Làm Vợ Hai

Chương 8

Mấy ngày hôm sau, chẳng biết Quân nghe được từ đâu chuyện gia đình tôi chuyển nhà nên đến giúp đỡ, còn mang theo cả một thùng đồ đến cho tôi.

Tôi ngại nên bảo anh ấy: “Nhà em thuê bên dịch vụ vận chuyển rồi, cũng không phải chuyển gì đâu mà. Anh không cần phải giúp đâu”.

Quân cười bảo: “Anh làm giúp cũng được chứ sao. Với cả bên vận chuyển họ chỉ vận chuyển thôi, vẫn phải dọn dẹp sắp xếp lại mà. Gì chứ dọn nhà thì anh làm hơi bị nhanh đấy, làm một tý là xong thôi”. Anh ấy nói xong, lại khệ nệ bê cái tivi to của bố tôi đem xếp vào trên chiếc tủ cũ trong nhà ông bà nội tôi, phủi tay quay lại hỏi mẹ tôi: “Cô Lan thấy để chỗ này đã được chưa? Có cần cháu dịch vào bên trong tý nữa không ạ?”.

Mẹ tôi mệt đến bở hơi tai, nhưng thấy Quân hỏi vẫn cười tươi rói: “Được rồi, được rồi. Đặt thế là đẹp rồi. Cảm ơn Quân nhé, bận thế mà vẫn đến đây giúp nhà cô”.

“Ôi, cháu bận gì đâu, cuối tuần được nghỉ ấy mà. Ở nhà không thì chán lắm, may mà đến đây còn có việc cho cháu làm ấy chứ”.

“Cái thằng này…”. Mẹ tôi lau mồ hôi trên trán, lại nhìn tôi: “Rõ là ngoan ngoãn tử tế, còn nhiệt tình nữa. Cái Khuê nhà cô mà thành đôi với con thì tốt rồi…”.

Tôi khẽ cau mày: “Mẹ, mẹ lại nói linh tinh rồi”.

Quân cười: “Không lấy được Khuê thì bọn cháu vẫn là bạn mà. Ngày trước còn ở Pháp, Khuê xinh nhất hội đồng hương bọn cháu đấy. Nhưng mà cháu nhát, không dám tỏ tình nên mới phải nhìn Khuê đi lấy người khác thế này đây”.

“Ôi số con Khuê nó khổ. Đấy, người ta nói hồng nhan bạc phận mà”.

Mẹ tôi lại bắt đầu bài ca đau khổ, tôi nghe mãi thì không sao, nhưng có người ngoài ở đây nên tôi rất ngại, cuối cùng đành phải viện cớ để kéo Quân ra ngoài.

Lúc dừng lại ở sân giếng sau nhà, tôi mới bảo anh ấy: “Anh đừng để ý đến mẹ em. Dạo này cũng có tuổi rồi nên hay than ngắn thở dài thế thôi chứ không có ý gì đâu”.

“Có gì đâu, anh thấy cô lo cho em mà”. Quân nhìn tôi cười: “Lâu nay anh nhắn tin không thấy em trả lời. Em ở nhà chồng sống có tốt không?”.

“Tốt lắm”. Tôi cũng cười, lòng nặng như đeo chì nhưng giọng lại nhẹ tênh: “Mấy hôm trước tay em không tiện nhắn tin, định gọi điện lại cho anh nhưng bận quá, cũng quên mất”.

“Tay em bị sao cơ?”. Anh ấy lo lắng nhìn bàn tay tôi, thấy có mấy vết sẹo vẫn còn đỏ au trên đó thì giật mình, ngay lập tức cầm lấy: “Sao lại bị thương nặng thế này? Bị lâu chưa? Còn đau không?”

Tôi rút tay về, lắc đầu: “Em không sao, khỏe rồi”.

Vẻ mặt Quân có hơi mất tự nhiên, hình như anh ấy cũng nhớ ra bây giờ tôi đã là phụ nữ đã có chồng, không thể thân mật như lúc trước được nữa nên lúng túng vài giây, sau đó mới hắng giọng đáp: “Tay em thế này mà nãy giờ vẫn bưng bê cái thứ à? Anh thấy chưa lành hẳn đâu, làm việc nặng lỡ rách ra thì sao? Mà nãy giờ đυ.ng bẩn còn không đeo găng tay nữa”.

“Không sao đâu, mấy vết thương nhỏ ấy mà. Em có phải tiểu thư cành vàng lá ngọc gì đâu”. Tôi cười cười lảng sang chuyện khác: “Sao anh biết nhà em chuyển sang bên này mà đến?”.

“À nói mới nhớ. Hôm anh chuẩn bị từ Pháp về thì có ghé qua chỗ phòng cũ của em ấy, chị chủ nói hôm em dọn nhà có để sót một ít đồ nên đóng thùng gửi anh cầm về cho em. Mấy đợt vừa rồi bận nên quên mất, hôm nay mới nhớ ra nên mang đến trả. Nhưng lúc anh đến thì chỉ gặp bên vận chuyển thôi. Họ bảo họ chuyển đồ cho nhà em sang bên này nên anh đi theo luôn”.

“À…”. Tôi gật đầu: “Vâng, cảm ơn anh. Đợt từ Pháp về em về vội nên không mang về hết được, chắc chị chủ thấy thế nên mới cất giúp”.

“Ừ. Chị ấy cứ hỏi thăm em mãi, còn bảo nếu có dịp thì phải sang Việt Nam chơi xem phở Việt Nam ngon thế nào mà em cứ quảng cáo mãi”. Quân cúi người, múc một gàu nước giếng mát lạnh lên rồi bảo tôi: “Em rửa mặt rửa tay đi, nãy giờ dọn dẹp mệt lắm rồi phải không?”.

“Em chạy loăng quăng cho có người có tiếng ấy mà, mệt gì đâu. Ngồi không nhiều béo bụng lắm”.

“Béo gì, người gầy như que củi ấy, còn gầy hơn cả đợt trước về nữa. Nào, rửa mặt nào”.

Nước giếng đào, lâu ngày không có ai sử dụng nhưng vẫn ngọt và mát rượi. Tôi vốc từng ngụm nước trong lành lên rửa mặt, lại nghe tiếng Quân nói: “Ở bên này yên bình thích thật, sau này anh thường xuyên sang chơi với cô chú được không?”.

Động tác của tôi bất giác khựng lại, tôi ngước lên nhìn anh ấy, lại bắt gặp một ánh mắt ôn hòa và mong đợi nhìn tôi.

Thực lòng, từ lúc anh cả bị bắt thì nhà tôi vốn đã neo người nay lại càng vắng, chuyển nhà thế này cũng chẳng có mấy đàn ông góp tay chân nên cũng vất vả, may mà còn có Quân đến giúp, giờ anh ấy còn ngỏ ý muốn thường xuyên sang chơi để mẹ tôi đỡ buồn, tôi rất cảm kích.

Chỉ là tôi không quen nợ người khác, sợ không trả được, cho nên tôi từ chối: “Anh còn công việc mà, không cần tốt với em như thế đâu”.

“Không phải tốt, mà là anh không muốn từ bỏ”. Động tác đổ nước của anh ấy bắt đầu chậm lại, Quân đặt gàu nước xuống, nói với tôi: “Em lấy chồng thì anh cũng không từ bỏ. Hôm em cưới, anh muốn nói câu này nhưng chưa nói được. Khuê, anh đợi em”.

Tôi cười: “Em không ly hôn đâu”. Nghĩ một lát, tôi lại nói thêm: “Cũng không theo anh bỏ trốn”.

“Không kết hôn, đâu cần phải ly hôn”. Anh ấy cũng cười theo tôi: “Anh cũng không dắt em bỏ trốn, anh nói rồi, anh ở đây đợi em”.

Đứng trước một người đàn ông mình cảm mến, được tận tai nghe những lời như vậy, nói lòng không dao động là giả.

Nhưng tôi buộc phải nhắc nhở mình rằng bây giờ tôi không còn độc thân, bên đời tôi còn có một cái tên Trần Lịch Xuyên, không thể thích gì làm nấy được như trước.

Cho nên tôi chỉ cười, lảng sang chuyện khác: “Chắc bên vận chuyển đã chuyển hết đồ sang rồi đấy, em vào xem cái đã. Anh cứ ở đây rửa mặt mũi đi cho mát, nước giếng mát lắm”.

“Ừ. Em vào đi, anh rửa xong cũng vào giờ đây”.

“Vâng”.

Bận rộn cả ngày trời chuyển nhà rồi dọn dẹp, đến tận chiều muộn mới được nghỉ tay. Mẹ tôi quý Quân nên cứ mời anh ấy ở lại ăn cơm, bảo lâu lắm nhà mới có tiếng người đông vui thế này nên ngồi ăn cùng một bữa cho ấm áp. Quân không tiện từ chối nên cũng ở lại, còn lăng xăng xuống bếp phụ tôi bưng bê đồ ăn lên.

Trong bữa cơm, bố tôi hỏi: “Lần này Quân về nước lâu không? Công việc bên Pháp tốt chứ hả?”.

“Cháu về hẳn chú ạ”. Anh ấy lịch sự rót rượu cho bố tôi, cười bảo: “Năm nay cũng cứng cứng tuổi rồi, bắt đầu ngại xa gia đình nên cháu về nhà làm việc luôn thôi”.

“Định làm ở đâu? Công ty của bố à?”

“Vâng, cháu đến đó làm trước, khi nào bị đuổi thì tính tiếp chú ạ”.

Bố tôi cười: “Vừa học giỏi vừa ngoan ngoãn thế này thì ai mà nỡ đuổi. Chú chỉ ước thằng Vũ được bằng một phần của mày thôi, chứ ngỗ ngược như nó chẳng ai dạy bảo được”.

Mẹ tôi đang gắp đồ ăn, nghe thế thì đầu mày mới cau lại, huých vai bố tôi: “Cái ông này”.

Nhắc đến anh trai, không khí trên bàn ăn đột nhiên trầm hẳn xuống, tôi lẩm nhẩm đếm thời gian mới nhớ hóa ra anh cả đã bị giam gần 10 ngày rồi, nhà tôi có đến thăm nhưng công an không cho gặp, bố tôi cũng thuê luật sư nhưng động đến Vạn Thịnh thì không một ai dám nhận. Giờ mọi người quây quần ăn một bữa cơm thế này, tự nhiên tôi thấy rất rất nhớ anh ấy, không biết anh cả ở trong trại giam thế nào rồi, ăn uống có tử tế không.

Quân thấy sắc mặt mấy người nhà tôi u ám mới đổi sang chuyện khác: “Chú không biết đấy chứ, anh Vũ trước là thần tượng của cháu đấy. Anh ấy hát hay lắm, bài gì anh ấy hay nhất nhỉ?”.

Bố tôi cười bảo: “Gì mà vườn hồng ấy”.

“À, 999 đóa hồng”.

“Ừ đúng, 999 đóa hồng. Bài này hay lắm. Cháu cũng thích mà không hát được”.

Cũng may nhờ có Quân mà bữa ăn hôm ấy đỡ nặng nề hơn rất nhiều, anh ấy tiếp rượu bố tôi, nói chuyện với mẹ tôi, pha trò để cả nhà cùng cười, đến tận 10 giờ đêm mới ra về.

Tôi tiễn anh ấy ra cổng, lúc đi bên cạnh, ngửi thấy mùi rượu trên người Quân mới bảo: “Hay là em gọi Taxi cho anh nhé? Uống rượu rồi lái xe nguy hiểm lắm”.

“Anh uống có mấy chén thôi, với cả rượu hôm nay không nặng, vẫn lái xe được ấy mà”.

“Đường xa lắm”.

“Xa gì mà xa, từ Pháp anh còn vì em quay về được, từ đây về nhà có 5, 6 cây số đã là gì”. Quân nghiêng đầu nhìn tôi cười: “Em vào nhà đi, sương xuống lại ốm bây giờ. Anh về được mà, không cần tiễn anh đâu. Về đến nhà anh gọi điện cho”.

“Em tiễn anh ra đường”.

“Anh bảo không sao thật mà. Em mà tiễn anh ta tận đường là anh bịn rịn không nỡ đi đấy”. Anh ấy vuốt tóc tôi, giọng nói rất dịu dàng: “Ngoan, mau vào đi”.

Rút cuộc, tôi không đi nữa, chỉ đứng ở ngoài cổng nhìn anh ấy, Quân cũng vừa đi lùi vừa nhìn tôi, đến tận ngã rẽ mới chịu thôi.

Tôi thở dài một tiếng rồi quay người định đi vào, nhưng vừa mới xoay lưng thì lại nghe tiếng gọi: “Chị Khuê”.

Tôi khẽ giật mình, nghĩ mình vừa mới chuyển về đây thì ai biết mình được, vả lại giọng này nghe hơi lạ nên cũng chột dạ, vội vàng quay đầu lại: “Ai thế?”.

Một người đàn ông bước ra từ chỗ khuất bên cạnh cây cột điện, ở đó tối nên nãy giờ tôi không nhìn ra: “Tôi là trợ lý của anh Xuyên, tôi đến đón chị”.

“Trợ lý của anh Xuyên?”. Tôi khẽ cau mày: “Anh ấy bảo anh đến đón tôi?”.

“Vâng”.

“Tôi không quen anh”.

“Vâng, tôi có đi xe của anh ấy đến đón chị. Chờ chị ở đây lâu rồi”. Nói rồi, anh ta chỉ về phía một chiếc xe đỗ cách đó không xa, nhìn kỹ thì đúng là xe của Trần Lịch Xuyên.

Tôi ngẩng đầu quan sát anh ta một lần nữa, người đàn ông này nét mặt trông hơi thô kệch, nhưng bộ dạng nghiêm túc và có vẻ đáng tin, mà quan trọng nhất là anh ta đi xe của Xuyên. Đã đến tận nơi này thì không thể là lừa đảo được.

Cho nên tôi chỉ hỏi: “Anh chờ tôi từ lúc nào?”

“Từ lúc 2h chiều. Tôi thấy chị với người vừa rồi đứng ở giếng nước nói chuyện, ăn cơm, thấy cả chị tiễn anh ta về”.

“Báo cáo hết với Xuyên rồi à?”.

Người trợ lý kia gật đầu, còn tốt bụng nhắc nhở tôi: “Chị là vợ của anh Xuyên, thân mật với người khác giới thế không hay lắm”.

“Cậu tên gì?”.

“Tôi tên Trung”.

Ừ, tên Trung, tôi ghim tên anh ta rồi đấy!

Tôi bảo anh ta chờ một lát rồi quay vào nhà dọn dẹp đồ để về bên kia, mẹ tôi thấy tôi vừa xếp vào đã giở ra thì xuýt xoa mắng Xuyên, bảo đêm rồi còn đến. Bố tôi thì lật đật chạy ra tận ngoài cổng nói chuyện với trợ lý của anh ta, lúc tôi xách túi đồ đi ra vẫn còn nghe ông nói: “Đúng đúng, chỗ sắt ở công ty B nhờ cậu nói giúp với Xuyên cho tôi một tiếng nhé, tôi cần dùng để hoàn thành hạng mục tòa nhà A, nhưng bên công ty B nhất định không bán cho tôi. Cậu giúp tôi nhé”.

Bộ dạng bố tôi khúm na khúm núm, còn lấy cả thuốc và bật lửa ra mời Trung: “Cậu mời thuốc đi, lần đầu tiên đến đây mà không mời được cậu vào nhà uống cốc nước, ngại quá”.

Tôi nhớ trước đây bố tôi cũng là một người từng hô mưa gọi gió, trợ lý của người khác phải săn đón tiếp đãi ông. Thế mà bây giờ thời thế thay đổi, vì không có vật tư xây dựng mà phải hạ mình trước trợ lý của người khác thế này khiến tôi thấy khó chịu, sống mũi cũng cay cay.

Tôi hít vào một hơi thật sâu rồi rảo bước đi ra, nói: “Bố ơi, con về bên kia đây. Muộn rồi, bố vào nghỉ ngơi sớm đi”.

Bố tôi uống rượu vào nên tay run, cầm điếu thuốc cũng run lẩy bẩy, ông ngước mắt nhìn tôi: “Ừ. Cơm Nắm về đấy à?”.

“Vâng”.

“Ừ, ừ, về đi con”. Nói rồi, ông lại quay sang nhìn Trung: “Nhờ cậu nói giúp một tiếng nhé”.

Trung gật đầu, cũng không trả lời mà chỉ đưa tay xách túi giúp tôi: “Chị Khuê, đi thôi”.

Trên đường về, tôi cũng chuẩn bị tinh thần để hứng cơn thịnh nộ của Xuyên rồi. Tôi nghĩ anh ta gia trưởng như vậy, nghe trợ lý báo cáo tôi ở ngoài thân mật với người đàn ông khác chắc chắn sẽ không để tôi yên, có khi bây giờ cũng đã chuẩn bị sẵn roi da với thắt lưng chờ tôi về rồi.

Thế nhưng lúc tôi về đến nơi thì lại không phải vậy!

Giờ ấy thím Vân đã đi ngủ, chỉ có Xuyên ngồi đọc sách trong phòng khách, trần nhà thắp một chiếc đèn vàng dìu dịu. Khi thấy tôi bước vào, anh ta mới ngước lên, vẻ mặt vô cùng bình tĩnh, thậm chí còn hỏi:

“Về rồi à?”.

Tôi ngây ra mất mấy giây mới đáp: “Vâng. Anh chưa ngủ à?”.

“Đang chờ em”. Anh ta bỏ cuốn sách xuống, đứng dậy rồi đi lại phía tôi. Lúc ấy tôi vẫn còn đinh ninh anh ta sẽ nhanh chóng rút dây lưng ra thôi, nhưng chờ mãi, chờ mãi mà vẫn không thấy anh ta có động tĩnh gì. Khi ngang qua tôi, anh ta chỉ nói: “Vào phòng tắm rửa đi, tôi ra đóng cổng”.

“À… vâng”. Tim tôi đập thình thịch, đến tận khi vào phòng rồi mà vẫn không dám tin. Nhưng ngẫm lại mới thấy lần trước thái độ của anh ta cũng vậy, lúc nghe Minh Thư nói tôi dụ dỗ Quân bỏ trốn, anh ta chỉ đứng ngoài thờ ơ nhìn như người ngoài cuộc. Lần này Xuyên cũng không bận tâm đến tôi thân mật với ai bởi vì anh ta thật sự không để ý đến tôi.

Nhưng điều này chẳng phải quá mâu thuẫn với tính cách gia trưởng của anh ta hay sao? Rõ ràng lúc trước anh ta còn giam tôi?

Tôi đứng trong phòng tắm mà lòng cứ thấp tha thấp thỏm, mãi lâu sau nghe tiếng chuông điện thoại mới vội vàng mặc đồ rồi đi ra. Xuyên đứng trước cửa sổ, một tay đút túi quần, tay còn lại cầm điện thoại của tôi, anh ta nói:

“Cô ấy đang tắm”.

“…”

“Phải”.

“…”.

“Lát nữa tôi bảo cô ấy gọi lại”.

Nghe thấy mấy câu này, tôi mới chợt nhớ ra ban nãy Quân có nói về đến nhà sẽ gọi điện cho mình, giờ này mà vẫn có người gọi đến thì chắc chỉ có là anh ấy thôi. Tôi sợ Xuyên nghe điện thoại của anh ấy thì chuyện càng như như lửa đổ thêm dầu nên cuống lên, vội vội vàng vàng chạy lại, nhưng cùng lúc này, anh ta cũng cúp máy.

Xuyên quay đầu lại nhìn tôi, bình tĩnh nói: “Cậu ta gọi nhiều, tôi sợ có việc quan trọng nên nghe giúp em”.

Mặt tôi nóng ran: “À… vâng. Hôm nay anh ấy đến giúp tôi chuyển nhà. Có uống rượu nên tôi mới bảo về đến nơi thì thông báo cho tôi”.

“Ừ”. Anh ta đưa trả lại điện thoại cho tôi, vẻ mặt vẫn không biểu cảm gì. Tôi nghĩ người nóng giận vui buồn đều biểu lộ hết ra mặt thì dễ đoán, còn người thâm sâu như Xuyên thì không thể biết được anh ta có đang tức giận hay không.

Tôi sợ anh ta hiểu nhầm sẽ phiền phức cả cho Quân nên giải thích: “Tôi với anh ấy chỉ là bạn bè, không có gì cả”.

“Tôi biết”. Anh ta liếc vẻ mặt kinh ngạc của tôi, bình thản đáp: “Nếu có gì đó thì hai người đã phải nghĩ đến chuyện bỏ trốn từ lâu rồi, không phải chờ đến tận ngày cưới mới nhắc đến việc này”.

Lúc này tôi mới hiểu, thì ra lúc ở bữa tiệc Xuyên không tức giận là bởi vì anh ta hiểu được điều ấy.

Khi Minh Thư nói ngày cưới tôi gọi điện dụ dỗ Quân từ Pháp về để đưa tôi bỏ trốn, tất cả mọi người đều nghĩ tôi là kẻ lăng loàn, chỉ có Trần Lịch Xuyên nhạy bén phát hiện ra vấn đề ở đâu, cho nên mới chọn cách tin tôi.

Người đàn ông như anh ta, quả nhiên có nhãn quan hơn hẳn những kẻ tầm thường khác, chẳng trách mới qua 20 năm đã có thể trở mình ngoạn mục như ngày hôm nay.

Tôi khẽ hắng giọng: “Cảm ơn anh”.

“Nhưng tôi sẽ không vì thế mà không nhắc nhở em”. Anh ta ngồi xuống giường, nhìn tôi bằng ánh mắt sâu thăm thẳm: “Em bây giờ đã là vợ tôi. Từ giờ về sau tôi không muốn nghe thấy hoặc nhìn thấy bất kỳ chuyện gì như ngày hôm nay, em hiểu không?”.

Tôi cảm thấy anh ta nói thẳng ra như vậy đã là quá nhân nhượng với mình nên đáp: “Tôi biết rồi. Tôi sẽ không như thế nữa”.

Trần Lịch Xuyên gật đầu: “Lại đây”.

Tôi gật đầu, ngoan ngoãn đi lại giường rồi ngồi xuống. Anh ta nhìn bàn tay tôi xong mới hỏi: “Không uống thuốc đầy đủ?”.

“Tôi thấy sắp lành rồi nên…”. Tôi ngẩng lên, rất thức thời đáp: “Từ hôm nay tôi sẽ uống thuốc tử tế”.

“Kem bôi liền sẹo dùng loại nào?”.

“Đợi tôi lấy”. Nói rồi, tôi đứng dậy lục tủ lấy túi thuốc anh ta mua, lấy ra tuýp thuốc liền sẹo mình đang dùng rồi quay lại. Xuyên liếc qua tuýp thuốc đã bị bóp một nửa trên tay tôi, ánh mắt thoáng qua vẻ hài lòng.

Anh ta chìa tay ra: “Ngồi xuống, tôi bôi cho em”.

“Vâng”.

Mấy ngày nằm trong viện vì đau dạ dày, chắc tôi cũng quen với sự chăm sóc của anh ta nên không cảm thấy việc này khó chịu. Tôi ngồi yên để Xuyên bôi thuốc, lúc anh ta thoa ra từng vết sẹo đỏ au trên tay, từng vết chai thô ráp cọ vào da tôi, khiến tôi có cảm giác ngưa ngứa.

Xuyên thấy tôi hơi co ngón tay lại mới hỏi: “Ngứa à?”.

Tôi lắc đầu: “Tay anh có vết chai”.

“Ừ”.

“Dưới năm ngón trong lòng bàn tay đều có vết chai. Vì ngày trước làm việc nhiều à?”.

Anh ta cười: “Đàn ông ai cũng có chai tay cả”.

Tôi muốn nói ‘Anh cả tôi không có’, nhưng nghĩ Xuyên và anh tôi có hoàn cảnh sống khác nhau, không thể so với nhau được nên không nói nữa.

Tôi im lặng nhìn động tác thoa thuốc có vẻ hơi lóng ngóng của anh ta, đột nhiên lòng lại có cảm giác mềm xuống, mềm giống hệt da tay được thoa thuốc liền sẹo vậy.

Một lát sau, tôi mới nói: “Tôi muốn làm một việc, muốn hỏi ý kiến anh”.

“Em nói đi”. Anh ta vẫn cụp mắt bôi thuốc.

“Tôi muốn làm luật sư bào chữa anh trai tôi”.

Lần này, động tác của Xuyên dừng lại, anh ta nhíu mày nhìn tôi, không hỏi nhưng tôi biết chắc hẳn đang nghĩ xem tôi muốn làm trò gì.

Tôi cười cười: “Anh cũng biết còn gì, lúc ở Pháp tôi làm luật sư. Bây giờ anh tôi như vậy, tôi muốn bào chữa cho anh ấy. Bây giờ không có ai nhận vụ án của anh tôi cả”. Ngón tay tôi vẫn đang bị Xuyên nắm lấy, độ ấm từ da thịt anh ta cọ xát với da thịt tôi, như xa mà gần, như gần mà xa: “Tôi biết anh sẽ không tha cho anh tôi, cũng không có mặt mũi xin anh nhẹ tay với anh ấy. Tôi chỉ muốn làm luật sư tham gia vụ kiện này, đàng hoàng tranh tụng trên tòa để bảo vệ anh trai tôi”.

Tôi nhìn Trần Lịch Xuyên bằng ánh mắt rực sáng đầy mong đợi: “Lần này tôi không xin anh mà muốn tự giúp anh trai tôi, anh để tôi làm luật sư được chứ?”.

Thực ra khi nói những lời ấy, tôi chỉ ôm tâm lý may rủi.

Nếu Xuyên đồng ý thì coi như anh ta quân tử, còn không đồng ý thì cũng là chuyện mà tôi nên chấp nhận mà thôi, chẳng ai sẵn lòng để cho kẻ thù mình sống dễ dàng cả.

Nhưng cuối cùng Trần Lịch Xuyên còn quân tử hơn cả tôi nghĩ, anh ta im lặng một lúc rồi bảo tôi: “Em chắc chắn muốn làm luật sư bào chữa cho anh trai em?”.

Tôi gật đầu, kiên định nói: “Chắc chắn”.

“Từng tham gia tranh tụng ở tòa án Việt Nam chưa?”.

“Chưa. Tôi tốt nghiệp đại học Luật xong thì sang Pháp, học thạc sĩ Luật bên đó rồi làm việc ở Pháp luôn. Mấy năm nay chưa tranh tụng ở tòa trong nước bao giờ”. Tôi thật thà đáp.

“Thế thì phải có chuẩn bị kỹ càng thì mới mong nắm được phần trăm thắng kiện”. Anh ta vỗ vỗ vào chăn đệm bên dưới, cười bảo: “Ngủ một giấc đi, ngày mai tôi đưa em đến trại giam thăm anh trai em”.

Tôi tròn xoe mắt, không tin nổi hỏi anh ta: “Gì cơ?”.

“Không muốn đi thu thập tài liệu để chuẩn bị à?”. Trần Lịch Xuyên vặn nhỏ đèn: “Gặp đương sự mới có tài liệu”.

Tôi hiểu ra, nhìn anh ta rất rất lâu rồi mới nói ra hai chữ: “Cảm ơn”. Lại như cảm thấy không đủ, tôi nhắc lại: “Cảm ơn anh”.

Cảm ơn vì anh cả của tôi đã gây ra nhiều tội lỗi như thế mà anh ta vẫn cho tôi được gặp anh ấy, còn đồng ý cho tôi bào chữa cho anh trai tôi. Dù không biết mục đích của Xuyên là gì nhưng tôi cảm thấy thế này là đủ rồi, quá đủ rồi.

Anh ta nằm xuống giường, ánh mắt mang theo vẻ sâu thẳm cùng kiên định: “Không cần phải cảm ơn tôi. Người bào chữa là em, thắng hay thua cũng do em. Trên tòa sẽ không có chuyện em là vợ tôi mà được nương tay, luật sư của Vạn Thịnh cũng sẽ làm hết sức để anh trai em phải nhận khung hình phạt cao nhất”. Ngừng một lát, anh ta lại nói: “Tôi sẽ không nhúng tay vào, cho nên việc của em là phải chuẩn bị cho tốt”.

Tôi mỉm cười, cũng nằm xuống theo anh ta, kéo chăn lên cao, tủm tỉm một hồi rồi mới nói: “Tôi sẽ chuẩn bị tốt”.

“Ngủ đi”.

“Tổng giám đốc Vạn Thịnh, ngủ ngon”.

“Luật sư bên bị đơn, ngủ ngon”.