Đông A Quân

Chương 5: Nhật Ý II (1)

Gà gáy được hai tiếng, Nhật Ý mở mắt ra ngay khoảnh khắc mà cô bé nghe thấy tiếng bước chân đi dọc theo hành lang, một bàn chân dợm bước có vẻ rất thảnh thơi cọ xát với mặt đất, mở cửa bước vào phòng cô luôn mà chẳng cần gõ cửa hay ra hiệu. Nhật Ý cố gắng thở đều giả vờ như đang ngủ, u kí vào đầu con bé một cái, kéo chăn mền ra, chọt vào sườn để chắc chắn rằng Ý tỉnh táo hoàng toàn.

“Ơi u làm cái gì thế! Huhu nhẹ nhàng thôi chứ! Đau!”

“Cái Ý còn nhớ hôm nay là ngày gì không thế? Dậy nhanh lên u đun cho cái ấm nước đặt trên giàn bếp ấy, ra mà lau mặt, tắm rửa cho tươm tất, đàng hàng tử tế.”

“Không! U làm con đau quá, con không đi nữa, không thèm đi nữa!”

“Hay tôi mang nước tới đây hầu bà nhỏ rửa mặt luôn luôn nhỉ? Nhà bao nhiêu là việc, dậy dậy nhanh lên.”

Nhật Ý bật người dậy, với lấy khăn vấn tóc trên bàn, thong thả đi đến chỗ nhà bếp. Bình thường thì u sẽ chải và vấn tóc cho Ý gọn gàng trong khăn vấn, không để đuôi lọn tóc lộ ra ngoài. Nhưng hôm nay Ý muốn vấn tóc thoải mái hơn, nên cứ thế mà búi một búi ở phía sau gáy, dùng khăn buộc chặt lại. Áo vạt dài cổ tròn màu đen mà u thức đêm đêm may vá, với cả đôi hài xanh đất nữa. Đôi môi cô bé cong lên khi sờ đến cái giáp gối đồng với màu đỏ hung tinh xảo. Một cái giáp đầu gối. Nó được rèn bởi tay thợ lành nghề nhất kinh đô Kình Ngư, được Tiên Hoàng ban cho Trần Quang Khải vì ông có khuyết tật nhẹ ở đầu gối từ khi lọt lòng mẹ.

Ý chuẩn bị xong hết mọi thứ, định đi ra ngoài thì thấy một cái đầu nhỏ nhô ra từ phía sau cửa, một đôi hài hoa nhỏ thập thò lấp ló bồn chồn cứ định vào rồi lại thôi. Ý bước ra cửa, nhìn thấy hài hoa đang cầm trên tay cái gì đấy, mặt lấm la lấm lét.

“Cu Sún làm gì đấy?

“Đừng.. đừng gọi người ta như thế, người ta tên là Dương!”

“Ồ, thế bé Dương có gì cho chị?”

“Em.. em cái...cái này làm...làm cho chị, ăn...ăn xong rồi đi-” giọng cậu bé đứt nghẹn nhè nhẹ, hình như không biến nói thêm gì nữa, má hồng hồng phập phồng nhẹ.

Ý cười phá lên một tiếng, lấy bánh từ tay của Nhật Dương, véo má và mũi nó một cái, xoa đầu nó nhỏ nhẹ:

“Vẫn còn nóng hổi này”

Nhật Ý mở từng lớp lá chuối ra, là bánh đậu đỏ. Đậu đỏ đậu đỏ, công danh sáng tỏ, may mắn thuận lợi.

Thơm thật, cắn vào một cái vừa thơm vừa ngọt, bánh lại nóng hổi. U và Dương đều đã đứng chờ ở cổng, vẫy tay với Ý, cùng nhau đi vào trung tâm của trấn Sơn Dương.

Giảng Võ đường của triều đình mỗi năm đều tổ chức hội võ ở các trấn trọng điểm đông dân hoặc ở biên giới, trẻ em đúng mười tuổi, dù cho là nam hay nữ đều được tham gia vào hội võ sau thông qua sơ tuyển, những đứa trẻ giỏi nhất sẽ được mang đến đào tạo ở kinh đô Kình ngư, đích thân những võ sư ở Giảng Võ đường giảng dạy. Trấn Sơn Dương trước nay luôn là một thành trì chắn giữa Nam Việt và Nguyên triều, trọng điểm quân lược không thể bỏ qua cho nên luôn được chú trọng hơn hẳn những nơi khác.

“Lại đây nào, lại đây u cho con cái này nè.- U lấy từ trong tay áo ra một túi vải màu xanh lục nhạt có vẽ bùa chi chít, đặt vào tay Ý.”

“Con gái của thầy Quang phải làm cho thầy Quang kiêu ngạo nở mày nở mặt ở dưới đấy, thế mới có ăn có nói, có khoe khoang được với người ta, biết không?” Dì Đặng chẳng biết đến từ lúc nào nói lớn.

U gửi lại cho người dì nọ một cái lườm sắc bén, còn Nhật Ý thì tít mắt cười:

“Vâng ạ, con nhất định sẽ mang mười cân gạo, mười cân thịt, mười cân muối kia về cho thầy với u.”

"Cô lại biết gì mà nói? U muốn con lành lặn trở về, con rõ chưa?”

“Vâng ạ, con biết rồi mà u.”

U đứng ngẩn ra đó một lúc, sau đó cúi người xuống tháo khăn vấn tóc của Ý ra, lầm bầm “từng này tuổi rồi mà cả tóc cũng chẳng vấn có đàng hoàng nổi”, tùy ý búi một búi tóc tiện dụng ngay ngắn, buộc lại thật chặt. U vuốt hết tóc con lởm chởm ở đằng trước, lấy ra một mảnh khăn xanh rêu nhàn nhạt vắt ngang trán của Ý và thắt lại.

U bất giác bật cười thành tiếng. Mười chín năm trước, u cũng từng thắt khăn cho thầy. U lúc đấy là trưởng nữ nhà phú hộ Hoàn phường dệt, chẳng biết ông trời đưa đẩy thế nào mà nhìn trúng một thằng oắt con mồ côi cả cha lẫn mẹ, mười ba tuổi đầu mà người bé tí, không lấy một lạng thịt trên người. Thế mà một mình hắn hạ được cả ba tên lông bông cùng tuổi đang trêu chọc Huyền. Hắn còn bắt Huyền phải thắt khăn đầu, cầu bùa bùa bình an cho. Đôi mắt đêm đêm Huyền nhìn thấy, tâm niệm trong đêm mơ hóa thành ánh mắt ban ngày lấp lánh ánh cười, nhìn thẳng vào mắt Huyền, ngây thơ nói rằng “con sẽ làm cho thầy với u vẻ vang mài mặt, làm cho thầy và u tự hào”. Huyền như người tỉnh dậy từ một giấc mộng dài, lấy lá bùa từ trong tay của Ý nhét vào ngực áo bé con, đối mặt với con bé, nhỏ giọng:

“Con không được khinh thường đối thủ, không được đánh láo.”

#playerDailymotion {width: 520px; float: right; padding-left: 10px; margin-right: -10px;}

“Dạ vâng ạ.”

“Nhất định không được khinh địch.”

“Dạ vâng ạ.”

“Nhất định không đươ-” Ý cắt ngang câu nói của U

“U nghe thấy người ta gióng trống không? Đi nhanh thôi không kịp đấy.”

Ở giữa đình làng có tiếng gióng trống uy như sấm, nhanh như chớp, mọi người đều đã tụ họp đông đủ cả, đông đúc nhốn nháo. Một vị võ quan mài mắt bặm trợn, sóng mũi to khoằm khệnh khạng đi đến giữa sân, kéo lê theo cây thương trong tay. Ông ta dùng tiếng nói to như một con bò đực rống của mình quát lớn, trỏ thương vào đám đông người có mặt:

“TRẬT TỰ! Các người giữ trật tự đi để Lễ Chiêu Quân bắt đầu nhanh nào!”

Một vị quan đứng tuổi nhìn có vẻ hiền hậu, đầu đội mũ củng, người mặc một bộ Phượng Ngư Tử Phục, hoa văn cá nước màu xanh trên nền màu tím bước ra đứng ở giữa đài. Ông trạc tứ tuần, chắp tay nhẹ nhàng vái chào đám đông đang háo hức chờ đợi, sau đó lại xoay người vào trong vái chào một vị đầu đội mão, mặc bào màu đen không có hoa văn, độ ngũ tuần. Người đó điềm đạm phẩy tay một cái, khẩu hình miệng nói “bắt đầu đi”, vẻ mặt hào hứng tập trung lia mắt qua hàng dọc các thí sinh ứng cử tham gia năm nay. Vương triều họ Đỗ đời đời trọng võ, nhất là khi ai cũng nơm nớp lo sợ những gì đã xảy ra vào bảy năm trước. Lễ Chiêu Quân năm nay ở Trấn Sơn Dương có hẳn đến ba võ sư của Giảng Võ Đường đến giám quản trong khi mọi năm chỉ có một.

Vị quan mặc Phượng Ngư Tử Phục phất tay áo bước ra đài, trịnh trọng:

“Hỡi con dân của trấn Sơn Dương, của Nam Việt ta. Hãy lắng nghe những lời mà ta nói.”

Đám đông ồn ào phút chốc trở nên tĩnh lặng, năm nghìn cặp mắt nhìn thẳng vào vị áo tía trên đài cao, theo từng lời nói, hơi thở, cử chỉ của ông ta.

“Các người biết hôm nay là ngày gì không?”

Trăm người một hơi thở, cùng hô to lên “Lễ Chiêu Quân”.

Vị quan áo tía nọ tiếp tục nói với giọng ôn tồn mà chắc nịch.

“Thế tại sao lại phải tổ chức Lễ Chiêu Quân?”

Ở phía dưới có một đứa trẻ tầm năm tuổi, mắt nó lóe lên nhè nhẹ, đứng ra khỏi hàng ngũ, hô to lên:

“Để đánh giặc!”

Bùi Năng cười phá lên trước câu trả lời này, lấy từ trong tay áo tím của mình một xâu đồng tiền, đưa cho lính hầu rồi thì thầm vào tai hắn, lính hầu cầm xâu tiền đó đi thẳng đến chỗ cậu bé, nhét vào tay cậu.

“Con nhà ai nuôi dạy khéo thế, ngươi nói đúng, nói rất đúng! Lấy tiền về cho cha mẹ nuôi cho lớn, mấy năm nữa đến chiêu quân. Bổn quan đợi ngươi!”

Cậu bé vội quỳ xuống vái lạy:

“Con tạ ơn quan thầy ạ.”

Mắt của Năng rực sáng lên, hướng về phía của đám đông

“Đúng, Lễ Chiêu Quân hàng năm là dùng để đánh giặc. Hàng nghìn năm nay, Nam Việt chúng ta luôn phải đề trong phòng ngoài, sơ sẩy một chút sẽ bị loài lang sói nuốt chửng, sơ sẩy một chút thì nhân dân chúng ta phải mất mạng, làm trâu làm ngựa cho quân Nguyên. Người làm cha, làm chồng sẽ phải luồn cúi, phủ phục dưới chân giặc, người làm mẹ, làm vợ sẽ chịu trăm điều nhục nhã, cưỡng bách chỉ để cho con ăn đủ no. Chỉ trong trăm năm nay chúng ta mới có lại sự tự do mà con dân vốn nên có.”

Bùi Năng gằn giọng, ông ta xiếc tay lại.

“Nhưng các người có biết không? Loại tự do mà chúng ta có là dùng máu đỏ, dùng xương trắng, dùng da thịt của bao nhiêu người mới có thể lấy về được. Tự do để trẻ con có thể nô đùa ngoài đồng lúa, cắp sách để học chữ, để con trẻ ăn no mặc ấm sống một cuộc đời không bị nô ɭệ, không bị trói buộc.”

“Trấn Sơn Dương của mọi người là một nơi rất đặc biệt, núi non nơi này, sông nước nơi này là rào chắn, phòng tuyết đầu tiên của chúng ta có khi quân Yên tới đây. Trấn Sơn Dương sẽ là nơi trước nhất đổ máu, chịu giày xéo, thóa mạ nếu giặc Yên đặt được một chân lên mảnh đất này. Trăm năm trước, Đỗ Thái Tổ cùng một vạn tử sĩ đã chôn thây nơi này để giữ chân năm vạn quân Yên. Trăm năm sau, Trần Nhật Quang, đô chỉ huy sứ của các người đã chôn cọc vùi thây vạn quân địch, dùng máu tươi của chính mình trấn ải”.

“Sỏi đất của nơi này, núi rừng của nơi này đều là máu thịt và xương trắng vẽ nên, đến nay không có người dân nào của Trấn Sơn Dương bị nô ɭệ, càng không có người cha người mẹ nào phải hạ mình hèn mọn luồn cúi dưới chân giặc để con cái được sống sót.”

“Thế nên hằng năm theo lệ đều có Lễ Chiêu Quân ở khắp các thị trấn của Nam Việt năm chiêu mộ nhân tài kinh bang tế thế.

Năm nay, năm Kiến Quốc thứ mười ba, ta tuyên bố Lễ Chiêu Quân trấn Sơn Dương chính thức bắt đầu.”

Tiếng trống uy vũ như sấm lan tràn ra khắp nơi, từ đài cao thếp vàng cho đến chỗ của đám đông người người áo nâu lam lũ đang đứng, từ hồi từng hồi một mạnh mẽ và dứt khoát.

Vì trấn Sơn Dương là một nơi đặc biệt trong lòng thánh chủ nên cả văn võ bá quan đều rất chú ý đến, mà luật pháp lại không cấm người vùng khác đến tham dự, thế nên việc có trẻ con ở các trấn hay tỉnh khác trong Lễ Chiêu Quân của Sơn Dương là khá bình thường. Con nhà nào đó may mắn được các quan thầy hay võ sư nhìn trúng thì đường công danh sáng lạng, cho nên năm nào cũng có ít nhất bốn năm người ngoài trấn có mặt trong vòng này. Những đứa trẻ ở đây ít nhất đã phải đấu với trăm người để có một chỗ đứng tại võ trường này.

Mười hai đứa trẻ đứng thành hai hàng ngang, những đứa nhỏ nhất khoảng mười tuổi, lớn nhất cũng chỉ tầm mười bốn tuổi. Nhật Ý liếc nhìn qua một cái, đối diện toàn là những gương mặt quen thuộc, những đứa trẻ mà con bé cùng vật lộn hàng ngày, cùng nhau quậy phá làng xóm. Nhưng cùng hàng của Ý có bốn đứa trẻ lạ mặt chưa thấy bao giờ, một bé gái trông chừng rất hứng khởi, áo vạt dài cổ tròn vừa vặn màu vàng sáng, tay áo có viền chỉ vàng đồng, hoa văn cực kì tinh xảo. Ba đứa trẻ còn lại, một đứa cao hơn Ý một cái đầu, áo lam với một nụ cười thân thiện trên môi, một đứa trẻ gầy gò ốm đói với vai áo dường như sắp rách tới nơi và một đứa bé áo trắng ăn mặc tươm tất gọn gàng, vẻ mặt cực kì tập trung.

Vị quan ở đài cao một lần nữa cất cao giọng:

“Lễ Chiêu Quân năm nay sẽ có hai vòng đấu, vòng đầu tiên sẽ là vòng đấu đội, vòng thứ hai sẽ đấu đơn. Đội nào thắng vòng đấu đội sẽ được mười cân thịt và mười cân gạo” - Lính hầu cận của Bùi Năng kéo căng sợi dây thừng treo lơ lửng một cái đùi heo và một bao thóc ở giữa đài.

“Còn kẻ thắng được vòng đấu đơn, được thưởng mười cân muối.” Đám đông cười ồ lên khi Năng vừa nói dứt. Ở trấn Sơn Dương này, thứ không thiếu nhất chính là muối. Những muối cũng giống như niềm tự hào của dân chúng nơi đây, mặn như tính cách cứng cỏi, rắn rỏi và kiên cường của mảnh đất này.

Vòng đấu đội thứ nhất, cả nhóm chín đứa trẻ được chia thành ba đội, mỗi đội ba người:

Đội Thứ Nhất:

Trần Nhật Ý

Huỳnh Văn Nãi

Đinh Tỵ

Đội Thứ Hai:

Trần Kim

Đông Mai Hiển

Đông Nhật Dư

Đội Thứ Ba

Trần Nhân

Liễu Hương

Trần Thị Mẹo

Sân đấu có ba đường dẫn đến phần thưởng là các cột cao lên theo từng nấc, nhưng nấc cao nhất cách phần thưởng rất xa, phải bằng hai đến ba thân người của bọn chúng, cho dù giậm nhảy ở nấc cao nhất đi chăng nữa cũng chỉ đi được nữa đường. Cầu tròn làm bằng gỗ chất lên thành đống ở dưới đường đi, còn có những miếng gỗ thoạt nhìn giống mũi dao nhưng cầm lên rất nặng tay, dễ ném dễ trúng. Điểm khó chịu của sân đấu này chính là nó có chung một đường lên trên, phải tranh nhau mới có thể bước lên bậc đầu tiên được.

Bùi Năng nhìn xuống các đội ở phía dưới, tay cầm sẵn chiêng trống:

“Chỉ cần đoạt được phần thưởng, không quan tâm đến việc có người bị ngã hay bị thương, dây buộc thịt và thóc đứt thì kết thúc ván này.”