Bí Quyết Kinh Doanh Của Người Do Thái

Chương 47: Tiền Gởi Ngân Hàng Là Tiền Chết

Có một câu chuyện liên quan đến người Do Thái như sau.

Một người Do Thái trước lúc lâm chung, đã gọi tất cả bạn bè thân hữu đến để trăn trối. Ông nói:

“Xin đổi tất cả tài sản của tôi thành tiền mặt, dùng số tiền ấy đi mua một cái mền và một cái giường cao cấp nhất, sau đó đặt số tiền còn dư bên cạnh gối của tôi. Đến khi tôi chết, hãy chôn số tiền ấy xuống mộ phần của tôi, tôi muốn đem nó sang bên kia thế giới”.

Theo lời phó thác, toàn bộ số tiền còn lại đã được đặt vào quan tài của ông. Bấy giờ, có một người bạn từ xa hay tin đã vội đến viếng thăm ông lần cuối cùng. Khi biết toàn bộ chuyện này, ông lập tức móc trong túi ra một cuốn chi phiếu, ghi vào con số tương đương với số tiền mặt, sau đó lại lấy hết số tiền mặt từ trong quan tài ra, rồi vỗ vỗ vào vai của người bạn mới chết:

“Số tiền trong tờ chi phiếu vừa bằng với số tiền mặt của anh, chắc hẳn là anh sẽ hài lòng”.

Trên thương trường, người Do Thái luôn quán triệt “chủ nghĩa hiện kim”.

Họ cho rằng, chỉ có tiền mới bảo đảm cho cuộc sống và sinh mệnh của họ, giúp họ có thể đối phó với những bất trắc ngoài ý muốn.

Tiền gởi vào ngân hàng đáng lý sẽ càng được bảo đảm hơn, vì sao người Do Thái cứ khăng khăng nhắm đến tiền mặt?

Trong lịch sử, dân tộc Do Thái thường xuyên phải đối mặt với cảnh bị xua đuổi, cướp đoạt. Họ có thể bị gϊếŧ, bị tịch thu tài sản bất cứ lúc nào. Trong hoàn cảnh đó, ngân hàng đối với họ, căn bản không có gì gọi là “bảo đảm”. Biện pháp an toàn nhất đối với họ là giữ chặt tiền mặt bên mình. Bản thân có thể bị đuổi đi, nhưng tất cả tiền bạc phải được mang theo.

Sở dĩ người Do Thái không tin tưởng việc gởi tiền vào ngân hàng, còn do một số nguyên nhân sau đây.

Gởi tiền ngân hàng, chắc chắn có thể thu được lợi tức, nhưng nếu trong thời gian ấy, vật giá lại không ngừng tăng cao, theo đó, giá trị tiền tệ sẽ giảm xuống, giá trị của những đồng tiền gởi trong ngân hàng cũng bị giảm thảm hại.

Một yếu tố quan trọng hơn nữa là, người Do Thái cho rằng, tiền gởi vào ngân hàng là tiền chết, bất kể tài sản có lớn đến mức nào, sau khi truyền được vài đời, đều sẽ biến thành con số không.

Ngoài ra, người Do Thái cũng đã tính toán, nếu đem một số tiền lớn gởi vào ngân hàng, khi người gởi tiền chết, tất yếu phải nộp cho quốc gia sở tại thuế thừa kế, mà loại thuế này luôn cao hơn mức lợi tức gởi tiền. Vì vậy, lợi tức thu được từ việc gởi tiền xem như đã không còn.

Do đó thương nhân Do Thái thường nói:

“Rốt cuộc thì hôm nay anh ta mang theo bao nhiêu tiền?”

“Số vốn lưu động của công ty đó trong ngày hôm nay trị giá bao nhiêu?”

Trong thời buổi hiện nay, đa số thương nhân quốc tế đều dùng chi phiếu, tài khoản chứ không dùng tiền mặt để tiến hành trao đổi mậu dịch. Người Do Thái cũng đã vượt ra khỏi truyền thống của dân tộc, nhưng họ vẫn cho rằng: “Gởi tiền kiếm lời là vô ích”.

Có điều, câu nói ấy đã có thêm một hàm nghĩa mới, đó là cố gắng không gởi tiền, đặt tiền vào trạng thái lưu động không ngừng, tiền sinh tiền, giống như quả cầu tuyết càng lăn lại càng lớn – như vậy mới là cách sử dụng tiền hiệu quả nhất.