Vợ Có Thuật Của Vợ

Chương 37

Bố tôi đi lên nhà, còn tôi đứng đợi ở dưới khu chung cư để họ có thời gian nói chuyện với nhau.

Hy vọng lần nói chuyện này sẽ là một sự bắt đầu mới của họ, chứ không phải là kết thúc.

Tôi rút điện thoại, mở danh bạ, cuối cùng gọi điện cho Miumiu đang ở tận Tây An xa xôi.

Lúc này tôi nhớ đến Miumiu là có lý do, cô ấy là người bạn duy nhất trên thế giới hiểu tôi mà không bắt tôi phải hiểu lại cô ấy, cô ấy luôn theo kịp thời đại, thay đổi còn nhanh hơn cả dự báo thời tiết, cô ấy chưa bao giờ keo kiệt trong việc chia sẻ với tôi về cuộc sống tình cảm phong phú của mình, đồng thời không ngừng chia sẻ những kinh nghiệm tích lũy được với tôi, cho tôi biết thế nào là đàn ông.

Từ Miumiu tôi học được cách phân loại đàn ông và tình yêu, nhờ đó mà kinh nghiệm ngày một phong phú lên.

Điện thoại được kết nối, giọng nói của Miumiu đầy sự mừng rỡ, lẫn chút thương cảm.

Tôi hỏi Miumiu có phải lại tìm được tình yêu mới ở Tây An. Bởi mối tình nảy sinh nơi đất khách là đẹp nhất, nhưng cũng ngắn ngủi nhất, nó không thể di chuyển theo bước chân người đi đến những miền đất khác mà sẽ bị chôn vùi ở chính nơi sinh ra.

Miumiu nói, trên đường bắt xe bus từ sân bay vào thành phố, cô ấy gặp một người đàn ông nói giọng địa phương. Họ nói chuyện với nhau rất vui vẻ, thậm chí còn hận không gặp nhau từ trước để lửa tình được nhen nhóm sớm hơn. Người đàn ông đó đã đưa cô ấy đi khắp Tây An, còn là người đầu tiên xuất hiện khi cô ấy bị đau dạ dày, đưa cô ấy đi cấp cứu.

Ngồi bên cạnh giường bệnh, anh ta nắm lấy tay cô ấy và nói chuyện tương lai với cô ấy.

Lúc đó, Miumiu biết rằng, đã đến lúc nói lời chia tay. Bởi cô ấy không thể sống mãi ở Tây An, cũng không thể ích kỷ bắt anh ta phải dời bỏ nơi này.

Nói đến đây, sự vui mừng trong giọng nói của Miumiu đã biến mất, chỉ còn lại thương cảm.

Miumiu nói tôi và cô ấy không khác gì nhau, chỉ có điều cô ấy yêu người đàn ông khác, cố tìm chân mệnh thiên tử cho mình trong những mối quan hệ yêu đương rối bời. Còn tôi, luôn đặt việc kết hôn lên hàng đầu khi yêu đương, nên mỗi lần yêu đều đầu tư rất nhiều tinh thần và sức lực, vì vậy không đủ độ phóng khoáng.

Tôi nói với Miumiu, kết hôn và yêu đương là hai chuyện hoàn toàn khác nhau. Giống như bố mẹ tôi, họ vốn rất yêu nhau, lại chia tay nhau vì nhiều điểm bất đồng trong cuộc sống. Nhưng họ rất may mắn, bởi họ đã có nhiều năm tích lũy tình cảm nên mới duy trì được mối quan hệ.

Cuối cùng, tôi nói cho cô ấy biết, bố mẹ tôi muốn quay lại với nhau.

Đúng lúc tôi nói tin này với Miumiu, bố tôi đi xuống. Nét mặt ông đầy sự thất bại và hổ thẹn, khóe mắt còn vương vết lệ.

Lòng tôi chợt run lên, nghĩ đến kết cục tệ nhất.

Bố lắc đầu với tôi, không nói gì cả, khom lưng bỏ đi.

Tôi quay người đi lên gác, bấm chuông.

Lúc mẹ ra mở cửa, gương mặt bà thể hiện rõ sự kìm nén nỗi uất ức.

Tôi bước vào trong, hỏi mẹ: “Tại sao một cặp vợ chồng không thể ở bên nhau khi tình cảm vẫn còn? Có phải bố mẹ đang á tàn nhẫn với chính mình?”.

Thực ra, điều tôi muốn nói là, bố mẹ đã quá tàn nhẫn với con.

Mẹ tôi nói, vừa rồi ngay trong lúc họ đang nói chuyện với nhau, bố tôi nhận một cuộc gọi, là người đàn bà đó gọi đến.

Bố vốn định sẽ nói rõ mọi chuyện với cô ta trước mặt mẹ, nhưng không ngờ lại được nghe đối phương thông báo một tin. Sau lần sảy thai trước, bác sĩ đã kết luận cô ta không còn khả năng làm mẹ. Cô ta không cầu xin bố tôi quay về, nhưng lại hy vọng lúc này có người ở bên an ủi.

Tin tức kia làm tôi bị chấn động, tôi giống như một kẻ vô vọng đứng giữa vùng đất hoang gọi điện thoại trong một ngày mưa to gió lớn. Và khi sét đánh xuống tôi biến thành một cục than.

Tôi an ủi mẹ một lúc, đem tất cả những lời lẽ mà tôi có thể nghĩ được ra an ủi bà, nhưng vẫn không hóa giải được sự đau lòng và tuyệt vọng của mẹ.

Mẹ tôi nói: “Lúc còn trẻ, mẹ và bố con sống với nhau rất hạnh phúc. Bố con có rất nhiều tật khiến người khác khó lòng chịu nổi, chân ông ấy rất hôi, lại không thích tắm rửa, tất và giày đều phải phơi ở nơi thoáng gió nhất của ban công cả đêm mới hết mùi. Chưa bao giờ ông ấy nấu cơm, không phải vì không biết nấu, mà là lười không chịu nấu. Còn nữa, ông ấy luôn cho rằng, đàn ông thì phải tránh xa bếp núc, vì thế ngay cả bát đũa ông ấy cũng không chịu rửa. Tuy nhiên, ông ấy lại biết cắm cơm, cùng một nồi cơm điện, nhưng cơm do ông ấy nấu bao giờ cũng ngon. Ông ấy bảo mẹ quá sạch sẽ, giống như một cái tật vậy, nên thường nổi nóng với mẹ chỉ vì mẹ bắt ông ấy phải thay quần áo và ga giường, dù vậy lần nào ông ấy cũng ngoan ngoãn làm theo. Ông ấy còn nói, mẹ hay nói nhiều, luôn làm cho ông ấy phải đau đầu, thực ra không phải vì ông ấy không cãi lại được mẹ, mà chẳng qua là không muốn cãi lại, nhường mẹ mà thôi”.

Tôi ngồi nghe mẹ kể từng chút về cuộc sống của hai người, trong lòng đau đớn như bị một chiếc cưa điện cắt phải.

Tôi hỏi mẹ, bố có nói gì không.

Mẹ nói: “Cho dù có nói, thì quá nửa trong số đó cũng là câu “tôi xin lỗi”, chỉ có điều mẹ không để ông ấy nói”.

Trái tim tôi càng đau hơn, bởi tôi và mẹ giống nhau, đều rất sợ đàn ông nói ra ba chữ này.

Nếu người nói câu này là cấp trên hoặc lãnh đạo, điều đó sẽ đồng nghĩa với việc giáng chức hoặc buộc xin nghỉ; nếu là bạn bè, nó có nghĩa là hiểu và mong tha thứ; nếu là người thân, thì câu nói đó bao hàm tình yêu và sự bao dung; nhưng nếu nó được nói ra từ người yêu hoặc chồng thì nó đồng nghĩa với chia ly.

Tôi và mẹ đều sợ sẽ phải rời xa bố, cho dù ngoài miệng chúng tôi đều nói coi ông như đã chết.

Nhưng giờ đây, chúng tôi đành bất lực.

Sau khi ăn cơm cùng mẹ, tôi mới trở về nhà.

Trước khi đi, tôi còn nhấn mạnh nhiều lần rằng, tôi có thể ở lại cùng bà vài ngày, nhưng đều bị mẹ từ chối, bà khuyên tôi phải học cách nhu mì một chút, vừa kết hôn, càng phải chú ý bồi dưỡng tình cảm vợ chồng.

Tôi đem theo sự ân cần chỉ bảo của mẹ, quay trở về tổ ấm của tôi và Lê Bằng.

Một căn hộ ấm cúng, một mâm cơm để phần và cả mẹ anh đang chờ tôi.

Mẹ anh đang đi đôi dép lê của tôi, ngồi trên chiếc sofa tôi quen ngồi, cầm chiếc điều khiển của tôi và xem bộ phim truyền hình tôi thích nhất.

Mẹ anh nói: “Con ăn chưa, cơm canh phần trên bàn đây, hay là để mẹ hâm nóng lại cho”.

Tôi nói tôi ăn rồi, sau đó cởϊ áσ khoác đi vào phòng ngủ.

Lê Bằng không dựa vào đầu giường nghiên cứu tài liệu như dự đoán của tôi, mà đang vươn tay vớ lấy chiếc chăn trên nóc tủ, bàn chân còn giẫm lên một khuôn mặt.

Đó là mặt của Cổ Thiên Lạc!

Tôi kêu lên, chạy vội đến, lao vào lòng Lê Bằng.

Tất nhiên là anh cho rằng tôi đang sà vào lòng anh vì nhớ nhung.

Lê Bằng tặng cho tôi một nụ hôn nóng bỏng, nói: “Bà xã, em ra ngoài cả ngày, anh rất nhớ em”.

Tôi đấm anh thùm thụp rồi đẩy anh ra, nhặt tờ poster mà tôi thích nhất lên.

“Sao anh có thể đối xử với nó như vậy, đây là tấm poster mà em thích nhất!”

“Em gả cho anh rồi, người mà em thích nhất bây giờ phải là anh.”

Tôi lườm Lê Bằng một cái, nghi ngờ anh cố ý giẫm đạp lên Cổ Thiên Lạc, bởi lúc nào tôi cũng say đắm với những bộ phim điện ảnh và phim truyền hình của anh ấy, tôi còn có thể đọc thuộc lòng chòm sao, tuổi, chiều cao, thể trọng, mối quan hệ gia đình của anh ấy.

Nhưng Lê Bằng lại không thích như vậy, nói với tôi: “Xem lại đức hạnh của em đi”.

Tôi cất tấm poster một cách cẩn thận, nhẹ nhàng cảnh cáo anh: “Em sẽ không làm gì với Lý Gia Hân của anh, vì thế cũng xin anh hãy cách Cổ Thiên Lạc của em xa một chút!”.