Bàn Có Năm Chỗ Ngồi

Chương 8

Chết rồi ! Tôi than trong bụng. Hôm trước tụi tôi nói dối với thầy Dân mà "cậu ông trời" tưởng thiệt. Tôi giả bộ nhăn mặt :

- Chuyện của tao mày hỏi làm chi ?

Đại trố mắt :- Đây đâu phải là chuyện riêng. Việc học tập của mỗi người có liên quan đến việc học tập của cả tổ kia mà !

Tôi vặn lại :

- Vậy sao hôm trước tao... liếc sơ bài của thằng Bảy một chút mày lại làm khó làm dễ ? Tại mày mà tổ mình mới tụt hạng đó, mày biết không ?

- Sao lại tại tao ? Đó là tại mày không chịu học hành đàng hoàng. Muốn cho tổ tiến bộ thì mỗi người phải cố học chứ đâu phải bày trò gian lận. Giúp đỡ nhau học tập không có nghĩa là cho bạn mình cóp-pi !

Lúc đầu, Đại định nói năng nhỏ nhẹ với tôi. Sau thấy tôi cãi bướng, nó nổi khùng, nói oang oang.

Tụi bạn trong lớp nghe ồn, chạy lại bu quanh. Thấy vậy, tôi lảng đi chổ khác sau khi buông thỏng một câu ngang phè :

- Mày lo cái xác của mày đi ! Thân tao, tao lo !

Chuyện có chút xíu vậy mà ngay ngày hôm sau trên tờ bản tin của lớp, không biết tay nào "phang" ngay một bài thơ :

Lớp tôi có một anh chàng Toán không lo học, cứ hoài cóp-piVậy mà tổ trưởng phê bình.

Thì anh ta lại nổi khùng nói ngang.

Muốn khá thì phải ráng lên

Mới mong đưa tổ vượt lên trên trung bình.Bài thơ có tựa là "Nhắn ai", nhưng rõ ràng là nhắn tôi rồi. Ở dưới ký tên là Kiến Lửa. Tôi nghĩ hoài mà không đoán ra Kiến Lửa là ai. Chắc chắn không phải là thằng Chí rồi, mặc dù tôi với nó đến nay vẫn chưa hoà giải được vụ xích mích từ hôm xếp lại chổ ngồi. Chí bà con với rệp chứ không thể họ hàng với kiến được. Vả lại, Chí chẳng làm thơ bao giờ, dù là thơ con cóc như bài thơ này. Thơ lục bát gì mà lạc vần ráo trọi. "Chàng" mà vần với "hoài" làm sao được ! Lại còn "pi" với "bình", "ngang" với "lên" nữa. Đó là chưa kể câu chót lại dư ra một chữ. Dốt đến vậy mà còn bày đặt làm thơ châm chích người khác. Tôi lầm bầm trong bụng một cách tức tối nhưng rốt cuộc vẫn không nghĩ ra thủ phạm là ai.

Trong khi đó thì đám bạn trong lớp xúm lại trước bài thơ vừa đọc vừa cười hinh hích. Đám con gái làm tôi ngứa mắt nhất. Chúng vừa coi vừa bá vai nhau cười khúc kha khúc khích, tỏ vẻ thích thú lắm. Đã vậy, chúng cứ đứng lì trước tờ bản tin, đọc đi đọc lại bài thơ chớ không chịu đi cho khuất mắt. Mỗi một tiếng cười của chúng như mỗi mũi kim chích vô tim tôi, đau nhói. Tôi vừa xấu hổ, vừa giận dỗi, lại vừa thầm công nhận cái con kiến lửa quỷ quái này chích độc thiệt. Nếu tôi biết nó là đứa nào, chắc nó mềm xương với tôi.

Tất nhiên tôi có thể hỏi nhỏ Kim Liên, lớp phó học tập kiêm chủ bút bản tin, để dò la tin tức thủ phạm, mặc dù chưa chắc nó chịu nói. Nhưng tôi không thèm hỏi. Dù gì thì tôi cũng là cựu chủ bút của cái tờ bản tin kiêm báo tường này. Năm ngoái, chính tay tôi đã từng sửa bài của nó trước khi chọn đăng, không lý gì bây giờ lại đi hạ mình trước nó để hỏi "tiểu sử" của nhà thơ Kiến Lửa dở ẹc kia.

Thật ra tôi giận con kiến thì ít mà tức con cóc thì nhiều. Trăm sự cũng tại thằng "cậu ông trời" mà ra hết. Nói cho đúng ra, gọi thằng Đại là "cậu ông trời" trong thời điểm này cũng không chính xác lắm. Bởi vì càng ngày tôi càng nhận ra Đại chỉ lầm lì, ít nói với những chuyện gì chứ với chuyện học tập và sinh hoạt trong tổ thì nó to mồm nhất hạng. Chuyện gì của tụi tôi nó cũng xét nét, cũng có ý kiến. Mới hôm qua, thằng Bảy lại bị nó chỉnh về việc nhét khăn quàng đỏ trong cặp, đợi vô lớp mới đem ra đeo. Nhưng đặc biệt là nó thường xuyên "đυ.ng" tôi, y như là hai đứa không thể đội trời chung trong một cái bàn vậy. Càng nghĩ, tôi càng tức Đại, đồng thời tôi cũng cảm thấy lòng tự ái bị thương tổn khi nghĩ rằng dưới mắt nó, tôi chỉ là đứa học trò chuyên môn phạm lỗi và là một thành viên vô tích sự của tổ năm.

Bài thơ ác khẩu kia làm tôi buồn bã hết mấy ngày. Trong mấy ngày đó, tôi không còn hào hứng la hét, chạy nhảy trong giờ chơi như thường lệ nữa. Tôi cũng không dám lởn vởn trước mặt bọn con gái, càng không dám thỉnh thoảng cao hứng chọc ghẹo chúng như trước. Còn đối với nhỏ Hiền thì tôi tuyệt đối không dám chạm mặt. Nếu tình cờ bắt gặp ánh mắt của nó bao giờ tôi cũng vội vã quay đi.

Phải đợi đến tiết ngữ pháp sáng nay, nỗi buồn kia mới có dịp chắp cánh bay đi khỏi tâm hồn tôi. Bởi vì bài kiểm tra ngữ pháp của thầy Dân chỉ có mình tôi được điểm mười. Những đứa khá nhất trong lớp chỉ đạt tới điểm chín là cao nhất. Tổ tôi chỉ có mình Đạt là đạt điểm tám. Những đứa khác chỉ đạt điểm trung bình.

Khi thầy Dân hô tên đọc điểm để ghi vô sổ, tôi hồi hộp chờ đến tên mình. Cái tên Phan Thanh Huy đối với tôi vô cùng thân thuộc, vậy mà khi nghe thầy gọi tôi vẫn bị giật mình, mặc dù tôi đã chuẩn bị tinh thần khi thầy Dân kêu đến những đứa vần H như thằng Hân, thằng Hùng.

Tôi đứng bật dậy, dõng dạc :

- Mười !Tiếng "mười" từ miệng tôi thốt ra gây chấn động không khác gì quả bom nguyên tử. Những đứa bàn trên mặc dù đã biết tôi là "cây ngữ pháp" từ năm lớp sáu vẫn quay đầu lại dòm. Đám con gái thì chắc lưỡi trầm trồ một cách lộ liễu.

Sau khi ngồi xuống, bất giác tôi quay sang nhỏ Hiền và thấy nó đang nhìn tôi, nhoẻn miệng cười. Tự nhiên tôi bỗng quên hết mọi buồn phiền trước đây và nhe răng cười khì một cái.

Hiền chìa tay :

- Huy cho Hiền mượn bài làm của Huy đi !

Tôi chỉ thằng Quang, lúc này đang ngồi đọc bài làm của tôi chăm chú không khác gì bác sĩ đang nghiên cứu vi trùng vậy.

- Vậy lát nữa Huy cho Hiền mượn nghen !

Tôi vui vẻ gật đầu, hệt như một ông tiên hào phóng sẵn sàng ban phép lạ của mình cho tất cả mọi người.

Ngay cả thằng Đại, lúc ra về cũng lại gần tôi, xuýt xoa :

- Mày học ngữ pháp "siêu" quá hén !

Lần đầu tiên, Đại khen tôi. Vì bất ngờ, tôi chỉ ậm ừ trong miệng, không đáp. Nhưng trong lòng tôi, nỗi bực tức đối với nó đã giảm đi một nửa.

- Sắp tới Huy kèm ngữ pháp cho những bạn yếu trong tổ được không ?

Cũng lần đầu tiên, Đại "nhờ vả" tôi, dù không nhờ vả cho bản thân mình nhưng cũng là nhờ vả.

Tôi gật đầu, kiêu hãnh :

- Được thôi ! Khó gì môn ngữ pháp !

Ngoài miệng thì nói câu đó nhưng trong bụng tôi lại nghĩ câu khác : "Phải chi môn toán mình cũng học siêu như môn ngữ pháp thì khoái biết mấy !".

Cái câu nói thầm trong bụng đó làm tôi trằn trọc suốt đêm.

Thế rồi, theo như thông lệ hàng năm, sau những tuần đầu dành cho việc ổn định lớp, nhà trường phát động phong trào xây dựng đôi bạn cùng tiến, mở đầu một quá trình thi đua thật sự. Mỗi năm, cứ đến dịp này, lớp tôi xôn xao cả lên. Về việc chọn bạn học chung bao giờ cũng gây ra lắm tranh cãi .

Thường thì giáo viên chủ nhiệm chia số học sinh trong lớp ra làm bốn loại trên bảng: giỏi, khá, trung bình, yếu, căn cứ vào bản xếp loại cuối năm học trước. Theo đó, cứ một học sinh giỏi đi kèm với một học sinh yếu, học sinh khá bắt cặp với học sinh trung bình. Lý thuyết thì đơn giản như vậy nhưng việc thực hiện không phải lúc nào cũng suông sẻ. Thứ nhất, không phải học sinh nào cũng đồng ý với bản xếp loại năm ngoái, mặc dù sự xếp loại này đã được ghi vào học bạ đàng hoàng. Có những đứa nhất quyết không chịu nhận mình là khá mà cứ nằng nặc đòi tụt xuống hạng trung bình để khỏi phải nhận trách nhiệm "đỡ đầu" một học sinh trung bình khác. Trở ngại thứ hai là vấn đề tình cảm. Có những đôi bạn chơi thân với nhau từ trước, bây giờ cứ muốn học chung với nhau chớ không chịu tách ra . Nhưng kẹt một nỗi, hai đứa đều là học sinh giỏi hoặc đều là học sinh yếu nên không thể để như vậy được. Bắt chúng chịu "chia tay" nhau quả không phải dễ.

Lại có trường hợp đứa này chọn học với đứa kia nhưng đứa kia không chịu mà lại chịu đứa khác. Trong khi đứa khác đó thì lại thích một đứa khác nữa . Cái vòng lẩn quẩn, rối rắm đó lan ra theo dây chuyền và xoay vòng vòng quanh lớp khiến giáo viên chủ nhiệm phát nhức đầu .