Tôi cầm điều khiển mở một vòng các kênh, cuối cùng dừng lại ở một chương trình nói về gia đình.
Người dẫn chương trình đang phỏng vấn một cặp vợ chồng, cặp vợ chồng này thay nhau bóc mẽ đối phương, thay nhau than phiền về những bất công trong cuộc sống cũng như những chán ghét mà đối phương mang đến cho mình.
Bố tôi bắt đầu câu chuyện trước, ông nói: “Bố và mẹ con có chút hiểu lầm, chúng ta đều không mong muốn điều đó làm ảnh hưởng đến con”.
Tôi đặt điều khiển xuống nói: “Chuyện giữa bố và mẹ không phải là hiểu lầm, mà là có người thứ ba xen vào, nếu là hiểu nhầm thì có thể giải thích, còn người thứ ba là chuyện có thật”.
Bố tôi càng lúng túng hơn: “Không, chuyện ban đầu không phải vì bố… bố có người khác ở bên ngoài, mà đúng là có sự hiểu lầm từ trước, khi ấy, chúng ta đều không học được cách tha thứ cho nhau…”.
Lúc này nam nhân vật chính trong ti-vi cũng tố cáo với người dẫn chương trình rằng: “Từ trước đến giờ cô ấy không biết dịu dàng, chỉ biết quở trách những khuyết điểm của tôi, dường như trong mắt cô ấy, tôi là gã đàn ông kém cỏi nhất trên đời, nếu đã như vậy, cuộc sống này còn có ý nghĩa gì?”.
Tôi nắm chặt hai nắm tay, nhìn bố tôi cười lạnh nhạt, nói: “Bạn con nói, đàn ông khi phạm lỗi đều đẩy trách nhiệm cho người khác, trước kia con nghĩ chắc sẽ có ngoại lệ, nhưng bây giờ con tán đồng với quan điểm đó. Nếu bố thực sự muốn duy trì cuộc hôn nhân này, vậy tại sao bố còn cho phép người phụ nữ thứ hai xuất hiện? Bố đừng nói bản thân mình không hề có chút trách nhiệm nào, người mắc sai lầm không phải là kẻ thứ ba, mà là do bố đã thay lòng đổi dạ và không còn trung thành với cái gia đình này nữa!”.
Bố tôi đỏ mặt, đây là lần đầu tiên ông á khẩu trước tôi, ngay cả một từ cũng không thể phản bác được.
Lúc bố tôi ra về, Lê Bằng từ trong phòng ngủ đi ra, dùng ánh mắt trách cứ nhìn tôi, ánh mắt ấy khiến tôi cảm thấy khó chịu hơn cả việc trực tiếp hỏi về những vấn đề riêng tư khó nói.
Tôi không thể tiếp tục nín nhịn, quát lớn: “Anh đừng nhìn em với ánh mắt như vậy, người sai không phải là em, người anh nên trách móc cũng không phải là em! Đừng nói với em những lời vớ vẩn kiểu như đàn bà làm sao hiểu được đàn ông, đàn ông các anh cũng có bao giờ hiểu được phụ nữ đâu, các anh chỉ biết tìm những lý do giả tạo để biện minh cho việc nɠɵạı ŧìиɧ của mình, vừa thuyết phục người khác vừa để lương tâm mình được giải thoát! Nhưng những điều đó không phải do phụ nữ chúng em gây nên”.
Buổi tối hôm đó, tôi không thèm để ý đến Lê Bằng, chui vào chăn từ rất sớm.
Nhưng trong chăn rất lạnh, lạnh đến mức nước mắt tôi tuôn rơi.
Tôi cắn ngón tay, lặng lẽ khóc, mãi đến khi có một cánh tay vòng từ phía sau kéo tôi vào lòng, sau đó một nụ hôn lạnh giá được đặt vào sau gáy, lúc ấy tôi mới khóc lên thành tiếng.
Lê Bằng nói: “Hôm nay bố đến chỗ mẹ em, ông còn mua cả bánh ga tô, với hy vọng mẹ sẽ ăn cùng ông ấy. Mẹ em đã đuổi ông ấy đi, nên ông ấy đến tìm em, hy vọng em sẽ nói vài lời dễ nghe. Anh nhận thấy, ông ấy đã có chút hối hận, muốn cứu vãn cuộc hôn nhân này”.
Tôi không trả lời mà hỏi lại rất nhỏ rằng: “Hôm nay em quá đáng lắm phải không?”.
“Người một nhà làm gì có chuyện để bụng đến tận hôm sau.”
Sáng sớm thứ Bảy, tôi mang theo cặp mắt sưng húp đến tìm Trâu Chi Minh.
Chúng tôi hẹn nhau tại một quán cafe, tôi nhanh chóng nói rõ mục đích đến.
Anh ta nói: “Nhà nào mà chẳng có điều khó nói, tôi nghĩ bố cô sẽ không để bụng, thực ra chỉ cần cô gọi một cú điện thoại cho ông ấy, nói lời xin lỗi, là sẽ không có chuyện gì”.
Sau đó, tôi gọi điện cho bố mình trước mặt Trâu Chi Minh, tôi chỉ nói có đúng ba câu.
“Bố, chuyện hôm qua, con xin lỗi.”
“Chiều nay bố có rảnh không, con muốn hẹn bố uống trà.”
“Chính là quán cafe ngay sát khu chung cư nhà mình.”
Tôi cúp máy, khéo léo hỏi Trâu Chi Minh xem anh ta định lấy bao nhiêu tiền phí tư vấn, anh ta đưa cho tôi một bản báo giá.
Tôi trợn tròn mắt, há hốc mồm nhìn qua một lượt và đưa ra câu hỏi đầu tiên: “Mỗi tiếng chuyện trò thu hai trăm đồng, vậy chúng ta nói chuyện nãy tới giờ có tính không”.
Anh ta nói: “Cái này không tính, chúng ta là bạn bè, tôi sẽ tính giá ưu đãi cho cô”.
Giá ưu đãi, đây là ba từ mà tôi thích được nghe nhất.
Quan hệ bạn bè đúng là khó có thể đem ra đo lường.
Tôi lại hỏi: “Hàn gắn được cả một gia đình, mà chỉ thu có hai nghìn đồng. Như thế nào gọi là hàn gắn xong?”.
Anh ta nói: “Nếu bố mẹ cô quay trở lại với nhau, thì đó gọi là hàn gắn xong”.
Tôi gật đầu, cuối cùng hỏi: “Vậy nếu như tình hình không chuyển biến tốt, ngược lại ngày càng tệ hơn, thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm?”.
Anh ta nói: “Không có chuyện đó đâu, việc tư vấn đòi hỏi sự tự nguyện từ cả hai phía, khi họ đã tình nguyện nghe khuyên giải, thì tỉ lệ ngày càng tệ hơn đó bằng không”.
Trâu Chi Minh vẫn luôn biết nhìn xa trông rộng, chỉ bằng vài câu nói đã giải quyết được tất cả những nghi vấn của tôi.
Lúc bố tôi tìm đến quán cafe, tôi và Trâu Chi Minh đã uống ba cốc cafe, tôi phải đi vệ sinh đến lần thứ năm, Trâu Chi Minh đi ba lần.
Bố tôi vừa nhìn thấy Trâu Chi Minh liền sững lại. Sau khi tôi giới thiệu: “Đây là người tư vấn tình cảm, nhà văn Hòa Mục”, nét mặt bố tôi trở nên phong phú hơn.
Ông ngồi xuống, sẵn sàng trả lời những câu hỏi đầy thiện ý của Trâu Chi Minh.
Tôi ngồi bên cạnh lắng nghe, thỉnh thoảng lại góp thêm vài câu.
Trâu Chi Minh nói: “Một người đàn ông quyết tâm ăn năn hối cải, là nghìn vàng khó mua, chỉ cần chú đồng ý, cháu sẽ đi thuyết phục cô, cháu sẽ làm người trung gian, giúp hai người cởi bỏ hết khúc mắc trong lòng”.
Gương mặt bố thể hiện sự không vui, ông nói với tôi: “Tại sao chuyện nhà chúng ta lại phải nhờ đến người ngoài?”.
“Bởi vì người nhà chúng ta không ai sẵn lòng giúp bố, mà mẹ con lại rất tin vào những lời của Hòa Mục. Trong những ngày bố bỏ rơi mẹ, cuộc sống tinh thần của mẹ dựa hoàn toàn vào những cuốn sách của Hòa Mục. Chúng ta nên cảm ơn anh ấy.”
Trâu Chi Minh nói: “Chú à, chỉ cần có thể hòa giải, hình thức không quan trọng”.
Bố tôi không nói gì nữa, nở một nụ cười.
Lần đầu tiên Trâu Chi Minh cho tôi thấy được sức mạnh của thần tượng, lần đầu tiên anh ta tới nhà mẹ tôi,mở được cửa trái tim bà, nói chuyện với bà hơn một tiếng đồng hồ.
Còn tôi ngồi lại quán cafe đợi cùng bố, uống hết cốc cafe thứ tư, đi vệ sinh lần thứ mười một.
Lúc Trâu Chi Minh quay trở lại, mặt mày hớn hở, anh ta mang theo tin chiến thắng.
Bố tôi nắm lấy tay Trâu Chi Minh, bày tỏ sự cảm ơn, tôi chuẩn bị sẵn hai nghìn đồng trong túi, chuẩn bị đưa cho anh ta.
Nào ngờ, Trâu Chi Minh nói: “Cô chỉ có một điều kiện thôi ạ, xin chú đừng bao giờ gặp lại người đàn bà đó, hãy đoạn tuyệt với cô ta”.
Xuất phát từ lòng nhân nghĩa, bố cảm thấy khó xử, ông vẫn muốn để lại cho người đàn bà đó chút tiền phòng thân.
Tôi lập tức nổi nóng, đập bàn đứng dậy nói: “Bố còn nói chuyện nhân nghĩa với kẻ thứ ba? Lẽ nào bố còn định đứng núi này, trông núi nọ? Suýt nữa thì cô ta đã phá hoại một gia đình, tổn thất đó ai là người phải bồi thường?”.
Sau đó, tôi nhìn sang Trâu Chi Minh nói: “Nhà văn Hòa, xin lỗi anh, hôm nay làm mất nhiều thời gian của anh quá, lần sau tôi gửi tiền anh nhé”.
Lúc ra khỏi quán cafe, điều tôi nghĩ đến đầu tiên đó là hai nghìn đồng vẫn nằm trong túi.
Tôi quay trở lại khu chung cư, bất giác ngẩng đầu, thấy mẹ đang đứng ngoài ban công, nhìn về phía sau tôi.
Tôi cũng quay lại nhìn, thì thấy bố tôi đang đi ngay phía sau.
Đột nhiên, tôi cảm thấy rất xót xa, xót xa thay cho mẹ, bà giống như thánh mẫu đứng nghìn năm trên đỉnh núi chờ chồng, ngóng trông một kẻ phụ tình có lòng hối cải, nhưng nhất thời không thể bỏ được niềm vui mới.