Mùa Nước Nổi

Chương 164: Về quê (2)

Chú không gói bánh nữa, ngồi thẳng lưng dậy nhìn Nghĩa, chú không dám nhìn vào túi quà trên tay Nghĩa, bởi biết nó sẽ chẳng là của mình.

Nghĩa đưa túi quà về phía chú:

– Còn đây là của chị Nhài mua, nhờ cháu mang về biếu chú.

Chú Lãm còn chửa tin những lời mình vừa nghe thấy là sự thật, hồi chú còn bé tí, một vài tuổi gì đó cũng được mẹ mua cho một cái cói, đó là món quà duy nhất mà chú nhận được tính cho đến nay đã hơn bốn chục năm, rồi sau đó thì mẹ chú cũng mất luôn.

Chú không nói một lời nào, tay run run giơ ra đón lấy túi quà, mắt nhìn về phía Tươi xem phản ứng, thấy Tươi mỉm cười gật gật, chú lại nhìn vào cái túi quà. Chú đưa nó vào trong lòng mình rồi nhìn vào bên trong, một bộ quần áo bộ đội mới tinh, vẫn còn nguyên tem mác.

Chú không dám nói nhưng trong lòng cứ lặp đi lặp lại câu nói của chính mình: “Là quà của con gái, là quà của con gái, là quà của con gái ………….”

Rồi hai đầu gối chú run rẩy lẩy bẩy khi chú đứng dậy.

Hai mẹ con Nghĩa nhìn theo chú.

Chú lững thững đi từng bước, từng bước một ra phía đằng sau nhà, hai tay ôm dịt lấy cái túi quà mà con gái chú gửi cho.

Hình như chú khóc!

——–

Bữa cơm sáng mùng 1 Tết, cả nhà quây quần bên mâm cơm, chị Nhài mới về tối hôm qua, trước giao thừa có vài tiếng đồng hồ, cô Tươi đứng trước ban thờ chồng khấn vái mời chồng về ăn cơm rồi đi ra mâm cơm, nơi con trai, con gái cô đang chờ:

– Ăn cơm thôi các con.

Trên mâm cơm có đầy đủ các món ăn hương vị ngày Tết, một đĩa bánh chưng, một bát canh măng xương, một bát thịt đông, một bát củ kiệu muối chua, một đĩa gà ta luộc rắc lá chanh, một đĩa xôi, một đĩa nem rán, một đĩa giò luộc. Là bữa cơm tươm tất nhất sau cả một năm vất vả mưu sinh. Ở quê, quanh năm nhịn ăn nhịn mặc nhưng riêng 3 ngày Tết thì nhà nào nhà ấy cũng cố gắng lo lắng cho tươm tất hơn hẳn ngày thường.

Coi như đó cũng là hạnh phúc rồi.

Đang ăn, Nghĩa dừng bát mở lời trước nói lên dự định quan trọng của mình cho mẹ và chị nghe, gọi là chính thức tuyên bố:

– Mẹ, chị! Con quyết tâm từ nay sẽ ở nhà làm nông nghiệp.

Gọi là tuyên bố chính thức cho nó oai vậy thôi chứ việc này mẹ và chị chả lạ lẫm gì, đã rục rịch từ cả năm nay rồi. Ấy thế nên cô Tươi và chị Nhài không tỏ vẻ gì là nhiên, chị Nhài mỉm cười một chút vì thái độ nghiêm túc của đứa em, còn cô Tươi thì khuôn mặt có chút lo lắng vì cô biết đợi đứa con trai mình ở phía trước không phải là thảm lụa mà là rất nhiều chông gai. Là người làm nông nghiệp, làm mầu ở mảnh đất bãi này tính đến nay cũng trên dưới ba mươi năm, cô không lạ gì cách trồng từng loại cây, không lạ gì mùa nước nổi, không lạ gì tính nết bà con xóm giềng. Ai cũng muốn thay đổi, ai cũng muốn cuộc sống khấm khá hơn nhưng thay đổi như thế nào? Có an toàn không lại là một câu chuyện không hề đơn giản? Đa phần bà con đều là người không có của ăn của để, không có khoản tích lũy nào. Giờ đây chuyển đổi sang mô hình mới, hiệu quả chưa biết ra làm sao, liệu họ có dám cùng với Nghĩa thay đổi hay không? Cô chống đôi đũa xuống cái bát, khuôn mặt muôn phần âu lo nhưng vẫn động viên con:

– Việc con làm mẹ không có hiểu biết nhiều nhưng mẹ và chị ủng hộ. Nhà mình có một mẫu 2 đất bãi, mẹ giao cả cho con. Con muốn trồng cây gì, theo phương pháp nào mẹ cũng đồng ý hết. Nhưng nghe con nói là còn muốn trồng theo phương pháp mới trên ruộng của cả người dân trong xóm nữa. Điều này mẹ không dám chắc đã thuyết phục được người ta. Con biết đấy, không đơn giản để thay đổi thói quen đã tồn tại hàng bao nhiêu đời nay đâu.

(Một thước là 36 m2, mười thước là 1 sào, 360 m2, 10 sào là 1 mẫu, 1 mẫu 2 mà cô Tươi nói tức là 1 mẫu và 2 sào, tương đương 4.320 m2 đất ruộng – Cu Zũng)

Chị Nhài cũng thêm vào gọi là đóng góp ý kiến:

– Chị nghe mẹ nói cũng phải đấy, em phải tính toán cho thật kỹ vào, nếu thành công thì không sao, ai cũng mừng. Nhưng ngộ nhỡ xảy ra chuyện gì đó không may, người ta lại trách mình.

Cô Tươi nói đỡ vào để tránh cho Nghĩa nhụt chí:

– Mẹ tin con làm vì cái tâm, cái tâm mình sáng thì mình cũng không lo sợ người ta nói ra nói vào. Con cứ mạnh dạn làm đi, có thế nào mẹ cũng chịu được hết. Đừng lo nghĩ nhiều.

Mọi thứ mà mẹ và chị lo lắng Nghĩa đã tìm hiểu và có dự liệu từ trước rồi, phương án đã có, chỉ là có thực hiện được hay không mà thôi. Cậu nói để mẹ yên tâm:

– Chí con đã quyết và con cũng chuẩn bị đầy đủ mọi thứ để làm thành công rồi mẹ ạ. Vấn đề quan trọng nhất vẫn là thuyết phục người dân xóm mình tin tưởng và làm theo mình thôi. Đầu tiên con không cần nhiều, một hai chục nhà thôi là được, sau đó dồn ghép các mảnh ruộng lại với nhau để tạo thành một vùng trồng cây rộng, có như vậy mới có hiệu quả. Con tin là chỉ một vài năm, khi mà mô hình trồng cây theo phương pháp mới có hiệu quả, tự khắc những người còn lại sẽ tham gia cùng với mình.

Điều khó khăn nhất mà Nghĩa phải đối mặt chính là dồn ruộng lại với nhau để tạo ra một vùng trồng cây liền thổ rộng lớn. Như nhà Nghĩa chẳng hạn, có một mẫu hai ruộng, rộng phết đấy nhưng lại gồm chục mảnh ruộng ở khắp nơi ghép lại với nhau, không liền thổ. Mảnh nào rộng nhất cũng chỉ có gần 2 sào. Đây là thực trạng chung của toàn bộ miền Bắc ở cả đất trồng lúa và trồng mầu. Hồi cải cách ruộng đất những năm 50 của thế kỷ trước, phương pháp chia ruộng dựa trên đầu nhân khẩu và chia đều theo từng mảnh đất xấu – tốt, trũng – cao, xa – gần. Tức là nhà nào cũng có một ít ruộng tốt, một ít ruộng xấu, một ít ruộng xa, một ít ruộng gần, một ít ruộng ở chỗ trũng một ít ruộng ở chỗ cao. Đó là cách tính dựa trên sự công bằng, tránh sự tranh chấp, ganh tị giữa các bà con xã viên.

Nhưng điều đó cũng gây ra một hệ lụy, đó là đất ruộng manh mún, nhỏ hẹp, khó khăn cho thâm canh, khó khăn cho sản xuất, tưới tiêu, chăm bón .v.v.

– Được rồi, con nói vậy mẹ yên tâm lắm. Mẹ vẫn luôn tin tưởng vào con. Việc trước mắt con nên bảo chú Lãm tham gia cùng. Người trong làng trong xóm rất tin tưởng chú ấy, có chú ấy làm cùng cũng dễ thuyết phục mọi người hơn.

Nghe nhắc đến chũ Lãm, chị Nhài có chút băn khoăn trong lòng, chả là mặc dù không nói ra, nhưng chị đã thầm coi chú là bố mình rồi, bằng chứ là món quà Tết vừa rồi chị tự tay đi mua nhờ Nghĩa mang về cho chú. Mẹ nói rằng, chuyện này không cần nói ra bởi ở quê người ta dị nghị, nhưng không nói không có nghĩa là không nghĩ. Mà nghĩ trong lòng đôi khi cũng là quá đủ rồi.

Nhân chuyện này, Nghĩa cũng muốn tác thành cho mẹ và chú:

– Mẹ này, bố mất cũng qua đoạn tang rồi. Hay là ….. mẹ đến với chú Lãm đi. Chúng con dù sao cũng không thể chăm sóc mẹ tốt được. Mẹ cũng có tuổi rồi, cũng cần một chỗ dựa lúc về già. Con thấy chú Lãm rất tốt với mẹ, hơn nữa ….. chị Nhài ……

Nói đến đây, Nghĩa bị mẹ ngắt lời:

– Nghĩa! Cứ lo chuyện làm ăn của con đi. Hai đứa còn chưa đứa nào lập gia đình, mẹ sao dám nghĩ đến chuyện đó. Người ta cười cho. À, mà sao lâu rồi mẹ không thấy cái Tiên nó về nhà. Không phải hai đứa có chuyện chứ?

Nghĩa vẫn cứ canh cánh trong lòng chuyện của tình cảm với Thủy Tiên, nếu không vì phải về đây để lập nghiệp, có lẽ cậu sẽ quanh quẩn ở trên kia để tìm cho Thủy Tiên bằng được. Cậu đương nhiên không thể quên được Thủy Tiên rồi. Ánh mắt buồn rầu, Thủy Tiên không dám nói hết sự việc, nhưng cũng nói qua để cho mẹ hiểu:

– Thủy Tiên đang hiểu lầm con. Cô ấy đang giận con mẹ ạ.

– Con muốn làm thế nào thì làm. Mẹ thấy cái Tiên nó là đứa tốt, lại ngoan ngoãn mà giỏi giang. Người thành phố nhưng không có thái độ khinh khi người nhà quê mình. Con gái như vậy thật là hiếm, đừng có để mất mà phải tội ra. Đàn ông có lo cho sự nghiệp thế nào đi chăng nữa cũng không được quên đi gia đình. Gia đình vẫn là nền tảng để con phát triển biết chưa.

– Vâng, con biết rồi.