Bí Quyết Kinh Doanh Của Người Do Thái

Chương 44: Khởi Đầu Từ Buôn Bán Nhỏ, Bước Vào Xã Hội Thượng Lưu

Cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, khi những người Do Thái vừa mới đặt chân lên đại lục Bắc Mỹ, đa số đều ở trong tình trạng nghèo đói, không đồng dính túi. Biện pháp duy nhất dành cho những người Do Thái này là, dùng 9 đô la làm tiền vốn để trở thành những người bán dạo trên đường phố. Họ phải bỏ ra 4 đô la xin giấy phép, 1 đô la mua giỏ, 4 đô la còn lại dùng để mua hàng. Những đại gia tộc Do Thái giàu có như Goldman, Lehman, Leob và Kuhn, v.v đều khởi nghiệp từ công việc bán dạo trên đường phố. Con đường và phương thức làm giàu ấy, đối với người Do Thái là một chuyện hết sức bình thường và quen thuộc.

Trải qua thời gian dài, vị trí của người Do Thái đã có sự thay đổi to lớn. Là một quần thể đoàn kết, những người Mỹ gốc Do Thái đã vươn tới một mức sống và thu nhập ngày một cao hơn. Trong xã hội phồn vinh đó, người Do Thái được xem là người giàu của những người giàu. Xét về mặt chức nghiệp, ngoài hai lĩnh vực thương mại và tiền tệ, phần lớn người Mỹ gốc Do Thái đều theo đuổi nghề luật sư và bác sĩ. Họ đã từng bước tiến vào thế giới thượng lưu và luôn là người đứng vị trí hàng đầu.

Sức mạnh kinh tế của người Do Thái thật đáng kinh ngạc. Trong lịch sử của mình, bất kể hoàn cảnh có ác nghiệt đến bao nhiêu, đường đi có gian nan trắc trở thế nào, họ vẫn có đủ sức mạnh và lòng tin bước chân vào giai tầng cao của nền kinh tế. Phương pháp của họ là phát triển từ đầu tư nhỏ rồi nhảy vọt vào giai tầng cao. Đó chính là bí quyết vận dụng kinh tế để đạt được chỗ đứng trong xã hội.

Kể từ năm 1840, khi gia tộc Ginzburg sáng lập ngân hàng đầu tiên trên đất Nga, trải qua mấy mươi năm kinh doanh, gia tộc này đã thành lập được một hệ thống ngân hàng trên khắp nước Nga, đồng thời còn thiết lập mối quan hệ nghiệp vụ rộng rãi với giới tiền tệ tại các quốc gia Tây Âu, phát triển thành tập đoàn ngân hàng lớn nhất nước Nga, là một gia tộc giàu có danh tiếng lẫy lừng thế giới.

Cũng giống như rất nhiều đại gia người Do Thái khác, trong quá trình phát triển sự nghiệp của mình, hoạt động từ thiện của gia tộc Ginzburg rất mạnh mẽ. Được sự đồng ý của Sa hoàng, gia tộc này đã xây dựng hai hội đường Do Thái ở St. Petersburg. Năm 1863, lại cho xây dựng Hiệp hội giáo dục phổ cập người Do Thái trên đất Nga; dùng thu nhập từ trang viên của gia đình ở miền nam nước Nga, xây dựng điểm định cư nông thôn Do Thái.

Thương nhân người Mỹ gốc Do Thái Strauss cũng bắt đầu khởi nghiệp bằng công việc ghi chép hóa đơn cho một cửa hiệu, cuối cùng trở thành tổng giám đốc của một trong những cửa hàng bách hóa lớn nhất nước Mỹ. Vào những năm 30 của thế kỷ 20, Strauss đã trở thành một trong những tỉ phú giàu nhất thế giới. Trong quá trình đi đến thành công của mình, ông cũng đã có những hoạt động từ thiện hết sức lớn lao. Ngoài việc quan tâm đến phúc lợi cho các viên chức trong công ty, ông từng nhiều lần đến các khu ổ chuột ở thành phố New York để quyên góp tiền, xây dựng trạm khử trùng sữa bò, đồng thời còn tổ chức hoạt động phân phát sữa bò đã được khử trùng cho trẻ em ở 36 thành phố khác nhau trên đất Mỹ. Tính đến năm 1920, ông đã quyên tiền xây dựng được 297 trạm cấp sữa tại Mỹ và các nước khác. Ông còn là người hết sức tán thành và ủng hộ việc thành lập hệ thống y tế cộng đồng. Năm 1909, ông đã xây dựng được một cơ sở phòng trị bệnh dịch hạch tại bang New Jersey; năm 1911, ông đến thăm Palestine và quyết định dùng 1/3 tài sản của mình vào việc xây dựng trạm cung cấp sữa, bệnh viện, trường học, công xưởng tại đây, cung cấp các loại hình phục vụ cho người Do Thái di dân ở vùng đất này.

Thương nhân Do Thái thích làm từ thiện, trên thực tế cũng là một phương pháp kinh doanh. Họ nỗ lực quyên góp tiền để xây dựng các công trình phúc lợi, đương nhiên sẽ nhận được những tình cảm tốt đẹp của chính quyền địa phương. Nó trở thành một điều kiện hết sức thuận lợi cho họ triển khai các hoạt động kinh doanh với các đơn vị sở tại. Một số người đã được quốc vương phong tước nhờ vào những hoạt động công ích to lớn nơi quốc gia sở tại. Như quốc vương Anh từng phong tước vị Huân tước cho một thành viên trong gia tộc Rothschild. Một số thương nhân Do Thái còn được chính quyền sở tại dành cho những điều kiện hết sức ưu đãi trong phát triển ngành địa ốc, khai thác khoáng sản, tu sửa hệ thống đường sắt, v.v. Con đường kiếm tiền cũng nhờ đó mà ngày càng mở rộng.

Thương nhân Do Thái nhiệt tình quyên tiền thực hiện các công trình phúc lợi xã hội với mục đích thúc đẩy kinh doanh, có tác dụng rất lớn trong việc nâng cao danh tiếng của xí nghiệp, mở rộng ảnh hưởng, tranh thủ tình cảm tốt của đông đảo quần chúng nhân dân, tạo điều kiện củng cố và phát triển thị trường trong giai đoạn hiện tại và tương lai.

Ngoài ra, “lấy thiện làm gốc” cũng là một nội dung quan trọng trong sách lược kinh doanh của người Do Thái. Nó thúc đẩy tiêu thụ một cách hiệu quả. Sự thành bại của nhà chính trị tùy thuộc vào sự ủng hộ của nhân dân; nhà doanh nghiệp nhận được sự ủng hộ của khách hàng đối với sản phẩm và tác phong phục vụ của công ty mình mà kiếm được lợi nhuận. Có thể thấy, tất cả đều không nằm ngoài mối quan hệ giữa con người với con người. Thương nhân Do Thái hiểu rõ đạo lý ấy, nên luôn nhấn mạnh đến yếu tố “làm việc thiện” trong mọi hoạt động kinh doanh. Tranh thủ tình cảm của mọi người trở thành bí quyết dẫn đến thành công và giàu có của người Do Thái.