Trần tổng quản đứng bên cạnh mà chớp chớp hai mắt.
Tài hoa của hoàng hậu nương nương đã truyền khắp toàn bộ hoàng thành Đại Sở rồi. Nếu nói thơ y viết là thơ chua ngoa thì toàn bộ Đại Sở chẳng còn ai có thể viết ra bài thơ hay cả.
Có điều, tuy trong lòng mắng thầm như vậy nhưng Trần tổng quản không thể há mồm ý kiến linh tinh với bệ hạ được. Cậu ta chỉ nương theo Lâu Việt mà nói: “Nếu bệ hạ không thích, để nô tài lấy xuống.”
Cậu ta nói rồi định cất hộp gấm đi.
Bị Lâu Việt giữ lại.
Hắn trầm giọng nói: “ Đồ của hoàng hậu đưa tới, ngươi cũng dám lộn xộn?”
Trần tổng quản cười thầm trong lòng, trên mặt lại lộ ra vẻ xin khoan hồng, tự tát mình một cái: “Là nô tài đáng chết. Nô tài cứ nghĩ rằng nếu bệ hạ không thích xem bài thơ này, không bằng để nô tài cất đi…”
Có một sự thật rằng Trần tổng quản không phải thái giám thật mà là tâm phúc do Lâu Việt bồi dưỡng khi đánh giặc ở Tây Bắc, tên Lâm Trình. Bây giờ hắn vừa lên ngôi, triều đình nhìn như gió êm sóng lặng nhưng thực chất là sóng ngầm dâng trào, kẻ muốn lấy mạng Lâu Việt cũng vô số kể. Mặc dù hắn gần như bất khả chiến bại trên chiến trường, nhưng dù sao ở đây cũng phải đề phòng những kẻ trong tối. Lâm Trình tinh thông dịch dung, lại là một cao thủ về độc, vậy nên để người này bên cạnh hắn là thích hợp nhất.
Nhưng hiển nhiên chuyện này cũng có lỗ hổng. Lâu Việt mới đăng cơ không lâu, nếu đây thật là thái giám tổng quản tất nhiên sẽ không thể thân quen với Lâu Việt như vậy, cũng không dám trêu ghẹo hắn như thế.
Lâu Việt nhìn cậu ta một cái, nói: “Bỏ đấy đi.”
“Vâng.” Lâm Trình gật đầu, buông hộp gấm xuống rồi lui đi.
…
Bữa tối, Lâu Việt đến cung Lâm Hoa chỗ Triều Từ.
Từ đằng xa, hắn nghe loáng thoáng có tiếng người trò chuyện với nhau.
Bước chân Lâu Việt dừng lại.
Đứng từ xa, hắn nhìn thấy vài bóng người trước sân.
Ngoại trừ hoàng hậu cùng vài tên người hầu ra thì còn có Lương tần.
Thính giác và thị giác của Lâu Việt đều cực kỳ tinh, cách xa cũng có thể nghe rõ cuộc nói chuyện giữa hai người.
“Thần thϊếp ngưỡng mộ danh tiếng của nương nương đã lâu, “Nghi Thủy” mà nương nương lưu lại ở bữa tiệc Nghi Sơn vào trọng xuân (tháng thứ hai của mùa xuân) năm ngoái được người chủ trì khắc vào bia đá của yến hội, thần thϊếp cũng sao chép chúng lại mấy lần. Lần này may mắn được gặp nương nương, bèn không kiềm lòng được mà tới phủ chính thỉnh nương nương sửa giúp thần thϊếp.”
Nghi Sơn yến là yến hội dành cho đám văn nhân nhã khách được tổ chức mỗi năm tại hoàng thành, năm trước Triều Từ ngẫu hứng viết bài thơ “Nghi Thủy” tại đó, câu cú ý nghĩa đều rất tuyệt vời khiến người chủ trì phải khắc lên bia, dẫn tới được rất nhiều văn nhân sao chép lại.
Lương tần là trưởng nữ của một học sĩ Nội Các, từ nhỏ đã yêu thích thư pháp, những việc các văn nhân nhã khách làm, nàng ấy cũng không kém cạnh. Danh tiếng tài hoa của đại công tử họ Triều truyền xa, những tập thơ, bức hoạ cũng truyền khắp Hoàng thành, những người hâm mộ nam nữ cũng nhiều không đếm xuể và hiển nhiên Lương tần chính là một trong số đó.
Nàng ấy nói xong liền mở bức tranh chữ của mình đặt trên bàn đá.
Triều Từ cẩn thận nhìn nó một lúc lâu, mỉm cười nói: “Từ này hay đó, một nữ tử có thể có bút lực như vậy, nhất định là ngươi đã tập luyện rất cực khổ.”
Được nam thần khen một câu, đôi mắt Lương tần sáng lên rõ rệt. Nhưng tính nàng ấy vốn khiêm tốn nên lập tức nói: “Nương nương quá khen, chẳng qua là do gia phụ quản nghiêm nên từ nhỏ thần thϊếp đã phải cột bao cát vào tay để tập viết rồi.”
Triều Từ hơi nâng mắt, cười kinh ngạc: “Cha ta cũng dùng biện pháp này để dạy dỗ ta, thật trùng hợp.”
Dứt lời, y lại nói: “Nhưng phương pháp này nếu không cẩn thận một chút thì rất dễ làm cổ tay bị thương…”
“Đa tạ nương nương quan tâm. Dù sao Ngọc Lạc cũng là nữ tử, gia phụ cũng chưa từng quá nghiêm khắc. Bao cát kia cũng nhẹ hơn người bình thường dùng để luyện công.” Lương tần vội nói.
Nàng họ Lý, tên đầy đủ là Lý Ngọc Lạc.
Hai người bọn họ nói chuyện hồi lâu, Lâm Trình đứng cạnh Lâu Việt nhìn hắn, trong lòng có chút sốt ruột.