Bí Quyết Kinh Doanh Của Người Do Thái

Chương 45: Hợp Tác Kinh Doanh, Đôi Bên Cùng Có Lợi

Người xưa nói: “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao”. Sức mạnh tập thể là một yếu tố vô cùng quan trọng để vươn đến thành công. Đơn thương độc mã đánh thiên hạ, thực không phải là chuyện dễ dàng.

Trong cuộc chiến thương trường, người Do Thái hết sức coi trọng hợp tác. Họ cho rằng “tìm được một người bạn hợp tác đúng tầm, là đã thành công một nửa”. Hợp tác không chỉ giúp ta phát huy được sở trường, tránh được sở đoản, cùng nhau ngăn chặn rủi ro, hơn nữa còn có thể tăng cường sức mạnh của đôi bên.

Nhưng đâu là mẫu người có thể hợp tác tốt? Câu trả lời của người Do Thái hết sức rõ ràng: Họ chỉ thích hợp tác với những người có kiến thức uyên bác, thông minh tài cán và có thực lực hùng hậu. Nói chung, tìm người hợp tác cũng quan trọng như tìm người yêu, mỗi người có một tiêu chuẩn và nhu cầu khác nhau không thể có một kết luận chung cho tất cả mọi người. Nhưng có một điều cần phải lưu ý: Những người không có học vấn, không có nghề nghiệp chuyên môn, không có sở trường thì không thể hợp tác; những người đa nghi và không biết đối đãi với nhau bằng lòng chân thành thì không thể hợp tác; những người chỉ giỏi nói miệng, đến khi gặp nguy hiểm thì chỉ biết lo cho riêng mình thì không thể hợp tác; những người có tư tưởng cứng nhắc, bảo thủ thì không thể hợp tác. Đương nhiên, hợp tác với một người có thực lực, xem như có thể dựa bóng cây to hóng mát. Có điều, dù là hợp tác song phương, mỗi bên đều có những nhu cầu và lợi ích riêng. Bên có thực lực yếu cũng không nhất thiết phải nhân nhượng bên có thế lực mạnh hơn, để tránh tình trạng “tha thứ sinh hư”, đối phương nắm bắt được sở đoản của bạn, cuối cùng đẩy bạn ra khỏi cuộc chơi.

Người Do Thái luôn sử dụng lý trí trong việc lựa chọn bạn hợp tác, nhờ đó mà phần lớn những cuộc hợp tác của họ đều mang lại kết quả thành công tốt đẹp.

Ngoài ý thức về một dân tộc trường tồn bất diệt, quan niệm tập thể đoàn kết tương trợ đóng vai trò hết sức quan trọng trong nguyên tắc sinh tồn của người Do Thái.

Pháp luật Do Thái chủ trương, cho đi sự giúp đỡ là “trách nhiệm của người giàu”, nhận được sự giúp đỡ là “quyền lợi của người nghèo”. Trong những năm tháng gian nan vất vả, mỗi khi tích góp tiền thuế giao nộp cho quốc vương, những người giàu có luôn tự giác móc hầu bao cho những người nghèo khổ. Tiếp nhận, giúp đỡ người nghèo khổ là một thói quen hết sức bình thường của người Do Thái. Ngay cả một người Do Thái nghèo khổ, ngày không có được ba bữa ăn cũng giữ một ống tiền tiết kiệm nhỏ, chuẩn bị bố thí cho những gia đình còn nghèo khổ hơn mình.

Tuyệt đại đa số người Do Thái đều lấy lợi ích tập thể làm trọng, cho rằng cá nhân chỉ có thể tồn tại khi còn là một thành phần trong một tập thể đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau. Hơn nữa, quan niệm đó còn được thể hiện rất rõ trong đời sống hiện thực.

Trong những cuộc di dân mới ở vùng Địa Trung Hải, tuy không có một tổ chức chặt chẽ, nhưng ở rất nhiều khu vực, họ đã tự giác đưa ra hai quy định bất thành văn: Mỗi tuần sẽ tập trung một lần, hoặc cử hành lễ cầu nguyện tập thể, hoặc tổ chức thảo luận, xem ti vi, thưởng thức nhạc, v.v.; trong việc lựa chọn nhà ở, người Do Thái cũng thể hiện được tính tập thể của mình, đó là sống tập trung tại một khu vực nhất định, để có thể kịp thời giúp đỡ lẫn nhau trong những lúc nảy sinh bất trắc.

Rõ ràng, người Do Thái đã dựa vào sức mạnh đoàn kết ấy để bảo vệ vùng đất định cư của mình, giành lấy cho dân tộc mình một cơ hội sinh tồn, và ngày một trở nên cường thịnh dù phải trải qua bao cuộc bức hại, thái độ miệt thị, đố kỵ của các dân tộc khác.