Xuyên Nhanh: Bảy Kiếp Trước

Chương 25

Editor: Tô Mộc Y

Trong túi tiền Hàn Nhạc đưa cho Trần Kiều có một lượng bạc và khoảng một trăm đồng. Trần Kiều hỏi Xuân Hạnh về giá gạo. Nàng cảm thấy chút bạc ấy chỉ đủ cho nàng và Hàn Húc chỉ ăn cơm canh suốt khoảng hai, ba tháng. Thỉnh thoảng lắm mới được ăn một bữa thịt.

"Không ít đâu, Hàn Nhạc từ nhỏ đã biết tiết kiệm rồi. Cuộc sống mà, thà rằng đàn ông tiết kiệm một chút cũng được, chứ chẳng ai thích người tiêu xài hoang phí cả."

Điền thị mới đến chơi an ủi con gái. Trần Kiều thật sự không ghét bỏ gì cả. Kiếp này nàng được sống lại để tìm một người đàn ông sẽ khăng khăng một mực với nàng, giúp nàng không phải chịu tuẫn táng chứ không cần trải qua vinh hoa phú quý. Nếu phải chịu khổ thì nàng cũng không để ý, dù sao nàng không ra ngoài cửa lớn không bước khỏi cửa phụ, cũng chẳng thích ganh đua, so sánh với ai. Nhưng Hàn Nhạc thích kiếm tiền như vậy, nếu như nàng có thể giúp cải thiện cuộc sống của hắn, chắc có lẽ tình cảm của Hàn Nhạc đối với nàng sẽ sâu đậm hơn chăng?

"Mẹ ơi, con muốn kinh doanh cái gì đó. Mẹ cảm thấy bán cái gì thì tốt?"

Trần Kiều khiêm tốn xin mẫu thân giúp đỡ. Điền thị chỉ là một phụ nữ nhà nông, cũng không có quá nhiều kiến thức. Cha bà nuôi heo, lúc ở nhà mẹ đẻ sống cũng không tệ lắm. Còn chồng bà là tú tài dạy học, một năm tiền đóng học cũng rất khả, cho nên Điền thị chỉ có thể nghĩ tới hai phương pháp kiếm tiền. Một là nuôi heo, hai là đỗ đạt thành danh. Tuổi này Hàn Nhạc mới đi học thì hiển nhiên là đã muộn. Còn nuôi heo lại cần tiền vốn lớn, Hàn gia sợ là không có.

"Chờ Hàn Nhạc trở về, con cùng hắn thương lượng một chút. Nếu hắn thật sự muốn nuôi heo, ta và cha con có thể cho mượn tiền, rồi để ông ngoại con dạy hắn."

Hàn Nhạc sống tốt thì con gái bà mới sống tốt được, cho nên Điền thị vô cùng ủng hộ việc Hàn Nhạc đi kiếm tiền. Trần Kiều lập tức nghĩ đến hai con heo của Hàn gia. Hàng ngày mỗi khi cho ăn đều kêu ầm ĩ, sân trước Hàn gia toàn là mùi phân heo. Với cả, ngay cả nha hoàn mẫu thân tặng mà Hàn Nhạc cũng không cần, chỉ muốn dựa vào chính mình. Vậy hắn sẽ nhận sự giúp đỡ của cha mẹ vợ sao? Trần Kiều cảm thấy rất không có khả năng.

"Chờ hắn trở lại rồi hẵng nói đi."

Trần Kiều chỉ có thể nói với mẫu thân như vậy. Mấy ngày sau, Điền thị định đi lên trấn trên mua vải may quần áo xuân hè cho chồng và con trai, hỏi con gái có muốn đi cùng hay không. Trần Kiều cầm lấy ví tiền của mình đi theo mẫu thân. Khi Trần Kiều xuất giá được nhà mẹ đẻ cho của hồi môn gồm đồ trang sức và hai mươi lượng bạc. Vậy nên nàng cũng có tiền riêng, và nàng muốn dùng số tiền đó.

"Tấm vải này rất đẹp. Kiều Kiều cũng mua hai tấm để may quần áo mới đi."

Điền thị chọn xong vải cho chồng và con trai, lại nhìn trúng một tấm màu xanh nhạt, một tấm màu đỏ cánh sen. Bà định bỏ tiền mua cho con gái.

"Mẹ, con có tiền." Trần Kiều không muốn tiêu tiền của mẹ.

"Của con là của con, còn đây là mẹ mua cho con gái mẹ."

Điền thị đẩy con gái ra, kiên trì trả tiền. Trần Kiều không đẩy được mẫu thân. vừa quay đầu lại, đã thấy một tấm vải màu xanh da trời để ở vị trí tương đối cao, cũng đắt hơn các tấm vải khác một chút. Nghĩ tới những cái áo cũ treo trong tủ của Hàn Nhạc, Trần Kiều bảo ông chủ lấy tấm vải kia xuống. Điền thị lại gần, nói:

"Hàn Nhạc cao lớn, một tấm không đủ để may áo đâu." Trần Kiều liền mua hai tấm, còn thừa thì cũng có thể may quần cho Hàn Nhạc. Điền thị không giành thanh toàn với con gái số tiền này. Hai mẹ con mua vải xong, lúc trở về, thấy có người bán gà, những chú gà con lít nhít trong giỏ. Trần Kiều rất thích, nhịn không được mà dừng lại, duỗi tay sờ những nắm lông đó.

"Tiểu thư muốn mua mấy con? Sáu đồng một con, mười đồng được hai con!"

Người bán gà là một bà lão, cười híp mắt hỏi. Trần Kiều nhìn những chú gà líu ríu, đột nhiên kề sát tai mẫu thân, hỏi về giá tiền nuôi gà. Điền thị nhanh chóng tính toán mấy khoản, hai con gà mất mười đồng, nuôi đến cuối năm có thể được hai ba cân, hai con cộng lại chắc bán được một trăm đồng, một giỏ bốn mươi, năm mươi con, con gái chỉ nuôi một nửa thôi cũng được, cuối năm không những thu được tiền mà trong lúc đó trứng gà có thể bán, hoặc để nhà mình ăn. Quan trọng nhất là con bé từ trước đến nay chỉ biết tiêu tiền rốt cục cũng muốn kiếm tiền rồi.

"Có thể mua được đấy, sau nay con không phải sợ ở nhà chán, chẳng có chuyện gì làm nữa rồi."

Điền thị cười cổ vũ con gái. Trần Kiều mua hết một rổ gà, tổng cộng là bốn mươi lăm con, bà lão chỉ tính tiền bốn mươi bốn con, hết hai trăm hai mươi đồng, được tặng thêm một con. Trần Kiều, Xuân Hạnh vô cùng vui vẻ mang gà con trở về nhà, sau khi nấu xong bữa trưa, Điền thị tới giúp con gái dựng chuồng gà. Lão Tam Hàn Húc, Xuân Hạnh ra bờ sông nhặt đá, Điền thị dẫn con gái đi nhặt lá cây, làm cái cây trở nên trụi lủi, rồi sau đó đào mấy cái hố nhỏ, cuối cùng thì dùng sợi dây cố định ở giữa, thế là hàng rào của chuồng gà đã làm xong.

Hàn Húc, Xuân Hạnh bê rất nhiều tảng đá về, dựng sát bên chân tường thành cái chuồng gà, ban ngày đàn gà con có thể chạy trong hàng rào, ban đêm thì lùa về chuồng. Hàn gia còn có một cái lưới đánh cá bị rách, gắn trên hàng rào, gà con có trưởng thành thì cũng không bay ra ngoài được. Bốn người bận rộn đến tận trưa, làm xong ai cũng cảm thấy thật vui vẻ. Bây giờ gà còn nhỏ thì sẽ nuôi chúng trong nhà, đợi thời tiết ấm áp và gà cũng lớn một chút, thì lại thả về chuồng. Sau đó, Trần Kiều vừa trông ngóng gà con lớn lên, vừa làm áp choàng cho Hàn Nhạc, còn việc giặt quần áo, nấu cơm, cho heo ăn thì đã có Xuân Hạnh giúp.

.