Huyền Nhân - Lời Nguyền U Ẩn

Chương 60



Tập 60.

Bấy giờ vừa bước vào trong thì nghe kinh tụng râm ran từ trong chánh điện phát ra, người qua lại sân chùa tấp nập, sư sãi có vẻ bận bịu, ông Thái mới hỏi:

– sao sư thầy lại đứng ngoài cổng chùa như thế? Sao không cùng vào tụng kinh?

Sư nói:

– nói thật với ông hôm kia thầy tôi nói có vị thánh người âm mách cho sắp có người tới chùa tôi thăm, người đó là ai như thế nào thì thầy tôi không nói, chỉ luân phiên cắt người ra cổng chùa đứng trông theo, bảo thấy có sự lạ gì thì vào báo, hôm nay là đến phiên tôi, bắt tôi ra trông, tôi đứng từ sáng tới giờ cũng không thấy có sự gì là lạ, giờ đưa cha con ông vào tôi lại phải ra cổng đón người nữa đây.

Ông Thái mới bật cười nói:

– đón người mà chẳng biết người đó là ai, tên họ là gì, khi nào thì tới, vậy đón làm sao được?

Sư mới cười khổ nói:

– việc huyền thì làm sao hiểu rõ được, thầy dặn thế nào cứ y vậy mà làm thôi chứ biết sao? Thôi mau cho chóng qua ngày, mai lại tới phiên người khác là xong.

Đoạn sư dẫn hai người họ băng qua sân chùa, đưa lên lục giác lầu cho ngồi chờ…

Dọc đường đi ngắm đông người qua lại Gấu Vui mắt lắm liền hỏi:

– thế sao những người kia cài hoa gì nơi ngực vậy?

Bấy giờ ông Thái mới để ý, người đi qua lại ai ai cũng có cài hoa trên ngực, nhưng màu sắc không giống nhau, sư liền giải thích:

– trong ngày Vu lan, các thầy đều cài hoa vàng, những ai còn cha mẹ thì cài bông hoa đỏ, ai chỉ còn một người thì cài bông hoa hồng, ai đã mất cả hai thì cài hoa trắng.

Gấu chợt ngẫm nghĩ rồi quay sang ông Thái nói:

– thế tôi thì cài hoa gì được?

Ông Thái nghe con hỏi thế thì mới giật mình…lòng chợt thương nó đến nghẹn thắt lại…

Cha mẹ của nó…còn hay đã mất…

Ngẫm nghĩ giây lát ông nắm tay con, lớn giọng quát nó:

– mẹ mày mất rồi, còn có mình tao, tất nhiên là cài hoa hồng chứ còn phải hỏi gì?

Gấu nghe thế thì cười, trong lòng ấm thấy lạ, tay xiết lại tay cha…

Thật là,

Vu lan đến đây mùa báo hiếu

Xót xa lòng ai hiểu đầy vơi

Mồ côi tội lắm Mẹ ơi

Mình con lạc bước chơi vơi giữa đời

Con nhớ Mẹ lệ rơi chảy mãi

Nhớ Mẹ nhiều con phải làm sao

Lòng đau se thắt nghẹn ngào

Nhớ sao kỉ niệm thuở nao ùa về

Lúc còn nhỏ không hề hay biết

Giữa dòng đời chảy xiết khôn nguôi

Bao nhiêu cay đắng ngậm ngùi

Mẹ dành nhận hết ngọt bùi phần con

Con chẳng biết còn hờn còn dỗi

Mẹ vỗ về trách tội chi đâu

Nay mùa tháng bảy mưa ngâu

Lòng con nhớ Mẹ lệ sầu chứa chan

Con mơ ước thời gian quay lại

Để bên đời Mẹ mãi bên con.



Lên tới lầu lục giác, sư sai cư sĩ pha cho khách ấm trà, đoạn ngồi với khách giây lát, chợt tiếng kinh lại vọng lên miên man…âm vang trầm bổng…

Thân đàn bà nhiều bề cực nhọc,

Sanh đặng con thập ngoạt cưu mang,

Tháng đầu, thai đậu tợ sương,

Mai chiều gìn giữ sợ tan bất thường.

Tháng thứ nhì dường như sữa đặc.

Tháng thứ ba như cục huyết ngưng.

Bốn tháng đã tượng ra hình.

Năm tháng ngũ thể hiện sinh rõ ràng.

Tháng thứ sáu lục căn đều đủ.

Bảy tháng thì đủ bộ cốt xương.

Lại thêm đủ lỗ chân lông,

Cộng chung đến số tám muôn bốn ngàn.

Tháng thứ tám hoàn toàn tạng phủ.

Chín tháng thì đầy đủ vóc hình.

Mười tháng là đến kỳ sinh.

Nếu con hiếu thuận xuôi mình ra luôn,

Bằng ngỗ nghịch làm buồn thân mẫu.

Nó vẫy vùng đạp quấu lung tung,

Làm cho cha mẹ hãi hùng,

Sự đau, sự khổ không cùng tỏ phân.

Khi sanh đặng muôn phần khoái lạc,

Cũng ví như được bạc được vàng….

…ông Thái nghe kinh mà nước mắt lưng tròng, nhớ lại vợ mình đau đớn không xiết khi sinh bé Sóc, tới mức phải băng huyết mà mất cả mạng…chợt ông rấm rứt tiếng khóc, không khí ảo não thê lương…

Rồi chợt Gấu nói:

– đây là kinh gì? Kinh này tôi có biết…

Ông Thái giật mình:

– mày đã đi chùa nghe kinh bao giờ đâu? Làm sao mà lại biết?

Gấu nói:

– tôi không rõ, chỉ biết thuộc nằm lòng, chữ cứ từ trong đầu mà tuôn ra thôi, thậm chí tôi có cảm giác kinh này xưa kia ngày nào tôi cũng đọc…

Sư ban nãy qua câu chuyện cài hoa áo, cũng đã biêt Gấu chỉ là con nhận nuôi, liền đáp:

– ngày nào ngươi cũng đọc, vậy ra ngươi đã mất mẹ rồi…

Rồi lại nói Gấu hay:

– đây là kinh Phật dạy có tên là “kinh báo đáp công ơn cha mẹ”, nếu ngươi biết thuộc thì hãy cùng hòa lời mà đọc, để gửi phước báo tới cho đấng sinh thành…

Vậy là lại ngồi yên lặng như thế, Gấu và sư cùng hòa với lời kinh phát ra từ chính điện, ông Thái không biết kinh, cứ ngồi im, nhắm mắt mà nghe, nghe đến đâu nước mắt rơi đến đấy, lén lấy tay áo lau đi.

Mãi hồi lâu sau thấy đã muộn, sư vội đứng lên nói:

– kì lạ lắm thay tôi với cha con ông lần đầu duyên gặp nhưng tôi có cảm tình lắm, cứ muốn ngồi mãi chẳng rời, thấy người quê hiền lành chân chất, đạo lễ nghĩa lại được như thế thật là đáng khen, nhưng nay còn việc ân sư ủy thác, tôi lại phải ra cổng chùa mà canh, hai cha con cứ ngồi đây, lễ đọc kinh cử đến tận chiều tối mới xong kìa, khi ấy tôi sẽ vào dẫn hai cha con tới gặp thầy Đại Tuệ tôi, các người cũng gặp may lắm, bá tôi mắc bệnh nặng sắp mất nên thầy tôi chỉ chủ trì xong lễ Vu lan hôm nay, mai là lên đường ra bắc gặp bá tôi lần cuối rồi, nếu chậm chút nữa chắc nhà không gặp được.

Đoạn còn cẩn thận dặn dò thêm:

– có ai hỏi gì cứ bảo là khách thầy Minh Hải nhé, đó là pháp danh tôi.

Hai cha con thấy thầy hiền lành hoan hỉ như thế cũng mừng, thầy đi thì cả hai đứng dậy cúi chào tiễn theo dăm bước, rồi mới quay lại chòi ngồi chờ.



Lễ lạt đông đúc người qua lại như mắc cửi, tới tối muộn cỡ chín mười giờ cũng mới xong, hai cha con bụng đói meo cả, nhưng thôn quê tới lạ nước lạ cái cũng không dám đứng lên đi đâu hay hỏi han ai điều gì, thấy ai ai cũng bận bịu việc Phật sự, nên đành ngồi im chịu đói, ông Thái thi hoặc lại nhìn sang Gấu, thấy anh đã tụng kinh suốt từ chiều đến giờ cũng cỡ bốn tiếng đồng hồ rồi, lạ lắm thay trong chánh điện vang ra hết kinh này tới kinh khác nhưng đến bài nào Gấu cũng đều thuộc đọc theo không sai một chữ, tới tận lúc tan lễ thì thôi.

Tầm hơn chín giờ tối mới thấy sư Minh Hải quay lại, đoạn lau vệt mồ hôi vội nói:

– hai cha con chờ có lâu không? Cứ ngày lễ lạt là lại như thế đấy, chúng tôi thường chỉ ăn hai buổi sáng trưa, tối đến không ăn nên cũng quen rồi nhưng hai người chắc đói cả rồi, thôi mau mau theo tôi đi xuống bếp, tôi dẫn cho ăn cùng với hàng cư sĩ Phật tử.

Ông Thái nghe vậy mừng lắm, vội đứng dậy đi cùng.

Gấu nói:

– ông già cứ đi trước đi, tôi tìm nhà vệ sinh rồi đi theo sau.

Sư liền chỉ về nơi mặt tây của chùa, nơi có chái nhà im lìm mà nói:

– hôm nay đông người, các nhà vệ sinh chung chắc cũng đông đúc, thôi thì anh qua bên nhà tăng đoàn mà đi cho vắng kìa.

Gấu cúi tạ rồi băng qua đám người ở sân chùa mà vòng sang chái nhà mặt tây…

Kì lạ rằng bên này nhà lại rất vắng lặng, khác hẳn với bên ngoài chái nhà chính điện người vẫn còn chưa vãn.

Thì ra đây là nơi ở của các tăng, hôm nay họ đều ra làm lễ Vu lan bồn nên gian nhà không có ai cả.

Tìm nhà vệ sinh đi xong, chợt Gấu thấy thoải mái tâm thần, lại thấy có làn gió thoảng hiu hiu thì chợt nhiên nổi hứng, lại đi lượn lờ xung quanh xem xét, thấy có hòn non bộ, có cây cối, các tượng Phật đá xếp bên ngoài trời, tượng nào cũng thật đẹp trang nghiêm kì lạ…

Đoạn thấy như có ánh nên dặt dìu, nơi gian thờ cửa còn chưa đóng, liền tò mò tiến lại xem sao, rồi mạnh dạn bước vào bên trong.

Vừa đang lấp ló nơi bậc thềm ngưỡng cửa thì thấy trong gian điện ấy có thờ một vị, vị ấy rực rỡ uy nghi vầng hào quang trên đầu, đầu đội mão tỳ lư, ngồi trên tòa sen. Tùy khí của ngài cầm nơi tay trái là viên ngọc Như Ý tượng trưng cho ánh sáng xua tan bóng đêm, còn tay phải cầm tích trượng để mở cửa địa ngục…

Vị ấy chính là giáo chủ cõi u minh, danh hiệu vị ấy là:

…đức địa tạng vương Bồ Tát…

Gấu nhìn thấy thì tâm thần thần thảng thốt, tâm can rụng rời, liền loạng choạng mà ngã ngay xuống nơi bậc thềm chính điện thờ…

Bồ Tát thị hiện ra ngay nơi tượng, cười khoát tay mà nói:

– Diệu m, thấy tôn sư sao không đảnh lễ?

Gấu hoảng sợ lồm cồm bò dậy, quỳ phục xuống đất, dập đầu mà lạy không dám ngẩng lên.

Bồ Tát lại truyền:

– nay thân tâm ngươi ô uế không tịnh, ngươi thọ Bát-Quan-Trai giới rồi hẵng tới đây.

Nói đoạn biến thành làn khói biếc tan đi, Gấu ngẩng đầu lên thì không còn thấy đâu nữa, đoạn ngó nhìn quanh quất thì nơi gian điện vắng tanh chẳng có ai, rồi chợt lặng thinh nghe thấy bước chân vội vã chạy lại, ngó ra thì thấy một vị sư già đang đi rất gấp tới nơi mình đang quỳ lạy, sư đó chính là trụ trì Đại Tuệ, thấy Gấu đang quỳ lạy liền cất tiếng hỏi:

– cậu là ai? Sao lại tới đây?



Lại nói chủ trì xong buổi lễ thì đã tối muộn, thầy Đại Tuệ tuổi lại đã cao, ngồi lâu đau mỏi khó chịu nên lễ xong một cái thì bàn giao hết cho đám đệ tử dọn dẹp và tiếp khách thập phương, còn mình thì về giường nằm nghỉ sớm để mai còn lên đường đi chùa Thanh Trúc ở tận nam thuận.

Sư lững thững bước về phòng riêng ở chái nhà nghỉ cho tăng, nhưng khi đi ngang qua gian thờ địa tạng vương Bồ Tát, thì chợt thấy lấp ló như có bóng người, rồi lại thấy người ấy ngã vật ra đất, sau đó lại lồm cồm bò dậy mà lạy, sư thấy thế lạ lắm, liền đi tới hỏi han.

Bấy giờ Gấu như sực tỉnh cơn mê, vội đứng dậy phủi quần áo nói:

– tôi đi lạc vào đây, mong sư bỏ qua cho.

Nói rồi liền bỏ đi rất gấp, sư nhìn theo, thấy lưng hắn nổi lên tà khí giăng đầy, che phủ cả thân không còn thấy đâu nữa…

———————-