Mình Từng Yêu Thương

Chương 2: Gặp mặt

Nói chuyện với mẹ thêm ít phút thì tôi cũng tắt máy. Đặt chiếc điện thoại lên trên tủ nhỏ đầu giường, tôi ngồi bên ô cửa sổ, những cơn gió nhẹ thổi vào bên trong căn phòng trọ, làm tôi lại chìm vào những suy nghĩ.

Những năm về trước, trước cú sốc kinh tế suy sụp của gia đình mà tuổi tôi còn quá nhỏ chẳng thể làm gì để cứu vãn, giúp đỡ bố mẹ đã khiến tôi lần đầu tiên biết được thế giới đáng sợ đến thế nào.

Đang được sống trong hoàn cảnh lo đủ, tiêu tiền chẳng biết suy nghĩ, bỗng chốc sau một đêm lại trở nên nghèo khó như vậy. Nhà cửa bố mẹ đều phải đem bán để trả nợ, dọn về quê nội để sinh sống qua ngày, vất vả khó khăn vô cùng.

Bạn bè của tôi khi biết gia đình tôi phá sản, liền đó thái độ cũng thay đổi theo, không ai muốn làm bạn, dè bỉu, nói lời xúc phạm khó nghe. Có như vậy tôi mới biết, lòng người đáng sợ như thế nào, đồng tiền có quyền lực ra sao. Tiền có thể khiến chúng ta mua được rất nhiều thứ, mua được tình bạn, mua được mối quan hệ, khi không còn tiền, bạn bè cũng theo đó mà đi, mọi thứ cũng dần dần mất hết.

Mỗi đêm, khi nghe tiếng thở dài vô vọng cùng nỗi trầm uất của bố mẹ khiến cảm giác bất lực trong tôi dày lên thêm nhiều tầng. Thêm vào đó, việc đứng nhìn mẹ nhẫn nhịn chịu đựng sự bạo hành của bố mà bản thân chẳng thể làm được gì để bảo vệ mẹ khiến tôi càng cảm thấy mình kém cỏi, vô dụng hơn nữa.

Nhiều lần tôi nói với mẹ:

- Bố cứ đánh mẹ như vậy, mẹ ly hôn với bố đi, con và em theo mẹ về với ông bà ngoại.

- Mẹ không ly hôn đâu, mẹ sẽ ở bên cạnh bố và các con, mãi mãi.

- Tại sao vậy mẹ? Bố không còn yêu thương ba mẹ con mình nữa, con không muốn sống chung với người bố bạo lực như vậy.

Mẹ đưa tay lau nước mắt trên khuôn mặt nhỏ bé của tôi, mẹ nói lời khuyên nhủ:

- Sau này con đủ trưởng thành, khi con gặp một người là định mệnh của đời con, dù có gặp bất cứ chuyện gì con cũng sẽ cố chấp ở bên cạnh người đó.

- Con sẽ không như vậy, đã không hạnh phúc, con sẽ không ở lại.

- Con gái ngốc, lớn rồi con sẽ hiểu, giờ mẹ nói con cũng sẽ không tin.

Khi đó còn non trẻ, tôi chỉ nghĩ: nếu vợ chồng đã không thể hạnh phúc ở bên nhau nữa vậy thì chia tay là giải thoát cho cả hai có cuộc sống dễ chịu hơn…

Có lẽ, mẹ luôn là một người phụ nữ yêu thương chồng con như vậy, nên dù có vất vả ra sao, mẹ cũng không chịu buông tay bố.

Nỗi vô vọng cuối cùng của tôi chính là sau ngần ấy chuyện đã xảy ra, tôi vẫn không biết cách làm thế nào để có thể thoát ra khỏi mối quan hệ gia đình đau đớn ấy. Suốt thời gian đó, tôi như người lang thang đi trong lớp sương mù mịt tha thiết mong chờ một ai đó có thể xuất hiện sau màn sương, chỉ đường dẫn lối cho tôi ra khỏi nỗi mông lung này. Nhưng không một bàn tay nào chìa ra cứu giúp, tôi chỉ có thể tự mình chống chọi với mọi thứ.

Cho đến sau này tôi mới hiểu những gì ngày đó mẹ nói. Nếu đã nguyện ý lấy nhau, dù giàu sang hay nghèo khổ vẫn phải ở bên nhau đối mặt, không thể vì khi gặp khó khăn liền bỏ rơi đối phương một mình gồng gắng giông bão phía trước.

Mới đầu, sống một mình không có người thân bên cạnh, tôi phải tự lo liệu mọi việc nên hầu như không còn chút ngây thơ hồn nhiên nào sót lại. Cả quá trình trưởng thành tôi chỉ chăm chăm hướng về mục tiêu đã định trước. Khôn khéo, thành thạo mọi việc đến mức hiếm ai có thể tưởng tượng rằng tôi mới chỉ là sinh viên năm nhất.

Ngày đó chủ nhiệm của lớp tôi là một người thầy đã lớn tuổi nên suy nghĩ, định kiến của thầy vẫn có chút lạc hậu, không được thoải mái như giới trẻ chúng tôi. Vậy nên trong số năm mươi hai sinh viên trong lớp thầy lại chọn tôi làm lớp trưởng bởi vì trong mắt thầy tôi là một đứa con gái giản dị, chăm chỉ, thành tích học tập lại tốt nhất lớp, cũng vì vậy mà tôi có điểm cộng trong mắt thầy.

Thầy biết hoàn cảnh của tôi nên lúc nào thầy cũng tạo điều kiện tốt nhất để giúp đỡ tôi, được thầy yêu thương như đứa con vậy. Khi đó ngoài gia đình thì chẳng có ai là thật lòng yêu thương một đứa con gái thất thế như tôi, đã vậy còn chẳng nặng động tí nào, lúc nào cũng là một con mọt sách, một đứa cuồng công việc, mê kiếm tiền.

Trải qua rất nhiều thử thách lớn nhỏ, trải qua thành công và thất bại, tôi đã học được nhiều điều, đồng thời nuôi dưỡng trong lòng mình hy vọng và hoài bão.

Hai năm đầu, đối với cuộc sống sinh viên tôi chẳng thấy có gì là quá thú vị, cứ cuồng quay trong vòng đời mà tôi tự vẽ ra, học và làm, chỉ có như vậy.

Mặc dù đi học xa nhà có gần ba mươi kilômet nhưng thời gian tôi về thăm nhà rất ít, có khi ba - bốn tháng mới về thăm nhà được ngày thứ bảy, chủ nhật, sau đó lại đi luôn.

Bố tôi cũng đã không còn uống rượu như trước, ông đã tu chí làm ăn hơn, mẹ cũng nhận thêm công việc làm ở nhà, em trai ít hơn tôi năm tuổi nhưng được cái nó cũng biết suy nghĩ, biết nghe lời, chăm chỉ học hành và phụ giúp bố mẹ.

Hai năm trôi qua, tôi làm thêm cũng tích góp được một ít gửi về cho bố mẹ để trang trải cuộc sống, còn tiền bố mẹ làm ra thì để trả nợ dần.

Từ sau khi bố thay đổi, cuộc sống gia đình tôi trở nên vui vẻ hơn, tôi cũng không còn để bụng những chuyện trước đây bố làm với ba mẹ con tôi. Vì dù sao đi nữa, bố vẫn là bố của chúng tôi, là người chồng mà mẹ yêu thương hết mực.

Đến kì nghỉ hè, có một lần về thăm nhà, bố bảo với tôi:

- Linh, bố xin lỗi vì những hành động và lời nói trước đây đã làm tổn thương con.

- Con hiểu mà, bố đừng nghĩ gì nữa nhé.

- Con tha thứ cho bố chứ?

- Vâng… Con chỉ mong sau này gia đình mình sẽ hạnh phúc như trước đây cho dù gặp khó khăn gì, được không bố?

- Ừ, bố hứa với con sau này sẽ không làm những chuyện quá đáng nữa đâu.

Tôi nhìn bố mà rơi nước mắt, bố ôm tôi vào trong lòng, vỗ nhẹ lên tấm lưng run run của tôi. Đã lâu rồi tôi không được bố ôm như vậy, đã lâu rồi tôi mới có thể tìm lại được chỗ dựa cho mình sau những ngày tháng mệt mỏi.

Buổi tối hôm đó, gia đình bốn người chúng tôi sum vầy, quay quần bên nhau dùng bữa tối. Cảm giác một lần nữa được sống trong một gia đình ấm cúng hạnh phúc đã làm tôi thoát được khỏi nỗi âu sầu và cảm giác bất lực đè nén trong lòng suốt bấy lâu nay.



Sau kì nghỉ hè năm thứ hai, ngày đầu tiên quay lại trường học lớp tôi nhận được tin xấu, thầy chủ nhiệm bị bệnh suy tim ở người già mà đột ngột qua đời.

Lúc thầy làm chủ nhiệm, mặc dù nghiêm khắc với sinh viên nhưng thầy luôn quan tâm, dạy bảo chúng tôi như những đứa con. Bây giờ nghe tin thầy mất, lớp tôi ai cũng buồn rười rượi, cảm giác như mất mát đi một người thân thiết, mất đi một người cha đã dạy chúng tôi suốt hai năm qua.

Ngày đưa tiễn thầy về nơi an nghỉ, lớp chúng tôi mấy đứa con gái ai cũng ôm nhau khóc, mấy đứa con trai tưởng như sẽ chẳng bao giờ rơi nước mắt vậy mà trong tròng mắt chúng nó cũng phủ một hơi sương dày.

Vậy là sau này, chúng tôi sẽ chẳng còn được nghe những lời mắng của thầy nữa, sẽ chẳng có ai tận tâm dạy dỗ những kiến thức đời sống cho chúng tôi nghe.

Thầy chủ nhiệm cũ mất được một tuần thì nhà trường thông báo lớp tôi sẽ có một thầy giáo mới vừa chuyển đến trường nhận làm chủ nhiệm của lớp.

Sáng ngày thứ hai đầu tuần, lớp gặp thầy chủ nhiệm mới mà tôi đã đi học muộn. Vừa chạy vừa sợ muộn giờ học đến nỗi vừa dừng chân lại ở cửa lớp, tôi mệt quá chỉ biết cúi gập người mà thở hổn hển.

Thấy cả lớp ngồi ngay ngắn ở vị trí của mình, im lặng đưa mắt nhìn tôi, cũng đủ để tôi hiểu rằng thầy giáo mới đang ở trong lớp. Tôi vội ổn định lại hơi thở, đứng thẳng người, ngước tầm mắt lên bục giảng để chào thầy. Nhưng khi giây phút tôi nhìn thấy thầy giáo mới, người tôi chợt khựng lại, đứng hình mất mấy giây.

Tôi cũng thoáng nhìn thấy trong mắt thầy giáo mới là ánh mắt như ngạc nhiên, lúc đó tôi không biết là mình có nhìn nhầm không nữa. Sau này tôi mới hiểu, thì ra tôi không có nhìn nhầm, giây phút cả hai nhìn nhau, một người là sững sờ trước vẻ đẹp trai, còn một người lại là… bắt gặp ánh mắt quen thuộc.

Không hiểu vì sao lúc đó tôi có chút lúng túng, vội cụp mi mắt xuống, tôi lí nhí nói:

- Xin lỗi thầy, em đến muộn ạ.

Tôi cảm nhận được thầy vẫn dừng ánh mắt quan sát tôi rất kĩ, sau đó thì bảo:

- Ừ, em về chỗ đi, tôi cũng vừa mới vào lớp thôi.

Giọng nói của thầy rất ấm áp, ngữ điệu nhẹ nhàng, âm thanh truyền cảm nhưng lại ẩn giấu sự mạnh mẽ bản lĩnh, làm cho mới đầu nghe thôi đã có cảm giác an toàn muốn chia sẻ.

Thấy mới bảo, không phải tự nhiên người ta nói con gái yêu bằng tai. Mà từ giọng nói, con gái chúng tôi có thể suy luận ra đủ thứ về con trai: từ dịu dàng, ấm áp, nhiệt tình, lãnh đạm hay cục súc…

Nghe thầy nói vậy, tôi cúi thấp người trả lời “vâng”, lững thững đi về vị trí đầu bàn hai, kéo ghế ngồi xuống.

Cái Hồng – bạn thân nhất trong lớp của tôi, cũng là bí thư lớp, nó ngồi bên cạnh thấy tôi nay đi muộn thì ghé sát vào tôi hỏi nhỏ:

- Sao nay mày đi muộn thế?

- Tao ngủ quên mất, lại bị tắc đường nên đến hơi muộn. Thầy vào lâu chưa mày?

- Được hai phút thì mày vào đấy. Nhìn thầy nghiêm túc quá bọn tao không dám ho he gì, nhưng được cái vừa trẻ vừa đẹp trai.

Lời nói của Hồng làm tôi bật cười, tôi vừa lấy sách trong cặp để lên bàn vừa nói:

- Mê trai vừa thôi bà, thầy giáo mình đấy.

- Thầy thì sao chứ? Đi học thầy đẹp trai như vậy tao chắc chắn lớp mình chúng nó sẽ không trốn học nữa đâu, có khi còn chăm làm bài tập nữa cho mà xem.

- Người ta gọi là “động lực để đến lớp” chứ gì?

- Đúng rồi đấy, hihi.