Bí Quyết Kinh Doanh Của Người Do Thái

Chương 46: Chú Trọng Hiệu Suất, Tăng Giá Trị Thời Gian

Trong Cách ngôn kinh doanh của người Do Thái có câu “Chớ đánh cắp thời gian”.

Câu cách ngôn vừa liên quan đến vấn đề kiếm tiền, lại gắn liền với vấn đề lễ độ của người Do Thái trong hoạt động kinh doanh. “Chớ đánh cắp thời gian” là một câu nói nhắc nhở người Do Thái, không được gây trở ngại cho người khác dù là một phút. Trong cách nhìn của họ thời gian chính là cuộc sống, sinh mệnh, là tiền.

Diễn giải theo cách nói của người Do Thái, một ngày làm việc 8 tiếng, họ luôn “tính toán theo kim giây”. Đến cả một nhân viên đánh chữ, chuông tan ca vừa vang lên, cho dù chỉ còn đánh thêm 10 chữ nữa là hoàn thành một tờ văn bản, anh ta cũng sẽ dứt khoát dừng lại, ung dung ra về.

Đối với những người Do Thái quý trọng thời gian như sinh mệnh, đánh cắp thời gian cũng giống như hành động ăn cắp tài sản của họ vậy.

Thương nhân Do Thái thường không hoan nghênh những vị khách lề mề, xem họ như là “kẻ trộm” của thời gian.

Có một thanh niên rất năng nổ trong bộ phận marketing của một công ty bách hóa. Để tiến hành điều tra thị trường, anh ta phải đến thành phố New York. Vi không muốn lãng phí thời gian, anh ta quyết định đến gặp trưởng phòng marketing của một công ty bách hóa của người Do Thái.

Sau khi đến nơi, anh ta nói rõ ý định của mình với nữ tiếp tân và được hỏi:

“Xin hỏi ông, ông đã có hẹn trước chưa ạ?”

Chàng thanh niên bất ngờ không biết trả lời sao. Sau một hồi định thần, anh ta lại thao thao bất tuyệt: “Tôi là viên chức ưu tú của công ty X, lần này đến New York khảo sát thị trường, vì cảm thấy có hứng thú với công việc kinh doanh ở chỗ các vị, nên có nhã ý muốn thỉnh giáo trưởng phòng marketing của quý công ty”.

“Xin lỗi, thưa ông! Ông không có hẹn trước, nên tôi không thể giúp gì cho ông được!”

Vậy là, chàng thanh niên ấy đã bị cự tuyệt ngay từ ngoài cửa.

Đối với người Do Thái, những vị khách chậm trễ, hay không mời mà đến chẳng khác nào tảng đá vướng chân, làm cản trở công việc kinh doanh. Trước khi tiến hành đàm phán thương mại, thương nhân Do Thái nhất định sẽ hẹn trước: Bắt đầu vào giờ nào, ngày nào, hội đàm trong bao nhiêu phút. Họ không bao giờ chấp nhận hành động đến trễ. Một khi đã vào văn phòng, sau một vài câu chào hỏi ngắn gọn, đôi bên sẽ lập tức tiến hành “đàm phán” – đó là tác phong điển hình của người Do Thái.

Người Do Thái xem trọng thời gian, theo một nghĩa nào đó là để nắm được quyền chủ động khi cạnh tranh, nắm bắt cơ hội trong kinh doanh.

Người Do Thái xem thời gian là tiền bạc, tính toán từng giây, từng phút. Các ông chủ khi trả lương sẽ tính theo từng giờ; khi gặp gỡ khách hàng, luôn luôn đến đúng hẹn; khi khách hàng đến thăm, nhất định phải có cuộc hẹn trước, nếu không sẽ dứt khoát từ chối.

Trong khi làm việc, người Do Thái xem khẩu hiệu “giải quyết lập tức” như một chuẩn tắc. Làm việc trì trệ đồng nghĩa với lãng phí thời gian. Trên bàn làm việc của những thương nhân Do Thái danh tiếng, bạn sẽ không bao giờ nhìn thấy một văn kiện “chưa xử lý” nào. Chất đống tài liệu đồng nghĩa bạn chưa nắm bắt được những thông tin mà các tài liệu ấy muốn gởi đến. Những tin tức ấy có thể liên quan đến việc giao dịch của công ty bạn, bao gồm cả những chính sách quan trọng, hiệu suất làm việc. Vì vậy, người Do Thái thường có thói quen sử dụng khoảng một tiếng đầu tiên trong ngày làm việc để xử lý các tài liệu và tuyệt đối không cho phép người khác quấy nhiễu, để tránh phân tán tinh thần, ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu suất xử lý các văn kiện.

Giá trị của thời gian được biểu hiện ở phương diện đuổi kịp thời vụ, giành ưu thế về giá cả trước đối thủ và chiếm lĩnh thị trường. Trong xu thế cạnh tranh khốc liệt của thị trường hiện nay, ai có thể đi trước một bước, giới thiệu được những sản phẩm chất lượng tốt, giá cả hợp lý là có thể thu được lợi nhuận rất cao.

Một nhà kinh doanh kim cương đã tận dụng ngày thứ bảy để thu lợi nhuận. Vì các ngân hàng đều ngừng hoạt động khá sớm vào ngày đó, ông có thể tận dụng tối đa thời gian dùng chi phiếu mua kim cương, rồi ngay lập tức bán lại số kim cương trước khi các ngân hàng mở cửa hoạt động lại vào ngày thứ hai, lấy số tiền lời để trả tiền hàng.

Ông tận dụng khoảng thời gian ngưng hoạt động hơn một ngày của ngân hàng, “tạm hoãn trả tiền”, số chi phiếu không có giá trị của ông còn chưa bị thu hồi lại, chỉ cần ông có thể chuyển vào tài khoản của mình một số tiền mặt tương ứng với số chi phiếu mà ông đã dùng trong ngày thứ bảy, thì có thể xem như ông không hề khai chi phiếu khống. Cách trì hoãn thời hạn trả tiền này đơn giản chỉ là lợi dụng thời gian biểu của hoạt động thị trường, không hề xâm phạm đến quyền lợi hợp pháp của bất kỳ một người nào.