Tôi không thể phủ nhận rằng, cho dù là ngày hay đêm anh đều là người rất biết giữ lời.
Thế nên, đêm hôm đó không ai trong chúng tôi được ngủ tròn giấc.
Hơn năm giờ sáng, tôi nhận được điện thoại của mẹ tôi, giọng nói của bà rất yếu ớt, lập tức khiến tôi tỉnh táo.
Tôi vội vàng mặc quần áo, chỉ kịp nói với Lê Bằng một câu: “Em về nhà một chuyến, mẹ em xảy ra chuyện rồi”, rồi mở cửa lao ra ngoài, xuống dưới chặn một chiếc taxi, leo lên cố nhớ xem số điện thoại cấp cứu là bao nhiêu?
Tài xế Taxi nhắc tôi là 120, tôi lập tức bấm gọi, tôi tới khu chung cư mẹ sống cùng lúc với xe cứu thương.
Tôi và nhân viên cứu hộ cùng lao lên tầng, đặt mẹ lên cáng, đưa vào viện.
Mẹ tôi bị viêm dạ dày cấp tính.
Tôi ngồi bên giường bệnh nói: “Bác sĩ nói không cần phẫu thuật, tình trạng của mẹ chưa đến nỗi nặng lắm”.
“Mẹ cứ tưởng chỉ cần mổ ruột thừa là sẽ không đau nữa, không ngờ lần này cũng giống như lần trước, suýt nữa thì mất mạng.”
“Con gọi cho bố rồi, bố bảo sẽ tới nhanh thôi.”
Mẹ tôi không nói gì, nhắm mặt lại, một hàng lệ chảy dài nơi khóe mắt.
Tôi không biết mẹ khóc vì đau đớn, hay khóc vì đau lòng, tôi chỉ biết, người già rất cần có người ở bên, nếu không lúc xảy ra chuyện cũng không ai biết, đó mới là lý do thật sự để rơi lệ.
Nhưng đâu ai ngờ được rằng, người bạn đời có một ngày lại bỏ đi giữa chừng, dù đã kết hôn nhưng liệu có thực sự được đảm bảo.
Sau khi bố đến viện, ông nhanh chóng tiếp nhận nhiệm vụ chăm sóc mẹ thay tôi ngồi canh bên giường bệnh.
Tôi không nói thêm câu gì với bố, chỉ nói lại với ông tình hình của mẹ. Bởi tôi muốn ông ấy phải tận mắt nhìn thấy người phụ nữ đã đi cùng ông ấy nửa cuộc đời đang tiều tụy nằm trên giường bệnh, còn ông ấy lại là người cuối cùng chạy đến. Hơn nữa, tất cả những chuyện này đều do ông ấy gây ra. Thế nên, ông ấy sẽ hối hận, tự trách, và sẽ suy nghĩ lại về mối quan hệ giữa họ, đây là điều duy nhất mà một đứa con gái như tôi có thể làm cho họ.
Về đến nhà, tôi gặp Lê Bằng đang vội vã lao ra khỏi nhà, nhưng chưa kịp kể với anh chuyện về mẹ tôi, anh đã tóm lấy vai tôi và nói: “Mẹ anh xảy ra chuyện, anh phải về nhà một chuyến!”.
Tôi kinh ngạc, lập tức nói: “Để em xin nghỉ, cùng anh về nhà”.
Tôi một lần nữa lên taxi, nghe thấy Lê Bằng ngồi cạnh hỏi: “Số điện thoại cấp cứu là bao nhiêu?”.
Tôi nói: “120”.
Tôi tỏ ra rất bình tĩnh và sáng suốt, còn Lê Bằng thì giống như kiến bò trên chảo, giống hệt tôi hai tiếng trước.
Tôi giúp Lê Bằng gọi điện đến trung tâm cấp cứu, Lê Bằng gọi điện về nhà, dặn bố không nên quá hoang mang, cũng đừng di chuyển mẹ.
Lúc này tôi mới chợt nghĩ tới hỏi mẹ anh đã xảy ra chuyện gì?
Anh nói, mẹ bị ngã, lăn từ trên cầu thang xuống, hiện đang không thể cử động.
Bố anh hoảng sợ đến mức không biết phải làm gì, đành phải gọi điện cho anh cầu cứu.
Lúc chúng tôi đến được nhà của bố mẹ Lê Bằng, mẹ anh đã được cáng lên xe cứu thương, bố anh sợ đến mức mặt trắng bệch, ngồi bên cạnh, hoang mang bất lực.
Chúng tôi lên xe cứu thương cùng ông, nhìn mẹ anh hôn mê bất tỉnh, bên ngoài, giao thông đang trong tình trạng tắc nghẽn.
Từ đầu đến cuối, bố anh không nói câu nào, chỉ lấy hai tay che mặt, cúi đầu lặng lẽ thở dài.
Điều này lại khiến tôi hiểu ra một điều, nếu muốn tìm một người bạn đời, tốt nhất nên tìm một người biết chút ít kiến thức về cuộc sống, nếu không khi có chuyện xảy ra người kia sẽ rơi vào tình cảnh chân tay luống cuống, đó mới là bi kịch thật sự.
Tôi còn phát hiện ra rằng, vào những lúc quan trọng nhất chúng tôi đều nói: “Mẹ anh, mẹ em”, chứ không phải mẹ chúng ta.
Mẹ anh và mẹ tôi bị đưa vào cùng một bệnh viện, tôi chịu trách nhiệm an ủi bố anh, còn anh làm thủ tục kiểm tra, nhập viện.
Tôi và bố anh ngồi ngoài hành lang, ông kể về những ngọt ngào và cay đắng mà vợ chồng ông từng cùng nhau trải qua, rồi nói với tôi rằng, trên thế giới này người có thể cùng chung hoạn nạn với mình chỉ có thể là người bạn đời của mình.
Tôi nhìn hàng tóc mai bạc phơ và khuôn mặt ủ rũ của ông, chợt cảm thấy chúng hoàn toàn trái ngược nhau, thầm nghĩ, mối quan hệ mà lấy được nhiều nước mắt của người ta nhất là quan hệ vợ chồng, mối quan hệ khiến người ta đau lòng nhất cũng là quan hệ vợ chồng. Thành công cũng do vợ chồng, thất bại cũng tại vợ chồng, mối quan hệ này có thể khiến người ta cảm động hoặc đau lòng. Giống như bố mẹ tôi.
Lúc tôi xuống tầng mua đồ ăn sáng cho bố anh, tôi thấy bố mình đang đứng nói chuyện điện thoại ở lối rẽ.
Bố tôi nói với người ở đầu dây bên kia rằng: “Bà ấy bị viêm dạ dày cấp tính, anh buộc phải ở lại chăm sóc. Em đừng có gây sự trong chuyện này, có phải là anh không muốn về đâu! Anh nói rồi, em thôi ngay đi, em bắt anh ngay lập tức phải về với em, em vô lý quá!”.
Ông ấy đang nói chuyện với ai, không cần nói cũng biết được đáp án.
Tôi xả hết những nỗi bực dọc đã kìm nén trong cả buổi sáng, xông lên phía trước giống như mãnh hổ thoát khỏi gông xiềng, giật lấy điện thoại của bố, ông muốn đòi lại, nhưng bị cốc sữa đậu nành tôi vừa mua trên tay hất đầy người. Ông thấy tôi trừng mắt bèn đứng im. Chắc chắn đã bị sự nóng nảy của tôi làm cho khϊếp sợ.
Tôi hét vào điện thoại: “Xin cô hãy chú ý một chút đến tư cách của mình. Nếu có bản lĩnh, hãy tìm lấy một mảnh đất còn nguyên sơ mà khai khẩn, đừng có nghĩ mãi tới chuyện đến nhà người khác trộm đồ. Nếu đến thể diện mà cô cũng không cần, thì tôi cũng không ngại lột trần lớp vỏ ngụy trang của cô, loại ti tiện như cô, ắt sẽ có người trừng trị!”.
Tôi không ngờ được rằng, mình lại có khả năng ăn nói đến vậy, có thể mặt không đỏ, không cần thở hổn hển mà có thể sỉ nhục một người đàn bà khác. Từ đó có thể thấy, con người nếu bị áp bức quá mức, có thể một bước mà lên tận trời xanh.
Người phụ nữ ở đầu dây bên kia, hét ầm lên…
Tôi nhìn trừng trừng bố tôi, rồi nhanh chóng cảnh cáo người đàn bà kia: “Xin lỗi, người đàn ông đó của cô hơn hai mươi năm trước đã cùng với một người đàn bà khác sinh ra tôi, người đàn ông đó của cô, trước đây đã từng là chồng của mẹ tôi, sau lại thành bố tôi, cuối cùng mới trở thành con người mà cô vẫn gọi là “người đàn ông của cô”, nhưng quan hệ của hai người sẽ không được pháp luật của bất cứ quốc gia nào công nhận. Đồng nghĩa với việc cô sẽ mất đi cả người lẫn tiền bạc, tiền mất tật mang, còn phải mang tiếng xấu suốt đời. Tôi cảm thấy thương thay cho cô!”.
Cuối cùng, tôi quăng chiếc điện thoại xuống dưới nền, quay lưng bỏ đi, bố giữ tôi lại, nhưng tôi không quay đầu, tôi sợ rằng nếu quay đầu lại sẽ không kiềm chế được mà cho ông ấy một cái tát.
Tôi nói: “Tôi hy vọng ông sẽ suy nghĩ kỹ xem rốt cuộc trách nhiệm của ông là ở đâu, là cô ta hay mẹ con tôi?”.
Tôi hất tay bố ra, lau mặt đi về phía trước.
Bố không ngăn tôi nữa, cũng không nói câu gì.
Thực ra là không có gì để nói, bởi hoàn cảnh này là bất đắc dĩ.
Tôi đã ra thông điệp cuối cùng với bố, đây là chiến dịch mạnh tay nhất mà đứa con gái là tôi tạo ra, tôi cảm thấy đau khổ nhưng cũng rất tự hào, tâm trạng đó được duy trì rất lâu.
Lúc Lê Bằng gặp lại tôi, gương mặt tôi vẫn giàn giụa nước mắt.
Anh vòng tay ôm tôi, an ủi tôi nói: “Đừng khóc nữa, mẹ chúng ta không sao, bác sĩ nói chỉ bị thương phần thắt lưng, tĩnh dưỡng một tháng là khỏi thôi”.
Tôi nép sát vào lòng anh, nghĩ đến triết lý mà mẹ anh đã từng nói: “Thắt lưng là gốc rễ của sự sống”, giờ thì hay rồi, gốc rễ đã bị tổn thương, còn phải mất cả tháng để nghỉ ngơi. Tôi không giải thích lý do mình khóc, chỉ nói: “Em để quên suất ăn sáng vừa mua cho bố rồi, để em đi mua cái khác”.