Rồi Êmê nhìn ra cửa, giục:
- Chuyện đó để tính sau đi! Bây giờ xuống ăn trưa kẻo cậu K’Tul đợi.
Nguyên và Kăply theo chân Êmê và K’Tub bước ra hành lang. Từ hôm bị bắt cóc đến nay, đây là lần đầu tiên tụi nó ra khỏi phòng. Cả hai ngạc nhiên nhận ra tòa nhà tụi nó đang ở có đường nét khá vuông vức, bên trong các phòng toàn bộ đều được ốp bằng gỗ thơm và trắng như giấy, từ sàn nhà, trần nhà đến các khung cửa, một số cửa được lắp kính, từ bên trong có thể ngắm cảnh quan đẹp như tranh vẽ ở ngoài trời. Nhưng mé ngoài các bức vách đều được làm bằng đá, một loại đá giống như hoa cương, có màu đen và láng bóng.
Đi hết hành lang dài, cả bọn bước xuống một cái cầu thang xoáy trôn ốc, được làm bằng những phiến đá đẽo thành hình giống như một cái lỗ khóa, chúng được đặt phiến này lên phiến kia tạo thành những bậc thang, dẫn xuống một thảm cỏ xanh nằm ngay khu vườn bên dưới, nơi ông K’Tul đang ngồi đọc báo trước một cái bàn dài.
Trên mặt bàn chạm trổ một cách tinh xảo đủ thứ hình thù kì lạ đang bày la liệt thức ăn đựng trong những cái đĩa bạc lớn có chân, và giống y chang hai cái ghế kỳ quái mà K’Brăk và K’Brêt đã dùng để đưa Nguyên và Kăply về đây, những cái chân đĩa cũng có hình thù những cái móng ngựa.
Đang chạy tới chạy lui giữa chiếc bàn và nhà bếp bên phía trong để bưng bê thức ăn là hai đứa bé, một trai một gái, trạc tuổi K’Tub, mặt mày dĩ nhiên trắng bóc và tóc trên đầu cũng dĩ nhiên có cái màu rất tiệp với cây lá trong vườn.
- Tụi nào vậy K’Tub! - Nguyên kề tai K’Tub thì thầm.
- Gì cơ?
- Hai đứa nhỏ kia kìa!
- Trời đất, trí nhớ của anh thiệt là hỏng bét mất rồi! - K’Tub la lên. - Thằng Đam Pao và con Chơleng mà anh cũng không nhận ra hả? Tụi nó ở đây từ hồi nào đến giờ mà.
Nguyên đưa tay vỗ vỗ trán:
- Ờ, đúng là anh quên sạch hết rồi!
K’Tub dường như chợt nhận ra mình la hơi lớn. Nó thò tay nắm lấy tay Nguyên, giọng áy náy:
- Anh đừng lo. Thế nào em cũng nghĩ ra cách đến núi Lưng Chừng kiếm mấy quả táo vàng về chữa trị cho anh với anh K’Brêt.
Thằng K’Tub nói bằng giọng quả quyết nhưng nếu nhìn vào ánh mắt buồn xo của nó, có thể thấy nó không tin vào lời hứa của mình lắm. Từ xưa đến nay, theo truyền thuyết thì chỉ có một người duy nhất là Mackeno, một pháp sư huyền thoại, là đem về được một quả táo vàng từ núi Lưng Chừng. Mà sự kiện đó xảy ra cách đây đã mấy trăm năm rồi. K’Tub biết rõ điều đó nên sau khi tuyên bố một câu hùng hồn, nó làm thinh ngó lơ chỗ khác.
Nhưng Nguyên chẳng nhận ra nỗi buồn trong mắt K’Tub. Nó đang mải quét mắt vào các đĩa thức ăn trước mặt, cố đoán xem đó là món gì và khi ăn vô, nó và Kăply có sẽ lăn đùng ra đất hay không.
- Ăn đi các con!
Ông K’Tul cất tiếng giục, lúc này ông đã buông tờ báo xuống bàn và cầm lên chiếc muỗng cán dài.
Chỉ đợi có vậy, K’Tub hí hửng cắm phập cái nĩa trên tay vào một đĩa thịt có màu nâu như chôcôlat, được bó chặt thành từng khoanh, không rõ là thịt gì. Nó dích một khoanh tọng vào miệng, nhai nhồm nhoàm, rồi thấy Nguyên dán mắt chằm chằm vào miệng mình, nó hất đầu:
- Ăn đi chớ, anh K’Brăk!
- Món gì vậy! - Nguyên tò mò hỏi.
Câu hỏi của Nguyên khiến K’Tub suýt mắc nghẹn. Nó trợn mắt tính la lên nhưng rồi chợt nhớ đến kí ức trống rỗng của Nguyên, nó cố nuốt cho trôi miếng thịt, chép miệng đáp:
- Đây là món “sinh vật nguyên thủy” là món ăn anh vẫn ưa thích xưa nay đó.
Nguyên xiên cái nĩa vào một khoanh sinh vật nguyên thủy, ngắm nghía một lúc rồi nhắm mắt đút đại vô miệng, tư thế sẵn sàng phun ra nếu cái món ăn kỳ lạ này có mùi bắp cải thối, mùi chuột chết hay một mùi gì đại loại như vậy. Không ngờ mùi vị của nó lại giống hệt như thịt bò, mềm và thơm không thể tả khiến Nguyên nuốt vội nuốt vàng, và nhớ ngay ra từ hồi bị bắt về đây nó chưa có cái gì vào bụng.
- Thấy chưa! Em đã bảo đây là món ăn khoái khẩu của anh mà!
K’Tub reo lên sung sướиɠ khi thấy trong nháy mắt, Nguyên đã ních tới khoanh thịt thứ ba. Ở bên cạnh, Kăply cũng đang mê mải vục đầu vào cái đĩa lớn đựng một thứ gì đó có vẻ như là xà lách trộn trứng cá. Êmê ăn nhẩn nha như mèo, vừa nhai vừa nhìn cái lối ăn uống thiếu kiềm chế của Nguyên và Kăply bằng ánh mắt tán thưởng.
Đột nhiên K’Tub reo lên:
- Ba ơi ba, ở đâu ra cái pho tượng anh K’Brăk vậy hở ba?
- Pho tượng ở trong phòng phải không! - Ông K’Tul thản nhiên hỏi lại, mặt vẫn không ngước lên vì chiếc muỗng của ông vẫn đang lang thang trong chiếc tô đựng lõng bõng một thứ nước sền sệt có màu cánh gián trước mặt.
- Dạ. Pho tượng đó hình như bị phù phép rồi hay sao ấy. Tụi con không sao cầm lên được.
Sau khi nuốt một muỗng canh to tổ chẳng, ông K’Tul mới từ từ đặt chiếc muỗng xuống và ngẩng lên nhìn K’Tub, từ tốn nói:
- Pho tượng đó của ba đấy.
- Ba nặn tượng anh K’Brăk chi vậy?
- Để lưu giữ hình ảnh của người đã chết! - Ông đưa tay quẹt mép, chậm rãi giải thích. - Khi K’Brăk và K’Brêt bị hôn mê dưới lời nguyền của Buriăk, ba cứ tưởng cả hai sẽ không bao giờ tỉnh dậy nữa. Tụi con nên nhớ, xưa nay chưa một ai sống sót dưới lời nguyền Tan xác. May thay, ba chưa kịp nặn tới tượng của K’Brêt thì cả hai đã sống lại một cách kì diệu...
Kăply vừa tọng một bụng xà lách trộn, đã thấy no ứ, nên chẳng chú tâm mấy đến cuộc trò chuyện giữa hai cha con pháp sư K’Tul. Đối với nó, pho tượng thằng K’Brăk do ai nặn và nặn làm cái quái gì chẳng có gì quan trọng. Nó đã quen với nhưng sự kiện kì dị chung quanh nên chẳng còn hiếu kì về những chuyện đó nữa.
Lúc này nó đang ngồi thở phì phò, tai lơ đãng, mắt chắm chú quan sát khung cảnh chỗ nó ngồi, xem thử có cách nào nó và Nguyên có thể trốn thoát khỏi nơi này để trở về làng Ke thân yêu của nó hay không.
Tòa nhà nó đang ở nằm trên một ngọn đồi nhỏ, cao tới ba tầng. Ngồi ở chỗ nó, có thể nhìn thấy những đường nằm ngang của mái nhà ẩn hiện trong cây xanh và biến mất trong lùm cây. Có một sự hài hòa giữa nhà và cảnh trí xung quanh, một sự chung sống êm đềm giữa rầm, cột, mái, các bức tường đá hoa cương, các cầu thanh xoắn, các cửa kính với cây cối, các thảm cỏ, các tảng đá đủ hình thù, với các rặng núi từ gần tới xa mờ sau lưng và bầu trời xanh thẳm trên cao.
Thực sự thì Kăply thấy phong cảnh ở đây rất đẹp, rất nên thơ nhưng rõ ràng nó không biết chỗ nó đang ở thuộc về xứ nào. Mà nếu không biết mình đang ở đâu trên trái đất thì đừng nghĩ tới chuyện trốn thoát làm gì ất công. Kăply nghĩ ngợi một hồi rồi quay qua K’Tub:
- K’Tub nè.
- Gì hở anh K’Brêt?
- Mình đang ở đâu vậy?
- Mình đang ở nhà mình chứ ở đâu.
- Nhưng nhà mình thuộc về xứ nào?
K’Tub nhìn Kăply với ánh mắt lạ lùng như thể Kăply vừa mọc ra thêm một cái đầu. Nhưng rồi sực nhớ ra chứng bệnh của Kăply, K’Tub cố đáp bằng cái giọng cố tỏ ra dịu dàng:
- À, xứ mình là xứ Lang Biang.
- Xứ Lang Biang! - Kăply ngơ ngác. - Xứ Lang Biang theo anh biết thì đâu có chút gì giống như vầy. Cao nguyên Lang Biang có thành phố Đà Lạt, có thác Cam Ly, có hồ Xuân Hương và chắc chắn không ai biết ếm bùa một pho tượng hay phù phép một cọng lông chim bay lên...
- Đó là xứ Lang Biang ở thế giới khác! - K’Tub mỉm cười cắt ngang. - Anh nhầm lẫn lung tung rồi!
Trong khi Kăply nghe đầu mình kêu u u, tưởng như ai vừa đánh rớt một cái chong chóng trong đó thì giọng K’Tub chuyển sang vỗ về, nó thủ thỉ với Kăply những lời nó vừa hứa hẹn với Nguyên bằng vẻ khổ tâm hết sức:
- Nhưng anh đừng lo. Em và chị Êmê nhất định sẽ đến núi Lưng Chừng...
K’Tub chưa kịp bày tỏ hết thiện ý, đã nghe Êmê kêu lên:
- Ủa, cậu K’Tul đâu rồi?