Lá Nằm Trong Lá

Chương 23

- Chuyện đó thì tao tin! – Thọ gật gù – Nhưng nó lấy bùn trát vách cũng chỉ lấy một, hai ngày thôi. Những ngày khác, tao nghĩ nó cũng đi chơi hoặc ngồi ôn tập như tụi mình.

Tôi chép miệng: - Nó bảo với tao nó không có thì giờ học bài. Khi tôi nói vậy, Thọ làm thinh. Nhưng khoảng ba giờ chiều, nó rủ tôi, Hòa và Sơn xuống Liễu Trì. Thọ Chỉ nói ngắn gọn:

- Tới nhà nó xem nó đang làm gì?

Lần này, tôi và thằng Sơn đã biết nhà cậu thằng Lợi nên bốn đứa hai chiếc xe cứ phi thẳng một lèo.

Tới nơi, tụi tôi không đứng ngoài ngõ kêu réo om sòm như hôm trước. Thọ và Sơn dựng xe cạnh mấy gốc cau trước ngõ, sau đó bốn đứa lục tục kéo nhau vào nhà.

Bọn tôi chưa vào tới hàng hiên đã thấy một người đàn ông trong nhà đi ra, tay cầm liềm, vẻ như chuẩn bị đi cắt cỏ.

- Chào cậu ạ. – Thọ lễ phép cúi đầu, chắc nó đoán đây là cậu thằng Lợi.

Người đàn ông có vẻ bất ngờ trước sự xuất hiện của bọn tôi. Ông hỏi, có lẽ ông không biết tụi tôi là bạn thằng Lợi hay bạn con Duyên:

- Các cháu tìm ai?

- Dạ, tụi cháu tìm bạn Lợi ạ. – Vẫn Thọ trả lời – Lợi có nhà không, cậu?

- Nó đi chơi rồi.

Người đàn ông vừa nói vừa đi thẳng ra ngõ, không buồn hỏi bọn tôi tìm thằng Lợi làm gì. Trông mặt thì không rõ ông đang bận hay là ông không thích bọn tôi mò

Hòa và Thọ đưa mắt nhìn vào trong nhà, nghiêng ngó một lúc. Nhà vắng ngắt, mợ thằng Lợi và nhỏ Duyên cũng chẳng thấy đâu.

Đột nhiên Thọ chỉ tay vào hàng rào kế con mương, reo lên: - Hoa bông tai kìa, tụi mày.

Tôi ngơ ngác nhìn những chùm hoa nâu đỏ và vàng mọc chen giữa bụi tre gai, thoạt đầu không hiểu những chùm hoa đó có gì hay ho mà thi sĩ Lãnh Nguyệt Hàn reo lên phấn khích như thế, nhưng khi sực nhớ đến câu chuyện chàng chăn ngựa của Mã Phú, đến lượt tôi reo lên:

- Thì ra nó tả chùm hoa này!

Sau tôi, đến thằng Hòa:

- Tụi mày nhìn kỹ xem! Mọc kế bụi chuối chỗ giếng nước là cây hoa móng tay chứ gì nữa!

- Cả cái giếng này nữa! – Sơn hào hứng bổ sung – Cái giếng mà công chúa soi mặt trong truyện chính là cái giếng này rồi!

Trên đường về, bốn chàng thi sĩ thi nhau bàn tán về chàng văn sĩ, về những chi tiết mà chàng văn sĩ bê từ nhà cậu của văn sĩ đưa vào trong truyện. Những chi tiết đó ở ngoài thì thấy tầm thường nhưng dưới ngòi bít của Mã Phú bỗng trở lên lung linh và thơ mộng như có phép màu.

Thọ xuýt xoa: - Thằng Lợi này tài hoa lãng mạn ghê!

Sơn chép miệng, cảm khái:

- Nó sống có vẻ tình cảm mà sao cậu nó và con nhỏ em họ nó trông lạnh lùng quá, tụi mày!

Câu hỏi của Sơn khiến câu chuyện lâm vào ngõ cụt bởi chẳng đứa nào biết được câu trả lời và vì không giải đáp được thắc mắc đó nên cả bọn thấy lòng đột nhiên nặng nề như đổ đầy chì.

Không đứa nào nói gì một lúc lâu cho đến khi Thọ cất tiếng hỏi vu vơ:

- Thằng Lợi đi đâu giờ này nhỉ?

- Lạ thật đấy! – Hòa thở ra – Nó mới dọn về đây, ngoài tụi mình ra nó đâu đã quen ai.

Tôi hắng giọng:

- Hơn nữa ở Liêu Trì có chỗ nào đâu mà đi chơi.

- Một quán cà phê cũng không có… Quán ăn lại càng…

Sơn vừa nói vừa đảo mắt nhìn các ao đầm và các cánh đồng nằm im lìm buồn tẻ hai bên con đường đất. Xét theo ngữ điệu thì rõ ràng Sơn chưa nói hết câu nhưng rồi chẳng đứa nào nghe thấy một âm thanh nào nữa, cứ như thể có ai thình lình giật tiếng nói khỏi đôi môi nó.

- Gì vậy mày? – Tôi ngồi sau lưng Thọ, đăm đăm nhìn vẻ mặt đăm đăm của Sơn, ngạc nhiên hỏi.

- Dừng xe lại đi! Ai như thằng Lợi!

Sơn giật mình, nói như ra lệnh, và nó là người tuân lệnh nó trước tiên vì nó là một trong hai đứa đang cầm lái.

- Thằng Lợi đâu?

Thọ ngoảnh nhìn Sơn nhíu mày hỏi, sau khi đã thắng xe, chống chân xuống đất.

Tôi cũng chẳng hề thấy bóng dáng thằng Lợi dù cố căng mắt nhìn theo hướng nhìn của Sơn. Bên tay phải, đằng xa, sau các thửa ruộng là một cái ao nở toàn bông súng, xa hơn nữa là đồng cỏ. Không có một bóng người dưới ao. Trên bờ cũng chẳng có chiếc xe đẩy nào.

- Tụi mày thấy hai con bò đằng kia không? – Sơn thấp giọng như sợ ai nghe lỏm, vẻ cảnh giác của nó khiến tôi buồn cười vì tôi biết giữa đồng không mông quạnh thế này nó có hét l*иg lộng cũng chẳng ma nào nghe thấy.

Tôi buồn cười nhưng tôi không cười. Tôi lại quay đầu nhìn theo hướng lúc nãy, lần này thì tôi mới để ý hai con bò đang nằm thong thả nhai cỏ chỗ cánh đồng nối liền ao vũng và gò đất thấp tít đằng xa.

Tôi chưa kịp lên tiếng thì Thọ đã hỏi:

- Thấy. Mà sao?

Sơn liếʍ môi: - Thằng Lợi đang nấp sau hai con bò đó.

Thọ giật mình một cái, nó xích sát về phía thằng Sơn, mặt lộ vẻ nghi ngờ:

- Sao mày biết?

Cả tôi và Hòa cũng hấp tấp chụm đầu về phía Sơn, mặc dù không cần làm vậy tôi nghĩ tụi tôi vẫn nghe rõ những gì nó nói.

- Lúc chạy đằng kia, tao đã thấy hai con bò này rồi. Tao còn thấy một bóng người đứng cạnh hai con bò. Mái tóc vàng hoe thì chắc là thằng Lợi.

Thọ có vẻ hiểu ra:

- Và thằng Lợi cũng thấy tụi mình nên nó thụp người xuống?

- Ờ.

Thằng Sơn “ờ” nhỏ xíu nhưng sự xác nhận của nó khiến tôi rơi vào một cảm giác khó tả. Tôi định quay đầu nhìn về phía cánh đồng cỏ lần nữa nhưng Thọ đã quát:

- Ngu! Đừng nhìn về phía đó nữa! Tôi tính hỏi tại sao “đừng nhìn” và nhất là tại sao quát tôi “ngu” nhưng vừa mấp máy môi tôi chợt hiểu ý Thọ liền nín thinh.

- Tụi mình vờ như tụi mình không nhìn thấy nó hả mày? – Hòa nuốt nước bọt, nó nói như thể nó và tôi cùng nghĩ bằng một cái đầu.

- Ờ. – Thọ gật đầu – nó đã không muốn tụi mình biết nó về nhà đi chăn bò, tụi mình không nên làm nó xấu hổ.

Sơn nhăn nhó:

- Nhưng tụi mình đã trót dừng xe…

Thọ khoát tay vào không khí:

- Thì phải nghĩ ra một lý do gì đó!

Chẳng đứa nào nghĩ ra được lý do gì để thằng Lợi hiểu rằng tụi tôi dừng xe ngay ở đoạn đường này không phải vì trông thấy nó. Trừ thằng Hòa.

Hòa toét miệng cười:

- Thôi đi tè đi!

Mười lăm giây sau, bốn chàng thi sĩ đã đứng bên vệ cỏ, xoay lưng về phía chàng văn sĩ, hớn hở kéo quần tè lõm tõm xuống ruộng.

Ba trong bốn chàng thi sĩ chắc đang nghĩ: Mẹo này hay quá! Chàng thi sĩ thứ tư là Cỏ Phong Sương hiển nhiên cũng nghĩ như vậy. Nhưng sau khi nghĩ như vậy rồi, chàng còn ngơ ngác nghĩ thêm một điều nữa: Thằng Hòa này, đời nó hình như chỉ gắn liền với ba thứ: tè, tè và… tè! Hôm sau, bọn tôi quên bẵng nỗi buồn Mã Phú khi thầy Chinh chủ nhiệm phát học bạ ra cho cả lớp.

Tất nhiên khi học bạ chưa phát ra, tụi trong lớp đã biết tỏng thứ hạng của mình rồi: những đứa được thầy Chinh ưu ái mời tới nhà phụ cộng điểm và giúp thầy vô sổ hôm trước hôm sau đã đi mách lẻo tùm lum. Đó là lý do hôm nọ thằng Thọ bắt tôi è cổ nghe thơ Xuân Diệu và Đinh Hùng cả tiếng đồng hồ nhằm đề cao cái “quyền học dốt” của các thi sĩ, tất nhiên là có cả nó trong đó.

Nhưng dù biết trước thứ hạng, lớp học vẫn ồn như cái chợ khi học bạ được phát ra. Đứa nào đứa nấy cắm mắt vô sổ, rà điểm trung bình của từng môn, đặc biệt là xem lời phê của giáo viên để còn nghĩ cách về nhà nói dối hoặc phân trần (chủ yếu là nói dối) với bố mẹ nếu chẳng may một (hoặc vài) giáo viên nào đó phết ột câu nặng nề. Điểm kém nhưng được phê “Cần cố gắn hơn” hay một câu gì tương tự thì không đến nỗi nào. Đứa nào bị thầy cô phê vô học bạ “Lười” hoặc “Hay nói chuyện trong lớp” đứa đó coi như tới số. Về nhà nếu không bị ông bố cộc tính xách gậy rượt chạy lòng vòng quanh sân cũng phải vác xác qua nhà bạn lánh nạn vài ngày, chờ cho đấng sinh thành nguôi ngoai mới dám mò về.