Hoa Dại

Chương 32

Chương 32
🍀Hoa dại P32🍀

Tôi nuốt vội những ấm ức ngược lại trong lòng, bởi lẽ còn một thứ xúc cảm khác đang bao trọn lấy tôi. Chưa khi nào bác để tôi thất vọng hay lạc lõng. Bác nói: con đừng quan tâm tới những chuyện khác làm gì. Việc của con là cứ vui vẻ mà sống. Trên đời này cái gì cũng có nhân quả. Con chỉ cần sống thật thì bố tin sẽ không ai làm con tổn thương được.

Bác giúp tôi thu dọn đồ đạc chuyển dần sang bên nhà. Chú Tâm và Thím Hoa thấy tôi vui vẻ ôm đồ sang thì mặt đen như kèo nhà bếp cháy. Chú Tâm: em nói rồi mà anh không nghe. Cá không ăn muối cá ươn đấy anh ạ. Đừng để mất bò mới lo làm chuồng.

Bác thủng thẳng đáp: tôi không những mất bò còn mất thêm cả cái cọc buộc trâu rồi. Làm chuồng cũng còn bò đâu nữa mà nhốt hả chú?

Chú Tâm: nói chuyện với anh chán bỏ mẹ ra ấy. Em cảnh cáo rồi mà anh còn không nghe thì sau này tốt đẹp gì anh hưởng cả. Anh em cũng chỉ đến thế mà thôi.

Bác lừ mắt: cả con bò tôi còn chả tiếc, tôi tiếc cái công tôi yêu thương nó mà nó không biết đường ngẩng lên sủa như chó khi thấy người lạ dắt đi đấy chú ạ!

Chú Tâm: anh nói vào trọng tâʍ ɦộ em một cái. Cái gì mà bò với chó ở đây?

Bác đáp: nuôi chó nó còn giữ nhà, tin nhầm người có khi mất cả chì lẫn chài, phải không chú?

Chú Tâm gật đầu như búa bổ: phải đấy anh, em nghĩ là anh không nên tin lời con Xuyến Chi. Nó chắc chắn tìm cách ở lại đây để vơ vét của anh đấy.

Bác Thành: nếu chú còn mở miệng nói một câu về Xuyến Chi nữa thì chú cút về bên kia ngay cho tôi. Tôi bật đèn xanh cho chú rồi mà chú còn không hiểu hay chú cố tính không hiểu? Chú đừng làm tôi mất mặt vì chú nữa.

Thím Hoa vội chạy ra: anh ơi, anh bớt giận. Nhà em nóng tính nên nói vậy chứ anh ấy cũng vì thương anh mới nói thế.

Bác Thành: còn cả thím nữa đấy. Nếu lần này chú thím không tỉnh ngộ rồi làm ăn đàng hoàng tử tế thì tôi tuyên bố luôn, tôi hết trách nhiệm với chú thím. Giờ ai cũng có gia đình riêng, cũng lên chức bố mẹ cả rồi, đừng nông cạn nữa. Tôi nói thế, chú thím tự suy nghĩ đi.

Bác gọi tôi: Xuyến Chi nấu cơm hai bố con mình thôi. Nhà chú Tâm nay tự nấu cơm bên nhà kia, con không cần lo cơm nước của họ.

Tôi giật bắn cả người khi nghe bác nói. Thím Hoa lắp bắp: anh...vậy là anh đuổi chúng em sao?

Bác Thành: tôi không đuổi ai cả. Tại chú thím tự nguyện đòi ăn riêng, ở riêng.

Chú Tâm đập cái chén nước xuống đất chỉ tay vào tôi: tại con đĩ này đúng không? Nó cho anh ăn bùa mê thuốc lú gì mà anh bênh nó chằm chặp thế? Nuôi nấng cái chó gì, hay anh tính nuôi lớn rồi thịt. Trâu già đòi gặm cỏ non.

Tôi không nghe thấy bác Thành nói gì chỉ thấy tiếp: bụp ...bụp

Chú Tâm bị bác Thành đấm cho chảy cả máu mồm, ngã lăn ra đất. Bác chỉ tay vào mặt chú Tâm: chú có lớn mà không có khôn. Tôi thực sự thất vọng về chú.

Thím Hoa vội lao tới đỡ chồng: anh ơi, anh có làm sao không?

Thím quay ra trách bác Thành: sao anh lại đánh nhà em như thế? Anh vì bênh người ngoài mà đánh cả anh em ruột hay sao?

Bác Thành kéo tôi sát lại chỗ chú thím nói như quát vào mặt họ: nhìn cho kĩ vào, đây là con gái tôi. Từ giờ ai dám xúc phạm nó thì coi chừng tôi đấy.

Chú Tâm đứng dậy phủi quần áo rồi lấy tay lau vết máu rỉ ra bên mép nói: một giọt máu đào hơn ao nước lã. Anh thì vì một giọt nước sông mà hất bỏ cả tình nghĩa anh em ruột thịt.

Bác Thành: chú đã khi nào coi tôi là anh chưa mà mở miệng ra ví von như thế?

Thím Hoa: rõ ràng vì con bé đó mà anh đánh nhà em. Chúng em lúc nào chả coi anh là anh trai.

Bác quát: tim tôi vì thương mấy người mà mù nhưng mắt tôi chưa mù, đầu tôi còn minh mẫn. Tôi cho các người cơ hội giữ thể diện mà các người tự bỏ qua lại được nước lấn tới xúc phạm bố con tôi. Được! Vậy tôi nói cho hai người biết lí do tôi cho các người ra ở riêng. Vì tôi không muốn nuôi trộm ở trong nhà.

Chú Tâm nghe bác Thành nói mắt sáng lên. Thím Hoa há hốc mồm: anh nghĩ chúng em là trộm sao? Sao anh ác thế! Tụi em có bao giờ dám lấy của anh cái gì đâu.

Bác Thành đáp: vậy thím cũng bị mù rồi. Tôi chữa cho thím sáng mắt ra vậy. Chú Tâm lấy trộm tiền của tôi. Lần trước chục triệu trả công thợ là chú Tâm lấy.

Tôi nghe bác Thành nói thì hơi sốc, mặc dù tôi đoán được chú Tâm lấy trộm nhưng không nghĩ bác Thành lại làm căng như thế.

Chú Tâm hét lên: anh đừng ngậm máu phun người.

Bác Thành: chú còn cãi sao? Đồng tiền tôi đưa cho chú cầm khi nãy, Chú đã xem xét kĩ chưa?

Thím Hoa lắp bắp: đồng ...tiền...là sao? Em không hiểu gì cả.

Bác gọi cu Đạt: Đạt đâu. Mau ra đây bác hỏi chuyện.

Thằng Đạt đứng nép sát cánh cửa nghe chuyện nãy giờ bị gọi mà run như cầy sấy.

Bác gọi lại: cháu mau ra đây. Ra đây kể chuyện cho mọi người nghe.

Chú Tâm thấy thằng Đạt lững thững đi ra tức giận quát: chuyện này liên quan gì đến thằng Đạt mà anh gọi nó ra?

Bác cười nhạt: vì chú bảo tôi ngậm máu phun người  nên tôi tìm nhân chứng cho chú xem.

Chú Tâm lúc bấy giờ cứng họng. Tôi không biết chú có nghĩ rằng thằng Đạt nhìn thấy chú lấy tiền thật hay không nhưng chú lặng im không nói gì. Thím Hoa lúc bấy giờ đi hết từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Thím đứng yên mắt nhìn chồng chằm chằm: chuyện này là thế nào? Sao anh lại làm thế? Anh Tâm, có phải những lời anh Thành nói là thật không?

Chú Tâm quát: cô thì biết cái gì? Mau biến vào nhà trông con cho tôi.

Thím Hoa không tin vào sự thật ấy một mực phân bua: không...chuyện này không thể xảy ra được. Anh Thành, có phải anh hiểu nhầm hay không? Anh Tâm nhà em trước giờ không lấy cái gì của ai cả.

Bác Thành đáp: tôi không hiểu nhầm. Tôi có nhân chứng, vật chứng rõ ràng. Tôi cố ý đưa đồng tiền cho chú ấy để biết thân biết phận tự suy nghĩ lại nhưng chú ép tôi phải làm như thế. Nếu chú không quá đáng tôi còn vì tình anh em mà giữ cho chú chút thể diện. Là do chú tự mình đạp vào cái thể diện của chính mình. Mọi người đừng trách tôi.

- Nhưng chỉ một đồng tiền thôi, sao anh biết đó là tiền của anh? Chẳng lẽ anh đánh dấu trên ấy à?

- Đúng! Là tôi đánh dấu đấy! Tôi nghĩ chuyện này chấm dứt ở đây đi. Nếu làm ầm ĩ nữa chú thím không còn mặt mũi mà đi ra đường nữa đâu.

Bác quay sang bảo tôi: Xuyến Chi mang giấy bút ra đây cho bố.

Thím Hoa: anh định làm gì?

Bác Thành: tôi ghi giấy nợ cho chú thím số tiền đó. Chú Tâm đã tiêu thì chú thím phải có trách nhiệm trả lại. Còn chuyện sáng nay, mọi người đừng tưởng tôi không biết. Ai là người đánh chìa khoá cố ý mở tủ, tôi đều tận mắt thấy. Tôi không nói lúc ấy là vì tôi còn muốn cho chú một chút sĩ diện và muốn anh em còn tình nghĩa. Tuy nhiên chú lại mang tiếng ác đổ sang cho con gái tôi. Tôi sẽ không chấp nhận điều đó. Chú thím hiểu rồi chứ?

Bác nói một hồi vợ chồng chú Tâm đứng ngây như trời trồng. Bác lấy giấy bút ghi nhanh nội dung giấy nợ rồi đưa cho thím Hoa: chú thím đọc rồi kí tên vào cho tôi. Số tiền này tôi cho chua thím nợ trong thời hạn 1 năm. Đúng 22 tháng chạp sang năm chú thím cầm sang trả lại cho tôi. Giờ thì chú thím về bên nhà cơm nước cho cháu Đạt ăn uống đi, trưa rồi.

Bác lên tiếng đuổi khách, cả nhà chú Tâm lẽo đẽo xách đồ về bên nhà bên kia. Tôi nhìn bác Thành buồn mà lòng cũng nặng trĩu.

Bác giục tôi: con đi nấu cơm đi. Kể từ hôm nay, bố con mình dựa nhau mà sống. Có bố, sẽ không ai dám bắt nạt con nữa.

Tôi thắc mắc: sao bác biết số tiền ấy là do chú Tâm lấy mà không phải người khác?

Bác đáp: bởi đó là đồng tiền bố khá ấn tượng. Trên đó có một câu thơ và chữ kí của anh chàng nào đó tặng bạn gái mà cô gái ấy mang đi tiêu. Hôm đó đếm tiền bố đã đọc câu thơ ấy và để đồng tiền ra ngoài cùng. Con nhớ chuyện chúng ta ăn chè gặp thằng Đạt đi đánh điện tử chứ? Đó là đồng tiền bố mới cầm chiều tối hôm trước nên còn nhớ như in.

Tôi sực nhớ lại chuyện tối hôm đó. Tôi hỏi: vậy bác đã cố tình đổi tiền lẻ cho thằng Đạt để giữ lại đồng tiền đấy sao ạ?

Bác gật đầu: bố biết số tiền ấy chỉ người trong nhà lấy được. Bố tin chắc chắn con không lấy, vậy thì chỉ có thể là 3 người nhà họ. Tối đó bố về hỏi thím Hoa trước thì thím nói chú Tâm cho thằng Đạt tiền đi đánh điện tử là thật. Con thử nghĩ xem, sáng ra bố mất tiền, tối đến đồng tiền ấy lại do chú Tâm đưa cho thằng Đạt, vậy rốt cuộc ai lấy?

- Sao chú ấy lại làm như thế hả bác?

- Có thể do ganh tị với con, Có thể do thua đề đóm. Chỉ trách bố tin tưởng họ quá nên để tiền nong hớ hênh mới để chú ấy có cơ hội lấy trộm. Đã vậy bọn họ lại liên hợp lại đổ tội sang cho con nữa. Đúng là vừa ăn cướp vừa la làng. Thời gian qua chắc con ấm ức lắm phải không?

- Con thấy thương bác.

Bác mỉm cười: phải chi, họ cũng như con thì tốt biết mấy.

----------

Tôi chuyển sang ở hẳn cùng nhà với bác Thành từ hôm ấy. Ngày hôm sau ban thờ của mẹ cũng được chuyển về bên nhà bác. Bác đặt ban thờ của mẹ cạnh bàn thờ gia tiên nhưng thấp hơn một chút. Hàng ngày tôi đi học cũng có bác ở nhà đi qua đi lại tôi nghĩ mẹ tôi chắc cũng vui hơn rất nhiều.

Sau khi tôi chuyển sang nhà bác vợ chồng chú Tâm cũng ở yên bên kia chứ không chạy sang nhà bác Thành nữa. Cô Thuý thi thoảng đi chợ qua thấy tôi lại đứng ở quán chuyện trò vài câu rồi về. Cô thì thầm bảo tôi: cháu cứ phải cẩn thận vợ chồng nhà kia ấy nhé. Cháu đừng tưởng giờ có bố Thành mà không đề phòng. Toàn cáo đội lốt người thôi ấy.

Dĩ nhiên cô không dặn thì tôi cũng vẫn đề phòng họ. Bởi lẽ hai lần họ liên thủ đổ tội cho tôi, tôi còn nhớ như in. Trên đời này nếu ai ghét tôi thì tôi ghét lại, thậm chí còn thù dai như đỉa nữa.

Mấy ngày liền hai nhà không qua lại chuyện trò, mọi chuyện cứ yên ổn cho đến ngày 29 tết. Tôi còn nhớ rõ hôm ấy là tháng 2 dương lịch, tôi chỉ còn 3 tháng nữa là thi tốt nghiệp. Bác còn trêu tôi: 3 tháng nữa con gái bố thi tốt nghiệp rồi lại chờ tháng 7 thi đại học. Đỗ Đại học xong con phải đi học xa rồi biết đâu gặp anh chàng nào yêu thương tếch đi lấy chồng mất bỏ bố bơ vơ một mình ở nhà.

Bác ôm tim: ôi, đau tim quá! Bố sắp không thở được nữa rồi.

Tôi cười: bác toàn trêu con thôi. Con không lấy chồng mà ở nhà báo hiếu cho bác.

Bác giận: nói linh tinh nào, con gái lớn phải gả chồng là lẽ đương nhiên rồi. Nhưng mà con nghe lời bố, có yêu ai phải yêu cả bằng tim, bằng mắt và bằng đầu, chớ có dại mà yêu bằng tai nghe không? Đàn ông thời nay người tốt kẻ xấu lẫn lộn lắm, chả biết đằng nào mà lần. Mà tốt nhất, con yêu thằng nào phải dẫn về nhà cho bố kiểm duyệt trước. Nếu nó mà qua được cửa ải của bố thì bố sẽ gả con đi.

Tôi bĩu môi: con không lấy chồng đâu mà bác lo xa. Giờ con còn bé tí đây nay. Con chỉ muốn học thật giỏi để đỗ đại học rồi đi làm có tiền phụng dưỡng, báo hiếu cho bác thôi.

Bác cười khà khà: con gái tôi thật là ngoan quá! Đời bố cũng chỉ mong có đứa con gái đáng yêu như con là bố không còn mong mỏi gì nữa.

Hai bác cháu tôi vừa trông nồi bánh chưng vừa hàn huyên chuyện trên trời dưới bể. Cô Thuý đạp xe đi ngang qua còn trêu: gớm, nồi bánh chưng nhà bác Thành năm nay ngọt như chấm mật nhỉ?

Bác Thành còn trêu cô Thuý: cô ganh tị với nhà tôi vì có con gái à? Vậy cô đẻ được con gái đi rồi sang đây tôi cho chung nửa nồi bánh chưng tắm mật nhé.

Cả 3 chúng tôi cười vui vẻ thì bỗng bên cửa hàng nhà thím Hoa có tiếng đập đồ và tiếng quát tháo. Cô Thuý giật mình nhìn sang: bên kia không biết có chuyện gì mà ầm ĩ thế hả bác Thành?

Tiếng thím Hoa gào to: có ai không, cứu tôi với!

Có tiếng người hét lên: mày không nôn tiền ra tao gϊếŧ.

Mọi người đọc vui vẻ.

Hết phần này sẽ lại đau thương và sắp kết rồi.