Kết Âm Thân

Chương 9: Dị nhân

Nhận bó hoa và rau của bà chủ nhà, Giai Kỳ nhanh chóng đóng cửa lại, mở chiếc hòm gỗ kì quái ra, mọi thứ vẫn ở trong đó nguyên vẹn. Thật may mình không giao những thứ này cho cảnh sát, Giai Kỳ thầm nghĩ. Chiếc dù đỏ nằm bên trong đã vương một ít bụi. Cô gái 22 tuổi nhìn nó bằng ánh mắt nghi ngại, do dự và có phần sợ hãi. Liệu cây dù này có thật là một cây dù chiêu hồn như lời bà chủ nhà kể? Hoặc trong trường hợp không phải thì nó có tác dụng gì? Từ ngày nhìn thấy nó, cô chưa bao giờ mở nó ra, bởi cô không muốn chạm vào bất cứ thứ gì trong cái hòm kì dị đó. Nhưng trong lúc này, mọi bằng chứng khoa học giờ đã không còn tác dụng nữa, cô đành phải làm thử mọi giả thuyết có thể. Trước hết phải kiểm tra trên cán cây dù có tên của người thợ mà bà chủ nhà đã nói không. Xoay đủ mọi góc cạnh, Giai Kỳ thấy mấy chữ nhỏ được khắc trên khung dù, gần tán dù. Chính xác đó là thông tin cô đang cần tìm: Vương Bách- 3/11/1900- 3/11-1966. Vậy thì đây đúng là một trong những cây dù chiêu hồn rồi. Giai Kỳ lại tiếp tục chìm trong suy tư: cô có nên mở nó ra bây giờ không? Liệu mở ra thì cô có gặp được chị gái cô không? Hay là gặp được bố mẹ cô? Thậm chí có thể là hồn ma nữ hôm nọ. Mân mê cây dù trong tay, phụt, cây dù đỏ bật lên trong suy nghĩ ngổn ngang của cô gái trẻ. Giật mình buông tay đánh rơi cái ô xuống đất, Giai Kỳ hoảng hốt nhìn mà không dám nhặt lên. Cô nín thở chờ đợi hồn ma xuất hiện, có thể là bất cứ ai, nhưng không thấy gì. Chẳng lẽ có sự nhầm lẫn gì chăng? Hay là đây không phải cây dù chiêu hồn của Vương Bách mà là của ai đó đã mạo danh ông ta? Vô lý, làm thế đâu được gì? Cô tin chắc kẻ để chiếc hòm này vào phòng của cô là một người có liên quan đến sự mất tích của chị Giai Mẫn. Cảnh sát đã tiến hành lấy vân tay lưu lại trên chiếc hòm nhưng không có kết quả gì. Họ rất hoang mang vì sự kì lạ này, bởi so với những vụ án của các cô gái bị rạch và khâu miệng, họ mất tích bí ẩn một thời gian, sau đó trở về nhưng lại trở thành phế nhân, không thể kể bất cứ điều gì với cảnh sát, khiến các vụ án đi vào bế tắc. Chiếc hòm cũng là sự khác biệt lớn nhất trong vụ mất tích của Giai Mẫn so với Vị Y và một vài khẩu liệt nữ khác, bởi Cơ Uyển hay bất cứ ai đều không nhận được chiếc hòm tương tự như thế sau khi người thân của mình bị mất tích. Sau khi kiểm tra kĩ càng mọi ngóc ngách trong ngoài của chiếc hòm, cảnh sát không phát hiện ra được điều gì nên đã kết luận đó chỉ là trò đùa của Giai Mẫn. Sáng nay Giai Kỳ tới sở cảnh sát để trình báo vụ mất tích của chị mình, những người làm công vụ cũng không buồn nhớ tới chiếc hòm để mang đi điều tra. Lúc đó, cô thầm oán trách sự tắc trách của họ, nhưng bây giờ cô lại cảm thấy may mắn khi chiếc hòm kì quái còn ở trong tay cô để cô có thể dễ dàng điều tra vụ án. Chiếc dù đỏ như máu vẫn nằm im trên mặt đất mà không có chuyện gì xảy ra. Hay là cô đã sử dụng không đúng cách? Cô phải sang hỏi bà chủ nhà mới được. Cộc, cộc, tiếng gõ cửa vang lên, và không cần Giai Kỳ gõ đến tiếng thứ ba, cánh cửa phòng đã mở toang. Bà chủ nhà nhìn cô bằng ánh mắt đôn hậu và hỏi han bằng một giọng nói ngọt ngào:

- Có chuyện gì thế cháu?

- Dạ cháu... cháu muốn hỏi bác về câu chuyện của cây dù chiêu hồn và ông Vương Bách ạ.

- Ừ cháu cứ hỏi đi. Như mọi khi, bà ta định không cho Giai Kỳ vào trong phòng của bà ta, nhưng lần này, bà nhìn cô một lượt từ đầu đến chân rồi mở rộng cửa mời Giai Kỳ vào trước sự ngạc nhiên của cô: cháu vào đây ngồi cho thoải mái.

- Dạ... Giai Kỳ tròn to mắt nhìn rồi nhẹ bước vào phòng của bà chủ nhà.

Cạch. Người phụ nữ U60 đặt ly nước chanh xuống trước mặt cô gái 22 tuổi, hỏi ngay:

- Sao thế? Cháu cần ta giúp gì à?

- Dạ. Cháu muốn hỏi bà về chuyện cây dù. Liệu ông Vương Bách đó có bị ai mạo danh không ạ? Ông ấy là người duy nhất có khả năng làm ra những cây dù chiêu hồn, liệu có kẻ nào đó bắt chước ông ta làm ra những chiếc ô vô dụng, khắc tên tuổi của ông ta để lừa mọi người không ạ?

- Ừm. Cháu nói đúng. Ông Vương Bách rất nổi tiếng khi đó nên không tránh khỏi chuyện bị mạo danh. Nhưng bây giờ đâu có mấy ai biết về chuyện của ông ta để làm giả chứ?

- Dạ. Thế ngoài tên của ông ta được khắc lên cán dù thì còn cách nào để xác định được thật giả không ạ?

- Ừm bác nghe nói ông ta còn khắc cả ngày sinh của mình sau tên nữa. Ông ta vốn là một thanh niên lưu lạc đến làng của bác, không ai biết nguồn gốc của ông ta nên ngày sinh tháng đẻ của ông ta là một điều bí ẩn cả với con cháu. Bản thân ông ta là một kẻ lập dị nên ngay cả khi nhắm mắt xuôi tay, ông ta cũng không nói ra ngày tháng năm sinh thật để con cháu làm bài vị, mà chỉ nói “khi ta chết, mọi cây dù do ta làm ra đều mất đi tác dụng. Duy chỉ có cây dù khắc ngày tháng năm sinh thật sự của ta còn tác dụng mà thôi.” Haiz.

- Vậy bác có nhớ ngày tháng năm sinh ông ta hay nói với mọi người không ạ?

- Rất tiếc là ta không thể nhớ chính xác cháu ạ. Nhưng nếu ta không nhầm thì tháng sinh của ông ta là tháng 11. Mà thời gian ông ta mất cũng là tháng 11.

- Vậy sao? Giai Kỳ thốt lên kinh ngạc. Năm ông ta mất là năm bao nhiêu ạ?

- Lúc đó ta mới 6 tuổi nên là vào năm 1966 cháu ạ.

- Trời. Giai Kỳ thốt lên. Ông ta đúng là dị nhân.

- Ừm đúng đấy cháu ạ. Mà cháu có vẻ quan tâm về ông ta nhỉ? Có chuyện gì à?

- Dạ không ạ. Phải giữ bí mật về chiếc ô đỏ mình đang có, Giai Kỳ nhủ thầm. Thế bác có biết cách sử dụng cây dù chiêu hồn không ạ?

- Rất tiếc là không cháu ạ. Bà chủ nhà xoa xoa tay vào nhau ra vẻ hối tiếc.

- Vâng tiếc quá, thôi cháu xin phép bác ạ. Giai Kỳ đứng dậy chào bà chủ nhà.

- Ở lại ăn cơm đã cháu. Bác vừa nấu cơm xong đấy. Mùi cơm nóng thơm cộng với mùi thịt rán cháy và mùi canh rau ngọt toả ra trong không khí len lỏi vào mọi giác quan của Giai Kỳ.

- Dạ thôi cháu xin phép, cháu cảm ơn bác.

- Ừ không có gì đâu, cháu về nhé.

Giai Kỳ nhìn khắp lượt căn phòng thêm một lần nữa. Căn phòng này không giống như trong tưởng tượng của cô về nó, thật sự nó sáng sủa, thơm tho, sạch sẽ hơn rất nhiều. Ánh mắt cô gái 22 tuổi bỗng dừng lại ở bức tranh lớn treo trên đầu giường. Trong tranh là hai người đàn ông và đàn bà ngồi trên hai chiếc ghế đẩu, đằng sau là một người thanh niên trẻ trung đẹp trai và hai cô gái trẻ có khuôn mặt giống hệt nhau. Giai Kỳ toan lên tiếng hỏi thì bà chủ nhà đã giới thiệu luôn:

- À đây là bức tranh vẽ gia đình ta. Thời đó máy ảnh chưa phổ biến nên bố của bác đã thuê hoạ sĩ về vẽ lại tranh cho cả gia đình.

- Gia đình bác đẹp quá.

- Cảm ơn cháu. Để ta giới thiệu cho cháu nhé: hai người ngồi trên ghế là bố mẹ ta, chàng thanh niên trẻ là anh trai của ta, còn hai cô gái có khuôn mặt giống hệt nhau là bác và chị gái. Cả gia đình ta đã mất, chỉ còn mình ta sống.

- Ôi cháu xin lỗi vì đã gợi lại kỉ niệm đau thương của bác. Giai Kỳ chua xót nói, cô biết rất rõ nỗi đau mất gia đình là như thế nào.

- Không sao. Cháu còn gì muốn hỏi ta không?