Chuyện Xứ Lang Biang 1: Pho Tượng Của Baltalon

Chương 20

Trái với bản tính bồng bột, hồn nhiên của Kăply, Nguyên thấy cái việc cố chứng minh tụi nó không phải là K’Brăk và K’Brêt chẳng có lợi lộc gì trong hoàn cảnh hiện nay. Cứ để mọi người tin hai đứa là K’Brăk và K’Brêt, tụi nó sẽ dễ bề hành động hơn. Và cái chuyện mọi người cứ đinh ninh hai đứa nó đã bị lời nguyền của Buriăk làm cho lú lẫn rốt cuộc lại hóa hay. Nó và Kăply có thể ung dung đóng vai K’Brăk và K’Brêt, giả dụ có sơ suất điều gì cũng chẳng ai nghi ngờ.

Nhưng Nguyên lại không thể gạt bỏ tất cả những gì mắt thấy tai nghe ra khỏi đầu óc. Những câu chuyện gϊếŧ chóc của phe Bastu từng phút một tự động xâu chuỗi lại trong tâm trí nó, nhất là trong khi ở trong vai tiểu chủ nhân của tòa lâu đài, nó mặc nhiên trở thành nhân vật chính trong toàn bộ câu chuyện này. Một cách tự nhiên, Nguyên dần dần cảm thấy số phận nó gắn liền với tòa lâu đài K’Rahlan, với những con người kì quặc nhưng rất quan tâm, lo lắng cho nó, sẵn sàng sống chết vì nó, những con người xét cho cùng thiệt là rất đáng yêu.

So với Nguyên, Kăply là một thằng nhóc còn dễ hòa nhập hơn nữa. Cho đến lúc này, Kăply có vẻ như quên bẵng rằng mình là nạn nhân của hai thằng nhãi K’Brăk và K’Brêt, quên bẵng rằng nó đang ở một cái xứ rất xa làng Ke của nó. Gặp đám nhóc nhí nhố cùng lứa như K’Tub và Suku, phải nói là Kăply cực kỳ hào hứng. Đến mức đôi khi nó tưởng nó chính là thằng K’Brêt, là công dân Lang Biang từ đời nảo đời nào rồi. Nó phập phồng ái ngại cho số phận của thằng K’Brăk, quên bẵng rằng thằng K’Brăk đó chính là thằng Nguyên bạn nó, nơm nớp hồi hộp trước mối đe dọa đến từ phe Bastu và phấp phỏng chia sẻ nỗi lo của đám bạn đã trở nên thân thiết với nó tự lúc nào không hay. Vì vậy là mới có cái chuyện ngược đời là trong khi Nguyên dè dặt bao nhiêu thì Kăply hăng hái phát biểu lung tung bấy nhiêu.

Lúc này cũng vậy, một con người ghê gớm như pháp sư K’Tul đột nhiên nhão nhè nhão nhẹt như mụ đàn bà mất của làm Kăply thấy mủi lòng quá.

- Cậu đừng quá nghĩ ngợi, cậu K’Tul à! - Nó nhướng mắt và nói bằng cái giọng như nó mới là pháp sư K’Tul còn cái người đang ngồi bần thần đằng kia là thằng cháu non nớt và yếu đuối của nó. - Con nghĩ cậu đã cố hết sức của mình rồi.

Kăply chẳng biết cái quái gì về các sự cố trong quá khứ nhưng với hoàn cảnh trước mắt, nó cảm thấy phải nói như thế. Câu nói của Kăply gây chấn động ngay lập tức: Cả Êmê lẫn K’Tub, kể cả con Chơleng và thằng Đam Pao đang lúi húi bày thức ăn ra bàn, đều ngoảnh phắt về phía nó, mắt đứa nào đứa nấy trợn ngược.

- Bộ anh nói có gì không đúng sao! - Thái độ của bọn trẻ làm Kăply đâm chột dạ. Nó bối rối ngó K’Tub. - Anh nghĩ cậu K’Tul không nên day dứt...

Hai hàng lông mày K’Tub vẫn dựng đứng:

- Nhưng vấn đề là tại sao anh nổi hứng kêu ba em bằng “cậu”?

K’Tub phun ra thắc mắc, và liền sau câu hỏi nó đập tay lên trán:

- Ờ mà đương nhiên là anh không nhớ gì rồi.

Kăply hạ giọng:

- Thế trước đây anh gọi ba em bằng gì?

- Bằng bố. Anh và anh K’Brăk đều gọi ba em là bố K’Tul.

- Gọi là bố K’Tul! - Kăply hỏi lại, mặt nghệch ra.

- Ờ. Có lẽ tại ba em không chỉ là quản gia, là người thân cận nhất của pháp sư K’Rahlan mà còn là thầy dạy anh và anh K’Brăk từ hồi nhỏ.

- K’Brăk và K’Brêt gọi ba là gì cũng được, K’Tub à! - Pháp sư K’Tul nặng nhọc cất tiếng, vẻ như cố lắm ông mới đẩy được âm thanh ra ngoài cổ họng. - Chuyện đó không quan trọng. Cái đáng lo nhất bây giờ là làm sao giữ được an toàn cho K’Brăk.

Êmê bỗng nhiên đề nghị:

- Sao chúng ta không cầu cứu đại phù thủy Mackeno hở cậu? Dù sao cũng chỗ máu mủ ruột rà, lại ở ngay sau nhà.

- Không ăn thua gì đâu Êmê! - Ông K’Tul thở dài. - Tại con không biết đó thôi. So với đại tiên ông Pi Năng Súp và nữ phù thủy thượng đẳng Păng Sur, Mackeno tính nết quái dị hơn nhiều. Ngài là cậu của chủ nhân K’Rahlan, nhưng vào cái đêm vợ chồng K’Rahlan bị hại sát bên nách, ngài có chịu động tay động chân gì đâu. Nói ra thật buồn cười, mặc dù ngài trú ngụ trên cùng một quả đồi, ta và dì Êmô cũng chưa từng hân hạnh được gặp mặt ngài bao giờ. Từ dạo dọn về đây, ngài không cho ai yết kiến, kể cả vợ chồng K’Rahlan và Ka Ming.

K’Tub khụt khịt mũi:

- Thế ba chưa từng trò chuyện với ổng hở ba?

Ông K’Tul lim dim mắt, cố nhớ lại:

- Cách đây đã lâu lắm rồi, ba và vợ chồng chủ nhân có đến xin ý kiến của ngài về một chuyện gì đó ba cũng quên mất rồi. Ngài không chịu ra tiếp, chúng ta cũng không xông vào được vì căn nhà của ngài đã được ếm bùa bất khả xâm phạm. Ngài ngồi trong nhà, chỉ vọng ra câu nói gọn lỏn “Về đi!” Thế là chúng ta lủi thủi quay gót.

- Sống không tình nghĩa gì ráo thì Đại phù thủy mà làm gì! - Mọi người đều nghe rõ tiếng K’Tub lầm bầm tức tối.

- Con không được bất kính với đại pháp sư Mackeno! - Ông K’Tul trừng mắt nhìn K’Tub. - Có những điều con không biết. Và chắc cũng ít ai biết. Trong lịch sử xứ Lang Biang chúng ta, có ba nhân vật tính tình thanh cao, pháp thuật siêu đẳng, vượt ra ngoài tầm hiểu biết của mọi người. Cách đây ba trăm năm họ đã được xưng tụng là Tam tiên. Đó là các Đại phù thủy Mackeno, Pi Năng Súp và Păng Sur. Đại phù thủy Mackeno chính là người đứng đầu trong Tam tiên. Ở xứ Lang Biang, ngài là người duy nhất từ cổ chí kim đem về được một quả táo vàng ở núi Lưng Chừng. Họ là những bậc thần tiên, chán ngán cảnh tranh chấp triền miên giữa các phe phái, nên quyết định gác ngoài tai mọi chuyện thị phi. Đại tiên ông Mackeno là người ít xuất hiện nhất trong ba vị nên người đời chỉ biết có Nhị tiên.

K’Tub vẫn chưa hết ấm ức:

- Tam tiên pháp thuật siêu đẳng thì đúng rồi, nhưng tính tình thanh cao thì chưa chắc. Cháu ruột của mình bị hãm hại mà mình không thèm...

- K’Tub! - Ông K’Tul nạt lớn. - Con đã không biết gì thì đừng nói lung tung. Con tưởng những lời xúc xiểm của con ở đây, Đại tiên ông Mackeno không nghe thấy chắc?

Ông K’Tul có vẻ bắt đầu nổi khùng về thằng con bướng bỉnh, nhưng xem ra K’Tub còn điên tiết hơn. Nó đứng phắt lên, miệng ngoác tới mang tai, tính buông thêm một lời bá láp nào đó nhưng Kăply đã kịp níu tay nó:

- Thôi đi, K’Tub! Dù sao chúng ta cũng còn hy vọng nơi bọn Tam phù thủy mà.

Những tiếng cuối, Kăply hạ giọng gần như thì thào. Êmê đã dặn cả bọn rồi, rằng chớ để cho pháp sư K’Tul biết chuyện tụi nó nhờ Păng Ting thuê bọn Tam phù thủy bảo vệ K’Brăk.

Lời nhắc nhở kịp thời của Kăply nhanh chóng giúp K’Tub gỡ bỏ bộ mặt khùng khùng không hợp với nó chút nào. Nó rơi phịch người trở lại xuống ghế, cầm lên chiếc nĩa và chích một phát thật lực vào cái món nâu nâu có tên là sinh vật nguyên thủy trước mặt.

Nhìn cái cảnh K’Tub tọng một khoanh thịt tổ chảng vào họng nhai ngốn ngấu, thiệt tình là Kăply không rõ thằng bạn nó tưởng tượng đó là món “thịt băm Bastu” hay đơn giản chỉ vì sau cơn tức giận, con người ta thường cảm thấy dạ dày đột nhiên trống vắng mênh mông.

Bây giờ thì chỉ còn Nguyên và Kăply nằm trằn trọc trên hai chiếc giường kê sát nhau. Buổi tối, Êmê và K’Tub phải trở về phòng riêng của mỗi đứa, sau khi cùng Nguyên và Kăply dài cổ ngồi chờ thằng Suku trong tức tối và vô vọng. Từ hôm lạc bước đến xứ Lang Biang, nếu không tính cái lần Nguyên tưởng Kăply là thằng K’Brêt, còn Kăply tưởng Nguyên là thằng K’Brăk, thì đây là lần đầu tiên hai đứa ở một mình bên nhau.

Nguyên nằm ngửa mặt nhìn trừng trừng lên trần nhà một hồi rồi đột ngột cất tiếng hỏi:

- Mày có nhìn thấy điểm mấu chốt trong toàn bộ câu chuyện kỳ lạ này không, Kăply?

- Hổng thấy.

Kăply lười biếng đáp và xoay mặt về phía bạn chờ thằng này giải đáp. Cho đến khi rời khỏi làng Ke xa lắc xa lơ rồi, Kăply vẫn không bỏ được thói quen xem thằng Nguyên là thủ lĩnh, và nó rất nhiệt tình, thậm chí rất khoái trá được suy nghĩ bằng cái đầu của đại ca nó.

- Cái đầu của mày đúng là không thể dùng vào việc suy nghĩ được! - Nguyên nhếch môi, chưa chịu giải đáp ngay.