Ngô lục chép: Chất dâng biểu nói: "Người phương bắc hàng phục là bọn Vương Tiềm nói rằng phương bắc chọn bộ ngũ mưu đánh đến phương đông, lại làm nhiều túi vải đựng đất cát muốn ngăn sông để hướng đến Kinh Châu. Nếu không phòng giữ sẵn thì nạn đến khó chống, nên nhanh phòng bị". Quyền nói: "Bọn ấy suy kém, mưu đánh sao được? Tất chẳng dám đến. Không bằng như lời ta, nên đem năm nghìn con trâu đến để cho ông làm chủ". (10) Sau có bọn Lữ Phạm, Gia Cát Khác bàn về lời mà Chất nói, cho rằng: "Hễ đọc tờ biểu của Bộ Chất thì không nhịn được cười. Sông ấy từ thời mở mang đến nay, há lấy túi đựng đất mà lấp vùi được sao"!
Năm Xích Ô thứ chín, thay Lục Tốn làm Thừa tướng, vẫn khuyên dạy học trò, tay chẳng bỏ sách, mặc áo ở nhà như bậc nhà Nho, nhưng vợ con trong nhà thì ăn mặc xa xỉ, vì thế mà bị người đời giễu cợt. Ở tại Tây Lăng hai mươi năm, người nước địch kính uy tín của Chất. Tính lại rộng rãi được lòng quân, vui giận chẳng lộ ra sắc mặt mà trong ngoài yên ổn.
Năm thứ mười một thì chết, con là Hiệp nối tự, lĩnh quân bản bộ của Chất, bái thêm chức Phủ quân tướng quân. Hiệp chết, con là Ki nối tước Hầu. Em Hiệp là Xiển, thay chức làm Tây Lăng Đốc, bái thêm chức Chiêu vũ tướng quân, phong Tây đình hầu. Năm Phượng Hoàng thứ nhất, gọi về làm Thống trướng đốc. Xiển vì tổ tiên nhiều đời trước ở tại Tây Lăng, mà chợt bị gọi về, tự cho là bị cắt bỏ chức vị, lại sợ bị vu vạ, do đó giữ thành hàng nhà Tấn. Nhà Tấn sai Ki và em là Tuyền đến Lạc Dương làm quan, cho Xiển trông coi việc quân ở Tây Lăng, bái Vệ tướng quân, Nghi đồng tam ti, thêm chức Thị trung, ban Giả tiết, lĩnh chức Giao Châu Mục, phong Nghi Đô Công; Ki coi xét việc quân ở Giang Lăng, bái Tả tướng quân, thêm chức Tán kị thường thị, lĩnh chức Lư Lăng Thái thú, đổi phong Giang Lăng Hầu; bái Tuyền làm Cấp sự trung, Tuyên uy tướng quân, phong Đô hương hầu. Sai Xa kị tướng quân Dương Hỗ, Kinh Châu Thứ sử Dương Triệu đến cứu giúp Xiển. Tôn Hạo sai Lục Kháng sang tây, bọn Hỗ rút lui, Kháng hãm thành, chém bọn Xiển, họ Bộ bị di diệt, riêng Tuyền còn có người nối dõi.
Người quận Dĩnh Xuyên là Chu Chiêu viết thư khen Bộ Chất và bọn Nghiêm Tuấn rằng: "Nguyên nhân bậc đại phu kẻ sĩ hiền năng xưa nay bị mất danh diệt thân lật nhà hại nước không phải chỉ có một, nhưng nói đại khái, tóm lại thì cái hại thường gặp chỉ có bốn mà thôi: Một là bàn luận vội vàng, hai là tranh đua danh thế, ba là kết nhiều bè đảng, bốn là muốn làm việc nhanh. Bàn luận vội vàng thì làm thương tổn người khác, tranh đua danh thế thì làm mất bạn, kết nhiều bè đảng thì lấn người trên, muốn làm việc nhanh thì bỏ đức, nếu bốn điều ấy không trừ thì chẳng được trọn vẹn vậy. Bậc quân tử ngày nay nếu không như thế thì cũng như vậy, há chỉ có người xưa chăng! Bàn về điều ấy thì không bằng cái hay của Cố Dự Chương, Gia Cát sứ quân, Bộ Thừa tướng, Nghiêm Vệ úy, Trương Phấn uy vậy. Luận ngữ chép: "Phu tử nghiêm túc nhưng giỏi khuyên bảo người khác", lại chép: "Làm việc tốt cho người, không làm việc xấu cho người", nói về Cố Dự Chương vậy. Chép: "Đứng xa nhìn thì nghiêm túc, đến gần mới thấy ôn hòa, nghe lời nói thôi cũng đã hăng hái", nói về Gia Cát sứ quân vậy. Chép: "Cung kính mà yên lành, uy nghiêm mà không hung tợn", nói về cách làm việc của Bộ Thừa tướng vậy. Chép: "Học chẳng cầu lộc, ý chẳng phóng túng" là cách học của Nghiêm Vệ úy, Trương Phấn uy vậy. Năm vị quân tử ấy, dẫu đức có khác nhau, nặng nhẹ không giống nhau, đến như làm quan lại tiết kiệm, không phạm đến bốn điều kia, đều là một nhóm vậy. Ngày xưa Đinh Tư xuất từ nhà cô lẻ, Ngô Xán xuất từ trẻ chăn trâu, nhưng Cố Dự Chương lại nêu rõ cái hay của họ, xếp cùng hàng với Lục, Toàn, (11) cho nên dân chúng không kém tối mà phong tục lại trọng hậu vậy. Ba vị Gia Cát sứ quân, Bộ Thừa tướng, Nghiêm Vệ úy, lúc trước đều xuất thân từ kẻ áo vải mà cùng thân thiện với nhau, người bàn luận đều khen tài năng của họ. Trước đây, người ta cho rằng Nghiêm Vệ úy là hàng đầu, thứ là Bộ Thừa tướng, sau đó là
Gia Cát sứ quân vậy. Sau đó họ đều theo giúp vua sáng, cứu vớt việc đời, cái tài làm quan có chỗ không giống nhau nhưng danh tiếng trước sau đều ngược với lúc trước, đấy là người bình thương thời ấy bàn luận sơ qua vậy. Đến như tình bạn của ba vị, đến chết cũng chẳng vỡ mục, há chẳng sánh được với người xưa sao! Lại nữa khi xưa Lỗ Hoành giang (12) lĩnh vạn quân đóng giữ ở Lục Khẩu, lập công to ở đời vậy, dẫu là kẻ có tài hay không có tài, ai không muốn vậy? Rồi Lỗ Hoành giang đã mất, Nghiêm Vệ úy nối thay chức, tự cho là chẳng có tài làm tướng súy, cố gắng từ chối, rồi chẳng giữ chức. Sau làm đến bậc cửu khanh, chuyển đến hàng Bát tọa, vinh hiển không đủ để rạng rỡ, bổng lộc không đủ để tự cấp. Con như hai vị kia, đều làm đến bậc Thượng tướng, rất là giàu có. Nghiêm Vệ úy đã không mong cầu, hai vị kia lại không tiến cử, đều giữ chí mà mình theo đuổi, giữ tiếng tốt của mình. Khổng Tử nói: "Quân tử kiêu căng mà không tranh đua, họp nhóm mà không kết đảng", ấy là nói phong thái của ba vị vậy. Lại nữa danh tiếng của Trương Phấn uy cũng đứng sau ba vị ấy, là mục thú của một vùng, nhận chức việc Thượng tướng, chức việc khác với Gia Cát sứ quân, Bộ Thừa tướng, nhưng gắng giúp việc nước, luận về công lao thì đều có đủ trước sau, cho nên tước vị vinh hiển hơn người. Lại nữa Trương Phấn uy trông coi việc quân, xét rõ được bộ ngũ của mình, lòng chẳng muốn làm mất phép tắc, việc chẳng tỏ vẻ kiêu căng, hễ lên triều đường thì theo lễ nghi mà đi, nói lời thẳng thắn, chẳng gì không trung. Thúc Tự (13) dẫu là tôn quý, nói về người ấy cho là tất thua, Sái Văn Chí (14) dẫu thấp hèn nhưng bàn luận lại khen người ấy là hiền. Con gái được gả cho Thái tử, lúc nhận lễ cưới hỏi, ý chí khảng khái, lại xét đoán mọi người, được thua còn mất, đều như mình nghĩ, có thể nói là biết giữ phép tắc mà có cơ trí, là kẻ sĩ ưa việc cũ vậy. Còn như giúp nhà nước, gánh vác việc quân, vào lúc rong ruổi để lập nên công Bá vương thì năm vị ấy không hơn được người khác. Như đạo hạnh lại chất phác, không tự ý cẩu thả, vào buổi bấp bênh mà giữ trọn tiết tháo, hơn hẳn người khác. Cho nên bàn qua việc này để nêu rõ cho bậc quân tử đời sau". Chu Chiêu tự Cung Viễn, cùng với bọn Vi Diệu, Tiết Oánh, Hoa Hạch soạn Ngô thư, sau làm Trung thư lang, bị tội giam ngục, Hạch dâng biểu xin tha nhưng Tôn Hưu không nghe, bèn vẫn chịu tội.
Chú thích
(1) Trọng Ni: chỉ Khổng Khâu tự Trọng Ni, tức Khổng Tử, Khổng Phu tử, Phu tử.
(2) Vũ xạ lại: Vũ xạ lại (武射吏) là quân giải võ nghệ bắn tên được chọn từ các quận huyện của nước Ngô.
(3) Hai miền: chỉ hai miền Kí Châu và Tây Lăng của nước Ngô. Kí Châu của nước Ngô ở gần nước
Thục, khác Kí Châu của nước Ngụy.
(4) Chín người hiền: theo truyền thuyết, vua Thuấn có chín viên quan tài năng giúp việc là: Vũ (禹) coi việc trị thủy; Khí (弃) coi việc trồng lúa; Cao Dao (皋陶) coi việc hình pháp; Thùy (垂) coi việc chế tạo công cụ; Quỳ (夔) coi việc âm nhạc, Bá Di (伯夷) coi việc lễ nghi cúng tế, Bá Ích (伯益) coi việc chăn nuôi chim thú, Long (龙) coi việc can gián; Tiết (契) coi việc dạy dỗ dân chúng.
(5) Tây Sở: chỉ Tây Sở Bá Vương là Hạng Vũ.
(6) Hoài Nam: chỉ Hoài Nam Vương là Lưu An. Thời Hán Vũ Đế mưu phản, sợ ý chí cứng cỏi của Cấp Ảm, nói rằng: "Ưa nói thẳng, giữ tiết tháo mà liều chết vì nghĩa, khó mà bị mê hoặc. Đến như khuyên can Thừa tướng Công Tôn Hoằng thì như vặt tóc rơi rụng".
(7) Chất Đô: Chất Đô (郅都), người huyện Dương quận Đông, thời Hán Cảnh Đế làm Nhạn Môn
Thái thú, người Hung Nô sợ oai mà không dám vào xâm phạm biên ải.
(8) Lữ Hầu: Lữ Hầu (吕侯) là đại thần của Chu Mục Vương, soạn thành sách hình pháp gọi là Lữ hình (吕刑) hoặc gọi là Phủ hình (甫刑), trong đó có luật dùng tiền để chuộc tội chết.
(9) Trương, Vu: chỉ Trương Thích Chi (张释之) và Vu Định Quốc (于定国) là người thời Tây Hán, từng làm quan Đình úy coi việc xét xử tù ngục, nổi danh là công bằng, dân không bị xử oan.
(10) Không bằng như lời ta nên đem năm nghìn con trâu đến để cho ông làm chủ: câu này Quyền
cợt ý của Chất, cho rằng quân Ngụy bên kia sông đang suy yếu, lại không thể dùng túi đựng bao cát lấp sông được, chỉ cần sai Chất đem năm nghìn con trâu để chống giữ cũng được!