Mùa Nước Nổi

Chương 165: Về quê (3)

Quay sang chị Nhài, mẹ lại hối tiếp, giờ chị cũng đã 26 tuổi rồi, ở quê cũng liệt vào dạng gái ế:

– Còn Nhài nữa. Cũng sớm sớm mà tính chuyện đi. Thế Tết này thằng Tiến và cái Chích Bông có về đây chơi không?

Mấy năm nay, mặc dù không chính thức là người yêu Nhài nhưng cũng gần như vậy, Nhài có tình cảm với anh Tiến, bởi anh hiền lành, chất phát lại có tình cảm với cô thật lòng. Ở bên anh, cô thấy yên tâm về tương lai của mình. Nhưng cô vẫn cứ bắt anh đợi, đợi cho đến khi nào cô gặp lại đứa con gái mới thôi. Nghe bác Quân công an nói là cũng sắp rồi.

Nhài thẹn thùng ấp úng chẳng dám nói to:

– Mai anh ấy và Chích Bông về rồi mùng 5 mới đi.

Tình trong như đã mặt ngoài còn e. Đó là tình cảnh của Nhài và anh Tiến hiện giờ.

– Mẹ biết con còn canh cánh trong lòng chuyện của Pha Lê. Nhưng mọi sự có số con ạ. Biết là con bé vẫn sống tốt là mừng rồi. Cứ lo cho chuyện của mình, rồi đến một lúc nào đó con bé sẽ về với con thôi.

– Vâng mẹ ạ.

Ây zà, cả nhà 3 người, 3 mẹ con, ấy vậy mà mỗi người đều mang trong mình một tâm sự riêng về chuyện tình duyên. Hy vọng mọi thứ sẽ tốt đẹp cả thôi.

———-

Rồi Tết cũng qua, mùng 2 Tết anh Tiến và Chích Bông về nhà Nhài chơi rồi ở luôn đến mùng 5, sau đó cả 3 người cùng lên Hà Nội một lượt. Chích Bông phải đi học, anh Tiến phải đi làm, còn Nhài thì phải mở shop, năm nay mùng 6 đẹp ngày nên shop Trọng Thủy và shop Cẩm Tú đều mở hàng một ngày.

Việc đầu tiên mà Nghĩa làm để bắt tay vào công việc chính là phải ra UBND xã để trình bày phương án. Nói gì thì nói, những việc làm ở địa phương thì phải thông qua chính quyền, nếu chính quyền đồng ý thì danh mới chính, ngôn mới thuận được. Người ra Ủy ban cùng với Nghĩa không ai khác chính là chú Lãm.

Ngày đầu tiên bắt đầu làm việc của năm mới, không khí Tết vẫn còn vương vấn ngay cả cơ quan công quyền, cây đào Tết vẫn đang kỳ nở rộ được đặt trang trọng ở sảnh. UBND xã cũng không phải là sang trọng lắm, ngôi nhà 1 tầng với nhiều phòng làm việc đã ruốm mầu rêu phong. Một số phòng làm việc cửa vẫn đóng im lìm.

Chú Lãm nhìn thấy phòng chủ tịch xã mở, trong lòng mừng húm vì ra đây không mất công toi:

– Nghĩa! Phòng chủ tịch ở kia. Đi thôi.

Nghĩa cầm theo một cái cặp da mầu đen, bên trong đựng tài liệu về kế hoạch của cậu theo chân chú Lãm.

Cánh cửa mở nhưng chú Lãm vẫn lịch sự gõ gõ cộc cộc vào cánh cửa để báo hiệu cho chủ tịch xã có người thưa chuyện.

Một người đàn ông cũng trạc tuổi chú Lãm, trạc tuổi bố Nghĩa ngồi trước bàn làm việc có bảng tên ghi là : “Chủ tịch UBND xã Dương Quang: Nguyễn Trọng Khôi”, thấy có người gõ cửa, chú Khôi chủ tịch dừng bút ngẩng mặt lên, nhìn thấy người đàn ông gõ cửa, miệng nở nụ cười luôn:

– Lãm à! Sao, mới đầu năm đã lên đây chúc Tết tôi đấy à?

Chú Lãm cũng cười đáp lại. Nghĩa thấy lạ bởi chú Lãm chỉ là một người nông dân chài lưới, ấy vậy mà nhìn thấy độ của ông chủ tịch có vẻ gần gũi thân thiết lắm.

– Ừ, trước là chúc Tết, sau có việc nhờ ông đây.

– “Hai chú cháu ngồi đi. Tôi không nhầm thì đây là Nghĩa con Bừng phải không?”, chú Khôi vừa ra bàn vừa nói.

Nghĩa lấy làm lạ vì ông chủ tịch xã lại biết tên mình:

– Chú biết cháu ạ?

Ngồi xuống bàn, rót ấm trà mới pha đầu giờ sáng, chú Khôi xòa cười:

– Ở cái xã này có ai là không biết Nghĩa con ông Bừng học giỏi nhất huyện cơ chứ. Với lại cháu không biết đấy thôi. Chú, Lãm và bố cháu trước học cùng 1 lớp đấy. Hà hà hà!

Chú Lãm gật đầu nhìn Nghĩa xác nhận. Nghĩa chỉ mơ màng biết hồi xưa, chú Lãm và bố mình có là bạn với nhau, nhưng không nghĩ là hai người còn học chung một lớp:

– Vậy ạ, thế mà cháu bây giờ mới biết đấy ạ.

Tác phong nhanh nhẹn của tầng lớp lãnh đạo trẻ, chú Khôi vào đề luôn:

– Sao? Hai chú cháu đến tìm tôi chắc không chỉ chúc Tết chứ.

Chú Lãm mở lời trước thể hiện vai trò dắt mối:

– Thôi chúc Tết để sau về. Giờ tôi vào việc luôn. Chả là cháu Nghĩa có dự định sẽ về quê lập nghiệp. Cháu nó định sẽ trồng cây ở vùng đất bãi. Nhờ ông có gì tư vấn giúp cháu.

Chú Khôi buông tiếng thở dài, không phải vì nghe Lãm nói mà vì nghĩ đến tình cảnh quê hương:

– Chính quyền địa phương rất hoan nghênh thanh niên như cháu lập nghiệp ở quê hương. Nói ra thật là buồn, giờ xã mình có 10 thanh niên thì có đến 9 đứa tính chuyện lên thành phố làm ăn. Giờ ở nhà chỉ còn toàn ông già bà lão và trẻ nhỏ. Cháu về đây lập nghiệp, giúp được gì nhất định chú sẽ giúp. Trồng cây trên đất bãi, chẳng phải đất bãi vẫn đang trồng cây đó sao? Có bỏ phí ngày nào đâu.

Giờ đến lượt Nghĩa trình bày:

– Thưa chú! Chẳng giấu gì chú, thời gian vừa qua cháu vừa làm vừa học cách trồng cây theo phương pháp mới ở Trường nông nghiệp. Giờ cháu muốn áp dụng phương pháp mới này vào việc trồng cây ở đất bãi quê mình.

Chú Khôi bắt đầu nhập tâm vào việc trình bày của Nghĩa, có một sự kích động nào đó trong lòng mà chú chưa thể nói ra được:

– Cháu cụ thể hơn được không?

Nghĩa lấy trong cặp ra một tập tài liệu dày hơn 100 trang, được đóng bằng bìa cứng mầu xanh, bên ngoài còn có một lớp nhựa cứng, trông rất trang trọng. Nghĩa đặt lên bàn rồi đẩy về phía chú Khôi, trên trang bìa có in hoa dòng chữ: “PHƯƠNG ÁN KINH TẾ SẢN XUẤT RAU AN TOÀN THEO MÔ HÌNH VIETGAP”. Ở cuối còn ghi rõ: “Người lập: Nguyễn Trọng Nghĩa”.

– Thưa chú! Cháu định tạo ra một vùng trồng rau an toàn theo mô hình VietGap, sản phẩm trước mắt sẽ cung cấp về Hà Nội, sau đó là cả nước và tiến tới sẽ xuất khẩu đi nước ngoài.

Chú Khôi nhìn chằm chằm vào tập tài liệu, chú không tin vào những điều mà mình nhìn thấy, một thanh niên sinh ra và lớn lên tại địa phương, một vùng quê còn nghèo nàn lạc hậu, ấy vậy lại mang trong mình ý chí lớn đến như vậy. Chú như bị hút hồn vào tập tài liệu ở trước mắt, ngồi thần một hồi lâu, trời vẫn còn lạnh, những trán chú lấm tấm mồ hôi, bởi máu trong huyết quản sôi sùng sục.

Mãi một lúc sau, chú mới vỗ tay mạnh một cái vào đùi phát ra tiếng kêu “độp” làm cả Nghĩa và chú Lãm giật hết cả mình:

– Đây chính là cái mà xã mình đang cần.

Nói xong chú đi như chạy về phía bàn làm việc của mình rồi lấy ra một tờ giấy A4, trên đó chi chít chữ. Chú quay trở lại bàn làm việc:

– Nghĩa, chú cho cháu xem cái này. Đây là Công văn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mà xã vừa nhận được hôm trước Tết. Trong công văn chỉ đích danh xã mình phải nghiên cứu và phát triển thí điểm mô hình sản xuất rau an toàn theo mô hình mới được áp dụng VietGap, từ đó làm điểm để nhân rộng ra toàn huyện, toàn tỉnh. Nghe các anh trên huyện nói, chuyện này là do một cán bộ trẻ phòng kinh tế nông nghiệp của Sở sau khi nghiên cứu địa hình và thổ nhưỡng của xã đã đề xuất lên lãnh đạo và được phê duyệt. Mà cũng tài, cán bộ ấy về địa phương tìm hiểu mà cũng không báo cho địa phương biết. Cứ âm thầm tìm hiểu rồi uỳnh một cái giao việc. Thú thực là chú còn chưa biết cái VietGap nó là cái gì, chứ chưa nói đến làm nó. May quá, giờ có cháu đây rồi. Thay mặt Đảng ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, chú hứa sẽ giúp cháu làm cho bằng được phương án kinh tế này.

Nghĩa và chú Lãm nhìn nhau mỉm cười. Họ không ngờ rằng, công việc ngày đầu năm lại thuận lợi đến như vậy. Được sự ủng hộ tuyệt đối của UBND xã như thế này thì còn gì bằng, còn lo gì việc không thuyết phục được các hộ dân theo mình nữa.

– Vâng ạ, thế thì cháu yên tâm rồi. Cháu chỉ lo không nhận được sự ủng hộ của chính quyền thôi.

Chú Khôi đứng dậy, giơ tay ra bắt tay Nghĩa như hai người đàn ông:

– Giờ cháu yên tâm rồi nhé, thế bao giờ cháu định bắt đầu nào?

Nghĩa quả quyết, thời gian không đợi 1 ai cả, Nghĩa hiểu điều đó hơn bao giờ hết. Bao nhiêu năm chịu đựng vô vàn vất vả đắng cay, rồi chịu cả sự hy sinh tình cảm của bản thân để cậu có thể bắt đầu thực hiện hoài bão của mình, không thể chần chừ thêm nữa, Nghĩa quả quyết:

– Ngay ngày mai ạ!

Trời bắt đầu hửng nắng, cái nắng mùa xuân dịu dàng và ấm áp.