Năm thứ mười một, Du đốc suất bọn Tôn Du đánh dẹp hai đồn Ma-Bảo, chém bêu đầu bọn thủ lĩnh, bắt sống hơn vạn người, rồi quay về phòng bị Quan Đình (Cung Đình).
Thái thú Giang Hạ là Hoàng Tổ phái tướng là Đặng Long đem mấy ngàn binh xâm nhập Sài Tang, Du đem binh truy kích, bắt sống Đặng Long đưa về Ngô quận. Năm Kiến An thứ mười ba mùa xuân, Quyền chinh phạt Giang Hạ, Du được làm Tiền bộ đại đốc.
Tháng chín năm ấy, Tào công thâm nhập Kinh châu, Lưu Tông dẫn chúng ra hàng, Tào công thu được hết thuỷ quân, thuyền bè và mấy chục vạn quân bộ, tướng sĩ hay tin đều kinh hãi. Quyền mời quần hạ đến, hỏi kế sách. Hết thảy kẻ bàn luận đều nói: "Tào công là kẻ sài lang, nhưng giả danh là tướng nhà Hán, ép thiên tử để chinh phạt bốn phương, nói là làm việc vì triều đình, nay chúng ta chống cự lại, là việc chẳng thuận lẽ. Vả lại cái ưu thế lớn của tướng quân, có thể lấy đó để cự với Tháo, là Trường Giang vậy. Nay Tháo lấy được Kinh Châu, chiếm hết đất ấy, nắm giữ được thuỷ quân của Lưu Biểu, chiến hạm che kín mặt sông, có đến mấy nghìn chiếc, toàn bộ quân Tháo men theo sông, kiêm gồm bộ binh, thuỷ lục cùng tràn xuống, thế là cái hiểm của Trường Giang, địch đã chia xẻ cùng với chúng ta vậy. Mà thế lực đông ít khác nhau, chẳng cần phải bàn đến nữa. Ngu ý cho rằng đại kế chẳng gì bằng nghênh đón Tháo." Du nói: "Không đúng. Tháo tuy giả danh là tướng nhà Hán, kỳ thật là giặc nhà Hán vậy. Tướng quân là bậc thần vũ hùng tài, kiêm quản cơ nghiệp của cha anh, chiếm cứ Giang Đông, đất đai vuông mấy ngàn dặm, binh mạnh đủ dùng, kẻ anh hùng vui nghiệp, còn phải tung hoành thiên hạ, vì nhà Hán trừ đứa bạo tàn diệt bỏ kẻ ô uế. Huống chi Tháo tự đem cái chết đến, mà lại ưng chịu nghênh đón y sao? Tôi xin vì tướng quân mà trù tính: Nay ví như đất Bắc đã yên, Tháo trong bụng không có gì phải lo lắng, có thể phí phạm ngày giờ để lâu không xong việc, đến tranh giành ở đất ngoài, đâu đã dễ tranh thắng phụ với chúng ta bằng thuyền chiến đây? Nay đất Bắc đã không yên bình, hơn nữa Mã
Siêu-Hàn Toại còn ở cửa ngõ phía Tây, là mối lo sau lưng Tháo vậy. Lại cởi bỏ yên ngựa, khua động mái chèo, cùng với Ngô Việt đua tranh, vốn chẳng phải là sở trường của quân Trung Quốc. Lai nữa là hiện nay trời rất lạnh, ngựa không có cỏ khô ăn, binh sĩ Trung Quốc ruổi ngựa lặn lội đến nơi sông hồ, không quen thuỷ thổ, tất sẽ sinh bệnh tật. Bốn điều ấy, chính là mối lo lắng của kẻ dùng binh vậy, thế mà Tháo vẫn mạo hiểm hành binh. Tướng quân bắt được Tháo, xong việc là ở hôm nay vậy. Du này xin được cấp ba vạn tinh binh, tiến đến đóng giữ Hạ Khẩu, bảo đảm sẽ vì tướng quân mà phá tan quân giặc." Quyền nói: "Lão tặc muốn phế Hán tự lập đã lâu rồi, còn uý kỵ có hai nhà họ Viên-Lã Bố-Lưu Biểu và cô này thôi. Nay mấy kẻ anh hùng kia đã bị diệt, duy có cô vẫn còn đây, cô cùng với lão tặc, thế chẳng cùng đứng. Ngươi nói nên đánh, rất hợp ý cô, ấy thực là trời đem ngươi đến cho ta vậy."
[Giang Biểu truyện chép: Quyền chụp thanh đao phạt đứt góc bàn ở trước mặt nói: " Chư tướng còn ai dám nói đến việc đón rước Tháo, sẽ giống như cái bàn này!" Đến đêm tan hội, Du vào gặp Quyền nói: "Mọi người thấy thư của Tháo, nói rằng quân thuỷ bộ có tám mươi vạn, đều kinh sợ mất vía, chẳng suy xét rõ thực hư, đưa ra lời bàn luận như thế, thật là vô vị vậy. Nay cứ thật mà tính, số người Trung Quốc đem theo, bất quá chừng mười lăm mười sáu vạn, vả lại quân ấy đã mệt mỏi rồi, quân số thu được của Biểu, nhiều lắm cũng chỉ bảy tám vạn thôi, nhưng còn mang lòng nghi hoặc. Lấy đám quân lính mỏi mệt, chế ngự số đông quân sĩ hồ nghi, binh kia dẫu có đông, chẳng có gì phải sợ. Có được năm vạn binh, là đủ để khắc chế địch rồi, xin tướng quân chớ lo lắng." Quyền vỗ vào vai Du nói: "Công Cẩn, khanh nói như thế, rất hợp với bụng cô. Những kẻ như Tử Bố-Văn Biểu, đều chỉ nghĩ đến vợ con, để ta phải ôm mối lo, khiến ta rất thất vọng, chỉ có khanh cùng Tử Kính và cô là cùng ý mà thôi, thật là trời đem hai người bọn khanh tới giúp cô vậy. Nhưng năm vạn quân thì khó mà tập hợp ngay được, giờ đã tuyển được ba vạn người, thuyền lương chiến cụ đều đủ cả, khanh hãy cùng với Tử Kính-Trình công cứ thiện tiện khởi hành trước, cô sẽ dẫn mọi người theo sau ngay, chở theo nhiều tư trang lương thảo, để làm hậu viện cho khanh. Khanh có thể hoàn toàn tự tin mà hành sự, lỡ ra gặp chuyện bất như ý, cứ yên trí quay lại với cô, cô sẽ cùng Mạnh Đức quyết chiến."]
[Thần Tùng Chi cho rằng khởi xướng cái kế cự Tào công, ban đầu thực bởi Lỗ Túc vậy. Vào lúc ấy Du còn ở Bà Dương, Túc khuyên Quyền gọi Du, Du từ Bà Dương trở về, chỉ là cùng với Túc không hẹn mà cùng ý, cho nên có thể nói là hai người cùng lập được đại công. Bản truyện nói ngay rằng, Quyền mời quần hạ đến, hỏi kế sách, Du bác bỏ lời bàn của chúng nhân, một mình bày kế kháng cự địch, xong cũng chẳng bảo rằng Túc đã bầy mưu từ trước, sợ là đã bỏ mất đi cái khéo của Túc vậy.]
Bấy giờ Lưu Bị đã bị Tào công đánh tan, định dẫn quân qua sông rút về Nam, thốt nhiên gặp Lỗ Túc ở Đương Dương, bèn cùng nhau toan tính, vì thế mới tiến đến giữ Hạ Khẩu, phái Gia Cát Lượng đến chỗ Quyền, Quyền bèn phái Du cùng với bọn Trình Phổ giúp đỡ Bị hợp lực chống Tào Công, đối địch nhau ở Xích Bích. Bấy giờ rất nhiều quân lính của Tào công bị bệnh, mới giao chiến một trận, Công thua binh thối lui, dẫn quân về Giang Bắc. Bọn Du ở bờ nam. Bộ tướng của Du là Hoàng Cái nói: "Nay địch đông ta ít, khó cầm giữ được lâu. Nhưng tôi quan sát thấy chiến thuyền của quân Tháo đầu đuôi liên tiếp nhau, có thể dùng kế hoả công để chúng phải bỏ chạy vậy." Lập tức chọn lấy mấy chục chiến thuyền, che trùm kín mít, chứa đầy cỏ khô, trong tẩm dầu mỡ, ngoài dùng vải che kín, trên cắm cờ xí, trước hết gửi thư báo với Tào công, trá rằng muốn đến hàng.
[Giang Biểu truyện chép lại lá thư của Cái rằng: "Cái chịu hậu ân của họ Tôn, thường làm tướng soái, biết mình chẳng bị bạc đãi. Nhưng nghĩ đến cái đại thế thiên hạ, dùng người Sơn Việt ở sáu quận Giang Đông, để đương cự với trăm vạn binh Trung Quốc, đông ít chẳng thể đối địch, người thiên hạ
đều biết vậy. Quan lại tướng sĩ ở phương đông, chẳng kể hiền ngu, đều biết chẳng thể chống nổi, chỉ có Chu Du-Lỗ Túc ôm hoài bão nông nổi ngu đần, tâm ý chưa tỉnh ngộ. Hôm nay theo mệnh ngài, ấy là toan tính thật lòng. Du đốc xuất tướng soái ở đây, Cái tự thấy rất dễ bị bại lộ. Đến ngày giao tranh, Cái làm tiền bộ, đương lúc thay đổi nhân sự, xin ở gần để đợi mệnh." Tào công cho gọi riêng người đi cùng tới gặp, bí mật thẩm vấn, miệng cảnh tỉnh rằng: "Ta chỉ sợ mày trá hàng. Cái nếu quả thật không sai hẹn, mày đáng được thưởng tước, vượt hẳn người trước kẻ sau vậy."]
Cái lại chuẩn bị thuyền con để trốn, các thuyền lớn đều buộc chặt với nhau ở phía sau, sắp bày chỉnh tề hướng cả về phía trước. Quan binh sĩ tốt của Tào công đều ngoảnh cổ ngóng xem, chỉ trỏ nói là Cái đến hàng. Cái phóng đội thuyền tràn tới, đúng lúc ấy lửa bốc cao. Bấy giờ gió thổi rất mạnh, ngọn lửa bốc tới thiêu cháy doanh trại lớn ở trên bờ. Chốc lát, khói lửa mù trời, nhân mã bị thiêu đốt, chết chìm rất nhiều, quân Tào quay đầu chạy, kéo về giữ Nam quận.
[Giang Biểu truyện chép: Đến ngày giao chiến, Cái trước hết chọn lấy mười chiếc thuyền nhẹ, đem cỏ lau khô và củi nỏ chứa vào trong thuyền, tưới mỡ cá lên, dùng màn đỏ trùm kín lại, cắm cờ xí vẽ rồng làm hiệu ở trên thuyền. Lúc gió đông nam thổi mạnh, Cái cho mười thuyền chiến tiến về phía trước, đến giữa sông giương buồm lên, Cái giơ ngọn đuốc sáng trắng lên cao, sai quân lính đồng thanh kêu to rằng: "Hàng thì được yên!" Quân binh của Tháo đều ra khỏi quân doanh đứng ngây người mà xem. Còn cách quân bắc hơn hai dặm, đồng thời nổi lửa, lửa dữ gió mạnh, thuyền trôi vùn vụt như tên, bụi bay mù mịt, thiêu sạch chiến thuyền phương bắc, rồi kéo đến doanh trại ở ven bờ. Bọn Du cưỡi thuyền nhẹ theo ngay sau, trống thúc như sấm rền, quân bắc tan lở, Tào công lui quân trốn chạy.]
Bị với bọn Du lại hợp sức truy kích. Tào công để bọn Tào Nhân trấn giữ thành Giang Lăng, còn mình theo lối tắt chạy về Bắc.
Du cùng với Trình Phổ lại tiến đến Nam Quận, cùng với tướng của Nhân đối trận, hai bên cách sông lớn cự nhau. Binh còn chưa giao phong, Du liền phái Cam Ninh tiến chiếm Di Lăng.