Hà Nội là thành phố của làm ăn, của giao thương nên Tết cũng đến muộn và kết thúc sớm hơn so với ở các nơi khác, ở quê Tết thường bắt đầu từ ngày ông Công ông Táo và kéo dài đến tận hết ngày rằm tháng Giêng. Tờ mờ sáng ngày mùng 5, Nghĩa đã chào cha mẹ đạp xe lên Hà Nội rồi. Cậu đi sớm lắm, khi chưa có con gà nào gáy cơ. Có lẽ Nghĩa muốn tránh gặp những người ở xóm mình.
Lên Hà Nội mới chưa đến 7 giờ sáng, thấy vẫn còn sớm nên cậu đến chợ người ở gầm cầu Chương Dương, tranh thủ kiếm được cuốc nào hay cuốc ấy. Tiền có bao nhiêu cậu biếu mẹ hết, chỉ giữ lại cho mình mấy trăm ngàn làm vốn thôi. Dự định làm buổi sáng, rồi buổi chiều đi tìm nhà trọ khác, không ở khu vực Phúc Tân – Phúc Xá mà năm ngoái cậu đã ở, trường hợp bần cùng bất đắc dĩ là chiều nay không tìm được nhà trọ thì có thể kiếm tạm một chiếu trọ ngủ qua đêm của dân lao động ngắn ngày, chỉ đôi ba chục ngàn là có một chỗ ngủ tạm rồi.
Chỉ có vài người lắt nhắt đứng ở chợ người mà thôi, chắc vài hôm nữa người lao động mới lên hết, dựng xe vào một góc tường, Nghĩa đứng chờ khách đến thuê.
Khách thuê cũng không có nhiều giống ngày thường, lác đác vài người đến thuê làm các công việc linh tinh, rất nhanh chóng kiếm được người ưng ý. Tính Nghĩa thì ít khi tranh dành khách với ai, thế nên cứ lần lượt mọi người tìm được việc mà Nghĩa mãi vẫn chưa.
Nhưng rồi trời cũng không phụ lòng người, một người đàn ông đeo kính cận, tóc dài ngôi lệch, khuôn mặt buồn buồn từ chở theo một em bé gái đỗ lại. Nhìn người khách có vẻ là dân trí thức văn phòng gì đấy, Nghĩa lại gần hỏi luôn vì thực ra ở chợ người lúc này chỉ còn duy nhất mình cậu:
– Anh có việc gì không? Cho em làm với.
Người đàn ông đeo kính nhìn khắp cũng chẳng còn ai, ý định của anh ta chắc là muốn tìm một phụ nữ cho phù hợp với công việc mình định thuê, nhưng chẳng còn ai ngoài chàng thanh niên trẻ măng này, đành phải nói với giọng hết sức nhẹ nhàng:
– Anh định tìm người dọn nhà, em làm được không?
Tưởng chuyện gì, việc đấy quá đơn giản đối với Nghĩa rồi, cậu nhận ngay:
– Em làm được ạ, anh yên tâm.
– Thế công xá thế nào?
Nghĩa đưa tay lên gãi đầu gãi tai, hôm nay là đi làm kiếm tiền đấy, nhưng thực ra cũng là đi làm lấy may mắn, ở nhà mẹ bảo hôm nay Mùng 5 đẹp ngày, thuận lợi cho việc mở hàng đầu năm, thế nên Nghĩa không có quan trọng lắm chuyện tiền nong. Mà trước nay cậu đều xuề xòa chuyện đó cả, người ta nói gái có công chồng chẳng phụ, mỗi lần xong việc, chủ thuê đều nhìn vào hiệu quả công việc, vào cách làm việc mà trả công, thường là cũng không phụ những người lao động như cậu. Họa hoằn lắm mới gặp phải khách ki bo kiệt xỉ không được như ý muốn mà thôi:
– Hôm nay em đi làm khai xuân, công xá không quan trọng đâu. Xong việc anh trả em bao nhiêu thì trả.
“Tết mà”, đó là câu nói cửa mình, à quên, cửa miệng của người Việt ta mỗi dịp Tết đến Xuân về, mọi thứ xởi lởi, xuề xòa đi một tí cũng là để lấy may mắn cho cả một năm dài đằng đẵng. Thấy cậu thanh niên cũng dễ tính, lại ăn nói lễ phép, khuôn mặt ưa nhìn đáng tin, người đàn ông đeo kính cận gật gù:
– Được, thế em theo anh.
– “Vâng, anh cứ đi trước, em đạp xe đuổi theo sau”, Nghĩa mỉm cười vừa nhanh chóng lấy xe đạp vừa nói.
Vậy là ở đằng trước, người đàn ông đeo kính có khuôn mặt trắng trắng, chở một em bé gái khoảng chừng 4 – 5 tuổi trên chiếc xe máy Suzuki Viva mầu xanh dưa hấu, còn đuổi theo đằng sau là Nghĩa, cậu cong mông cố đạp thật nhanh để theo kịp xe máy.
Người đàn ông dẫn Nghĩa men theo đường đê Nguyễn Khoái xuôi về phía Nam, đến phố Minh Khai thì quẹo vào một con ngõ nhỏ. Lòng vòng thêm mấy lượt rẽ nữa mới dừng lại trước một cổng nhà đan bằng hoa sắt mầu xám rộng khoảng 2 mét. Hai bên trụ cổng được xây bằng gạch chắc chắn.
Người đàn ông đeo kính xuống xe trước rồi nói với cô bé ngồi đằng sau:
– Chích Bông!, xuống xe đi con.
À hóa ra cô bé xinh xắn, trắng như pha lê, tóc mượt dài đến ngang lưng tên là Chích Bông. Cô bé nhẹ nhàng bước xuống xe rồi ngó vào cổng bằng đôi mắt long lanh mở to, đôi môi chúm chím trả lời bố:
– Mình về nhà cũ hả bố?
Anh chàng đeo kính cận cầm lấy tay cô con gái nhỏ:
– Uh, Chích Bông ngoan, hôm nay bố nhờ chú này đến dọn dẹp nhà mình.
Nghĩa quan sát hai bố con từ nãy đến giờ, trong lòng cậu có một chút gì đó hơi lờ mờ phán đoán, bởi trong đôi mắt, trong lời nói và cử chỉ của họ có một cái gì đó buồn buồn, không sao giải thích nổi.
Chích Bông gật đầu ngoan ngoãn nép vào chân bố, bố Chích Bông mở cổng rồi dắt xe máy vào khoảng sân nhỏ trước căn nhà cấp 4 lợp bằng mái pro xi măng. Nghĩa cũng dắt xe đạp vào theo.
Ngôi nhà cấp xây tường gạch cũ kỹ, chiều ngang rộng chừng khoảng 4 mét, hai bên sân cũng được xây tường gạch cao để ngăn cách với nhà hàng xóm.
Mặt trước của ngôi nhà ngoài cửa chính bằng gỗ mầu cánh gián ở phía bên phải thì bên trái còn có một cái cửa sổ 2 cánh khá rộng.
Anh chủ nhà tiếp tục mở cửa chính của ngôi nhà, tiếng “cót két” phát ra khi cánh cổng di chuyển trên bản lề, một mùi nồng nồng phát ra từ bên trong. Không cần nói cũng biết, chắc ngôi nhà này lâu lắm rồi không có người ở, đã để không chắc cũng vài năm rồi.
Nghĩa theo chân anh chủ nhà đi một vòng từ ngoài vào trong. Căn nhà có hai phòng ngăn cách bởi một bức tường nữa. Phòng ngoài vừa là phòng khách, vừa là phòng ngủ có kê một chiếc giường gỗ rộng 1,8m ở sát mép tường, trên giường ngoài giát giường ra thì không có gì khác. Một bộ bàn ghế gỗ nhỏ kiểu cổ làm chỗ tiếp khách đặt đối diện với chiếc giường. Nối hai phòng là một cửa không cánh hẹp. Phòng trong có bệ bếp, chậu rửa bát ở bên phía tay trái, còn bên phải là một nhà vệ sinh có một cửa nhựa treo kéo ngang, mỗi lần kéo sang để mở cửa thì các nan nhựa xếp lớp lại với nhau, chân của cửa nhựa cũng không sát xuống đất mà hở một đoạn khoảng mười phân. Bên trong nhà vệ sinh cơ bản có các vật dụng cần thiết như bồn cầu, chậu rửa mặt và vòi hoa sen.
Trần nhà có rất nhiều mạng nhện. Có thể khẳng định đã lâu rồi không có ai ở trong căn nhà này.
Anh chủ nhà dập cầu dao điện, mở cánh cửa sổ để ánh sáng và không khí từ bên ngoài phả vào:
– Em dọn dẹp sạch sẽ trong ngoài, trên dưới giúp anh.
Nghĩa nhìn sơ qua những vật dụng còn sót lại trong căn nhà, cơ bản là đủ để cậu làm việc:
– Vâng, anh yên tâm. Giờ em làm luôn đây.
Không hiểu sao, Chích Bông từ lúc vào trong căn nhà này đến giờ không rời chân bố nửa bước, nghe câu hỏi “nhà cũ” vừa rồi của cô bé thì có thể biết là cô bé đã từng ở đây rồi, bé luôn bám sát vào bố khép nép như có vẻ sợ sệt một điều gì đó, môi bé bặm lại tỏ vẻ đăm chiêu. Bế bé lên vai, lập tức Chích Bông gục mặt vào vai bố, hai tay choàng qua cổ ôm bố thật chặt. Anh chủ nhà nói với Nghĩa:
– Khoảng bao lâu thì xong nhỉ?
– “Chắc phải buổi sáng anh ạ”, Nghĩa trả lời.
Anh chủ nhà đưa mắt nhìn một lượt khắp căn phòng, qua cặp kính cận, Nghĩa cảm nhận rất rõ ánh mắt của anh buồn thật sự, có gì đó như hoài niệm, như quá khứ ùa về:
– Vậy em ở đây làm, khoảng trưa anh đến nghiệm thu rồi thanh toán tiền công cho em.
– Vâng ạ.
Xoa xoa vào lưng Chích Bông như muốn nói với con điều gì đó. Anh chủ nhà vừa đi ra cửa vừa nói với con:
– Bố đưa Chích Bông đi chơi công viên nhé, trưa mình lại về đây xem chú dọn nhà mình.
Chích Bông không nói gì, đầu cô bé vẫn ở trên vai bố gật gật.
Khi hai bố con đi khỏi căn nhà, Nghĩa khép cánh cổng lại và bắt đầu công việc của mình. Dọn một căn nhà cấp 4 không phải là chuyện gì đó quá to tát ghê gớm cả, nhất là đối với một người chăm chỉ, cần mẫn, tỉ mỉ, làm việc có tâm như Nghĩa. Từng sợi mạng nhện, từng hạt bụt từ cổng đến sân, từ phòng trong phòng ngoài đều không lọt qua được mắt Nghĩa. Sau đâu đó còn lau sạch từng ngóc ngách, từng đồ vật có trong căn nhà.
Đến gần trưa, ngôi nhà như khoác lên mình một bộ quần áo khác, tất nhiên không phải là áo mới, có thể vẫn là một bộ quần áo cũ nhưng đã được giặt sạch sẽ. Không khí ẩm mốc do năm tháng cũng không còn, thay vào đó là mùi mới, mùi của mùa xuân.
Khi vừa coi như là xong việc thì cũng là lúc anh chủ nhà thò tay vào bên trong cánh cổng gạt chốt cửa ra, anh dắt xe máy vào bên trong sân, Chích Bông ngồi trên yên xe.
Anh mới chỉ nhìn bên ngoài thôi nhưng đầu gật gật gù gù vì hài lòng rồi. Nghĩa nhìn thấy chủ nhà đến thì chào:
– Anh đến rồi ạ. Anh xem còn cần làm thêm gì nữa không? Em vừa mới làm xong.
Bế Chích Bông xuống xe, anh chủ nhà dắt tay con bước vào bên trong:
– Để anh xem nào.