Tập 59.
Lại nói hai cha con ngồi xe đò hơn năm tiếng mới tới đất quảng hà, lại phải đi xe thồ một tiếng nữa mới tìm được tới chân núi Lôi Tích, liền khăn gói đi lên đảnh lễ chùa.
Người từ trên núi đi xuống cũng như người dưới núi đi lên tấp nập đông đúc, hỏi ra mới biết hôm nay là lễ Vu lan bồn.
Gấu liền hỏi:
– đó là lễ gì ông già biết không?
Ông Thái cũng nắm không rõ, chỉ đáp qua loa:
– à đây là lễ báo hiếu cha mẹ, ví dụ như tao là cha mày, thì hôm nay là ngày mày báo hiếu cho tao.
Còn báo hiếu thế nào thì cũng chẳng giải thích được, Gấu nghe nói thế thì biết thế, cũng chẳng biết gì mà hỏi thêm, đoạn lại lặng lẽ mà bước lên chùa.
Khi tới cổng chùa rồi chợt thấy có vị sư đang đứng tiếp khách, túm năm tụm ba những người Phật tử già có trẻ có đang đứng mà chắp tay cung kính ân cần thì Gấu lấy làm thích mắt lắm, liền lại hỏi:
– sao mà trông kính cẩn cung phụng như cha mẹ tái sinh vậy?
Ông Thái đáp:
– à người ta là sư.
Anh lại hỏi:
– sư được kính cẩn vậy sao? Thế sao ông không đi làm sư, lại phải đi chở đồ bán rong cho cực vậy?
Ông Thái bật cười nói:
– cái thằng này, vào chùa chớ có hỏi linh tinh người ta cười cho, tao thấy dạo từ đợt ở chỗ thầy bình về thấy mày cũng chững chạc ra nhiều rồi, ai dè vẫn cứ ngu thế. cái này người ta gọi là xã hội phân công, mỗi người mỗi nghiệp, thế mới có kẻ giàu người nghèo, có người được trọng vọng có người thì hèn kém, đều là do số trời, do căn cơ người ta, do Phúc đức người ta tích từ kiếp trước mới được, chứ dễ đâu cứ muốn mà làm sư được? Thế nên ông bà mới nói: “Tiểu phú do cần, đại phú do trời”, ý ám chỉ muốn giàu, muốn được trọng vọng thì phải do trời, còn lại chỉ cần cần kiệm là giàu đủ, mày đừng thấy bố cực vậy mà khinh nhé, bố mày đây tuy đẩy xe hàng nghèo khó, nhưng cũng gọi là đủ ăn, không phải quỵ lụy với ai, ngày nào khỏe thì làm, thì ăn ngon, không khoẻ thì nghỉ, thì ăn khoai rau, cũng vui sống qua ngày, không phải bon chen với ai, không phải lừa lọc dối trá thị phí, làm theo sức mà sống, không phải luồn cúi làm những điều thất đức vì đồng tiền, trời thương cho sức khỏe, cho con cái ngoan ngoãn, cứ lam làm tiết kiệm là đủ, người giàu không biết tiêu tiền hoặc tiêu phung phí thì về già cũng chẳng còn gì, lại còn ăn uống quá độ, ham vui hưởng thụ lại còn mang bệnh vào thân, tao đây nghèo nhưng sống ngần ấy năm chưa phải hổ thẹn gì.
Gấu nghe thế thì thầm cảm thán lắm, không ngờ ông già mình chẳng phải ông này bà kia, lại chỉ nông dân ít học nhưng cũng rất hiểu lý lẽ, biết được mệnh mình, biết đủ hạnh phúc, lấy thiếu làm vui, thật là đáng quý. Nghĩ lại càng yêu thương bố nhiều hơn, liền vui vẻ đáp:
– ông già dạy phải lắm, vậy tôi cũng học theo ông già, để chuyến này đi về cầu cho khỏe mạnh hẳn, chẳng còn bệnh gì, gặp may nhớ lại được việc cũ, học hành đạo lý ngày xưa, thì tôi kiếm cái nghề gì học làm, rồi làm đủ ăn, sống an nhàn, chăm sóc ông với em nhỏ.
Ông Thái nghe thế chợt nước mắt lưng tròng, nhìn con mà thấy thương khôn xiết, lại thấy hạnh phúc mà cảm động đến rơi lệ, thật là trời cho ông đứa con trai, chứ không lẽ hiền lành lương thiện cả đời như ông lại phải chịu khổ mãi sao?
Đoạn mới xoa đầu Gấu mà cười nói:
– tao đây cũng đã sáu mươi, rơi vào cái tuổi “lục thập nhi nhĩ thuận”*, năm ngoái đẩy xe hàng còn đi được quanh huyện trời nắng chang chang, năm nay đi được hai tiếng chân đã mỏi, tai cũng dần nghe chẳng rõ, khớp xương thường đau chắc do đi lại nhiều, cỡ độ mấy năm nữa có khi đi không nổi, rồi cũng sớm mà già rồi đi theo mẹ nó, cũng chẳng cậy gì chúng mày, mày tuổi đời chưa già nhưng cũng chẳng còn trẻ trung gì, cũng đã là“ tam thập nhi lập”*, mày lo làm lụng mà ăn, rồi chăm sóc cho con em mày là tao có chết cũng mừng.
(*lục thập nhi nhĩ thuận: ở tuổi sáu mươi thì am hiểu mọi lẽ trên đời, chỉ cần nghe qua là biết phải trái đúng sai, hoàn hảo về mặt đạo đức để có thể chỉ dạy hậu bối.
*tam thập nhi lập:ở tuổi ba mươi thì đủ sức lập thân xử thế trên cõi đời này, tạo công danh sự nghiệp, làm trụ cột gia đình, cáng đáng công việc ngoài xã hội.)
Gấu nghe bố nói thế, bất giác nhìn lại, đúng là ông đã già hơn hồi hai năm trước anh tới, khuôn mặt lại đã nhăn nheo cả đi, lòng chợt thương nhiều lắm. đoạn khảng khái nói:
– đừng có nói gở, ông nằm một chỗ thì tôi nuôi.
Ông Thái nghe xong, không cầm được lòng, ôm lấy Gấu bật lên tiếng khóc, người đi lại ở cổng chùa thấy thế đều cảm động mà xem.
Thật là,
Chuyện thế gian, người già khắc hiểu
Con có hiếu, cha mẹ ấm lòng
Đời lẽ thường, muôn người muôn kiểu
Con nhân nghĩa, cha thỏa chờ mong.
…
Bấy giờ đám đông đã nói chuyện xong liền đi cả, chỉ còn lại người tăng, thấy hai cha con đứng nhấn nhá trước cổng chùa hồi lâu, không vào cũng chẳng ra, liền lại tới mà bắt chuyện hỏi:
– hai cha con nhà này đi lễ chùa sao không vào trong, mà còn đứng tần ngần ra đấy?
Sư này cũng trẻ, chỉ cỡ hơn hai mươi tuổi đầu, dáng người mảnh mai nho nhã.
Bấy giờ ông Thái chắp tay nói:
– bạch thầy, cha con chúng tôi đường xa tới chùa, còn lạ nước lạ cái, chưa có dám vào, đang đứng xem ra sao đã…
Sư nhìn lại thấy hai cha con quê mùa bần hàn, nghĩ thầm trong lòng chắc người nhà quê chưa am hiểu lễ, đoạn cười nói:
– tới lễ thì cứ vào lễ thôi, nay ngày hội lớn, người ta làm sao thì mình cứ như vậy mà theo, cần gì phải nghe ngóng.
Bấy giờ Gấu hỏi:
– này sư, thế lễ Vu lan này là như thế nào? Ý nghĩa ra sao? Bao giờ thì xong?
Ông Thái nghe thế giật mình quát:
– thằng hỗn con này, chớ có xưng hô thế…
Sư không chấp nhặt, chỉ cười nói:
– lễ Vu lan bồn là lễ báo hiếu cha mẹ, bắt nguồn từ câu chuyện kể, hai người tới nghe lễ cũng nên biết qua ý nghĩa của lễ thì mới có nghĩa, hỏi như anh đây là đúng lắm.
Nói đoạn liền kể câu chuyện cho hai cha con cùng nghe.
…
Khi xưa đức đại hiếu Mục Kiền Liên, vốn là đệ tử của Phật Đà Thích Ca, khi đã viên mãn thành đạo thường có danh hiệu “thần thông đệ nhất A la hán”, bấy giờ liền trổ thiên nhãn thông mà quan sát ba ngàn thế giới xem mẹ mình xưa kia là bà Thanh Đề sau khi mất đi đã thọ về cõi nào, chợt nhìn thấy mẹ đã hóa thành thân ngạ quỷ, đang chịu nghiệp báo dưới địa ngục sâu dày đau đớn đói rách, cổ nhỏ như cây kim, bụng thì bủng beo, thân người trơ xương chỉ quấn độc chiếc khố, đại hiếu thương quá liền lại trổ thần túc thông mà xuống cõi ngục hiện ra bên cạnh bà, đoạn tay bưng bát cơm đầy đưa cho bà ăn, bà thanh đề cầm lấy thì sợ có chúng quỷ khác lại xin tranh mất phần liền cầm tay trái che bát cơm vào trong lòng không cho ai thấy, tay mặt lấy lấm lét bốc ăn, thế nhưng do nghiệp lực sâu dày, sân si với tăng đoàn, lại tham lam tới vậy, liền lập tức miếng cơm đưa lên miệng biến thành than đỏ, bà nuốt vào phỏng cháy cả mồm lưỡi, đại hiếu Mục Kiền Liên thấy vậy thương lắm nhưng không biết làm sao, liền quay về bạch với Phật Thích Ca nhờ thầy giúp đỡ, Phật liền trả lời cho Mục Kiền Liên rằng:
– nghiệp lực của mẹ ngươi sâu dày, nay sức của ngươi hay cả sức của ta cũng không cải nghiệp được, nay nhân ngày rằm tháng bảy âm lịch tức là ngày Tự Tứ của chư Tăng, ngày Phật hoan hỉ, con hãy mời tất cả các nhà sư lại và sắm sửa làm lễ cúng dường Tam Bảo để lấy phước cứu mẹ con.
Mục Kiền Liên làm theo lời Phật dạy, nhờ công đức hộ niệm của tất cả chư tăng và toàn thể đại chúng, mẹ của người thoát khỏi kiếp đọa đày và được sanh về cõi lành. Từ đó, ngày rằm tháng bảy âm lịch hằng năm trở thành ngày lễ Vu Lan, tri ân, báo hiếu trong Phật giáo.
…
Sư kể xong câu chuyện, hai cha con cùng gật gù. Đoạn sư lại hỏi:
– thế hai vị này từ đâu tới đây, đi đường xa có mệt không? Địa phương không có bổn tự hay sao mà phải cất công lặn lội thế này ?
Ông Thái liền nói:
– chúng tôi người Phúc An, đi đường vất vả tới đây nào phải để lễ Vu lan bồn? Nay thằng con tôi nó bị bệnh mất trí, người lại khi nhớ khi quên, hâm hâm giây giật như kẻ động kinh, chúng tôi chữa chạy đã lâu mà không khỏi, mời pháp sư thì người ta nói tà ám nặng, không trị được nên lại bày cho tên họ của trụ trì chùa này, kêu chúng tôi tới tìm, do đó mà đường xa lặn lội, không may do không hiểu việc đạo nên đi nhằm vào ngày đại lễ, chúng tôi cứ nấn ná là do muốn hỏi khi nào lễ xong để xin vào gặp các thầy trong chùa hỏi việc.
Sư “ồ” lên một tiếng đoạn nói:
– ra là tới để xem bệnh âm, vậy mà không hỏi sớm, các thày còn tụng kinh mãi tối mịt mới xong kìa, để tôi vào thu xếp cho hai vị nơi mà chờ, chứ cứ đứng ngoài này chịu cả buổi sao thấu được?
Ông Thái nghe thế mừng lắm, liền giục Gấu vào mau, nhưng Gấu vừa dợm bước chân thì chợt nghe trong người nôn nao khó chịu, ngước lên cổng thì thấy tượng hộ giáo già lam màu đen đang nhìn mình, thì đâm ra thất kinh trong lòng, bước cũng không nổi cứ đứng tần ngần. bấy giờ sư và ông Thái thấy không đi nữa thì cũng lạ, liền dừng bước chân xem, chợt thấy Gấu cứ nhìn chăm chăm vào tượng già lam hộ giáo.
Đoạn tượng hiện nguyên ra một bóng tướng quân oai nghi sừng sững, mặc giáp trụ rồng, râu dài mặt đen như than, trỏ kiếm vào người Gấu mà quát:
– huyền nhân vào thì được, âm binh ở ngoài chờ.
Nói vừa dứt lời bỗng nhiên thấy hiện lên hai bóng quỷ, chúng chính là Kỷ Như và Kinh Ma Lạc, đoạn hai con cùng quỳ xuống mà thưa:
– xin Tổ vào trong, chúng tôi xin ở ngoài này chờ.
Bấy giờ có các bóng cô hồn các đảng ẩn nấp trong thân cây si ở cổng chùa thấy có khách lạ tò mò bay ra xem, thì Kỷ Như tưởng hại chủ, rút kiếm trỏ vào chúng nó quát:
– lùi ra…tính…tính làm gì?
Các vong liền lùi ra xa. Hộ pháp nói:
– họ là các vong linh nương cửa từ bi nghe pháp, không gây hại gì cả, âm binh hãy cũng vào trong gốc cây đó mà chờ.
Vậy là hai quỷ cũng lại tiến lại gốc cây, nhưng thấy trong hốc cây còn âm phần, nên không đuổi đi mà trèo lên ngọn cây rồi bám trên đó.
Bấy giờ chỉ còn Gấu, liền theo sư và cha, bước vào trong chùa…
Thật là,
Chư hộ pháp giữ nơi thanh tịnh
Bùa chú giăng cản bóng âm binh
Chủ tới thăm đừng mang theo lính
Người hiểu đạo hãy giữ phận mình.
———————-