Cung Đường Vàng Nắng

Chương 27: Về nhà

Máy bay những ngày đầu năm mới không trống chỗ nào. Mọi người đi chơi lễ về, rộn ràng với những chiếc túi chật căng quà cáp. Họ ngồi trò chuyện với nhau rôm rả không thèm ngủ. Tôi đã khó ngủ, lại càng không ngủ được vì sự náo nhiệt của mọi người. Bên cạnh tôi, Quang đang ngoẹo đầu im lặng, miếng bịt mắt che kín lại. Nhưng tôi không nghĩ anh đã ngủ.

Tôi cứ thở dài đếm ngược thời gian, còn năm tiếng nữa về đến Sài Gòn, còn bốn tiếng nữa, còn ba tiếng nữa...

_ Em phải cố tranh thủ mà ngủ chứ! – Quang cuối cùng cũng ngồi thẳng người dậy – Về đến nhà là còn phải bận rộn ma chay, coi chừng em xỉu mất...

_ Không ngủ được – Tôi quạu quọ - Anh đừng để ý đến em nữa!

_ OK! – Quang nhún vai phật ý – Anh chỉ muốn nhắc cho em biết, vừa đến sân bay là em phải chạy về nhà mình liền cho kịp trước giờ động quan. Khi tiễn bà nội em đến lò thiêu, thủ tục xong xuôi, em lại phải tức tốc lấy taxi quay vô phi trường Tân Sơn Nhất. Từ đây đến đó, em không có thời giờ để ngủ đâu.

_ Dạ em biết! – Tôi càng cáu – Chỉ quay về Sài Gòn chịu tang bà nội xong là em phải tức tốc quay lại Bỉ cho kịp ngày thi, cái môn Kế Toán – Tài Chính mắc dịch đó em quên sạch hết công thức rồi... Nếu em thi rớt, cuối name học phải thi lại, rồi còn luận văn? Trời ơi! Chắc rớt nguyên năm học quá!

_ Em có vẻ không muốn về dự đám tang của bà nội? – Quang thẳng thắn – Sao không quyết định trước đó, sao không giải thích cho ba mẹ em hiểu? Em phải cân nhắc chuyện gì quan trọng hơn, về Việt Nam chịu tang hay ở lại chú tâm thi cử...

_ Tôi còn có thể làm gì? – Tôi cố kiềm không hét lên – Các người xúm vô mua vé máy bay, tống tiễn tôi từ Liège sang Paris, rồi từ Paris đến phiên anh kèm chặt tôi như áp giải tội phạm. Nghĩa tử là nghĩa tận! Nghĩa tử là nghĩa tận! Các người không ngớt lặp đi lặp lại. Tôi còn tâm trí và thời giờ để cân nhắc sao?

Quang cũng cố kiềm không hét lại vào mặt tôi, anh nhìn tôi thất vọng rồi cuối cùng nhún vai ra vẻ quảng đại "Anh hiểu em đang khủng hoảng tâm lý, thôi cố ngủ một tí vậy!"

Khi nhận được tin bà nội mất, tôi gọi điện sang Paris báo tin cho chị Linh hay. Dù gì, chị là người thân nhất trong gia đình tôi ở đây, chị từng có thời gian ở trong nhà tôi, biết bà nội tôi rất rõ. Tối bối rối không biết có nên quay về chịu tang bà nội. Chịu tang là gì? Dù sao bà nội cũng mất rồi. Tôi về chỉ để thắp nhang, để đứng trước quan tài khóc lóc, để được họ hàng khen cháu nội hiếu thảo?

_ Thật sự - Chị Linh cũng đắn đo – Chị sang Pháp đã lâu, cũng không còn quá bó buộc với các thủ tục Việt Nam. Nhưng ba em đã nhắn thằng Hải gọi điện biểu em về. Phải về thôi em à, nghĩa tử là nghĩa tận. Dù sao cũng là bà nội mình...

_ Bình thường em về cũng được, dù tốn một cái vé máy bay khứ hồi một ngàn hai trăm euro em cũng không tiếc – Tôi khó xử - Nhưng còn năm ngày nữa là em thi rồi, bây giờ còn chưa kịp mua vé máy bay, về đến nhà chắc cũng chỉ kịp đốt nhang rồi quay lại Bỉ liền. Em nghĩ nếu bà nội em biết điều này, bà nội cũng không muốn em phải về đâu. Trước khi em đi du học những lúc tỉnh bà nội còn dặn "học hành là chuyện quan trọng".

_ Em phải về thôi – Chị Linh quyết định dùm – Nếu em không về, bà nội em không nói gì, nhưng ba em trách em suốt đời. Người chết thì đã chết rồi, nhưng người sống không để mình yên đâu!

Khác với thái độ băn khoăn của chị Linh, mấy anh chị cùng nhà nhất quyết khuyên tôi phải tức tốc bay về Việt Nam gấp. Theo họ, chuyện học là chuyện nhỏ, thi rớt thì thôi, đành vậy. Tôi có cả cuộc đời để học sau này. Còn đám tang của bà nội chỉ có một lần, nghĩa tử là nghĩa tận. Tôi không được viện dẫn bất cứ lý do gì để không về. Mọi người nhiệt tình vào Internet tìm mua vé máy bay cho tôi nhưng vé về Việt Nam đều hết sạch. Đây là thời điểm người ta đi du lịch nhiều, tôi lại muốn mua thật gấp.

Khi tôi báo tin với Jean, tôi lại gặp phải một luồng suy nghĩ khác đối lập. Anh khuyên tôi không nên về mà phải gọi điện giải thích cặn kẽ với ba tôi. Ba tôi không biết tôi sắp thi, ba cũng không biết nếu mua vé máy bay gấp, giá lên tới gần hai ngàn euro. Nếu về mà còn kịp gặp mặt bà nội, nghe bà trăn trối thì còn đáng về. Nhưng giờ chỉ về để dự đám tang thì không nhất thiết phải mạo hiểm một kỳ thi quan trọng, phí thời giờ và tiền bạc như thế. Dù sao, người chết thì cũng chết rồi.

_ Anh không hiểu gì về phong tục tập quán người Việt Nam hết! – Tôi bực bội – Anh nói có lý thật, nhưng là lý của người phương Tây. Ba em không quan tâm đến thi cử của em đâu, ba em cũng không có khái niệm giá vé máy bay mắc là gì. Nghĩa tử là nghĩa tận, anh có thấu hiểu không?

_ Không, anh không hiểu – Jean cố chấp – Phong tục tập quán nào thì cũng nên châm chước cho những trường hợp ngoại lệ chứ! Phải ưu tiên trước cho người còn sống, vì cuộc sống vẫn còn tiếp diễn. Còn người mất thì cũng đã mất rồi. Em có yêu quí bà nội em thì em đã nên hiếu thảo với bà trước khi bà mất. Chứ giờ bà mất rồi, em tốn thời giờ, công sức, tiền bạc, rủi ro một kỳ thi quan trọng chỉ để quay về dự đám tang thì có ý nghĩa gì?

_ Em phải về, đó là phong tục, là lời yêu cầu từ ba em! – Tôi dứt khoát – Dù cho không còn vé máy bay, phải mua hạng business em cũng phải về!

_ Em tiêu xài chắc cóp từng li từng tí – Jean thật sự không hiểu – Em luôn than món nợ mười mấy ngàn euro là một hòn đá nặng luôn đè lên tim, đó là cả một gia tài cho người Việt Nam. Bây giờ em sẽ tung tất cả chỉ vì một đám tang?

Tôi quyết định không tranh cãi với Jean dù tận sâu trong thâm tâm tôi biết anh hoàn toàn có lý. Nhưng tôi là người Việt Nam, gia đình tôi nuôi dạy tôi theo kiểu Việt Nam, và nhất là hiện giờ dù cho đang ở châu Âu, người Việt Nam xung quanh tôi cũng đông hơn người phương Tây.

Quang bất ngờ gọi cho tôi, nói đã được nghe chị Linh báo tin dữ. Anh nói đừng lo lắng về vé máy bay, anh thu xếp ổn thỏa rồi. Trước sự kinh ngạc của tôi, Quang cười xòa giải thích vì anh thường xuyên đi công tác nước ngoài, anh có thẻ VIP của nhiều liên minh hàng không. Với thẻ VIP, anh có thể dễ dàng mua vé về Việt Nam dù đang là mùa cao điểm.

_ Em cũng đừng lo về giá vé – Quang trầm giọng – Miễn phí cho em.

_ Sao? – Tôi phản ứng – Em sẽ trả lại cho anh chứ, anh mua giùm đã là phước lắm rồi...

_ Anh cũng có việc về Việt Nam, nên anh tháp tùng em luôn – Quang giải thích nhanh – Vì anh đi công tác bằng máy bay nhiều, anh có điểm thưởng dồi dào lắm. Với số điểm thưởng này anh mua vé cho em miễn phí. Còn vé của anh thì có công ty khách hàng ở Việt Nam sẽ trả. Yên tâm, em không mắc nợ gì anh cả.

_ Thiệt không? – Tôi ngơ ngác – Em tưởng điểm thưởng chỉ mua được vé cho chính bản thân anh, không được quyền mua cho tên người khác.

_ Anh là thành viên VIP mà, muốn gì không được – Quang trấn an – Em lấy xe lửa tốc hành từ Liège sang sân bay Charles de Gaulles ở Paris, anh mua vé xe lửa trên Internet cho em luôn rồi đó. Tụi mình hẹn nhau ở cổng lên máy bay. Anh gởi e-mail cho em liền để em có mã số của vé xe lửa Liège-Paris và vé máy bay Paris-Sài Gòn. Vậy nhé! Hẹn gặp lại em ở Paris.

Từ đó, tôi như người mộng du. Các anh chị cùng nhà xúm vào chuẩn bị hành lý gọn nhẹ, đưa tôi ra ga Guillemin từ Liège, anh Hưng cẩn thận dắt tôi lên ngồi đúng số ghế rồi lẩm bẩm "Đây là chuyến xe lửa tốc hành chạy không dừng dọc đường, em sẽ đến thẳng sân bay ở Paris. Hy vọng lần này em không mất tích đột ngột nữa!". Anh Tùng thì hứa sẽ ghé vào khoa Kinh Tế-Tài Chính để xin thầy trưởng khoa cho tôi không thi môn Kế Toán- Tài Chính vì lý do có tang phải quay về Việt Nam gấp. Mọi người hy vọng tôi sẽ được cứu xét cho thi riêng một mình sau đó. Cá nhân tôi không tin điều này, nếu không kịp thi, tôi sẽ phải thi lại vào đợt sau, làm gì có chuyện vì lý do gia đình mà phải thi riêng ngay sau đó.

Tôi gặp lại Quang ở Paris như lời hẹn, anh sốt sắng chạy mua nước uống và bánh mì cho tôi. Quả thật tôi đã không ăn uống gì suốt mười mấy tiếng qua mà không hề để ý. "Phải giữ gìn sức khỏe, lúc này sức khỏe là quan trọng nhất để còn vượt qua mọi chuyện" – Quang ép tôi cố ăn – "Lên máy bay xong là em phải tranh thủ ngủ liền. Mình bay thằng trong vòng mười hai tiếng". Tôi nghĩ mình nên có thái độ cảm kích về những gì Quang làm cho tôi nhưng thực lòng tôi không biết xử sự ra sao. Tôi giả tảng mình đang "tang gia bối rối", làm mặt ngơ ngáo, không trả lời tiếng nào.

Tôi không hề chớp mắt trên máy bay dù có thể tạm thời nghỉ ngơi từ lúc em trai báo tin bà nội mất. Tôi tự hỏi nếu được chọn lựa mà không theo yêu cầu hay khuyên răn gì của ai, tôi có về chịu tang bà nội không. Chắc là không, dù thực lòng tôi thương bà nội. Tôi sống với bà nội từ lúc mới ra đời, dù khắc nghiệt với mẹ tôi, bà dành một tình yêu thương rất đặc biệt cho chị em tôi. Bà nội thích cháu trai hơn nên sau này lớn hơn một tí, tôi ý thức được điều này. Dù có bất bình vì phụ nữ trong nhà luôn bị đối xử bất công hơn, dần dần tôi cũng chấp nhận theo cách nuôi dạy của người Việt Nam. Hai năm sau này, bà nội tôi bị lẫn, nói năng không còn minh mẫn nữa. Việc vệ sinh cá nhân cũng không tự chủ được, mẹ tôi phải chăm sóc bà rất vất vả. Đôi khi nhìn cảnh này, tôi bất bình thay cho mẹ. Mẹ tôi cũng có mẹ ruột sống ở quê, khi mẹ ruột ốm đau không chăm sóc được, thế mà phải tận tụy hầu hạ mẹ chồng. Vậy mà vẫn bị mẹ chồng la mắng vô cớ. Những lúc tỉnh táo hiếm hoi, bà nội hay tỏ thái độ âu yếm thằng Hải em tôi, vì nó là cháu đích tôn. Còn tôi bà hay cằn nhằn tôi không chịu lấy chồng, lè nhè như người say rượu rồi quay sang mắng mẹ tôi không biết dạy con, nuông chiều coi chừng "hư" rồi cũng nên.

Thật lòng, tình thương của tôi dành cho bà nội có phần giảm sút. Đôi lúc, tôi còn tự hỏi sao người ta không có quyền chọn cho mình lúc qua đời. Sống những tháng ngày nửa tỉnh nửa mê, đã hết minh mẫn phải thốt ra những lời làm buồn lòng con cháu, cuộc sống còn ý nghĩa gì nữa mà không cho mình chọn thời điểm ra đi.

Vậy mà vừa về đến nhà, nghe tiếng tụng kinh, nhìn nhang khói nghi ngút, tôi đã muốn trào nước mắt. Đứng trước linh cữu của bà nội, nhìn di ảnh của bà thời còn trẻ dạo chị em tôi còn nhỏ, những kỷ niệm thơ ấu bên bà nội quay về. Bà bước vào sân với cái nón lá dưới trời nắng gay gắt, trán đầy mồ hôi mà miệng cười hớn hở ngoắc hai đứa cháu nội "Vô nhà mau, bà nội đi chợ có mua chè chuối nước cốt dừa cho tụi con nè. Ngủ dậy chiều còn sữa đậu nành nữa. Tội nghiệp, tội nghiệp..."

Nước mắt tôi tuôn trào xối xả, tôi quì thụp xuống, để mặc mọi người đang choàng vào mình chiếc áo xô trắng và đội lên đầu vành khăn tang. "Bà nội ơi" – Tôi nức nở - "Con về rồi. Con xin lỗi bà nội..."

Thoang thoảng bên tai, tôi nghe ba nói "Thấy không, vậy mà mọi người cản tôi gọi nó về..."

hann