Kẻ Nắm Nhẫn Thiêng

Chương 1: Đứa Trẻ Nắm Vận Mệnh

Trong ngôi đình cổ, nằm trên một hòn đảo đá sừng sững, giữa đầm lầy đen tối phủ rộng đến vô tận. Gió đêm gào rú, lùa vào ngôi đình xua tan dần đi bầu không khí ám mùi chết chóc. Những ánh nến lập lòe trên vách tường loang lổ đầy vết máu, dấu vết còn lại của một cuộc tàn sát kinh hoàng. Giữa đình, sáu thi thể không còn nguyên vẹn nằm im bất động, cùng với những đôi mắt mở to trừng trừng, ánh lên những cái nhìn kinh hãi tột độ, như thể đã thấy cái gì đó kinh khủng lắm trước khi chết. Ở trong xó, một lão già tóc bạc phơ ngồi bệt dưới sàn, lưng tựa vào tường, thở khó khăn từng hơi một. Sâu trong đôi mắt mệt mỏi ấy lại hất lên những cái nhìn kiên định, chẳng hề nao núng một vết sợ sệt. Bỗng một tiếng nói đậm mùi xảo quyệt vang lên trong không gian, không xác định được từ hướng nào.

"Thật là kì cục, khi đột ngột tiễn những học trò cưng của thầy về nơi chín suối. Phải chi, bậc thầy tiên tri như thầy đây sớm nói ra lời tiên tri sấm đó thì cục diện đã không đi đến hồi không vui vẻ thế này."

Ông lão không đáp lại liền, mà lão nở một nụ cười lớn khiến lão ho khùng khục, cứ mỗi lần lão ho thì máu từ những vết thương ở ngực lại rỉ ra. Lão nhìn trừng trừng về ba cái bóng đen trên vách, những cái bóng đen mang theo sự tăm tối của sự ma mị. Lão từ tốn hít vào một hơi sâu rồi nặng nhọc nói:

"Lời tiên tri sấm chỉ dành cho những kẻ xứng đáng được ban tặng, còn những kẻ phản bội, bán linh hồn cho quỷ dữ như bọn mi có tư cách chi mà được nghe."

Những lời khó nghe không khiến những cái bóng đen tức giận, cái bóng đen ở giữa cũng là cái bóng to, cao hơn hai cái bóng còn lại nhẹ nhàng di chuyển và đổ dài ra sàn trước mặt ông lão. Tiếng nói xảo quyệt kèm theo sự chế giễu, tưởng chừng như ngưng tụ từ trong không khí lại một lần nữa cất lên:

"Phản bội sao?"

Tiếp theo đó là một tràng cười đặc sệt, lạnh sống lưng vang vọng đến từng ngóc ngách. Rồi ngay lập tức, cái bóng đen di chuyển đến vách tường, ngay sau lưng ông lão.

"Thưa bậc thầy tiên tri vĩ đại đáng kính, theo thầy: Thì thế nào là phản bội? Khi mà ngay từ đầu lòng trung thành và sự tin tưởng đã không đặt đúng chỗ. Ai mà chả có chủ nhân để tôn thờ và trung thành hết mình để phò tá, đó chẳng phải là đức tính tốt từ ngàn xưa mà các thầy vẫn thường hay nói sao?"

Không để lão kịp trả lời, hắn liền khẽ nâng giọng nói tiếp:

"Thôi nào! Không nên làm mất tình nghĩa hòa hảo giữa chúng ta, chỉ cần thầy hé cho kẻ mọn này một chút thông tin về lời tiên tri sấm và tung tích của chiếc nhẫn thiêng, thì kẻ này xin đảm bảo sẽ rời đi ngay lập tức và không bao giờ quấy rầy, làm phiền thầy nữa."

Nghe xong những lời này, ông lão chững lại một lúc, rồi hướng mắt ra cửa, nhìn vào màn đêm tối mịt mù. Một lúc sau, lão hạ mắt xuống nhìn vào quả cầu tiên tri mà lão nắm trên tay. Lão trầm ngâm như đang tính toán gì đó trong lúc những cái bóng đen lập loè kiên nhẫn chờ đợi. Sau một lúc lâu, tưởng chừng như bầu không khí đã bị đông cứng. Lão già nở một nụ cười thoáng, lão chậm rãi lên tiếng:

"Được thôi! Nói cho mi một ít cũng không sao, nhưng mong mi vẫn là nên thực hiện đúng như những gì mi đã nói."

Nhoáng một cái, bóng đen liền dán xuống mặt sàn ở trước mặt của ông lão. Hắn ra vẻ cung kính nói:

"Mời thầy cứ nói!"

Ông lão gượng sức ngồi thẳng lưng dậy, rồi tỏ ra vẻ khó chịu nói:

"Mi đi ra xa chút, đứng gần vậy khiến ta khó nói."

Bóng đen cũng không nhiều lời, liền rút ra xa. Lão già liền nâng quả cầu tiên tri bằng tay trái lên, còn tay phải lão âm thần rút ra sau làm gì đó. Nhưng giờ đây, những kẻ lạ đã không còn chút cảnh giác nào mà để ý điều đó. Những cặp mắt vô hình nhìn chằm chằm vào quả cầu không rời, chúng không muốn bỏ xót một biến động nào từ quả cầu tiên tri, chúng không hơi đâu mà ý đến lão già sắp xuống lỗ chỉ còn chút hơi tàn, chúng chỉ cần đạt được điều chúng muốn, rồi tiễn lão đi cùng với lũ học trò ngu ngốc của lão là xong.

Quả cầu tiên tri dần đổi từ màu trong vắt sang màu khói đυ.c ngầu, rồi sau đó hiện lên hình ảnh một thằng bé gầy khọm. Cùng lúc này, ông lão khó nhọc, hơi thở ngắt quãng lên tiếng:

"Quả cầu... tiên... tri nói... một đứa... trẻ nắm trong mình... vận mệnh to... lớn, đồng thời... cũng gánh trên... vai... trọng trách... của chiếc nhẫn... thiêng. Và đứa trẻ... là..."

Đột nhiên ông lão vùng dậy, trước sự ngỡ ngàng của ba bóng đen. Để lộ ra một lỗ xoáy nhỏ đen ngòm, nằm ngay đằng sau lưng của ông lão. Rồi ông lão dùng hết sức bình sinh hét lên:

"Lũ giòi bọ bọn mi muốn biết đứa bé là ai thì tự đến tương lai mà tìm..."

Ngay tức thì ông lão liền ném quả cầu tiên tri vào lỗ xoáy và ngay lập tức lỗ xoáy cũng liền biến mất, trước sự trở tay không kịp của ba bóng đen. Ông lão liền như bóng bay xì hơi, lão gục xuống, nhưng nụ cười của lão lại tươi rói, tràn đầy hy vọng.

Ba bóng đen thét lên những tiếng thét ghê rợn, chúng hóa thành ba làn khói đen mà điên cuồng cuốn lấy thân của ông lão, xiết chặt, rút cạn máu, sinh lực và những hơi thở cuối cùng của ông lão. Không gian dần trở nên yên tĩnh, tịch mịch, chỉ còn thoang thoảng vài tiếng thét sau cơn cuồng phong cuối cùng.

"ĐI TÌM ĐỨA TRẺ, ĐI TÌM NHẪN THIÊNG"

Trời đã vào thu, nắng lung linh phủ kín cả một vùng trời, nhuộm vàng ươm cả những thửa ruộng ngoằn ngoèo nằm xếp lớp, trông như những nấc thang lên tận trời. Những cánh đồng bất tận xen lẫn và ôm sát những thảm rừng xanh mướt bạt ngàn trải dạt trên những lưng đồi phía xa. Những khóm núi trập trùng san sát nhau chạy đến vô tận, cõng theo những con đèo dài ngoằng uốn éo vắt ngang lưng chừng núi. Xuôi cùng con sông Điềm hiền dịu như dải lụa ngọc bích lượn lách qua từng chân núi, kẽ đồi, cong mình vây chặt quanh làng Đốc Thiết, một ngôi làng lâu đời với những ngôi nhà nằm rải rác trên những con đồi nằm san sát nhau. Có thể khẳng định rằng đây là ngôi làng xưa còn hơn chữ xưa, xưa đến nổi người ta không còn nhớ nổi nguồn gốc và ý nghĩa của cái tên làng nữa.

Men theo con dốc lót đá gập ghềnh khúc khuỷu, luồn lên ngôi làng là những nương lúa chín rũ, những đàn bướm vờn quanh mảnh vườn ngập sắc vàng hoa cải, những ngôi nhà ngói cũ bám đầy rêu phong tựa lưng vào sườn núi. Trên bầu trời quang đãng từng đàn chim sẻ lượn lờ trong gió, lâu lâu lại sà xuống đám lúa chín, rồi lại nháo nhác bay toán loạn khi đυ.ng mặt ma nơ canh. Thỉnh thoảng lại có làn gió nổi lên kéo ngang qua từng dãy đồi, ghé vào từng ô cửa sổ, lướt qua từng gương mặt ủ rũ ngán học của lũ học sinh. Khi tiếng trống trường vang lên từng hồi giòn giã, báo hiệu giờ nghỉ trưa đã đến trong ngôi trường nhỏ với vài lớp học cũ rích với nền tường bong tróc, loang lổ và nứt toác. Từng tốp học sinh ùa ra như đàn ong vỡ tổ, mặt đứa nào đứa nấy tràn đầy vẻ phấn khích, sau khi được cứu vớt khỏi những tiết học dài đằng đẵng.

Và mọi câu chuyện được khởi đầu bằng những cái nhấp nhổm của Kiên, nó lóng ngóng nhón người cao nhất có thể, ghim chặt ánh mắt như kiếm bò lạc về phía đoàn người đang lùa nhau ra khỏi cổng. Rồi khi cổng trường gần như đã vắng tanh, chỉ còn lác đác vài đứa, dấu hiệu của sự mất kiên nhẫn dần xuất trên mặt nó, thì bỗng nhiên nó gào lên một cách điên tiết khi thấy một đám học sinh thấp thoáng sau cổng trường.

"CHỊ LINH."

Một bóng dáng bé nhỏ, gầy còm, thoăn thoắt lách qua đám người như một con sóc nhỏ. Dường như cái Linh cũng nhận ra được biểu cảm không mấy hài lòng trên mặt thằng em, con bé liền cười xuề xòa mon men lại gần rồi quàng vai bá cổ Kiên một cách thân thiết.

"Mày đợi chị lâu chưa."

Nhưng đáp lại cái Linh là cái hất tay cọc cằn của Kiên.

"Không lâu, chỉ vừa tròn một tiết, chị làm cái củ khỉ gì mà ra lâu vậy."

Linh như chột dạ, con bé liền lấp liếʍ.

"Ừ, thì nay bài nhiều cô giảng thêm cho hết bài nên lâu ra đó."

Cái cớ của Linh khiến Kiên muốn phát hỏa, mặt nó đỏ lừ lên, nó biết tỏng cái lý do mà bà chị nó ra muộn rồi.

"Chị đừng có mà thiên lộn lộn thiên, thế đây là cái gì?"

Kiên chỉ tay vào cái túi quần của cái Linh, trong túi là một khối gì đó cồm cộm lên như gói thuốc lá, nhìn kỹ lại thì thấy một góc của lá hai cơ lồ lộ ra bên mép túi. Nó quát ầm lên:

"Em biết thừa chị lại đánh bài ăn tiền với bọn thằng Hoàng lé rồi, bắt em đội nắng đứng chờ ngoài đây, tẹo nữa về em mách bà Lanh, để coi hôm nay bà có dằn chị mềm xương không."

Dường như sự mềm mỏng của Linh, không còn tác dụng xoa dịu đối với cơn hăng máu của Kiên nữa. Cái Linh liền trừng mắt lên, như muốn lật bài ngửa.

"Mày dám không? Mày có tin chị mày mách chuyện mày trốn học đi đá banh bưởi với bọn xóm dưới không? Khỏi phải giấu bữa trước chị mày tận mắt thấy rồi."

Câu đe dọa của Linh khiến Kiên đờ người ra, nhưng không vì đó mà nó nhún nhường, nó gân cổ lên hơn thua cho bằng được.

"Mách thì mách! Cho chị mách đó! Đằng nào hôm đó cô bận có việc mới cho bọn em nghỉ một tiết, em mới đi chơi nhé, còn hơn chị đánh bài ăn tiền với bọn kia bỏ em chờ ngoài đây, để coi bà đánh ai đau hơn?"

Và cứ như thế hai đứa cãi nhau om sòm suốt chặng đường về cô nhi viện. Kiên năm nay mười sáu tuổi và Linh hơn Kiên hai tuổi, cả hai đứa đều là trẻ mồ côi được cô nhi viện nhận nuôi từ nhỏ, có thể nói rằng đến hiện tại thì hai đứa nó là hai đứa lớn nhất và cũng là hai đứa thường xuyên chí chóe nhau nhất trong cô nhi viện.

Cuộc cãi vã vẫn diễn ra gay gắt, điều này chỉ tạm dừng lại là khi cả hai đứa đi sâu vào một cái ngõ, thẳng đến cuối đường và dừng chân trước một khu nhà ván, lụp xụp, mái ngói lởm chởm vài chỗ nát. Ngôi nhà nằm tít ở gần bìa rừng với bờ rào là những bụi da^ʍ bụt l*иg vào nhau đan thành hàng. Ở ngay cổng, một bà già trông hơi gầy gò, tóc đã phiếm bạc, nhưng đôi mắt trông vẫn rất tinh tường đã đứng chờ sẵn.

"Trời thì đã đứng bóng rồi, còn hai đứa bay làm gì mà giờ mới lết xác về tới đây hả?"

Và tất nhiên hành động của bà cũng dữ dằn như cách mà bà quát hai đứa. Bà Lanh tay lăm lăm cái roi mây, mặt thì giận dữ với đôi mắt phượng phừng phừng lửa, khiến cho hai đứa sợ đến co rúm lại. Có lẽ vì tức giận quá mà khiến những nếp nhăn của bà săn lại, trông càng dữ tợn hơn.

"Có biết mấy giờ rồi không? Tao còn tưởng hai đứa bay chết dí ở cái đầu đường, xó chợ nào rồi đấy!"

Tự dưng, Kiên thấy oan ức hết sức, hà cớ gì mà bà chị đánh bài ra muộn mà nó lại bị ăn chửi chung. Nó muốn nói toạc ra là bà chị nó đi chơi bài, nhưng khi lời tố cáo sắp dâng tới miệng thì lí trí nó kịp ùa về, đóng chặt cái miệng nó lại. Lỡ bà Lanh mà biết nó đi đá banh khi chưa tan học, thì mông nó chỉ có nước nở hoa, mới nghĩ đến thôi mà nó đã buốt hai bên mông. May sao cơn thịnh nổ của bà Lanh cũng nhanh chóng qua đi, nhưng bà vẫn nện roi vô cửa một cái “tạch” kinh hồn cho bõ tức. Bà gào lên như thể muốn khạc hết những cơn lửa giận còn xót lại trong họng ra ngoài.

"Còn đứng đực ra đó làm gì nữa? Còn không mau ra đằng sau rửa tay rồi vô ăn cơm."

Như kẻ tử tội nhận được ân xá, hai đứa chẳng ai bảo ai liền tháo cái cặp con ra, rồi chạy chối chết ra sau nhà. Khi hai đứa mò được đến bàn cơm, thì thấy mọi người đã chờ sẵn, ngoài bà Lanh thì còn bốn đứa nhóc với một bà già mập thù lù khác nữa. Ngồi trong cùng sát bà Lanh nhất là thằng Quang, đứa nhỏ nhất trong cô nhi viện, năm sau là lên lớp ba, rồi lần lượt từ trong ra ngoài là thằng Đạt, thằng Thành, cái Mai cả ba đứa năm nay đều lớp năm, và cuối cùng là đến bà già mập mạp kia, hay còn được biết đến với cái tên gọi thân quen là bà Hoa béo, tất nhiên là bà ta chẳng hề thích cái biệt danh nảy nở này cho lắm, nên chẳng có đứa nào dại dột mà dám bép xép thẳng cái biệt danh này trước mặt bà ta. Người dân quanh đây hay chẳng nói đâu xa là những đứa trẻ trong cô nhi viện chật chội này, đều biết đến bà ta với cái tính hách dịch, thô thiển và đôi khi là điên rồ. Ở cái tuổi gần đất xa trời này, bà ta luôn ôm khư khư cái tư tưởng chửi người khác là cái quyền đặc biệt của những người già. Có thể khẳng định rằng, nếu một phút giây nào đó, bà ta ngừng chửi bới thì chỉ có thể là lúc bà ta đã xuống địa ngục. Bà Hoa béo nện mạnh bàn tay ú nu xuống bàn, như báo hiệu một trận lôi đình sắp ập tới.

"Tao đã nói bao nhiêu lần rồi? Không được la cà, phải về ngay khi tan học cơ mà? Hay bọn mày thấy cái ổ chó này rãnh hơi quá nên không có việc gì làm đúng không? Bây giờ lớn xác rồi nên không coi lời tao ra gì nữa đúng không?"

Bà Hoa béo vỗ đùi một cái “đét” thật lớn, khiến cho cả đám xám mặt, bà ta híp con mắt ti hí lại trông vô cùng nguy hiểm, tay thì chỉ thẳng mặt hai đứa, từng tấc da ngấn mỡ của bà ta đều rung lên mỗi khi bà ta gằn giọng:

"Lần sau mà còn về trễ nữa là hai đứa bay liệu hồn với tao đó, ăn cơm lẹ rồi rửa bát với quét sạch sân cho tao!"

Hai đứa gần như hoảng hồn mà đồng thời thốt lên:

"Dạ, dạ, cháu biết rồi ạ!"

Có thể nói Kiên với Linh khó khăn lắm, mới trải qua được bữa cơm “gia đình” nghẹn họng như vậy. Bà Lanh thì không nói gì nữa, nhưng bà Hoa thì lại được đà là chửi xối xả nguyên buổi, chửi hăng đến nổi mà nước miếng trộn lẫn cơm văng tứ tung.

Tờ mờ tối, những tia nắng hoàng hôn cuối cùng đang rút dần đi trên mặt nước, để lại phía sau bầu không xám xịt, tối sẫm phủ đều lên trên những triền núi, ruộng lúa, ôm trọn lấy những mái đình cổ. Màn đêm buông xuống thật nhanh bao trùm lên mọi thứ như một tấm rèm đen kịt, cũng là lúc ánh trăng tròn vành vạnh trôi lẫn trong những vì sao lấp lánh, bắt đầu nổi lềnh bềnh trên dòng sông Điềm chảy chậm. Khi người người nhà nhà đang chìm trong những khoảnh khắc ấm cúng. Thì ngược lại ngoài đường, xuất hiện một bóng đen nhỏ bé, dạo từng nhà một như đang tìm kiếm thứ đó. Dưới ánh trăng trong trẻo, tất cả thành viên của cô nhi viện đang xúm lại, vui vẻ, quây quần trong chiếc sân nhỏ. Ngay sát bờ giậu, bên ánh đèn măng xông sáng rực, bà Hoa béo ngả lưng trên cái ghế tựa bện bằng mây, tay thong thả cầm hai que gỗ trông như hai que đũa, tỉ mỉ móc từng sợi len đan vào nhau một cách thành thục. Ở phía đối diện, trên cái chõng tre cũ, bà Lanh thư thả tay gối đầu dòm lũ trẻ chơi bên cạnh, tay phe phẫy với cái quạt mo, lâu lâu bà lại quạt nhẹ, lùa muỗi cho bọn nhỏ.Con mèo mướp nằm cuộn tròn bên cạnh bà Lanh, bỗng giật mình ngỏng đầu dậy sau một tiếng la thất thanh:

"Á"

Kiên đã không thể đếm xuể số lần nó bị cú đầu, vẻ cay cú in hằn trên gương mặt nhăn nhúm của nó, cái trán đã đổi dần sang màu đỏ gạch sau những cái búng như trời giáng. Nó hằn học nhìn cái Linh rồi thét lên:

"Em không chơi nữa, chị toàn chơi ăn gian thôi."

Rồi lại trừng mắt sang bọn nhỏ.

"Mấy đứa bay hùa với chị Linh để búng đầu tao đúng không?"

Cái Linh liền đốp lại với mặt hả hê lắm.

"Ăn gian cái gì? Chơi xù xì mà không bao giờ chịu đoán người ta sắp ra cái gì, thì bị búng trán là oan lắm hả?. Chơi thua cả bọn nhỏ, phải ăn búng nhiều mới khôn ra, đúng là đầu bò."

Bọn nhỏ theo đó cũng đồng thanh reo lên, nhất là thằng Quang, nó là đứa to mồm nhất đám.

"A! anh Kiên là đồ con bò."

Dường như cảm thấy chưa đủ, cái Linh liền chen vào nói tiếp:

"Vậy mà còn đòi vô đại học, khôn thế này không biết có tốt nghiệp nổi cấp ba không nhỉ?"

Thẹn quá hóa giận, nó liền đôi co thách thức lại.

"Có ngon thì năm sau chị thử vô được đại học em coi nào? Nói người khác cho cố vô, kẽo đến lúc đấy lại thi trượt, rồi lủi thủi đi về, người ta cười thối mũi cho mà xem."

Khi nói ra những lời này, Kiên cứ thấy gợn gợn miệng, nó thừa biết rằng độ học giỏi của bà chị đến đâu, có kì nào là bà chị nó không xách cái giấy khen học sinh giỏi về đâu. Trong khi nó thì toàn bị những lời phê bình đậm mực đỏ trong sổ liên lạc và tiếp đó là những đòn roi cực hình, lẫn những cú mắng té tát của bà Hoa béo. Nhưng nó cóc quan tâm, miễn sao nó chọc điên bà chị nó lên là được. Như nó mong đợi, cái Linh bắt đầu săn tay áo lên, báo hiệu máu điên đã dâng ngập lên tới đầu. Và Kiên cũng đã thò chân ra khỏi cái chõng, sẵn sàng chạy thục mạng nếu bà chị nó vồ qua. Ngay khi cái Linh sắp cho thằng em một trận nên hồn, thì bà Lanh liền vỗ vào lưng nó một cái “bốp” bằng cái quạt mo, vũ khí liền thân thứ hai chỉ sau cái roi mây của bà.

"Cái con bé này! Hở tí là giãy nảy lên có khác gì đàn ông không hả? Cái nết na thùy mị của phụ nữ mày quẳng đi đâu rồi hả? Mày cứ như thế này, sau này có chó nó mới lấy mày."

Tất nhiên bà cũng đập Kiên một cái cho công bằng.

"Còn cái thằng này nữa, mày cứ suốt ngày chọc điên nó lên là thế nào. Nhìn con nhà người ta kia kìa, chị em nhà người ta hòa thuận, chứ có ai như chị em bay không? Suốt ngày cắn nhau cứ như chó với mèo."

Lại là câu nói huyền thoại đó “con nhà người ta”, Kiên muốn hỏi toạc ra là con nhà người ta là con nhà nào, dĩ nhiên nó chỉ dám nghĩ trong đầu, nếu nó nói ra thì chả khác nào lại tạt thêm dầu vào lửa.

"Con Linh, nghe tao hỏi. Thế nào? Năm sau thi đại học, thì mày định đi thi cái gì?"

Cơn điên rồ có vẻ như đã được cái Linh quăng hẳn ra sau đầu, như được hỏi đúng vấn đề tâm đắc, nó liền nhanh nhảu trả lời:

"Cháu suy nghĩ nhiều lắm rồi, cháu quyết định thi vô an ninh."

Phía đối diện, bà Hoa béo người im lặng nãy giờ, hừ mũi khinh khỉnh.

"Tao đã nói bao nhiêu lần rồi? Con gái con đứa thì học an ninh cái gì? Sau này đi bắt cướp, nó lại đâm cho thòi ruột ra, thế thành ra nuôi bao năm chả nhờ được cái gì à? Đi học sư phạm cho tao! Sau này ra làm giáo viên, ăn lương nhà nước, lại còn có nhiều đãi ngộ tốt. Như con gái nhà ông Chính Thơm đầu làng ấy, làm giáo viên mấy năm mà đã mua cho cha mẹ nó hẳn cái ti vi rồi kia kìa. Kể cả thằng Kiên với mấy đứa kia cũng thế, sau này cứ đi học sư phạm cho tao, nghe chưa?"

Bà Lanh như nghe được một thứ gì đó không vừa tai, bà liền nạt lên:

"Mụ lại giở cái thói đấy ra rồi đấy! Bọn nó thích đi học cái gì là việc của tụi nó, mụ cứ chen họng vô để làm cái gì? Thích cái nghề ấy thì mụ tự đi mà làm.

Rồi bà quay qua nói với bọn nhỏ và nói:

"Mấy đứa bay thích học cái gì thì học, miễn sao nên người với có cái nghề kiếm cơm là được, không cần để ý đến lời mụ ấy."

Thường thì trong mọi cuộc oanh tạc của bà Hoa béo, bà Lanh luôn là nguồn nước dập tắt mọi nguồn cơn thịnh nộ. Đương nhiên lần này cũng vậy, sau khi bị dội cho một gáo nước lạnh, bà Hoa béo liền trề môi rồi im bặt. Kiên lấy làm hạnh phúc khi trên đời này, vẫn có người chặn được các vụ phun trào núi lửa, từ cái miệng của bà Hoa béo. Cái Linh thấy có hậu thuẫn liền lấn tới.

"Đâu phải ai làm công an cũng phải đi bắt cướp đâu, cứ như cô Lan làm ở trên đồn ấy, suốt ngày ngồi văn phòng viết giấy tờ chứ có phải làm gì đâu, da thì trắng mơn mởn, vả lại đi học an ninh chả cần mất tiền, lại còn được cho thêm tiền nữa. Nói chung đây là ước mơ của cháu rồi, cháu nhất định phải theo đến cùng."

Bà Lanh vỗ nhẹ lên đùi cái Linh. Cười nói:

"Ừ, thì mày thích cái ngành ấy, thì cố chăm vô mà học, tao nghe đồn cái ngành ấy khó vô lắm. Nghĩ lại cũng đúng, cái tính tình như mày mà đi làm cô giáo thì ma nào mà nhận. Mày không dằn học sinh ra bã, cũng đã là phước phần lắm rồi."

Ngay lúc này, thằng Quang bên cạnh lên nói leo theo:

"Đúng rồi, chị Linh dữ lắm! Không làm cô giáo được đâu, để cháu làm cô giáo cho, cháu thích làm cô giáo, vì làm cô giáo thì không cần phải làm bài tập về nhà nữa."

Nó dứt lời thì cả nhà liền cười ầm lên trước những lời lẽ ngây ngô của nó. Bà Hoa béo là người cười dữ nhất, bà cười khằng khặc khiến cho bốn cái chân ghế cọt kẹt, rung ring như muốn gãy. Cái Linh cóc nhẹ lên trán nó.

"Thằng ngây! Mày là con trai sao mà làm cô giáo được, phải làm thầy giáo chứ, muốn thế thì phải cố gắng mà học, mới làm thầy giáo được nghe chưa?"

"Dạ sau này em sẽ làm thầy giáo, em sẽ xách tai đứa nào mà em ghét."

Thế là mấy đứa còn lại cũng a dua theo. Nhất là thằng Đạt, nó đứng thẳng dậy, bụng ưỡn ra, hai tay chống nạnh, làm ra dáng oai vệ, giọng trầm xuống như ông cụ non.

"Còn cháu sẽ là thầy hiệu trưởng, muốn quát đứa nào thì quát, cháu sẽ quát thằng Nguyên kều, đứa mà cháu ghét nhất trong lớp, rồi sau đó tống cổ nó khỏi trường."

Thằng Thành cũng nhổm dậy phụ họa theo.

"Vậy cháu sẽ là chú bảo vệ có cái dùi trống, muốn nghỉ học lúc nào thì chỉ cần đánh trống là được. Đứa nào mà không nghe lời cháu, cháu không thèm đánh trống, cho nó học đến thần kinh luôn."

Đến lượt cái Mai, nó sắp xếp mấy cái lá da^ʍ bụt mà nó hái được thành xấp, rồi giả bộ ngồi đếm như đếm tiền.

"Còn cháu sẽ làm cô văn thư, không cần phải lên lớp dạy cho khô cổ họng làm gì, chỉ cần lên trường, ngồi trong văn phòng đếm tiền thôi, lâu lâu còn giấu đi vài tờ nữa."

Trong khi đó, Kiên bỏ bên tai mọi thứ, nó đăm đăm ném cái nhìn nghi ngờ qua bờ giậu, ngay dưới gốc đa bên trái nhà, nó thấy một cái bóng đen kịt, mờ mờ, trông như một thằng bé lên tám. Và nó có cảm giác cái bóng đen ấy cũng đang nhìn chằm chằm nó.

"Còn thằng Kiên thì sao? Mày có ước mơ gì? Mày định sau này học cái gì."

Cái gọi đột ngột của bà Lanh khiến nó giật, nhưng nó nào còn tâm trí chú tâm đến những lời bà nói, nó lại ngoái đầu nhìn sang gốc đa, nhưng lần này nó không còn thấy cái bóng đen ấy đâu nữa. Kiên tự nhủ có thể nó nhìn lầm thôi, giờ này thì lấy đâu ra một thằng nhóc nào phá phách nào quậy ở ngoài ấy. Nó lắc đầu như cố giũ sạch cái bóng đen ấy ra khỏi đầu và vô tình hành động này lại chạm tới còi nổ của bà Hoa béo, như một điều chẳng lành đoán được trước, bà Hoa béo rống lên một cách dữ dằn, như thể bà ta đang tìm lại tiếng nói của mình, sau những khoảnh khắc im hơi lặng tiếng trước bà Lanh.

"Á à, thằng này láo toét thật đấy! Học đâu ra cái thói đấy, bữa nay còn dám lơ luôn cả lời của người lớn đấy. Hay mọc đủ lông đủ cánh rồi? Không thèm coi ai ra gì nữa, đúng không?"

Kiên bối rối thanh minh:

"Không có, cháu vừa thấy ai đó ngoài gốc đa đằng trái nhà…"

Nó còn chưa kịp nói hết, thì bà Hoa béo đã nhảy tọt vào họng nó.

"Nín! Cái cớ của mày nghe hay đấy, hay mày định bảo là có một thằng cha ất ơ nào ấy, giờ này đứng ngoài gốc đa, ở cái nơi khỉ ho cò gáy này rình mò, nhìn trộm mày à."

Như một thông lệ, nó chả bao giờ nói lại được cái mồm quạ của bà ấy, nên nó chọn cách im lặng và đón nhận cơn phát tiết ấy. Một lần nữa bà Lanh lại phải quát lên để xua tan cơn mưa bọt.

"Hôm nay mụ ăn nhiều dưa muối lắm à, sao mà giọng mụ chua thế."

Bà Hoa béo cũng không vừa.

"Tôi đang dạy bảo nó, mụ xía vô làm gì."

Mặt bà Lanh liền đanh lại thành cục.

"Ở cái làng này, có ai dạy con cháu như mụ không? Chưa hiểu gì mà cứ quát ầm cả lên, chó gà cũng không yên với mụ."

Kiên chợt ngẫm lại lời của bà Lanh hỏi, rồi nó tự hỏi bản thân mình có ước mơ gì? Muốn làm gì? Chả lẽ lại vô đại học? Chắc gì nó vô nổi. Hay tốt nghiệp cấp ba rồi đi làm công nhân, như bao anh chị khác trong làng. Những câu trả lời cho những điều này, đến giờ vẫn luôn là con số không tròn trĩnh. Nhưng trong thâm tâm nó luôn cảm nhận rõ ràng được, con đường nó đi dường như khác biệt với những người khác, chỉ là chưa tới lúc nó biết được điểm bắt đầu của con đường đó mà thôi."

Sáng sớm tinh mơ của ngày cuối tuần, những tia nắng đầu tiên của bình minh vẫn còn lấp ló sau những rặng núi, mây mù giăng trùm lên mọi thứ. Những ngọn núi nhô lên sừng sững như những hòn đảo trôi nổi trên biển mây, một khung cảnh tĩnh lặng đầy bình yên. Nhưng trong căn nhà ván tồi tàn ở bìa rừng thì lại không được như thế.

"Tao đã nói bao nhiêu lần rồi? Là hôm nay có chuyện quan trọng, nên bọn bay phải dậy sớm cơ mà?"

Căn phòng ngủ nhỏ hẹp với chiếc giường hẹp dài, trông như được ghép từ nhiều miếng ván lại. Tiếng quát tháo dồn dập của bà Hoa béo vẫn còn sang sảng bên tai và chưa có dấu hiệu dừng lại. Thường thì lời nói thường đi kèm theo hành động, bà ta cố gắng lê cái thân hình ục ịch, đến chỗ từng đứa một rồi kéo phắt cái chăn ra, dựng đầu bọn nhỏ dậy.

"Thế mà giờ này bọn bay vẫn còn nằm thối thây trên giường, có dậy nhanh không thì bảo?"

Kiên là đứa bị lôi cổ dậy cuối cùng, vì nó nằm trong góc, trông nó không được vui vẻ cho lắm, nó muốn phát quạo. Nhưng khi nhìn cái roi mây thần thánh trên tay bà Hoa thì nó lại thôi, nó không muốn ăn cháo lươn vào sáng sớm. Nó tiếc cho giấc mơ nửa vời của nó, trong mơ nó thấy mình có phép thuật, nó có thể làm mọi thứ mà nó muốn. Nó mơ thấy nó đứng trước một cánh cổng to đùng, được mạ vàng cùng khảm đầy đá quý và khi nó sắp mở được cánh cổng ấy ra, thì ngay lập tức bị cái gì đó kéo tuột ra đằng sau, khi nó nhìn rõ được mọi thứ trong phòng ngủ thì nó mới nhận ra, thứ kéo nó ra khỏi cơn mộng là cái bàn tay ú nu của bà Hoa béo.

Cuối cùng thì Kiên cũng lết được cái thân uể oải, cùng đôi mắt nặng trĩu tới phòng khách. Ở bên cạnh, cái Linh cùng mấy đứa nhỏ vẫn còn la oai oái vì bị lôi cổ dậy sớm. Giữa phòng khách, bà Lanh đã dậy sớm từ lâu và ung dung ngồi têm trầu trên cái chiếu manh cũ, bên hông là những túi nhỏ túi lớn đủ loại. Trước con mắt khó hiểu của lũ trẻ, bà Hoa béo bước ra cùng cái áo khoác xám cũ rộng thùng thình. Trông bà chẳng khác nào một cái đòn bánh tét di động, trên đầu bà đội cái nón vành mốc đen vài chỗ. Kiên không nhịn được mà lên tiếng:

"Bà ơi, bà chuẩn bị đi đâu hả bà?"

Bà Hoa béo chỉnh cái khóa kéo bị kẹt. Rồi nói:

"Ờ, tao định sáng nay mới nói với bọn bay, bà chủ quản cô nhi viện dưới phố bữa trước có nhờ người báo tao, bảo hôm nay có đoàn từ thiện về đó phát quà với tiền cho trẻ em, nghe bảo quà cũng đắt tiền lắm. Ngu gì mà không xuống đó kiếm lấy mấy phần, nên hôm nay tao với bọn nó bắt xe đò xuống đó sớm, không là hết phần, rồi mai lại về."

Rồi bà ngoái qua mấy đứa nhỏ, vui vẻ dặn dò:

"Còn bọn bay khi gặp đoàn từ thiện phải tỏ ra đáng thương vô cùng nghe không? Nhất là thằng Quang, để cho nó đứng lên đầu hàng, nhận được càng nhiều quà càng tốt, rồi giờ thì bọn bay thử tỏ ra đáng thương tao xem nào."

Có vẻ như kết quả không khiến cho bà Hoa hài lòng, vì khi giờ đây gân xanh gân đỏ bắt đầu nổi đầy trên mặt bà, bà bắt đầu nổi khùng lên, trước tiên bà bắt đầu với câu cửa miệng yêu thích.

"Tao đã nói bao nhiêu lần rồi? Là phải tỏ ra đáng thương, bọn bay có hiểu tiếng người không? Thằng Đạt với thằng Thành, tao bảo hai đứa bay tỏ ra đáng thương chứ không phải nói bay trưng cái mặt nhăn nhúm như đít khỉ ra, người ta cướp cái gì của hai đứa bay hả? Còn cái Mai có người nào đáng thương, mà cái mỏ méo xẹo với cặp mắt mở trừng trừng như muốn nuốt chửng người khác như mày không? Rồi thằng Quang sao cái mặt mày đơ như khúc củi vậy rồi ai cho mày quà, đúng là nuôi tốn cơm, tốn áo mà chả làm nên được cái tích sự gì."

Kiên thầm nghĩ, thì đúng rồi, xưa nay bọn nó chỉ không cha không mẹ, khổ thì khổ thật nhưng vẫn được nuôi nấng đàng hoàng, chứ có phải đi ăn xin ăn mày đâu mà biết tỏ ra đáng thương. Nhưng mà điều Kiên quan tâm nhất là hồi nãy bà Hoa bảo là “bọn nó” chứ không phải “bọn bay” nghĩa là mọi người đều được xuống phố trừ nó ra hả? Lý nào lại như vậy. Lúc này nó rất muốn nhảy vô chen ngang cơn thịnh nộ của bà Hoa, mặc dù rất có thể bị ăn đòn, nhưng nghĩ đến việc nó phải ở nhà, trong khi bọn kia được xuống phố, đặc biệt là chị Linh, người nó ghét nhất thì nó lại tức anh ách trong lòng.

"Dạ, thưa bà!"

"Làm sao?"

Ngay lập tức bà Hoa quay lại trừng mắt lên quát như nó nghĩ, nhưng vì để được một vé xuống phố nó vẫn cứng miệng.

"Hôm nay cháu không được xuống phố cùng mọi người à bà?"

"Thì tất nhiên là vậy rồi!"

"Sao lại thế hả bà? Nhưng cháu cũng muốn xuống chơi phố mà."

Đáp lại nó, bà ta chống nạnh rồi nạt ầm lên:

"Ái chà! Bữa nay còn dám cãi lại lời tao cơ đấy, giỏi nhỉ? Không nhưng nhị gì hết, cho cả mày đi rồi ở nhà lấy ai cho gà với heo ăn, ai tưới rau nhổ cỏ, ai trông nhà quét sân quét cửa. Chẳng lẽ lại để cho mụ Lanh làm à? Mụ ấy người thì già yếu, đầu óc lại có vấn đề, thế thì làm được cái gì? Để một mình mụ ấy ở nhà, có khi mụ ấy đốt cả cái ổ chó này đi lúc nào cũng không hay."

Bà Lanh, người kín tiếng nãy giờ liền nhổm lên, chỉ thẳng miếng trầu mới têm vô mặt bà Hoa béo, đốp lại:

"Mụ nói đầu óc ai có vấn đề đấy? Đầu óc mụ có vấn đề thì có ấy."

Rồi bà lại quay qua tặc lưỡi, dỗ dành Kiên.

"Còn thằng Kiên, mày cứ ở nhà với tao đi, xuống đấy làm gì? Chỉ được cái nhọc vào thân."

"Nhưng chị Linh cũng được đi mà bà."

Nó không chấp nhận được chị Linh được đi mà nó không được, coi cái mặt hả hê đó kìa.

"Nó con gái mày chấp nhặt làm gì? Năm sau nó thi tốt nghiệp rồi, coi như thưởng cho nó buổi đi chơi."

Dường như thấy mình thiếu vắng quá, nên bà Hoa béo cũng chen họng vô cho có cảm giác tồn tại.

"Được rồi mọi chuyện cứ tính vậy đi, mày ở nhà cho ngoan, khi nào tao về tao mua quà bánh cho. Bằng không! Lúc tao về, tao cho mềm người ra đấy."

Thôi thì đành vậy, nhưng nó khó chịu quá cứ như nuốt phải một trái cóc lớn, mà lại không trôi tọt xuống được. Ngay lúc này có tiếng người gọi í ới từ ngoài cổng vọng vào, bà Hoa béo cũng liên tục thúc giục bọn nhỏ.

"Tao đã nói bao nhiều lần rồi? Lanh cái tay lẹ cái chân lên, làm gì mà cứ lù đa lù đù như gà chết rũ. Bọn bay không nghe tiếng người ta gọi hay sao còn đừng ngơ ngơ ra đó, có mau mau xách đồ ra đường lớn đi không thì bảo?"

Cả đám trừ Kiên lúc này nào còn gương mặt ũ rũ, ngái ngủ lúc nãy nữa, mặt đứa nào đứa nấy cũng đều phấn khích, mấy đứa nhỏ thì cứ xúm lại ríu rít, đi chơi mà không vui vẻ làm sao cho được. Cả đám lục đυ.c xách túi to, túi lớn ra đường lớn, trước vẻ mặt héo tàn của Kiên. Thậm chí chị Linh còn tỏ ra là người chiến thắng bằng cách nháy mắt, rồi lè lưỡi với nó nữa, làm nó càng tức nghẹn họng, nó chỉ muốn nện vô mặt bà chị một cái cho bõ ghét.