Kẻ Nắm Nhẫn Thiêng

Chương 2: Kẻ Thần Bí

Tầm trưa, mặt trời cũng vừa vặn leo tới đỉnh đầu, khiến những rãnh núi dần lộ ra sâu thăm thẳm. Cách vài dặm về phía tây của ngôi làng là một hồ nước nhỏ, mát lạnh và trong xanh, nằm trải mình trong thung lũng Hoa Mua, giữa các rặng núi đá trập trùng. Bờ bắc của hồ là những vách núi thẳng đứng cheo leo, đồ sộ và thấp dần ở hai bên sườn dốc. Bên bờ nam những thảm hoa mua nở rộ, trải dài từ ven hồ cho đến tận chân những cánh rừng ngập sắc xanh phía xa. Dưới ánh nắng ấm áp của mùa thu, những bông hoa mua tím lịm căng tràn sức sống với mạch nhựa cây tinh khiết chảy trong mình. Mặt nước êm dịu nhẹ nhàng, lâu lâu lại lăn tăn những gợn sóng nhẹ bởi lũ cá quấy động dưới hồ, chốc chốc lại có tiếng quẩy đuôi mạnh và nước bắn tóe lên như ai ném đá.

Trong lùm hoa mua to nhất, rậm nhất, gần mép hồ nhất, Kiên chán chường nằm xả lai một đống trong bụi hoa, hai chân buông thõng xuống hồ dọc nước, tay phải vắt lên trán, tay trái thì mò mẫm xung quanh, mỗi khi nó vớ được hòn đá hay bất kì thứ gì đó là nó lại ném xuống hồ một cách không có mục đích, mặt nó ũ rũ như vừa mất bao gạo. Thực ra là nó vẫn còn gai trong lòng vụ không được xuống phố, gai hơn là chị Linh được đi mà nó lại phải ở nhà với công việc vớ vẫn như là tưới rau, cho sáu con gà và hai con heo ăn, mặc dù công việc đó bà Lanh vẫn làm hằng ngày, nó thừa biết là bà Hoa béo ghét cay ghét đắng nó từ cái vụ mà nó làm bà ấy té cắm đầu xuống ruộng cái hôm đi cấy mạ rồi, còn chị Linh được đi nó biết chắc chắn là do bà ấy cần người sai bảo thôi, nhưng nó vẫn thấy tức lắm. Có lẽ, cái thói ganh đua hơn thua xưa nay với chị Linh đã ăn sâu vào máu nó rồi, mỗi lần cơn tức ập tới thì nó lại ném mạnh hơn và xa hơn về phía vách đá đối diện, như thể đáng ném vô mặt bà Hoa và chị Linh cho thõa cơn tức.

Kiên vẫn chìm đắm trong nỗi u uất, mà không biết rằng đang có một hội nghị trọng đại đang diễn ra trong làng. Tại ngôi nhà gạch hai lầu của ông Chính Thơm, ngôi nhà bự nhất, cao nhất, sang nhất, giàu nhất trong làng, tự dưng hôm nay xuất hiện một dấu hiệu lạ là người bu lại đông đen, kín mít từ trong nhà ra tới ngoài ngõ. Có vẻ hầu như người đến đây đều là dân làng xung quanh, những con người với định lực phi thường, kéo nhau về đây ngay giữa cái trời nóng như ai hun lửa này, để tụ họp với cái mác họ cho là vĩ đại “kế hoạch truy bắt kẻ trộm lấy lại sự yên bình cho làng xóm” với những lập luận đanh thép sắt đá bằng mồm, dù rằng mấy tiếng đồng hồ sau đó, họ cố thủ trong nhà với giấc ngủ sâu và một tư tưởng vững chắc với suy nghĩ “chắc nó chừa nhà mình ra”.

Nội dung cuộc họp chả có gì là mang tính xây dựng cộng đồng, ngoài buổi tụ tập, trông giống như cái phường buôn chuyện thập cẩm cám heo của mấy bà tám hơn là cuộc họp quan trọng của các bô lão. Nơi đây cũng là cái nôi sinh ra những câu chuyện điên rồ với phạm vi trên trời dưới đất, đậm tính chất phóng đại và hư cấu. Ông Chính Thơm ngồi bần thần ra, trên chiếc ghế băng dài bằng gỗ lim, mắt như người mất hồn nhìn về phía kệ tủ trống trơn, nơi để con ti vi màu mà ông quý như bảo bối, nhưng đó chỉ là chuyện của ngày hôm qua. Đêm qua đã có kẻ nào đó đột nhập và lấy nó đi, chuyện này gây rúng động khắp cả làng trên xóm dưới. Bởi cái ti vi không chỉ là tài sản của nhà ông Chính Thơm, mà nó còn là công cụ giải trí cho cả làng xem, đó cũng là lý do diễn ra cái hội nghị kì cục này. Nhưng đi vào sâu xa hơn, thì lý do là ai cũng góp mặt ở đây, thực chất là để chứng tỏ rằng họ không liên quan một cắc nào đến cái vụ trộm ấy hết.

"ĐÉT."

Đám người đang xầm xì sôi nổi, thì bỗng nhiên có một bà lão tóc bạc vỗ đùi một cái thật to, khiến cho những người đang bán tán xôn xao giật mình mà lặng ngắt như tờ. Bà lão trợn mắt lên với vẻ mặt như vừa phát hiện ra một chuyện kinh thiên động địa gì đó.

"Này mấy người nhớ bà Dung bán gạo ở cổng chợ không?"

Một ông lão ngồi cạnh liền đáp ngay:

"Cái con mụ hách dịch đấy thì ai mà chả biết, sao có chuyện gì?"

Bà lão tóc bạc cùng ánh mắt láo liên, bắt đầu tỏ ra thần bí kể.

"Gần tuần trước tôi đi mua gạo, thì thấy thằng con mụ ấy từ dưới xuôi mới về, vừa hay cái tướng nó cũng trông cũng lùn tịt ấy, các người nói xem sao lại có chuyện trùng hợp được như vậy được."

Mụ béo ngồi đối diện bày ra vẻ mặt như nhìn thấu sự đời.

"Thông qua con mắt nhìn người hơn ba mươi năm của tôi, chắc chắn là khi nó học ở dưới xuôi chơi với mấy thằng đầu đường xó chợ nên nó bị biến tướng thành cái dạng chẳng tốt đẹp gì rồi."

Lão già gầy với chiếc răng chuột ngồi kế mụ béo, vỗ nhẹ mu bàn tay ú nu của mụ béo với nét mặt ghét bỏ.

"Mụ Vân nói chí phải! Tôi cũng thấy nó rồi, cái mặt trông cũng được đấy, nhưng cánh tay lại xăm nguyên hình con bồ câu là nhìn không ưng rồi. Tôi nhìn thấu nó rồi, rồi nay mai nó cũng trông tệ hại như mẹ nó thôi, có khi còn hơn ý, chắc chắn là nó rồi. Cấm có sai!"

Một đám người bắt đầu nhao nhao lên.

"Bọn trẻ bây giờ nó sướиɠ quá hóa dồ, dễ bị dạy hư thật đấy, chắc sớm muộn gì cũng thành thứ cặn bã xã hội thôi. Chẳng bằng chúng ta ngày xưa sống khổ trăm bề, nhưng ai cũng là một người lương thiện. Mà thằng đấy tên gì ấy nhể?"

Trong đám người, lòi đâu ra một bà bầu, bụng to như cái lu, đứng phắt dậy, nói chuyện gấp gáp như sợ bị ai giành mất lời.

"Tôi biết, tôi biết này! À thật ra chuyện chả là thế này: Sáng này tôi mới ra đó mua gạo, cơ mà nó còn giúp tôi vác bao gạo về nhà nữa ấy."

"Hỏi mới biết nó tên gì ấy nhờ, hình như là… À tên cái gì… Tuấn ấy, nói chung là nó tên Tuấn đấy. Nhưng tôi thấy nó thân thiện với tốt bụng lắm không giống người xấu đâu các ông các bà ạ."

Tuấn con bà bán gạo ngã ba chợ đang học năm hai đại học ở dưới xuôi, con đầu của bà Dung bán gạo ở cổng chợ, đang làm ở dưới xuôi, nhưng về thăm nhà vài hôm nên phụ giúp mẹ bán gạo.

Bà lão tóc bạc liền gân cổ lên:

"Đừng có nhìn mặt mà bắt hình dong, cô còn trẻ chúng tôi già vậy rồi không lẽ không nhìn ra ai tốt ai xấu à? Chắc chắn là nó đi theo cô về nhà, để ngó xem có gì đáng giá không, rồi tối đến là nó thó đi đấy, chả đùa được với mấy thằng ranh ấy đâu."

"PHÀNH."

Tự dưng có tiếng động lớn khiến cho mọi người ở đây xám hồn, tiếng động xuất phát từ chỗ của bà vợ ông Chính Thơm, một người phụ nữ mập thù lù với cái miệng oang oang như cái loa phường, tóc nhuộm quăn tít, đang rót trà nhưng sau khi nghe mấy mụ già kia dệt truyện, vẻ mặt từ từ biến đỏ tức giận, đập rung cả cái bàn gỗ, khiến nước trà văng tung tóe cả ra ngoài.

Có lẽ vì tức giận quá độ mà khiến những cái nọng dưới cằm bà ta rung lên liên hồi, bà ta mở miệng chửi xối xả, khiến nước miếng cũng từ đó, mà xuyên qua những kẻ răng thưa thớt ố vàng, văng tán loạn khiến ai cũng phải che mặt.

"Thằng bé là người có ăn có học đoàng hoàng, mấy mụ ở đây thêu dệt cái gì, nó là cháu họ của tôi không lẽ tôi không biết nó xấu hay tốt, đừng có mà ăn nói vớ va vớ vẫn."

Bà ta chỉ tay thẳng mặt lão già răng chuột kia.

"Hình xăm thì sao chứ tôi cũng xăm đầy mông đây này ông có muốn xem không?"

Bà vợ ông Chính Thơm vô thế chuẩn bị như thể sẽ xé toang cái váy ở phần mông ngay lập tức, nếu bà ta nhận được đáp án là “có”. Nhóm người sợ đến tái xanh mặt mày, chỉ biết im bặt rồi giả đò ngó lơ sang chỗ khác, họ nào ngờ Tuấn là cháu họ của bà Chính thơm đâu.

"Gì đấy? Mụ đấy nổi điên lên à? Khϊếp thế!"

"Sao cái thằng đấy là cháu họ của mụ ấy, mà chả ai kể cho tôi biết là thế nào?"

"Cái thằng cha kia không thổi vô ai, lại thổi trúng thằng cháu của mụ Chính Thơm. Tài thật đấy!"

Những âm thanh xì xào to nhỏ vội vang lên rồi cũng vội tắt lịm đi, trước cái liếc sắc như dao cạo lợn từ bà Chính Thơm. Buổi “hội nghị” dần lâm vào ngõ cụt, thì đột nhiên lúc này có một lão già gầy gò ngồi cạnh ông Chính Thơm, mặc áo sơ mi, quần tây gọn gàng tinh tươm, sang trọng, im lặng nãy giờ lên tiếng với cái giọng thều thào như một thằng cha bị nghiện thuốc lá lâu năm.

"Có thể là thằng cha thọt đó lắm."

Bỗng chốc sự ồn ào bao trùm cả không gian. Lúc này mọi người lại bắt đầu lấy lại tinh thần, hào hứng, nhiệt liệt bàn tán.

"Lão già què, chân cao chân thấp đó hả?"

"Đúng, đúng, đúng!"

"Làm gì có ai lạ lùng như lão ấy nữa."

"Cái hành động của lão trông cũng lạ lùng như con người của lão vậy đó."

"Tôi cũng từng nghĩ như vậy"

"Dám có chuyện đó lắm."

"Còn ai vào đây nữa."

Bà vợ ông Chính Thơm liền đăm chiêu với vẻ mặt nghi ngờ.

"Ý ông là lão Lai què sống ở khu đồi vắng bên kia đó hả? Lão Trung."

Lão Lai què trong miệng bà vợ ông Chính Thơm nói là một ông lão có thể nói là mạt nhất cái làng này, ông ta có một cái chân phải què quặt, sống trong một túp lều rơm cũ mèm, ở một gò đồi hoang bên cạnh ngôi làng, nhìn từ xa túp lều của ông ta chả khác nào một cái chòi hoang. Từ năm nay qua năm khác ông ta chẳng bao giờ tiếp xúc hay nói chuyện với một ai cả, chính vì lẽ đó mà dân làng xung quanh luôn xa lánh ông ấy, coi ông ấy như một kẻ dị hợm.

Còn lão Trung, một lão già về cái làng nghèo nàn này dưỡng già từ một hai năm trước, lão vẫn thường tự hào với cái danh là thương nhân tài hoa, như cách mà lão thường hay ba hoa với dân làng. Lão nở một nụ cười giễu cùng với ánh mắt tràn đầy khinh thường, sau cặp kính viễn dày như cái đít chai của lão, cộng thêm giọng nói thều thào nhưng sặc mùi buộc tội.

"Tôi đã tận mắt chứng kiến, thằng cha khốn khổ đó nhìn chằm chằm vào chậu hoa đào của tôi trước cổng với sự thèm khát, tham lam không thể nào che giấu được trong mắt. Tiên sư bố nó! Y như rằng vài tuần sau đó, chậu hoa đào của tôi không còn nằm ở đấy nữa, không gã ấy lấy, thế không lẽ cái chậu hoa tự mọc chân chạy ra khỏi nhà tôi à?"

Lúc này mọi người bắt đầu loi nhoi, đánh giá về tính xác thực của câu chuyện ông ta kể. Thì bỗng dưng, ông Quyết với thân hình béo húm, đầu trọc, mắt xếch, trồi lên từ đám người hắng giọng, chống nạnh nói:

"Chứ còn gì nữa, không lẽ anh Trung đây giàu sang như thế, mà lại phải đi đổ tội cho một gã nghèo mạt à? Tôi còn hay thấy thằng chả lén lén, lút lút đứng trước nhà tôi với vẻ mặt lấm lét. Từ lâu tôi đã ngửi được trên người thằng chả mùi hôi hám của kẻ đê tiện rồi. Tôi chắc chắn thằng cha đó là thằng trộm chết bằm kia."

Mụ Vân béo từ ngoài cửa chồm lên hỏi với anh mắt khó hiểu:

"Chẳng phải mọi người trong xóm đều luôn mồm nói là thấy một tên trộm thấp bé, còn lão Lai què, trông lão ta to cao như cái cột đình thế kia mà."

Lão Trung liền xằng cồ lên cãi lại:

"Là gã ấy không thể nào sai được! Chắc là ban đêm có sương xuống, nên họ nhìn gà hóa cuốc thôi. Mọi người nghĩ mà xem, bao năm nay gã ấy cứ thoát ẩn, thoát hiện với quẩn quanh cái chòi rách ấy, gã ấy có làm ăn gì đâu? Thì lấy tiền đâu gã ấy sống đến được giờ này?"

Lúc này đám người, người nào người nấy đều bày ra vẻ mặt như hiểu ra, rồi cùng nhau đồng thanh:

"À THÌ RA LÀ VẬY."

Mụ vợ ông Chính Thơm tỏ ra hiềm nghi.

"Ông có chắc không?"

Lão Trung ngạo nghễ vắt chéo chân lên, rít một hơi điếu cày thật dài, rồi cao giọng tuyên bố với một vẻ hùng hồn.

"Tôi chắc mẩm là như vậy! Thằng cha ấy chỉ việc đợi chúng ta đi ngủ, rồi đi ra khỏi cái ổ chuột rách nát của gã, nhẹ nhàng lượn quanh làng trên xóm dưới, dòm ngó từng nhà, lấy những gì gã ấy thích trong lúc chúng ta ngủ say và bán kiếm tiền lo cho cuộc sống đốn mạt của gã ấy, chứ gã ấy có phải làm gì nữa đâu nào? Chắc chắn cái ti vi của anh nhà đây cũng do gã ấy ẵm đi đấy. Ngoài gã ấy thì còn ai vào đây nữa?"

Có vẻ như lần này chẳng còn ai phản đối hay ý kiến gì về lời nói của ông ta nữa cả, cũng bởi một phần ông ta là người giàu có không kém phần nhà ông Chính Thơm, hơn nữa còn là người từ thành thị về. Tất nhiên độ uy tín thì thường tỉ lệ thuận với độ giàu có.

"Thế thì nguy to rồi!"

Bà Bành còng với cái lưng còng vĩ đại, trông không khác nào cái mai rùa, lúi húi chống gậy, đứng lên từ đám người với vẻ mặt lo sợ.

"Sao lại có chuyện gì nữa à?"

"Mụ bị mất cái gì à?"

Đám người đổ dồn mắt về phía bà ta, nghe bà ta phân bua.

"Mấy hôm trước nhà tôi mới tậu được cái quạt máy chạy bằng điện, đúng lúc thằng cha ấy đi qua nhìn thấy, mà nhà tôi lại gần khu đồi của thằng cha đó sống nữa, nếu mà cứ tình hình này là có khi thằng cha ấy cũng cuỗm mất không chừng."

Lão Trung liền lật đật đi ra, gặng hỏi:

"Thế cái quạt ấy có đắt tiền không?"

Bà Bành mặt mày liền phấn khởi lên khoe mẽ.

"Sao lại không! Tôi phải mất gần năm tạ thóc mới rinh được nó về đấy, trời này mà bật lên thì cứ phải nói là mát rười rượi."

Lão Trung vui ra mặt, mắt đảo lia lịa tận tình chỉ bảo.

"Vậy thì mụ phải dấu cho kỹ vào, tốt nhất là dấu trong cái xó bếp ấy, lấy cái bao bố đậy lại, chẳng thằng điên nào mà lại dỗi hơi chui vào cái xó bếp đâu."

Lúc này mấy người khác cũng bắt đầu nói theo:

"Bác nói chí phải! Dấu cái chỗ ấy thì bố thằng nào mà tìm ra cho được."

"Mà tốt nhất là báo chính quyền tóm cổ thằng cha Lai què quặt ấy đi, cho thằng cha ấy tù mọt gông luôn."

"Phải đấy! Báo chính quyền đi."

"Mấy cái ngữ ấy thì chết quách cho rồi."

"Đúng, đúng!"

Và mọi người đều tán thành rằng phải báo lên chính quyền và tẩy chay xua đuổi khi lão Lai què tiếp cận căn nhà của họ. Hội nghị kết thúc, mọi người giải tán, ai cũng ra về với một tư thế thẳng lưng, bước chân khoan thai, thâm tâm họ cho rằng họ thật thông minh và sáng dạ khi đã giúp cả làng tìm ra kẻ trộm cắp. Họ còn tự tán thưởng cho họ một nụ cười trông thật mãn nguyện.

Đêm đã khuya mọi thứ dần trở nên tối sẫm, lưỡi liềm vàng rực sáng sau những đám mây cùng những tấm sao lấp lánh trên kia, ngay trên những đọt chuối, cũng không thể nào rọi qua màn đêm tăm tối bên dưới. Bên ô cửa sổ nhỏ, hiu hắt ánh đèn dầu nhập nhoè, Kiên vò đầu bứt tai trước đống bài tập về nhà, một thứ đối với nó là vô cùng đáng sợ chỉ sau bà Hoa béo. Ánh đèn lập loè hắt lên trên vách tường những cái bóng đen thẫm, nhấp nhô trong không gian tĩnh mịch. Sau lưng Kiên vài bước chân là một cái tủ đồ nhỏ bằng gỗ, bị nứt toác ở vài chỗ, nó là thứ đẹp đẽ nhất so với những thứ tuềnh toàng khác trong phòng. Dường như Kiên đã lún sâu trong mê cung bài tập không lối thoát, đến nỗi mà nó chẳng phát hiện những điều kì lạ đang diễn ra phía sau lưng. Sau một trận gió mạnh khiến những trang vở ố bị phất lên, chiếc tủ gỗ bỗng rung nhẹ lên, từ những khe nứt của nó nhoáng lên những tia sáng vàng kì dị, rồi lại tắt húm, sau đó là âm thanh như ai gõ cửa vang lên.

"Cốc, cốc, cốc."

Cuối cùng thì cũng có một thứ gì đó, khiến Kiên rời ánh mắt ra khỏi lũ bài tập phiền phức, nó ngó ngang ngó dọc, như thể đang tìm nguồn cơn phát ra những âm thanh đó, nó nhìn đăm đăm ra cửa phòng và tất nhiên là không có cánh cửa nào hết, đến cái giường của nó còn không ra hồn, thì kiếm đâu ra được một cái cánh cửa đoàng hoàng. Kiên tặc lưỡi một cái rồi tự nhủ nó đã học quá nhiều, đến nỗi cái tai của nó không còn hoạt động đúng như vốn có nữa, nó quyết định tự thưởng cho bản thân một cái ngả lưng trên cái giường ván ghép của nó. Nhưng nó còn chưa kịp lết cái thân đến giường, thì những âm thanh đó lại vang lên một lần nữa.

"Cốc, cốc, cốc."

Lần này thì Kiên chắc chắn là nó nghe rõ rành rọt từng tiếng một và nó biết chắc những âm thanh đó đến từ cái tủ đồ. Nó khựng lại, hai mắt trân trân nhìn vào chiếc tủ, như đang chờ đợi điều xảy ra tiếp theo.

"Ta có thể gặp và nói chuyện với cháu một chút được không?"

Một âm thanh trầm ấm từ trong tủ phát ra, kèm theo đó là cánh cửa tủ ọt ẹt khó khăn mở ra, giữa mớ quần áo treo trong tủ bị dạt ra hai bên là một bóng đen thấp bé, rồi bóng đen đó chậm rãi bước ra, đứng thù lù một đống trước mặt Kiên. Một loạt hành động đột ngột của một kẻ lạ mặt, lại diễn ra ngay trong phòng ngủ, làm cho nó sợ xanh mặt, nó hét ầm lên như một đứa trẻ khi bị ai đó giả làm ông kẹ hù doạ. Nhưng chỉ trong tích tắc, khi tiếng búng tay của người lạ mặt vang lên, miệng nó ngay lập tức như bị một quả chanh chặn kín, cổ họng nghẹn ứ, không thể thét ra một âm thanh nào, điều này càng làm nó sợ hơn, nó cuống cuồng như muốn vơ lấy đại một thứ gì đó mà nó tóm được, một thứ gì đó có thể cứu vớt lấy nó, trước chuyến viếng thăm không báo trước của một kẻ lạ mặt, mà nó cho là không hề an toàn. Và một lần nữa, tiếng búng tay thứ hai vang lên, Kiên bị sốc nặng khi cả người nó như bị hoá đá, cứng đờ ra, cơ thể của nó không còn hành động theo như nó suy nghĩ nữa, cứ như bị trói chặt bởi một sợi dây vô hình, giờ đây nó chỉ còn biết vùng vẫy trong cơn bấn loạn xen lẫn sợ hãi tột độ trong nội tâm, hai mắt thì mở thao láo nhìn trừng bóng đen trước mặt.

"Đừng sợ hãi như vậy, ta chỉ là vừa dùng phép cấm động cùng phép câm lặng mà thôi. Nó không nguy hiểm gì đến tính mạng đâu, muốn giải chúng thì chỉ cần thêm một cái búng tay nữa thôi là được. Nhưng ta sẽ không làm vậy ngay bây giờ, chừng nào cháu bình tĩnh lại thì ta sẽ suy nghĩ đến việc đó. Ta thật lòng chỉ muốn thông báo cho cháu vài thứ thôi, chứ không có ý làm hại gì đến cháu đâu."

Sau một hồi trấn tĩnh, tâm trí ùa về sau cơn hoảng loạn, Kiên dường như đã nhận ra, cái bóng đen này chính là cái bóng đen thấp bé, mà nó đã thấy sau bờ giậu vài hôm trước.

"Ồ! Cháu có thấy thật là bất tiện, nếu chúng ta gặp mặt, mà không thể thấy rõ được mặt nhau không, ánh đèn yếu ớt kia khiến ta chẳng thể nào thấy rõ mặt cháu, mặc dù ta đã thấy qua mặt cháu rồi, nhưng ta nghĩ việc thấy rõ mặt thì cuộc trò chuyện sẽ trở nên dễ dàng hơn. Chờ ta chút, chúng ta cần chuẩn bị một thứ gì đó cho cuộc trò chuyện này, chúng đâu rồi nhỉ, ta nhớ là chúng chỉ nằm đâu đây thôi."

Kẻ lạ mặt loay hoay sờ mò khắp người, như đang cố kiếm thứ gì đó, mà không thèm để ý đến gương mặt Kiên đang dần méo xệch, ngoài cơn sợ hãi đang dần vơi bớt, một cảm giác tò mò về bóng đen trước mặt, đang dần trỗi dậy trong lòng của nó, nhưng hơn hết vẫn là nó thật sự chưa hiểu cái quái gì đang xảy ra lúc này.

"À đây rồi, xém nữa thì quên, ta cất chúng ngay trên đỉnh đầu mà lại quên mất."

Kiên trợn tròn kinh ngạc, như thấy một thứ gì đó điên rồ ngoài sức tưởng tượng của nó, bóng đen tháo nón xuống, để lộ ra một đàn đom đóm sáng rực đậu trên đám tóc quăn xù, trong phút chốc cả căn phòng được thắp sáng chưng đến từng ngóc ngách. Và Kiên cũng nhìn thấy rõ chân dung người trước mặt, một ông chú lùn tịt, nhỏ thó trong bộ vét xám lịch sự ôm sát gọn, tay vẫn còn ôm cái mũ cối trắng đυ.c bên hông, chân đi một đôi giày da, trông như da bò, cái mũi to lớn lạ thường nằm giữa gương mặt gầy nhọn, đôi mắt sáng tinh ranh đen láy, dưới cặp mày rậm rạp.

"Cháu thấy sao? Lũ đom đóm tiên này đủ sáng chứ, ta đã mua chúng ở chợ đen với giá cực kì rẻ đó. Ta phải trả giá với chủ cửa hàng mãi hắn mới chịu bán, mặc dù mặt hắn không mấy vui vẻ, nhưng ta không quan tâm."

Mặt ông chú hằn lên vẻ quá đỗi tự hào, như vừa lượm được một món hời.

"À xin lỗi vì sự lạc đề này, có lẽ là cháu sẽ cảm thấy cuộc gặp gỡ này khá đột ngột, nhưng mà...."

Ông chú còn chưa dứt lời thì một chất giọng ngái ngủ từ xa đã văng vẳng đến.

"Thằng Kiên đâu, đêm hôm không lo học lo hành, mà mày hét ầm cái gì đấy hả? Có thôi ngay mấy trò vớ vẫn đi không? Sao mày càng lớn lại càng điên dại là thế nào hả?

Khi nghe được cái giọng quen thuộc của bà Lanh, Kiên mừng như muốn điên, nó muốn hú hét lên đánh tiếng, nhưng mọi nổ lực đều trở nên bất lực, có vẻ như may mắn vẫn chưa rời bỏ Kiên mà đi, nó nghe rõ từng bước chân của bà Lanh tiến lại càng gần và sau đó là im bặt ngay trước cửa phòng. Bà lanh dừng ngay trước cửa phòng, khuôn mặt dần dại ra, hết nhìn kẻ lạ mặt, rồi lại nhìn thằng cháu mình đứng bất động ngay giữa phòng, đôi mắt trợn ngược của bà hiện lên một vẻ kinh ngạc không thể nào dấu nổi, nhưng không phải sự kinh ngạc của giật mình hay sợ hãi, mà là sự kinh ngạc khi đột ngột gặp lại người quen lâu ngày.

"Sao... sao... ông lại... ở đây?"

Bà Lanh run rẩy lên tiếng cùng vẻ mặt quá đỗi ngạc nhiên.

"Chào bà chị, tôi thật không ngờ lại có ngày chúng ta gặp lại nhau sau bao năm đấy."

Ông chú thấp bé ngẩng đầu lên, nhìn bà Lanh với cái nhìn thân thiết. Ông ta lại nói tiếp:

"Chà có vẻ như bà chị hơi già đi so với lần cuối ta gặp nhau."

Dường như lời hỏi thăm tưởng chừng như thân thiện, đã chạm đến chỗ nào tự ái của bà Lanh, bà liền đốp lại với vẻ khinh miệt.

"Còn ông thì vẫn lùn tịt và vô phép tắc khi đến nhà của người khác như hồi đấy."

"Thật lòng xin lỗi bà chị, tôi đã định bước vào từ cửa chính, nhưng tôi đã suy nghĩ lại, tôi định bụng không làm phiền đến bà chị và gặp mỗi thằng bé thôi, nhưng nào có ngờ thằng bé lại sợ hãi, thất kinh đến vậy."

"Ra là ông tính gặp thằng bé trong ầm thầm, rồi muốn rước nó đi lặng lẽ sau lưng bà già này à?"

Bà Lanh nhả từng chữ mà như rít qua từng kẻ răng và Kiên chắc chắn rằng bà sắp nổi cơn tam bành mà nó thường thấy.

"Ấy sao bà chị lại nói như thế? Ít ra tôi vẫn sẽ để lại một lá thư giải thích rõ ràng mà."

Ông chú nói tiếp:

"Thật là không khôn ngoan nếu chúng ta cứ đứng ở đây và nói chuyện theo phong cách này. Bà chị nghĩ sao về cuộc trò chuyện với một bình trà nóng và vài miếng trầu."

Giữa phòng khách, trên manh chiếu cũ, bà Lanh cẩn thận bổ cau và têm từng miếng trầu một, còn Kiên vẫn còn cảm thấy kinh hoàng sau những chuyện xảy ra vừa rồi, bằng chứng là nó ngồi sát người bà Lanh và tụt lại đằng sau nhất có thể. Ở phía đối diện ông chú nhỏ con vẫn an nhàn hớp từng ngụm trà, cái đầu quăn xù cùng lũ đom đóm thì vẫn rọi sáng cả căn nhà, còn đôi mắt thì chưa bao giờ rời khỏi người Kiên lấy một cái. Một cỗ im lặng bí bách, chạy quanh manh chiếu nhỏ. Vẫn là bà Lanh, người đầu tiên lên tiếng phá vỡ bầu im lặng và khô khốc.

"Nói đi! Mục đích lần này ông đến đây là gì, lại vẫn như lần trước sao?"

Ông chú liền đáp lại:

"Bà chị nói xem! Liệu còn lý do nào khác khiến tôi đặt chân đến cái thế giới tầm thường này nữa chứ?"

Ông chú phấn khích tiếp tục nói:

"Thật ra thì đây là lần thứ hai tôi làm việc này, lần trước thì do tôi thật sự muốn trải nghiệm công việc này, nhưng tôi đã dừng hẳn kể từ lần đó do quá bận bịu. Còn lần này thì như tôi đã nói, quá lâu rồi tôi chưa chăm sóc một ai, quả thật tôi là một lão già cô độc như bà chị cũng biết rồi đấy, nên đôi khi cuộc sống dường như hơi buồn chán và tẻ nhạt đối với tôi, nên khi vừa nhận được thông báo tuyển mộ "kẻ bảo hộ", tôi đã ngay lập tức nộp đơn xin lấy một xuất."

Ông chú nhớn mày thích thú và nói tiếp:

"Bà chị biết điều kì diệu gì đã xảy ra không? Địa chỉ đứa trẻ cần bảo hộ mà tôi bốc trúng vẫn là ở đây, một sự trùng hợp đến không thể nào trùng hợp hơn, có lẽ đó là duyên phận chăng? Ngay khi nhận được đơn xác nhận từ bộ quản lí xuất nhập cảnh, tôi đã đến thế giới này ngay lập tức, từ khoảng ba bốn hôm trước, chỉ để xem thử thằng bé thôi đấy và tôi nghĩ chuỗi ngày nhàm chán của tôi sau này sẽ dần có nhiều màu sắc hơn."