Bàn Có Năm Chỗ Ngồi

Chương 9

Nhưng rồi cuối cùng đâu cũng vô đó. Nhưng từ "đâu" mà đi đến "đó" đã xảy ra không biết bao nhiêu cãi vã, giằng co, thương tâm và vui nhộn. Trong tình trạng đó, có những đôi bạn cùng tiến chẳng tiến được một chút xíu nào . Ở trong lớp thì đứa ngồi tít bàn trên, đứa ngồi tận bàn dưới, chẳng có cơ hội trao đổi với nhau . Khi ra chơi thì đứa nào cặp kè với bạn đứa đó, mặc kệ cái đứa "cùng tiến" với mình. Về nhà thì chẳng ai với ai, một là chúng vốn chẳng chơi thân nhau, thứ nữa là nhà chúng chẳng gần nhau . Vì vậy mà suốt cả một năm học, đứa khá cứ việc khá, đứa yếu cứ việc yếu, chẳng ai làm phiền ai .

Có lẽ thầy Dân thấy được điều đó nên năm nay lớp tôi không xây dựng đôi bạn cùng tiến theo kiểu đó nữa . Theo gợi ý của thầy, chúng tôi xây dựng đôi bạn cùng tiến ngay trong tổ học tập của mình, và lấy tổ học tập làm đơn vị thi đua .

Như vậy, đôi bạn cùng tiến được ngồi chung bàn với nhau, có điều kiện gần gũi, trao đổi hàng ngày, thúc đẩy nhau học tập. Và ngoài việc giúp đỡ nhau cùng tiến bộ, đôi bạn này còn có trách nhiệm góp phần vào sự đi lên của tổ chứ không tách rời khỏi "số phận" của tổ như những năm trước. Do thực tế đó, trách nhiệm của tổ trưởng là phải kiểm tra kết quả học tập của những đôi bạn cùng tiến trong tổ. Trước đây, lớp phó học tập làm nhiệm vụ này . Và kết quả là, sau một thời gian theo dõi không xuể cùng một lúc trên hai mươi cặp "đôi bạn cùng tiến", lớp phó học tập đành buông xuôi luôn.

Đúng ra thì không phải cách làm của thầy Dân hoàn toàn trôi chảy . Do cách sắp xếp chỗ ngồi "nhỏ trước lớn sau", có những tổ hầu hết là học sinh yếu, ngược lại có những tổ dồn toàn học sinh khá. Lại phải đổi chổ một lần nữa . Tuy nhiên trường hợp này không nhiều .

Thằng Tuấn tổ trưởng tổ bốn, thình lình đứng lên nói :

- Thưa thầy, mỗi tổ năm người, như vậy lẻ một người ạ !

Thầy Dân gật đầu:

- Đúng rồi, lẻ một người ! Do đó các em phải chia một nhóm hai người, một nhóm ba người .

Tuấn vẫn thắc mắc:

- Thưa thầy, đã gọi "đôi bạn cùng tiến" thì phải là hai người chứ ạ !

- Vấn đề không phải là hai người hay ba người ! - Thầy Dân cười, giải thích - Cái chính là các em giúp đỡ nhau học tập như thế nào, hiệu quả ra sao .

Tuấn ngồi xuống. Nhưng thằng Chí bép xép lại giơ tay đứng dậy:

- Như vậy, chúng em gọi là "ba bạn cùng tiến" được không ạ ?

Cái thằng thiệt là vô duyên hết chổ nói . Hỏi đâm hông kiểu đó, nếu tôi là thầy Dân thì tôi phạt nó một trận ra trò. Nhưng thầy Dân không khó tính như tôi, thầy mỉm cười vui vẻ:

- Được thôi ! Quan trọng là chữ "cùng tiến" chứ không phải ở chữ "đôi bạn" hay "ba bạn". Đến đây thì không còn ai có ý kiến gì nữa . Các tổ chụm đầu sắp xếp việc nội bộ .

Ở tổ tôi, tôi với thằng Bảy đích thị là một cặp rồi . Thầy Dân chẳng khen chúng tôi có "nề nếp" sẵn từ trước là gì ! Tôi không thể cặp với nhỏ Hiền được (mặc dù tôi cảm thấy thinh thích khi nghĩ đến điều đó), lại càng không thể cặp chung với "cậu ông trời". Học chung với nó ba bữa chắc xảy ra đánh lộn mất. Còn nhà sinh vật lưu ban kia thì ngoài mớ kiến thức về kiến, dế, nhện, thỏ... ra, chẳng có gì gọi là hấp dẫn cả. Với Bảy thì tôi kèm văn cho nó, còn nó kèm toán cho tôi, đâu đó rõ ràng.

Cặp thứ hai là Đại với Hiền. Hai đứa nhà vốn gần nhau . Hơn nữa, nhỏ Hiền từng nhờ "cậu ông trời" giảng bài giùm nhiều lần rồi .

Rốt cuộc, còn dư ra nhà sinh vật. Thoạt đầu, Đại và Hiền rủ Quang nhập vô nhóm mình nhưng Quang không chịu . Nó khoái học chung với Bảy và tôi hơn. Nó nể thằng Đại nhưng không "hợp" với thằng này, bởi vì Đại tính nghiêm, ít giỡn. Còn tôi với Bảy thì khỏi nói, lúc nào cũng cười giỡn đủ trò. Hơn nữa tôi là đứa hay vểnh tai nghe những câu chuyện kỳ lạ của nó một cách thích thú. Quang khoái một thính giả trung thành như tôi lắm, mặc dù thỉnh thoảng tôi thường lôi "thành tích" lưu ban của nó ra để châm chọc.

Bảy hỏi tôi:

- Sao mày ?

- Sao cái gì ?

- Cho thằng Quang vô nhóm mình không ?

Tôi nhíu mày:

- Tao kèm văn, mày kèm toán, còn nó kèm mình môn gì ?

Bảy gãi tai:

- Thì nó kèm mình môn sinh vật.

Tôi nhúng vai:- Sinh vật mà kèm quái gì ! Môn đó tao chỉ cần học thuộc bài thôi !Bảy ngó tôi:- Vậy là mày không chịu hả ?Tôi ngần ngừ một thoáng rồi đáp:

- Thôi, cũng được ! Để hôm nào tao nói nó dạy mình cách nuôi thỏ.

Quang coi việc được tiếp nhận vô nhóm tôi như một hạnh phúc lớn. Nó cười toe . Như vậy là từ nay, ba đứa tôi trở thành "ba bạn cùng tiến". Khỉ thật ! Thế là vô tình tôi lại dùng cái từ do thằng Chí bép xép nghĩ ra !

Ngoài các tiết học ở lớp, các nhóm bạn cùng tiến phải học thêm ở nhà. Bảy đề nghị học tại nhà nó, với lý do là nó phải bán hàng và trông em á.

Nhưng tôi không chịu . Tôi chỉ đồng ý về môn toán thôi . Điều đó cũng dễ hiểu . Bởi vì tôi không muốn phơi bày sự kém cỏi của mình trước cặp mắt xoi mói của thằng Tin. Nhưng về môn văn, tôi nhất quyết bắt hai đứa kia phải đến nhà tôi .

Thằng Quang biết thân biết phận, không dám hó hé gì về việc này, cũng không dám bênh bên nào bỏ bên nào . Vả lại, đối với nó, học nhà đứa nào cũng vậy thôi . Nhà nó ở tít rạp hát Hương Bình, đạp xe tới nhà tôi hay nhà Bảy, đằng nào cũng toát mồ hôi hột.

Chỉ có tôi và Bảy là tranh chấp quyết liệt về địa điểm. Thấy tôi không thèm "ngó ngàng" gì đến "gian hàng" và đàn em của nó, Bảy giở "bửu bối" ra:

- Chân tao thế này !

Nhưng lần này tôi quyết không động lòng trước miếng đòn lợi hại của nó, tôi khịt mũi:

- Thường ngày mày vẫn qua nhà tao mượn truyện được mà !

Nghe nói đến "truyện", Bảy giật mình và sực nhớ ra tôi có một miếng đòn còn hiểm ác gấp mấy lần miếng đòn của nó. Những lần cãi nhau trước đây, khi thế trận còn giằng co giữa hai bên tôi thường giáng đòn quyết định: không cho Bảy mượn truyện nữa . Đòn luôn luôn trúng đích: Bảy tối tăm mặt mũi . Và bao giờ cũng vậy, nó đầu hàng vô điều kiện. Thực ra thư viện trường tôi không thiếu sách, nhưng những loại sách đó, Bảy không màng. Nó chỉ mê loại sách giật gân mà anh tôi thường mua . Anh tôi làm việc ở nhà máy giấy trên Thủ Đức. Hai, ba tuần, có khi cả tháng, anh mới về nhà một lần. Lần nào về cũng có sách mới . Những ngày anh tôi về thăm nhà không phải ba má tôi hay anh em tôi mà chính Bảy là người sung sướиɠ nhất.

Vì lẽ đó, khi nghe tôi nó đến "truyện", Bảy thở dài xuôi xị :

- Thôi, vậy cũng được !

Được làm "thầy" thiên hạ, tôi khoái lắm. Ngay buổi học chung đầu tiên, tôi bắt mỗi đứa phải sắm một cuốn tập để làm "sổ tay văn học".

Quang ngơ ngác:

- Sổ tay văn học là gì ?

Tôi giảng giải:

- Đó là cuốn sổ tay để ghi chép những đoạn văn hay, những bài thơ hay hoặc là những câu danh ngôn của những người nổi tiếng. Bất cứ một học sinh nào muốn giỏi văn cũng phải có cuốn sổ đó để bồi dưỡng kiến thức và rèn luyện cách hành văn.

Tôi nói y hệt cô Thanh năm ngoái .

Trong khi Quang đang gật gà gật gù ra vẻ tâm đắc thì Bảy bĩi môi:

- Tưởng gì ! Cuốn sổ đó năm ngoái tao làm rồi !

Bảy làm tôi mất hứng. Tôi liền hất hàm:

- Đâu ? Mày đưa tao coi !Bảy chìa cuốn sổ của mình ra .Tôi lật coi một hồi rồi bất thình lình ôm mặt tru tréo:

- Ối trời ơi ! Cái này mà sổ tay văn học !

Bảy đỏ mặt thò tay giật cuốn sổ nhưng tôi vẫn giữ chặt và giở ra đọc trước cặp mắt tò mò của thằng Quang:

- "Tên rậm râu giữ chặt tôi . Hắn lấy khăn ăn nhét vào miệng tôi, sau đó lấy dây trói chân tay tôi lại . Tên kia trong lúc đó cúi xuống chồng tôi . Hắn lấy từ trên bàn trang điểm con dao rọc giấy của tôi và chĩa mũi nhọn vào thẳng chổ tim chồng tôi . Sau đó..."