NGHIÊM TUẤN TRUYỆN
Nghiêm Tuấn tự Mạn Tài, người quận Bành Thành. Thủa trẻ ham học, giỏi đọc kinh Thi, kinh Thư, Tam lễ, (1) lại ưa xem sách Thuyết văn. (2) Tránh loạn đến miền Giang Đông, cùng thân thiện với Gia Cát Cẩn, Bộ Chất. Tính thẳng thắn thật thà, đối với mọi người đều nói rõ lẽ phải, có ý giúp đỡ. Trương Chiêu tiến cử với Tôn Quyền, Quyền cho làm Kị Đô úy, Tòng sự Trung lang. Lúc Hoành giang Tướng quân Lỗ Túc chết, Quyền lấy Tuấn thay Túc, đốc lĩnh vạn quân, đóng giữ Lục Khẩu. Mọi người đều mừng cho Tuấn, Tuấn trước sau cố từ chối rằng: "Ta vốn là người đọc sách, không thạo việc quân, chẳng có tài mà giữ chức ấy, tất dẫn đến lỗi lầm". Nói lời khảng khái đến chảy nước mắt.
Chí lâm viết: Quyền lại thử Tuấn cưỡi ngựa, lên ngựa làm rơi cả yên.
Quyền đành nghe theo. Người đời khen Tuấn biết được cái tài của mình mà nhún nhường. Quyền làm Ngô Vương, rồi xưng tôn hiệu, Tuấn từng làm Vệ úy, đi sứ đến nước Thục, Thặng tướng của nước Thục là Gia Cát Lượng rất khen Tuấn. Không chứa bổng lộc, đều chia ra cho họ hàng bạn bè, nhà thường không đủ. NgườI quận Quảng Lăng là Lưu Dĩnh có quen biết với Tuấn, Dĩnh học giỏi mà ở quê nhà, Quyền nghe tin liền gọi đến, lấy cớ bệnh không đến. Em Dĩnh là Lược làm Linh Lăng Thái thú, chết ở sở quan, Dĩnh đến dự tang, Quyền biết Dĩnh giả bệnh, sai người ruổi nhanh đến bắt lấy. Tuấn cũng nhanh đến khuyên Dĩnh, sai về tạ lỗi với Quyền. Quyền giận mà bãi chức Tuấn, rồi Dĩnh cũng được thoát tội. Lâu sau, lấy Tuấn làm Thượng thư lệnh, rồi đó thì chết.
Ngô lục viết: Bấy giờ Tuấn bảy mươi tám tuổi. Hai con là Khải, Sảng. Sảng làm đến Thăng bình Thiếu phủ,
Tuấn soạn sách Hiếu kinh truyện, Triều thủy luận, lại cùng Bùi Huyền, Trương Thặng (3) bàn về Quản Trọng, Quý Lộ, (4) đều truyền cho đời. Huyền tự Ngạn Hoàng, người quận Hạ Bì, cũng có tài học, làm đến Thái trung Đại phu. Hỏi con là Khâm về sự tài giỏi của bốn người Tề Hoàn, Tấn Văn, Di, Huệ,
(5) Khâm đáp điều mà mình được thấy, trái ngược nhau với Huyền, nhưng đều có lí lẽ. Khâm giao kết với Thái tử Đăng, Đăng khen văn chương của Khâm.
Bình rằng: Trương Hoành có văn chương hay đẹp, người đời xem trọng, được Tôn Sách đối đãi chỉ sau Trương Chiêu, thực là vì lẽ ấy. Bọn Nghiêm, Trình, Khám là nhà Nho một thời vậy. Đến như Tuấn từ chối vinh hiển để giúp người quen cũ, cũng chẳng phải là người cao cả sao! Tiết Tống hiểu biết phép tắc, là tôi giỏi của nước Ngô, rồi Oánh nối theo, có đủ phong thái của tổ tiên, dẫu gặp triều đình tàn bạo mà vẫn được rạng rỡ, đại khái là bậc quân tử vậy.
Chú thích
(1) Tam lễ: chỉ ba sách Chu lễ , Nghi lễ do Chu Công là Cơ Đán soạn, Lễ kí tương truyền là do
nhiều nhà Nho từ thời Chiến quốc đến thời Tần, Hán soạn, được ấn định vào thời Hán.
(2) Thuyết văn: còn gọi là Thuyết văn giải tự do người quận Nhữ Nam là Hứa Thận (许慎) thời Đông Hán soạn.
(3) Trương Thặng: Trương Thặng (张承) tự Trọng Tự, là con của Trương Chiêu vậy.
(4) Quản Trọng, Quý Lộ: Quản Trọng (管仲) còn có tên là Quản Di Ngô, làm Tướng quốc của vua Hoàn Công của nước Tề thời Xuân thu, xưng bá chư hầu. Quý Lộ (季路) tự Tử Lộ, họ Trọng, tên Do, còn gọi là Quý Do, từng làm người nhà của họ Quý cho nên được gọi là Quý Lộ, là học trò giỏi của Khổng Tử.
(5) Tề Hoàn, Tấn Văn, Di, Huệ: Tề Hoàn chỉ vua Hoàn Công của Tề, Tấn Văn chỉ vua Văn Công
của nước Tấn thời Xuân thu, đều một thời xưng bá. Di chỉ Bá Di (伯夷), họ Mặc Thai, cùng Thúc Tề là hai anh em của vua nước Cô Trúc thời vua Trụ của nhà Thương, khi vua Vũ Vương của nhà Chu đánh vua Trụ, diệt nhà Thương, hai anh em bỏ lên núi Thủ Dương ăn rau cỏ, không chịu ăn thóc của nhà Chu, cuối cùng chết đói trên núi. Huệ chỉ Liễu Hạ Huệ (柳下惠), họ Triển, tên Hoạch, tự Cầm, người nước Lỗ thời Xuân thu, được phong ở ấp Liễu Hạ, thụy là Huệ, do đó gọi là Liễu Hạ Huệ, tính thẳng thắn, giữ đạo tốt.
NGÔ THƯ QUYỂN 9 - Chu Du Lỗ Túc Lã Mông truyện
Chu Du, Lỗ Túc, Lã Mông
CHU DU TRUYỆN
Chu Du tự Công Cẩn, người huyện Thư quận Lư Giang. Tổ phụ là Cảnh, con Cảnh là Trung, đều làm quan Thái Uý nhà Hán. Cha Du là Dị, làm Lạc Dương lệnh.
[Hậu Hán thư của Tạ Thừa chép: Cảnh tự Trọng Hương, thời trẻ làm quan ngay thẳng được ca tụng, thường dùng những người có học làm Hiếu Liêm, cho vời đến công phủ. Sau Cảnh làm Thứ sử Dự
Châu, dùng người ở Nhữ Nam là Trần Phồn làm Biệt Giá, người ở Dĩnh Xuyên là Lý Ưng-Tuân Cổn-Đỗ Mật, người ở nước Bái là Chu Ngụ làm Tòng sự, đều là kẻ sĩ anh tuấn trong thiên hạ cả. Ít lâu sau Cảnh được thăng đến chức Thương thư lệnh, rồi thăng lên làm Thái Uý.]
[Hán kỷ của Trương Phan chép: Cha Cảnh là Vinh, đời Chương đế-Hoà đế làm Thượng thư lệnh.]
Du cao lớn cường tráng có tư nhan. Ban đầu, Tôn Kiên hưng nghĩa binh đánh Đổng Trác, dời gia quyến đến huyện Thư. Con của Kiên là Sách cùng bằng tuổi với Du, kết bạn thân thiết, Du nhường gian nhà phía Nam cho Sách làm chỗ trọ, lại lên nhà lạy mẹ Sách, có đồ đạc gì cùng dùng chung.
Chú của Du là Thượng làm Thái thú Đan Dương, Du thường đến chơi. Gặp lúc Sách sắp sang sông về Đông, tới Lịch Dương, bèn viết thư cho Du, Du đem binh đến nghênh đón Sách. Sách rất mừng nói: "Ta gặp được khanh, việc vủa ta xong rồi vậy." Rồi theo đi đánh Hoành Giang-Đương Lợi, đều lấy được. Lại qua sông đánh Mạt Lăng, phá Trích Dung-Tiết Lễ, vòng sang đánh Hồ Thục-Giang Thừa, tiến vào Khúc A, Lưu Do phải bỏ chạy, lúc ấy quân của Sách đã có đến mấy vạn. Sách nhân đó bảo Du rằng: "Ta dùng quân số này đủ để lấy Ngô Hội, bình Sơn Việt, khanh hãy về trấn thủ Đan Dương." Du bèn quay về. Ít lâu sau, Viên Thuật phái em họ là Dận tới thay Thượng làm Thái thú, Du và Thượng cùng về Thọ Xuân. Thuật muốn lấy Du làm tướng, Du xem chừng Thuật sau này không làm nên trò trống gì, mới cố xin làm trưởng huyện Cư Sào, muốn nhờ đó quay về phía đông, Thuật nghe theo. Du từ Cư Sào quay về Ngô quận. Năm ấy, là năm Kiến An thứ ba. Sách thân đến đón Du, trao cho chức Kiện uy trung lang tướng, lập tức cấp cho hai ngàn bộ binh, năm mươi kỵ binh.
[Giang Biểu truyện chép: Sách lại cấp cho Du một toán quân nhạc, sửa sang nhà cửa, ban tặng cho nhiều thứ khác. Sách hạ lệnh rằng: "Chu Công Cẩn anh tuấn có tài lạ, cùng với Cô là bạn hữu từ thủa còn để chỏm, thân như cốt nhục. Lúc trước ở Đan Dương, phát binh cùng với thuyền tải lương giúp ta lập nên đại sự, luận ơn đức để bồi đáp công lao, như thế cũng chưa đủ để báo đáp vậy."]
Năm ấy Du hai mươi bốn tuổi, người ở Ngô quận đều gọi Du là Chu lang. Bởi Du ân uy tín nghĩa rõ rệt ở Lư Giang, được cho đi phòng giữ ở Ngưu Chử, sau Du làm trưởng huyện Xuân Cốc. Ít lâu sau, Sách muốn chiếm châu Kinh, mới lấy Du làm Trung hộ quân, lĩnh chức Thái thú Giang Hạ, theo đánh Hoãn thành, lấy được. Bấy giờ gặp được hai người con gái của Kiều Công, đều là bậc quốc sắc cả, Sách cưới Đại Kiều, Du cưới Tiểu Kiều.
[Giang Biểu truyện chép: Sách coi dung nhan xong đùa cợt Du rằng: "Hai cô con gái của Kiều Công tuy phải chia xa, nhưng được hai chàng rể ở đất Ngô, tưởng cũng đủ vui sướиɠ vậy."]
Lại tiến đến Tầm Dương, phá Lưu Huân, đánh dẹp ở Giang Hạ, rồi quay binh về bình định Dự Chương-Lư Lăng, lưu Du ở lại trấn thủ Ba Khâu.
[Thần Tùng Chi xét: Tôn Sách lúc mới lấy được Dự Chương-Lư Lăng, còn chưa bình định được Giang Hạ. Du đến trấn thủ nơi đó, ứng với huyện Ba Khâu bây giờ, rồi sau này lại kể là bình định Ba Khâu xem ra có sự bất đồng.]
Năm thứ năm, Sách mất, Quyền nắm giữ chính sự. Du đưa binh tới dự tang, rồi ở lại Ngô quận, làm
Trung hộ quân cùng với Trưởng sử Trương Chiêu chung sức chấp chưởng chính sự.
[Giang Biểu truyện chép: Tào Công mới phá được Viên Thiệu, binh lực ngày một thịnh, năm Kiến An thứ bảy, hạ chiếu thư yêu cầu Quyền gửi con tin. Quyền triệu tập quần thần thương nghị, bọn Trương Chiêu-Tần Tùng đều do dự không quyết, bản ý Quyền không muốn gửi con tin, bèn dẫn riêng Du đến trước mặt mẫu thân bàn định, Du nói: "Xưa kia nước Sở ban đầu được phong ở một góc Kinh Sơn, đất đai chỉ chừng trăm dặm, người kế tự là bậc hiền tài, khai đất mở cõi, gây dựng cơ nghiệp ở đất Dĩnh, rồi chiếm cứ vùng Kinh Dương, kéo đến tận Nam Hải, cơ nghiệp truyền đời, đã hơn chín trăm năm. Nay tướng quân lên nối nghiệp cha anh, kiêm gồm dân chúng ở sáu quận, binh mạnh lương nhiều, tướng sĩ theo lệnh, đào núi thì lấy được đồng, nấu nước biển làm được muối, trong cõi giàu có, lòng dân không loạn, ta căng buồm bơi thuyền, sớm đi tối đến, quân sĩ dũng mãnh, hướng về đâu là không ai chống được, có gì bức bách, mà phải gửi con làm tin? Một khi đã gửi con tin vào triều, chẳng thể không cùng với họ Tào cứu giúp lẫn nhau, đã cứu giúp lẫn nhan, thì lúc có mệnh triệu chẳng thể không đến, thế là bị người ta kiềm chế vậy. Ngôi cao bất quá được một tước hầu, quân tuỳ tùng hơn chục người, xe mấy cỗ, ngựa vài đôi, há có thể ngoảnh mặt về nam xưng cô được nữa chăng? Chẳng bằng không chịu để người ta sai khiến, nên quyền biến từ quan. Nếu họ Tào có thể giương cao chính nghĩa để chấp chính thiên hạ, tướng quân hãy theo về cũng chưa muộn. Nếu họ mưu toan gây loạn, việc binh như lửa cháy, chẳng nên để mình bị thiêu được. Tướng quân nên gắng sức kháng cự, để đợi mệnh trời, sao phải đưa gửi con tin làm chi!" Mẹ Quyền nói: "Lời bàn của Công Cẩn đúng lắm. Công Cẩn cùng với Bá Phù cùng tuổi, nhỏ hơn một tháng, ta coi như con ta, mày phải thờ như anh trai vậy." Quyền bèn không đưa con đến làm tin.]