Mùa Nước Nổi

Chương 116: Kinh tế học đại cương (3)

Nghĩa mở bừng mắt to tướng, câu nói vừa rồi của Tuyết đi ngược lại với suy nghĩ bấy lâu nay của cậu, cậu vẫn đinh ninh trong đầu, muốn thực hiện được ước mơ của mình, việc tối quan trọng và gần như là duy nhất chính là phải trồng cây thật giỏi. Trồng được nhiều loại cây, nhiều loại quả, nhiều loại hoa .v.v. tất cả cây trồng phải lớn nhanh, cho thu hoạch tốt có như vậy mới mang lại hiệu quả kinh tế.

– Cậu bảo sao cơ. Để thành công phải học về kinh tế?

Tuyết “tiểu thư” đứng dậy, cô đi đi lại quanh cái bàn. Điều này cô cũng vừa mới chiêm nghiệm ra sau khi kết thúc năm học đầu tiên của trường kinh tế. Cô thấy cần phải nói ra cho Nghĩa hiểu, kẻo không thì quá muộn, với giọng có chút rao giảng:

– Cậu đang nghĩ rằng để làm nông nghiệp thì cần phải giỏi trồng cây?

Nghĩa cứ nhìn theo từng bước đi của Tuyết, dáng đi của cô nhẹ nhàng, ấy thế nhưng vì mông và ngực hình như hơi to hay sao ấy mà mỗi bước đi thì đều làm cho hai bộ phận ấy lắc bên này, lư bên nọ:

– Đúng, như vậy có gì sai sao?

Quả đúng như những hiểu biết của Tuyết “tiểu thư” về Nghĩa, cô nàng càng hứng khởi giảng dạy:

– Đúng, nhưng chưa đủ. Nếu cậu chỉ giỏi trồng cây, cậy sẽ là một người nông dân giỏi. Nhưng cậu không thể trở thành một nhà kinh tế nông nghiệp được. Cậu thử nghĩ xem. Làm kinh tế nông nghiệp là một chu trình rất nhiều bước. Trồng cây – thu hoạch – chế biến – bán sản phẩm ra thị trường. Cậu mới chỉ ở bước đầu tiên mà thôi.

Nghĩa cũng đứng dậy theo Tuyết, cảm giác của cậu bây giờ cực kỳ hưng phấn, giống y lúc cậu mới được nhận vào làm ở vườn ươm. Những điều mà Tuyết vừa nói quả là điều cậu chưa từng nghĩ đến:

– Cậu nói kỹ hơn tớ xem nào?

– Tớ không phải là một nhà kinh tế học, nên tớ không thể nói chi tiết cho cậu nghe được, cậu phải học. Nhưng đại loại nó là như thế này này. Một nhà kinh tế học có một cách nhìn khác với một người nông dân. Nông dân họ giỏi trồng loại nông nào thì họ trồng, trồng sau rồi họ bán. Giống như những người dân làng cậu bây giờ ấy. Trông được khoai thì trồng khoai, trồng được ngô thì trồng ngô, rất đơn giản. Nhưng nhà kinh tế nông nghiệp họ nghĩ khác. Cái họ nghĩ bắt đầu từ thị trường, thị trường cần gì họ trồng cái đó. Thị trường tiêu thụ rau tốt, họ trồng rau. Thị trường đang khan hiếm quả dưa leo, họ trồng dưa leo. Thị trường bán được quả chuối giá cao, họ trồng chuối. Cũng đơn giản như vậy, nhưng họ đi ngược lại với nếp nghĩ thông thường. Cậu trồng cây giỏi, tớ đồng ý là rất tốt.

Nhưng cậu nghĩ mà xem, một ngày có 24 tiếng đồng hồ, cậu chỉ có 2 tay, 2 chân, thử hỏi trong 1 ngày cậu trồng được bao nhiêu cây, làm được bao nhiêu việc. Tớ dám chắc cũng chỉ nhỉnh hơn những nông dân bình thường khác nếu cậu có sức khỏe và chăm chỉ. Cậu chỉ có thể trồng được trên đơn vị sào đất, cùng lắm là mẫu đất thôi. Còn làm kinh tế nông nghiệp, cậu phải nghĩ rộng hơn, phải trồng bằng đơn vị hecta, hay trong ngôn ngữ chuyên môn người ta gọi là: “Cánh đồng mẫu lớn”. Như vậy cậu sẽ phải thuê người làm, sẽ phải gọi người đầu tư cùng với cậu.

Còn thị trường nữa, rất rộng lớn. Nếu cậu trồng ra nhiều loại nông sản, cậu phải nghĩ đến việc sẽ tiêu thụ nó ở đâu? Ở chính quê cậu? ở Hà Nội? ở cả nước Việt Nam ta? Hay là thị trường quốc tế? Và còn rất rất nhiều những vấn đề khác nữa.

Tớ khẳng định với cậu luôn, việc cậu trồng cây giỏi chỉ chiếm 10%, còn lại chính là những kiến thức kinh tế. Thậm chí, tớ nói điều này cậu đừng buồn. Nếu là tớ, muốn trồng cây giỏi, tớ thuê người biết trồng cây về làm cho tớ, đỡ mất công đi học.

Nghĩa ngồi thụp xuống chiếc ghế gỗ, ánh mắt thất thần, khuôn mặt đăm chiêu. Những điều Tuyết “tiểu thư” vừa nói như mở ra màn sương mù mịt chắn giữa khuôn mặt cậu. Phải rồi, nếu chỉ giỏi trồng cây không thôi thì chỉ trồng được sào đất bãi, được mẫu đất bãi là cùng. Muốn trồng được cả chục, cả trăm hécta đất thì phải học kinh tế. Còn nhớ những ngày đầu tiên lên đây làm, cậu đã đi bốc ngô từ dưới thuyền lên bờ ở cảng Phà Đen, lúc đó cậu cứ nghĩ mãi mà không ra, ngô ở đâu nhiều thế, lại chỉ trồng ngô để làm thức ăn chăn nuôi, không giống trồng cho người ăn như ở quê mình. Giờ Nghĩa đã bắt đầu hiểu được việc đó rồi. Hết ánh mắt thất thần, chuyển sang hưng phấn như kẻ lạc đường nhìn thấy bản đồ, Nghĩa nhìn Tuyết thật đậm mang hàm ý cảm ơn:

– Tớ hiểu rồi. Tớ hiểu rồi. Cảm ơn cậu. Cảm ơn cậu. Tớ sẽ học thêm về kinh tế.

Tuyết “tiểu thư” ngồi xuống ghế đối diện với Nghĩa, cô thở phào vì làm cho Nghĩa hiểu ra. Hôm nay chủ động đến đây, nói những chuyện này cái cô sợ nhất là Nghĩa hiểu không ra, cho là cô này nọ dẫn đến hai đứa giận nhau thì cô buồn lắm. Ơn giời, Nghĩa là kẻ thông mình, lại không bảo thủ quá mức:

– Nhưng việc học trông cây của cậu vẫn rất cần thiết đấy, cậu đừng có bỏ.

Nghĩa gật đầu:

– Tớ biết rồi, không bỏ đâu. Tớ đang học ở vườn ươm, vợ chồng bác chủ rất tốt với tớ. À tớ hỏi cậu cái này, học kinh tế thì nên bắt đầu từ đâu.

Tuyết “tiểu thư” chỉ vào đống sách mà mình vừa mang tới:

– Kinh tế học đại cương, tất cả có ở sách mà tớ mang tới. Cậu đọc và học đi. Nếu cần tớ sẽ chỉ thêm cho cậu. Tớ cũng vừa mới học xong ở năm nhất thôi.

– Được. Nhất định tớ sẽ học. Một lần nữa tớ cảm ơn cậu.

– “Mình là bạn mà, cậu khách sáo quá!”, Tuyết cười hì hì, trong lòng cô vui mừng khôn tả.

Rồi Tuyết nhìn xuống túi ni lông sáng mầu mà Nghĩa vừa mới mang tới, không nhầm thì đó cũng chính là sách. Cô tự động giở túi ni long ra. Cái làm cô ngạc nhiên bởi bìa sách ghi: “Tiếng Việt lớp 1”, cô nhìn lên Nghĩa hỏi:

– Ơ, sao cậu lại mua sách này. Cậu mua sách này làm gì?

Chẳng biết giải thích thế nào, tình bạn với Tuyết cũng trôi qua được thời gian dài, đủ để Nghĩa chia sẻ cho Tuyết biết công việc của mình, cậu đưa tay lên gãi gáy:

– À, tớ mua để dạy học.

– Dạy học?

– Uh, tớ đang dạy một lớp học tình thương ở bãi giữa Sông Hồng. Các em nhỏ ở đấy chẳng đứa nào biết chữ cả. Tớ chỉ mong sao các em biết đọc biết viết là được rồi.

Tuyết “tiểu thư” phấn chấn hẳn lên, cô háo hức với lớp học mà Nghĩa đang kể, muốn góp một chút sức mình. Nghĩa làm vất vả thế còn được nữa là cô chỉ có học và chơi:

– Cậu cho tớ tham gia cùng được không? Nếu cần thiết, tớ sẽ huy động thêm đoàn viên thanh niên ở trường tham gia cùng giúp cậu. Tớ nghĩ càng nhiều người sẽ càng nhanh và có hiệu quả.

Đúng như điều mà Nghĩa trăn trở thời gian qua. Lớp học càng ngày càng phân hóa, điều Nghĩa muốn các em biết càng lúc càng nhiều, mà sức mình cậu không kham nổi, nay có Tuyết hỗ trợ một tay, các em lại có thêm nhiều cơ hội mở mang kiến thức. Nghĩa gật đầu:

– Cậu tham gia được thì tốt quá, tớ cũng đang cần thêm người hỗ trợ, mình tớ không đủ thời gian để dạy cho các em.

– Bao giờ bắt đầu?

– Tối thứ 6 tuần này. Cậu đến thẳng lớp học luôn nhé. Tớ sẽ cho cậu địa chỉ.

– Uh, nhất định tớ sẽ đến.

Hai đứa luyên thuyên mãi về lớp học bên sông. Chúng mải miết nói về lũ trẻ, về chương trình học, về kế hoạch sắp tới dành cho các em. Tới tận nửa đêm mới giật mình rằng quá muộn rồi. Nghĩa định rủ Tuyết ngủ lại luôn, vừa ngủ vừa bàn tiếp nhưng chẳng dám nói ra. Tuyết cũng định hỏi Nghĩa là “hay tớ ngủ lại luôn rồi mình vừa ngủ vừa nói chuyện về lớp học bên sông?” nhưng cũng ngại chẳng dám nói. Thành ra ai về nhà nấy.

———

Thế rồi buổi tối thứ 6 cũng tới. Nghĩa đi làm miết từ sáng đến tận tối nên cậu đến thẳng lớp học luôn. Địa chỉ đã nhắn vào số máy của “Ay zui ui” rồi nên chắc là cô ấy tự tìm đến.

Tuyết “tiểu thư” háo hức lắm được đến xem lớp học bên sông thực hư như thế nào. Nghe Nghĩa kể có vẻ gì đó không thật, cô không tin lắm chuyện có một lớp học như vậy xảy ra trong thời kỳ này giữa thủ đô Hà Nội, đầu những năm 2000, kinh tế đất nước hội nhập, cả nước chuyển mình sang một thời kỳ mới, kinh tế nhà nhà đều phát triển, ấy vậy mà còn tồn tại một nơi như vậy hay sao.

Cũng dự định đến đúng 8 giờ nhưng tìm đường khó quá vì ngoắt nghéo và loằng ngoằng, Tuyết “tiểu thư” theo lời dặn của Nghĩa gửi xe ở một cửa hàng tạp hóa chỗ đầu lối mòn đi sang vùng đất bãi. Đi bộ thêm một đoạn nữa mới vào nhìn thấy vùng đất sáng ánh đèn điện áp quy ở phía xa xa. Có lẽ lớp học đã bắt đầu đúng giờ mà không chờ đợi cô đến. Cũng phải thôi, nhìn đồng hồ trên điện thoại giờ đã là 8h15 rồi.

Tuyết “tiểu thư” vừa nhìn xuống chân bởi mặt đường lồi lõm, đất pha với cát chỗ cứng chỗ mềm. Đến gần lớp học, cô nghe tiếng Nghĩa giảng bài:

“Ăn một bát cơm,

Nhớ người cày ruộng.

Ăn đĩa rau muống,

Nhớ người đào ao.

Ăn một quả đào,

Nhớ người vun gốc”

Rồi ở bên dưới, các em đồng thanh đọc theo những vần thơ mà Nghĩa vừa mới đọc. Có khác gì một lớp học bình thường đâu.

Một câu thơ khác:

“Nghé ơi ta bảo nghé này,

Nghé ăn cho béo nghé cày ruộng sâu.

Ở đời khôn khéo chi đâu,

Chẳng qua cũng chỉ hơn nhau chữ “cần””

Ở dưới các em lại đồng thanh đọc theo tiếng cạch cạch của thước kẻ đập vào từng dòng trên bảng.