chứng cứ và tài liệu để chuẩn bị cho vụ án, ngày mai ra ngoài được không?”.
Lần này, Xuyên không trả lời nữa mà trực tiếp gọi điện thoại đến.
Tôi lại rủa anh ta đúng là ông già, thế hệ khác tôi nên mới không thích nhắn tin.
Tôi hắng giọng một tiếng rồi ấn nút nghe máy: “Alo”.
“Ăn cơm chưa?”. Câu hỏi của anh ta ngoài dự liệu của tôi, tôi hơi ngạc nhiên, nhưng vẫn đáp: “Tôi ăn rồi, anh ăn chưa?”.
“Chưa ăn”.
“Ừ”.
Điện thoại bỗng chốc rơi vào im lặng, kỳ thực tôi rất muốn hỏi anh ta tại sao lại chưa ăn, nhưng lời nói cứ mắc mãi ở cổ họng, nghĩ đến anh ta là người hại gia đình tôi, tôi không thể nào cứ thế quan tâm kẻ thù của mình được.
Một lát sau, Xuyên mới nói: “Em muốn ra ngoài là đi đâu?”.
“Tôi định đến Vạn Thịnh, sau đó tìm gặp người bảo vệ bị anh tôi không may ch.ém trúng kia”.
“Biết anh ta đang ở đâu không?”.
Tôi nói không biết!
Anh ta cười: “Tôi cũng không nói cho em biết đâu”.
“Tôi sẽ tự tìm. Chỉ cần anh đồng ý để tôi ra ngoài là được. Đại diện bên nguyên đơn, anh đã hứa không nhúng tay vào nên không thể cản tôi ra ngoài tìm bằng chứng đâu đấy”.
“Ừ”.
Xuyên định nói thêm gì đó, nhưng cùng lúc này tôi nghe trong điện thoại có tiếng trẻ con gọi ba, sau đó là giọng phụ nữ vọng vào: “Em chuẩn bị nước tắm rồi, anh tắm trước đi đã”.