“A Bạch.” Ôn Nguyệt An trả lời qua điện thoại: “Cậu ấy có thể vượt qua trở ngại này mà. Em phải tin tưởng cậu ấy. Nếu hai tuần sau…”
“Vậy thì em sẽ sát cánh bên anh ấy và hầu hạ anh ấy cả đời.” Chung Quan Bạch đáp.
Ôn Nguyệt An trầm mặc một hồi lâu: “Em đi đi.”
Ông ấy cúp điện thoại, đưa cho Lý Văn Đài rồi nói: “A Bạch... không giống tôi.”
Lý Văn Đài khịt mũi: “Chung Quan Bạch giống ông thì đã tốt quá rồi.”
Ôn Nguyệt An nhìn bàn cờ như người mất hồn: “Cũng may là không giống.”
Lý Văn Đài cầm cây chổi trên mặt đất lên: “Ông thật là... hai mươi năm nhận một sinh viên, trong lòng có thích cũng không cho cậu ấy tới thăm, chỉ ở một mình.”
Ôn Nguyệt An nói: “Ông già như tôi thì có gì hay mà tới thăm.”
Lý Văn Đài nhìn Ôn Nguyệt An, Ôn Nguyệt An vẫn đang mặc bộ quần áo của hơn hai mươi năm trước, chải tóc như hai mươi năm trước, ánh trăng trong màn đêm phản chiếu lên khuôn mặt không khác là bao so với năm đó.
“Đẹp trai. Vẫn rất đẹp trai.” Lý Văn Đài nhớ lại: “Hồi đó họ gọi đùa ông là gì nhỉ? Các nữ sinh lúc đó rất tốt với ông... Tôi nhớ Chung Quan Bạch hồi nhỏ đã đánh vỡ một chiếc ly của ông, ông phải ngồi trên xe lăn chạy khắp Bắc Kinh tìm một chiếc giống hệt như vậy về. Cũng không biết ai đã đồn chuyện này ra. Tất cả các sinh viên nữ trong trường đều nóng lòng đi tìm cho ông.”
Ôn Nguyệt An cũng nhớ lại rồi nói: “Các cô gái thường rất tốt bụng.”
Lý Văn Đài trêu chọc: “Vậy còn mấy sinh viên nam cũng đi tìm thì sao?”
Ôn Nguyệt An nhướng mày, khẽ liếc Lý Văn Đài: “Văn Đài, ông cũng nói chuyện với học sinh như vậy sao?”
Lý Văn Đài trả lời: “Lão Ôn à, tôi nói cho ông biết, nam sinh cũng rất tốt bụng. Nên đối xử bình đẳng.”
Ôn Nguyệt An nhìn dòng suối và hoa sen trong sân, vẻ mặt hồi tưởng: “Bây giờ nghĩ lại, không nên đi tìm mới phải, dọa cho A Bạch lo sợ.”
Lý Văn Đài nhìn bàn cờ còn đang đánh dở, lắc đầu nói: “Ông vẫn nên tìm, nhiều năm như vậy mà nơi này vẫn chẳng thay đổi gì... Lão Ôn, tuy rằng tôi luôn khuyên nhủ ông nhưng tôi vẫn biết trong lòng ông đang nghĩ cái gì.”
Ôn Nguyệt An xoay xe lăn, trầm mặc một hồi rồi hỏi: “Văn Đài, đánh đàn không?”
Lý Văn Đài thở dài: “Tôi không đánh đâu. Lão Ôn, ông có muốn nghe đàn đâu, ông muốn nghe người thôi, tôi đàn không lại.”
Ôn Nguyệt An đẩy xe lăn vào trong nhà, dùng tay vịn đặc biệt đi lên cầu thang, Lý Văn Đài theo sau, nhìn quần tây của Ôn Nguyệt An đang treo lơ lửng trên không liền tiến lên một bước rồi đưa tay ra.
Ôn Nguyệt An ở trên lầu liếc nhìn ông ấy một cái.
“Tôi không có đỡ ông.” Lý Văn Đài thu tay lại, đưa về phía sau lưng, như thường lệ chậm rãi đi theo Ôn Nguyệt An lên lầu.
Ôn Nguyệt An ngồi trên xe lăn đi lên lầu hai, tiến vào phòng làm việc.
Trên chiếc bàn bằng gỗ đào trên lầu hai có một bức tranh chữ.
Tuyết trắng ở quan ải dù tan biến
Vạn lần cũng không dám phụ ơn thầy
Giấy dù đã được làm phẳng từ lâu nhưng trên đó vẫn còn những vết nhăn lớn nhỏ.
Lý Văn Đài đi vào, khi nhìn thấy bức tranh thì liền chế nhạo nói: “Chung Quan Bạch viết hả? Chữ của cậu ta cũng không giống ông.”
Ôn Nguyệt An đẩy xe lăn tới, hơi nâng tay lên, đặt vào hai chữ “Quan ải”: “Văn Đài, làm ơn giúp tôi đóng khung lại đi.”
Lý Văn Đài vừa cười vừa nhìn bức tranh: “Lão Ôn, ông hiếm khi vừa mắt thứ gì lắm, chỉ có như vậy thôi, có đáng để đóng khung không?”
“Chữ mà A Bạch viết hồi nhỏ tôi đều giữ lại hết.” Ôn Nguyệt An lấy trong tủ ra từng xấp từng xấp giấy được đóng thành tập. Ông ấy cúi đầu nhìn xuống những dòng chữ trên đó, trong mắt lộ ra nụ cười nhàn nhạt: “Nhìn đi.”
Lý Văn Đài bật cười: “Từ “Tĩnh” vẫn còn thiếu một nét ngang.”
“A Bạch lúc đó chưa biết nhiều chữ.” Ôn Nguyệt An lật tới trang cuối cùng của tập giấy dày: “Về sau thì viết rất tốt.”
“Tôi thấy cũng thường thôi.” Lý Văn Đài liếc xuống dòng chữ trên bàn và ậm ừ: “Cậu ta không phải là một người chăm chỉ. Ông vẫn muốn đóng khung hả, đóng lại rồi thì treo ở đâu?”
Ôn Nguyệt An nói: “Lớn lên hiếm khi thằng bé viết tranh chữ cho tôi, lại còn sợ viết không đẹp nữa. Tôi nhặt từ trong giỏ giấy vụn ra đấy. Chỉ sợ sẽ không có thêm nữa, phải cất giữ cẩn thận.”
Tay cầm tờ giấy của Lý Văn Đài khựng lại, sau đó lại giả vờ bình tĩnh tiếp tục cuộn tờ giấy: “Lão Ôn, ông đang nói cái gì vậy hả? Không có thêm nữa là sao? Khi nào hai đứa nhỏ về đây, bắt tụi nó ngồi xuống viết cả trăm bức cho ông.”
Vừa dứt lời, ông ấy lại nhìn thấy dưới tờ giấy mình vừa cuộn lại còn một tờ giấy nữa.
Chỉ có hai câu trên tờ giấy.
Trăng chiếu Ngọc Lâu xuân rả rích.
Xào xạc gió động trúc ngoài đình.
Dưới trang giấy vẫn còn một dòng chữ chi chít, nhưng không rõ là chữ gì.
Ôn Nguyệt An cúi đầu lật xem tập chữ viết của Chung Quan Bạch khi còn bé rồi nói: “Văn Đài, ông đóng khung rồi thì đừng nói cho thằng bé biết. A Bạch là người mềm lòng, người khác nói cái gì cũng đều giữ trong lòng hết, không nỡ làm bất cứ ai thất vọng. Chữ của thằng bé là do tôi dạy, viết không đẹp thì tôi cũng thích.”
Lý Văn Đài không trả lời.
Ôn Nguyệt An ngẩng đầu, nhẹ giọng nói: “Chỉ là hai câu thơ thôi. Văn Đài, muộn rồi, đi về đi.”
Lý Văn Đài không đưa tay lật trang giấy kia, ông ấy lùi về sau hai bước, cầm tờ giấy phải đóng khung lên rồi nói: “Lão Ôn, khi nào bọn chúng trở lại, ông cùng bọn chúng tới nhà tôi dùng bữa nhé?”
Ôn Nguyệt An nói: “Được thôi.”
Lý Văn Đài: “Tết Trung thu cũng tới đi.”
Ôn Nguyệt An: “Trung thu sẽ không tới đâu.”
Lý Văn Đài thở dài: “Tôi đi đây. Đóng khung xong sẽ gửi lại cho ông.”
Sau khi Lý Văn Đài rời đi, Ôn Nguyệt An lật trang giấy ra.
Tờ cuối cùng chi chít viết đậm hai chữ.
Ngọc Lâu.
Ôn Nguyệt An đọc hai chữ đó một hồi, sau đó xuống lầu lấy ra một cuộn băng ghi hình.
Ông ấy bật TV lên, liền nghe thấy tiếng đàn.
Vốn dĩ Ôn Nguyệt An không thích xem TV, nhưng khi nghe thấy tiếng đàn thì nán lại xem.
Đó là A Bạch.
Ôn Nguyệt An đẩy xe lăn về phía sau một chút.
Trên màn hình TV, Lục Tảo Thu và Chung Quan Bạch chơi cùng nhau trong một nhà hàng. Bài hát còn chưa kết thúc, cảnh quay lại được chuyển tới một trường quay, bên trong có một người dẫn chương trình và một cậu thanh niên.
Mái tóc đen dài thẳng mượt của cậu xõa ngang lưng, đôi mắt dường như hội tụ những vì sao.
Người dẫn chương trình nói: “Anh Chung là đàn anh của cậu, cậu nghĩ gì về màn trình diễn của anh ấy? Tính ra thì anh ấy cũng đã từng đánh giá về tiết mục độc tấu của cậu.”
Người thanh niên lịch sự nói: “Tôi rất kính trọng anh Chung. Anh ấy là đàn anh của tôi, tôi thì không đủ tư cách để đánh giá anh ấy.”
Người dẫn chương trình mỉm cười và nói: “Đúng như lời cư dân mạng nói, cậu rất lịch sự. Vì hôm nay có sự góp mặt của cậu nên đội ngũ tổ chức chương trình của chúng tôi cũng đặc biệt chuẩn bị một cây đàn piano. Cậu có muốn cho mọi người thưởng thức một chút không không?”
Chàng trai cười nói: “Cảm ơn đội ngũ tổ chức chương trình. Tôi rất hân hạnh”.
Người dẫn chương trình nói: “Chúng ta hãy vỗ tay và chào đón cậu bé piano tài năng Hạ m Từ…”
Hạ m Từ hơi ngửa đầu ra sau, giơ tay lấy dây buộc mái tóc dài ra sau rồi ngồi trên ghế đẩu chơi piano. Ống kính quay đặc tả cậu ta, những ngón tay mảnh khảnh, khuôn mặt tuấn tú, cổ hơi ngẩng lên để lộ yết hầu, tất cả đều được phóng đại trên màn hình. Ngay lúc đầu ngón tay cậu ta chạm vào bàn phím piano, ánh sáng hội tụ trong mắt cậu ta lập tức bừng sáng.
Ôn Nguyệt An nhìn màn hình TV, lông mày chàng thanh niên rất giống một người bạn cũ.
Khí phách thì lại càng giống người bạn cũ hơn.
“Đàn anh, đứa nhỏ này không ngờ… cũng mang họ Hạ”. Ôn Nguyệt An nhẹ giọng nói, tựa hồ như còn có một người nữa trong tòa nhà nhỏ mấy chục năm không hề thay đổi này.