Cung Đường Vàng Nắng

Chương 26: Một gia đình danh giá

Trong những ngày qua khi tôi đi vắng, hẳn Liège tuyết cũng rơi rất nhiều suốt kỳ nghỉ lễ cuối năm. Những vũng tuyết vẫn còn đọng lại rất dày ở vỉa hè và trên những vòm mái trắng xóa. Vừa đặt chân đến nhà, anh Hưng đã từ bếp lao ra quát tôi một chặp xa xả. Nào là tôi không biết nghĩ cho người khác, cứ lo rong chơi cho thỏa mà bỏ qua những lo lắng của mọi người. Nào là không những các anh chị ở Liège lo mà bên Paris hết chị Linh lại đến Việt kiều Quang gọi sang róng riết. Thậm chí, mới mười lăm phút trước, em trai tôi đã gọi điện từ Việt Nam sang.

_ Từ Việt Nam? – Tôi ngạc nhiên – Sao nó lại gọi từ Việt Nam sang? Bên Việt Nam đâu có biết em mất tích mấy ngày qua!

_ Thằng bé nói có chuyện gấp lắm, nếu liên lạc được với em thì nhắn em phải gọi về, có việc nhà cho đó! – Anh Hưng mặt hầm hầm – Mà tóm lại, những ngày qua em ở đâu? Ở với ai? Lang bạt phương trời nào?

_ Em thoát ly gia đình sang tận đây du học – Tôi cố bình tĩnh trước giọng điệu cáu gắt của anh Hưng – Đâu phải để tiếp tục bị quản lý như thế này?

_ Bọn chị lo cho em thôi – Chị Nhàn góp vào – Em nói là đi Paris, chính mắt anh Hưng thấy em đã lên tàu, thế mà những người quen của em ở Paris lại nói em không ở đấy. Mấy ngày qua bão tuyết khắp nơi...

_ Em đã nhắn tin cho chị Linh rằng em có chuyện riêng, không đến Paris nữa – Tôi quạu – Còn em đi đâu là chuyện của em. Tại sao mọi người cứ nhặng xị lên!

_ Anh chàng Việt kiều là lo cho em nhất đấy – Anh Tùng bất bình – Em nói với anh ta không đi Paris, ở lại Liège học thi, anh ta phone đến đây chúc Giáng Sinh thì anh Hưng nói em đã đi Paris rồi và còn cho số điện thoại của chị Linh em. Hai người đó liên lạc với nhau thế nào mà mỗi ngày chàng Việt kiều đều gọi cho em hàng tá lần. Anh bắt điện thoại muốn khùng luôn. Em là ác lắm đấy.

_ Em đi với Jean à? – Pascale tuy không hiểu chúng tôi trao đổi chuyện gì nhưng chị đoán là về vụ "mất tích" của tôi – Mọi người giả định thế, đúng không?

_ Đúng! – Tôi nhấm nhẳng – Trên đường đi Paris, em nhận được tin Jean bị đột quị, em ghé xuống Bruxelles. Sau đó... sau đó... em giúp chăm sóc Jean ở... ở Vienne.

_ Đột quị? – Mọi người hét lên – Anh chàng dễ thương đó bị bán thân bất toại rồi?

_ Không! – Tôi xua tay – Bị ngất xỉu vì lao lực. Gia đình Jean nhờ em chăm sóc giùm. Giờ Jean khỏe hơn, em bàn giao lại cho gia đình anh ta rồi...

Có vài ánh mắt nghi ngờ, nhưng mọi người chấp nhận lời giải thích này một cách nhanh chóng. Anh Hưng hồi đã đến giờ ăn tối nên cũng không ai thắc mắc gì thêm. Tôi nhớ ra mình phải gọi điện về Việt Nam cho em trai nhưng giờ này ở đó đã là hai giờ đêm. Tôi sẽ thức đến mười một giờ khuya, lúc Việt Nam đang năm giờ sáng. Bà nội tôi hay thức vào giấc này rồi khua mọi người dậy theo.

Chỉ mới chia tay Jean có vài tiếng đồng hồ mà tôi thấy nhớ anh quay quắt rồi. Jean cũng nhắn tin cho tôi, nói đã về đến Bruxelles. Anh cũng thú nhận đang rất nhớ tôi. Chúng tôi đã thỏa thuận từ giờ trở đi sẽ gặp nhau vào mỗi cuối tuần. Khi thì sẽ hẹn nhau ở Liège, lúc ở Bruxelles, hoặc chúng tôi sẽ cùng nhau đi đâu đó loanh quanh ở Bỉ hoặc sang Hà Lan, Đức hay Pháp.

Tôi giở lịch học của mình ra để lên kế hoạch hẹn hò với Jean rồi chợt giật mình nhớ ra chỉ còn năm ngày nữa là tôi phải thi môn Kế Toán – Tài Chính. Mấy ngày qua hạnh phúc bên Jean, tôi quên hết chuyện học hành thi cử, quên luôn món nợ mười mấy ngàn euro. Giờ lật sách ra tôi như người vừa thức dậy từ một giấc mộng đẹp. Những con số nhảy múa lung tung, tôi không còn nhớ gì đến mấy công thức, bài tập rèn luyện trước kỳ nghỉ lễ.

Trong khi chờ đợi đến mười một giờ để gọi về Việt Nam, tôi gọi cho chị Linh trong tinh thần cũng sẽ bị chị mắng té tát như anh Hưng. Thật ngạc nhiên, chị vui vẻ trò chuyện mà không thèm hỏi mấy ngày qua tôi ở đâu. Chị bận rộn kể lể về những trao đổi qua lại của chị và Quang. Kiên nhẫn lắng nghe chị một hồi, tôi dần nắm được một thông tin thú vị. Gia đình Quang vốn có quan hệ bạn bè thân thiết với một người bác họ của tôi hiện sống ở Đức. Người bác này cũng có đóng góp vào quỹ khuyến học cho tôi được hai trăm euro. Tôi không mấy quen biết với bác này nhưng chị Linh lại rất thân. Vì thế, qua bác, chỉ biết rằng gia đình Quang thuộc loại danh gia vọng tộc, rất đàng hoàng, ba mẹ anh đều là những người đáng tin cậy. Quang từ lâu đã là một "mối hời" cho những cô nàng Việt kiều chưa chồng ở châu Âu. Chị Linh còn cho biết thu nhập của Quang thuộc loại rất cao trong thời buổi châu Âu đang khủng hoảng kinh tế trầm trọng như hiện nay.

_ Lúc trước nghe em kể về Quang – Chị Linh cười hào hứng – Chị đâu ngờ đó là con trai của gia đình Trần Ngọc, gia đình này ở Paris cũng rất nổi tiếng, mấy thằng con trai đều đẹp mã, con gái thì xinh tươi và giỏi tề gia nội trợ. Ba mẹ Quang lại là bạn thân của bác Chánh ở Đức. Mà bác Chánh là anh họ của ba em. Trời ơi! Tiện quá rồi, em xáp vô mau lên em ơi!

_ Muộn rồi chị ơi! – Tôi cười ngất trước vẻ xăng xái thái quá – Muộn rồi!

_ Muộn cái gì? – Chi Linh hét lên – Trai chưa vợ, gái chưa chồng. Mà chị thấy thằng này nó thích em lắm. Yêu hay không chưa biết, nhưng em đang là đối tượng để nó đem về giới thiệu với gia đình. Nó lại đang bị cha mẹ thúc hối chuyện hôn nhân. Giờ biết rm là người quen, họ càng nôn nóng muốn gặp. Phải sang Paris nhanh nhanh mới được. Hoặc nếu em bận học quá, họ sẽ sang Liège gặp em!

_ Chị làm gì muốn bán tống bán tháo em vậy – Tôi bật cười – Lúc trước chị dặn phải tránh xa Việt kiều, quen Tây cho sướиɠ mà.

_ Nhưng gia đình Trần Ngọc này rất OK – Chị Linh gần như gào lên trong điện thoại – Họ đàng hoàng, lại giàu có. Em được vô làm dâu gia đình này là đại phúc. Chị cũng mừng cho ba mẹ em bên Việt Nam.

_ Em đâu có yêu Quang! – Tôi lặp lại – Em đã tâm sự với chị rồi. Em quá non nớt so với anh ta.

_ Không yêu thì rồi sẽ yêu – Chị Linh chắc nịch – Tình yêu sẽ đến sau hôn nhân. Với Quang và gia đình đó, xác suất rủi ro của em rất thấp, gần như là zéro! Đừng nói là mười lăm ngàn euro em đang mắc nợ Van Lattel, mấy trăm ngàn euro Quang cũng có cho em đi học MBA tận Mỹ. Rồi còn thằng Hải em của em. Em phải nghĩ đến nó, nó cũng muốn đi du học. Em phải ổn định trước, rồi còn lo cho em trai sang du học luôn!

_ Em yêu Jean – Tôi dõng dạc tuyên bố - Jean đã tỏ tình với em rồi...

_ Jean? – Chị Linh la lên – Gia đình đó cũng giàu, nhưng mà ăn một đồng một cắc của tụi Tây khó lắm em ơi. Tụi Tây không chịu giúp bên vợ đâu. Còn nếu em cưới Quang, gia đình em bên Việt Nam tha hồ mà sung sướиɠ. Dù sao cùng là người Việt Nam, bên nội tương trợ bên ngoại là chuyện thường. Với Jean hả? Từ lúc tỏ tình tới lúc chịu cưới là cả một câu chuyện dài. Tụi Tây bây giờ không chịu cưới đâu, nó bắt em sống thử với nó hoài mà không chịu cưới thiệt. Em nghĩ, ba mẹ em bên Việt Nam chịu nổi chuyện này không? Em có chịu sống thử với hết thằng Tây này đến thằng Tây khác không?

_ Em không hiểu chị! – Tôi bực dọc – Lúc thì chị khuyên nên quen Tây, lúc lại chửi Tây. Chồng chị cũng là Tây mà!

_ Thì bởi vậy chị mới thấm thía! – Chị Linh bực bội vì bị tôi vặc lại – May mà chị còn được cưới. Thế hệ chị lớn hơn em. Còn thế hệ trẻ như Jean bây giờ sợ hôn nhân lắm. Họ không muốn cam kết dài lâu điều gì. Chồng chị yêu chị nhiều, nhưng không có khái niệm giúp gia đình vợ đâu. Cũng hên là gia đình chị đều sang Pháp, không phải quá chật vật như ba mẹ em ở Việt Nam...

Tôi vô cùng bất mãn với chị Linh. Thì ra mọi người ở bên đây đều coi gia đình tôi ở Việt Nam là quá nghèo nàn. Những người bà con Việt kiều đó tuy biết nhà tôi khó khăn, vậy nhưng khi được kêu gọi đóng góp cho tôi đi du học, họ cũng chỉ cho vài trăm euro theo kiểu "thí cô hồn".

Nếu tôi có lấy chồng Việt kiều giàu đi chăng nữa, tôi cũng không bao giờ để ba mẹ mình ngửa tay nhận của bên chồng tiền bạc trợ cấp. Tôi được học hành đàng hoàng, tôi đủ sức báo hiếu mà không cần bất kỳ một ông chồng giàu nào dù là Tây hay Việt.

Hiện tại đang mắc nợ tiền du học thật , nhưng rồi tôi cũng có khả năng dần dần lo được cho gia đình mình. Tôi còn trẻ, cuộc đời tôi còn ở phía trước, sao chị Linh lại có ý nghĩ tôi nên lấy chồng giàu để có khả năng lo cho gia đình. Còn danh dự, còn lòng kiêu hãnh của một cô gái trẻ được ăn học đàng hoàng như tôi, chị không nghĩ đến sao?

Mặc dù nói cứng với chị Linh rồi dằn dỗi cúp máy. Tôi cũng rất bối rối với những gì chị Linh vừa nhồi vào đầu. Lẽ nào Jean sẽ không bao giờ có ý định tiến tới hôn nhân? Lẽ nào Jean sẽ không có tí khái niệm nào về giúp đỡ gia đình vợ? Anh có khi dễ gia đình tôi? Nếu qua Việt Nam thấy nhà tôi nhỏ xíu, bà nội tôi già nua lú lẫn, ba mẹ tôi quê mùa khắc khổ, em trai tôi đang tuổi ăn học cần tôi phụ giúp, gia đình ba thế hệ sống chen chúc, Jean sẽ nghĩ gì?

Còn Quang, chị Linh có lý khi nói rằng xác suất rủi ro của tôi là rất thấp nếu tôi đến với anh. Dù không yêu Quang, tôi cũng rất quí trọng anh. Thật lòng, nếu không có Jean, có thể tôi đã "nhào đại" vô Quang rồi. Nhưng tình yêu và hôn nhân đâu thể đem lên bàn cân, đâu thể áo vào công thức tính toán, đâu thể thẩm định tài chính rồi kết luận với người này thì xác suất rủi ro thấp, người kia thì khả năng sinh lợi không cao.

Mãi suy nghĩ, tôi không nhận ra đã gần nửa đêm. Tôi chưa kịp gọi về Việt Nam thì chuông điện thoại dưới phòng khách đã reo vang đầy bất anh trong đêm khuya.

_ Cho em gặp chị Vy đi! – Giọng thằng Hải em tôi róng riết – Chị Vy về chưa vậy?

_ Chị nè! – Tôi thì thầm sợ mọi người trong nhà giật mình – Chuyện gì gấp vậy?

_ Bà nội mất rồi chị hai! – Em tôi òa khóc – Ba nói chị về gấp!

_ Hả? - Bất chợt tôi không kịp ý thức chuyện gì – Bà nội mất?

_ Bà nội đã được liệm rồi, theo giờ tốt – Em tôi bình tĩnh hơn – Chị không về nhìn mặt lần cuối được. Nhưng ba muốn chị về chịu tang... Bà nội trước khi mất tỉnh táo lắm, bà nội đã cố chờ chị...

Đồng hồ đổ chuông nửa đêm chợt vang lên, tôi nhìn ngơ ngáo ra ngoài cửa sổ. Tuyết lại đang rơi dưới ánh đèn cao áp vàng, lạnh lẽo...