Hoa Dại

Chương 27

Chương 27
🍀Hoa dại P27🍀

Tôi cũng chẳng hiểu những câu cô Thuý nói có ý nghĩa gì hay không, chỉ thấy cô ấy có vẻ chán ghét điều gì đó. Bác Thành mời cô vào nhà ngồi chơi mà cô từ chối: em thấy nhà  có người đông vui nên em ngó sang xem có chuyện gì chứ. Tối em sang ngủ với Xuyến Chi rồi chuyện trò sau. Giờ em về không làm phiền mọi người nghỉ trưa.

Thím Hoa vẫy tay: ôi trời! Chúng tôi có bao giờ nghỉ trưa đâu mà cô ngại, với lại người nhà cả mà, cô vào nhà ngồi chơi, chị em mình tâm sự; tôi cũng có mấy việc muốn nhờ cô Thuý giúp đỡ.

Cô Thuý cười nhạt: em thì quê mùa lại dốt nát giúp được gì cho anh chị đâu cơ chứ.

Thím Hoa: cô cứ khiêm tốn. Cái khu này nhà cô chú chả nhất nhì còn gì nữa.

Cô Thuý: ấy chị không nói thế được kẻo người ta lại bảo em tinh vi bốc phét, buôn nước bọt lấy tiền. Em làm gì có tài như thế đâu chị. Nhà thì bố mẹ hai bên giúp đỡ. Em thì làm nhà nước lương ba cọc ba đồng. Chồng em thì cày như trâu quên ăn quên ngủ mà mãi có khá lên được đâu. Em chả giúp được anh chị, em có sao nói thế, có làm mất lòng anh chị thì em cũng đành chịu thôi.

Thím Hoa: Gớm! Có chuyện gì đâu mà cô phải suy nghĩ. Chị em lâu ngày không gặp nhau muốn hàn huyên tâm sự một tí. Anh chị đang tính tối nay sang nhà ông bà chơi, tiện cũng ghé sang nhà cô chú một chút. Chả gì thì chúng ta cũng là anh chị em con cô con cậu mà.

- Vâng! Em cám ơn anh chị. Vậy lúc nào anh chị rảnh rỗi cứ ghé chơi ạ. Bố mẹ em và nhà em cửa luôn mở to để tiếp khách quý. Giờ em về đây, chị em mình còn nhiều thời gian hàn huyên mà.

Cô nháy mắt với tôi: cô về Xuyến Chi nhé. Chiều sang cô cho mượn mấy cuốn sách văn mà đọc thêm. Giờ sách quý hiếm như người tốt vậy đấy. Mà nhiều khi sách còn được in lậu, nhìn mặt tiền thì đẹp, trong lòng thì vừa đen vừa xấu, chả biết đường nào mà lần cháu ạ!

Cô Thuý đi khỏi mặt mũi vợ chồng chú Tâm chuyển từ tươi tỉnh sang cau có, khó chịu. Chú Tâm nói: con Thuý này càng ngày càng chả coi ai ra cái gì. Thằng này mà ko sa cơ lỡ vận thì xem nó có huênh hoang nhạo báng thế không. Nhớ ngày nào tôi còn ở nhà chồng nó lẽo đẽo bám theo như cái đuôi đòi chia sẻ mánh làm ăn mà tôi đâu có dại.

Thím Hoa: người nhà với nhau, mình chấp nhặt chuyện đó làm cái gì cho mệt.

- Nhưng mọi người xem nó mở mồm nói câu nào là xóc xỉa câu đấy. Cái gì mà người đang làm, người đang nhìn? Thằng chồng nó cũng dân lái chứ làm cái gì mà vẻ vang cho cam. Ngày xưa tôi không giao du với loại đấy quả là sáng suốt.

Bác Thành thấy vậy bèn đáp: sao chú lại có tư tưởng như thế? May mắn cho chú ấy ngày trước không theo chú mới có cơ ngơi như bây giờ đấy. Chú giỏi vậy mà trắng tay trong khi người ta giờ làm chủ cả xưởng xay đá và 8 cái ô tô ben. Chú xem khu này có nhà nào bằng nhà chú ấy chưa?

Chú Tâm nghe chuyện ngạc nhiên đổ cả chén nước chè: chuyện...chuyện...anh nói có thật không?

- Tôi nói dối chú làm cái gì?

- Nhưng...chuyện này....sao có thể chứ? Anh nói thế nào ấy. Ngày em đi chồng nó còn lái xe thuê cho người ta mà bị sao đấy bị đuổi về lái công nông cơ mà.

- Tôi nói sông có khúc, đời người có lúc mà. Sau khi lái công nông chú ấy vay tiền mua chung cái máng đá. Mấy năm làm ăn được nên có tiền mua xe. Dần dần chưa tới 5 năm chú ấy bán máng đi mua mặt bằng và máy xay, mua thêm cả gần chục cái xe tải khác. Giờ thì chú ấy thành ông chủ rồi đấy.

Thím Hoa ngồi nghe bác Thành nói mà buồn nẫu ruột. Thím thở dài: biết thế ngày trước mình cũng ở nhà có khi giờ cũng thành ông chủ rồi ấy chứ.

Bác Thành: chú thím không toàn tâm toàn ý, cứ thích đứng núi này trông núi nọ. Chú xem đá cũng nở ra hoa mà là hoa đồng tiền đấy. Giờ chú về hẳn đây là tính toán làm ăn nghiêm túc. Tôi tin chú thím sẽ có ngày thành ông chủ lớn như người ta thôi.

- Vợ chồng nó thế mà gặp vận may thế cơ chứ.

- Tôi nghĩ vận may do mình tạo ra.

Thím Hoa: vâng, anh nói phải lắm ạ! Chúng em sẽ cố gắng buôn bán kinh doanh cho anh có ngày mát mày mát mặt với mọi người. Chả gì thì chúng em nhờ có anh giúp đỡ chứ không giờ cũng lang thang đầu đường xó chợ rồi anh ạ!

Chú Tâm đứng dậy hậm hực bỏ vào trong phòng. Thím Hoa hớt hải chạy theo chồng. Bác Thành thấy vậy bèn thở dài: cái thằng già đầu rồi còn trẻ con. Còn tị nạnh như thế thì bao giờ mới chín chắn được.

Bác bảo tôi về nhà nghỉ ngơi chiều học bài. Tôi nhanh nhảu: thế chiều con sang dẫn thím đi nhận hàng về làm hả bác? Con cũng muốn tranh thủ làm kiếm chút tiền chứ con ở lì, ăn uống ở nhà bác như vậy, con ngại.

Bác Thành lườm tôi: bố nói như thế mà con vẫn không hiểu hay sao? Con là con gái bố. Bố dư sức nuôi con. Khi nào con có chồng nuôi thì bố sẽ nhường cho nó. Còn chuyện thím Hoa con không cần dẫn thím ấy đi đâu. Thím ấy nói vậy là từ chối khéo rồi còn gì nữa. Con kệ đi, để thím ấy ở nhà cơm nước, con có thời gian mà tập trung học hành, thi cử. Nhà ta dốc toàn lực ủng hộ con gái học.

Bác giơ tay hô khẩu hiệu: cố lên!

🍀🍀🍀

Tối hôm đó cô Thuý sang nhà ngủ với tôi. Thím Hoa thấy cô Thuý sang cũng chạy sang bắt chuyện: cô Thuý sang đây hả? Tôi vừa bảo với anh Tâm sang ngủ với Xuyến Chi cho con bé đỡ buồn. Khổ thân, con bé bé thế mà mồ côi mẹ. Nghĩ mà buồn lại thương quá cô ạ!

- Chị Hoa xa quê mấy năm mà thay đổi nhiều quá! Em suýt nữa không nhận ra chị luôn ấy.

- Tôi có thay đổi gì đâu. Cô cứ đùa.

- Chị ở trong đấy mở xưởng làm ăn buôn bán gì đấy ạ? Nhà chị có bán mật hay bán đường? Em nghe mọi người nói Sài Gòn có đường thốt nốt vừa ngọt, vừa rẻ nữa. Đường đấy mà nấu chè thì đảm bảo ruồi nhặng khu này nó chết hết nếu bỏ bả chị ạ!

- Gớm! Cô cứ nói quá lên ấy chứ. Tôi ở trong kia buôn bán lớn lắm. Chúng tôi mở được xưởng vừa to vừa rộng, đáng tiếc anh Tâm nhà tôi tin nhầm người mới mang hết tài sản đi cầm cố đưa tiền cho người ta nên bị lừa trắng tay. Nghĩ lại vẫn thấy ức cô ạ!

- Đáng lẽ máu mặt như anh chị không lừa người ta thì thôi chứ bị người ta lừa như thế thì đúng là ức thật chị ạ. Em là cực kì ghét mấy cái loại miệng thì sơn sớt anh anh em em mà sau lưng đâm nhau lúc nào không biết. Chỉ có người bị hại mới thấu được cảm giác lòng tin đặt vào kẻ lừa đảo nó đau đớn thế nào.

- Đúng đấy cô ạ! Tiên sư cái lũ Thiềm thừ, chỉ biết ăn cả đời không ị. Loại đấy ăn lắm có ngày sình bụng mà chết thôi cô ạ.

- Thảo nào em thấy quầy thuốc tây giờ bán nhiều men tiêu hoá quá chị ạ!

Thím Hoa gượng cười bởi lẽ tay thím còn đang cầm gói men tiêu hoá. Tôi nghĩ lúc ấy chắc thím giận lắm nhưng miệng vẫn tươi: lại động chạm đến đúng nghề của cô Thuý quá nhỉ! Công nhận vợ chồng cô chú giỏi thật ấy. Mới có mấy năm mà thay đổi chóng cả mặt. Lần này chắc vợ chồng anh chị phải theo chồng cô học hỏi kinh nghiệm làm ăn cô ạ!

- Ấy chết! Chị nói vậy em thấy áy náy quá! Ngày trước chính anh chị đã truyền cho chồng em kinh nghiệm xương máu nên anh ấy mới cày ngày cày đêm để thoát cái nghèo đấy chị ạ! Mà em nghĩ chuyện làm ăn ấy chị em mình nhắc đến làm cái gì hả chị. Thế chị nói tối nay ngủ với Xuyến Chi ạ? Vậy cũng đỡ buồn không đêm nhà cứ lạnh lẽo, thi thoảng có tiếng động lạ lại làm em giật mình. Chị ở lại ngủ với Xuyến Chi thì em về bên nhà trông cháu chị nhé.

Thím Hoa nghe cô Thuý nói vậy ngó trước ngó sau: nhà này trước tôi ở có tiếng động lạ nào đâu? Cô cứ khéo tưởng tượng.

Tôi nghe vậy bèn nói: cháu nghĩ là chuột chạy thôi cô Thuý ạ! Trước mẹ cháu còn sống thì chá ít thấy nhưng từ hôm nhà có đám sá chắc chuột bọ kéo đến kiếm ăn nên hơi ầm ĩ một tí thôi cô.

Thím Hoa ngồi nói chuyện vài câu rồi lấy cớ về nhà cho em Đạt đi ngủ. Cô Thuý sung sướиɠ ôm bụng cười như địa chủ được mùa. Tôi thấy vậy thắc mắc: sao cháu thấy cô Thuý hôm nay lạ lắm. Cô có chuyện gì vui vậy?

- Cũng không có gì. Họ về lại lắm chuyện cho mà xem. Mà theo cô cháu về bên nhà nác Thành ở càng sớm càng tốt. Vợ chồng chú Tâm không giống như vẻ bề ngoài cháu nhìn thấy đâu. Cô chỉ sợ cháu lại chịu thiệt thòi. Bọn họ trước mệnh danh là cặp đôi uốn lưỡi xúc gạo của thiên hạ đấy.

- Là sao hả cô, cháu không hiểu ý cô nói.

- Cháu không nên biết thì hơn. Tuy nhiên cô nhắc cháu hết sức đề phòng. Nói chung cái bà Hoa này không dây dưa gì là tốt nhất. Họ tốt với mình một thì có khi lấy của mình 2. Nên tốt nhất có chuyện gì cháu gặp cô nói chuyện hoặc kể cho bác Thành nghe. Tuyệtđối tránh xa vợ chồng họ ra, biết chưa?

Cô thở dài: lần này họ trở về không biết lại nong trời lở đất gì nữa đây. Họ là anh chị của cô thật nhưng nếu có điều ước cô muốn cả đời này không gặp lại họ.

Nghe cô Thuý nói chuyện tôi có mường tượng được họ chắc chắn sẽ không tốt đẹp gì. Tuy nhiên họ là em của bác Thành. Tôi cũng chẳng biết nên làm sao nhưng tôi sẽ nghe lời cô Thuý dặn, đề phòng vợ chồng họ.

🍀🍀🍀

Ngày hôm sau tôi tới dự sinh nhật Nguyên, tôi mặc chiếc váy thím Hoa mua cho hôm trước. Tôi chỉ nghĩ đơn giản là Nguyên mời tôi tới sinh nhật thì tôi tới dự cho bạn vui lòng. Tôi đã xin phép bác Thành nhưng hôm nay lại chần chừ không muốn đi bởi chuyện xảy ra với Vi.

Chuyện là, buổi sáng đi học trên lớp, thái độ của Vi rất khó chịu khi nhìn thấy tôi. Bạn thậm chí còn tự ý chuyển xuống bàn dưới chứ không ngồi cùng bàn với tôi nữa. Tan học bạn cố ý cất sách vở muộn lại để gặp tôi. Vi nói: Xuyến Chi này, bạn đừng tỏ ra bi thương lấy lòng thương hại của người khác có được hay không? Làm vậy nhìn giả tạo lắm.

Tôi rất ngạc nhiên khi nghe Vi nói vậy. Tôi tính hỏi bạn sao lại nói tôi như vậy thì bạn nói tiếp: tôi ghét nhất mấy loại người mang người nhà ra làm bình phong cho mình. Bạn rất giỏi khi mang người mẹ đã chết đó ra để đoạt được những thứ bạn muốn. Tôi cảnh cáo bạn, nếu bạn tiếp tục mang người mẹ đã chết ấy ra nữa bạn sẽ nhận lấy hậu quả từ chính điều đó.

Nói dứt câu bạn bỏ đi ngay lập tức. Tôi đứng im giữa lớp, ngạc nhiên xen lẫn ấm ức. Chưa khi nào tôi làm như Vi nói. Tôi không hiểu bạn đã hiểu nhầm chuyện gì mà lại nói với tôi câu nói đó. Tôi ngồi lặng im, chân nặng trĩu không muốn nhấc lên để về nhà.

Bác bảo vệ đi kiểm tra phòng học thấy tôi vẫn ngồi yên trên lớp bèn ghé vào hỏi: cháu tan học không về hay sao mà còn ngồi ở đây?

Tôi ngẩng đầu lên gượng cười trả lời bác sẽ về nhà ngay. Bác hiền lành an ủi tôi: nỗi đau lớn nhất là chứng kiến người thân mất mà mình bất lực không làm được gì. Cháu cố gắng lên nhé! Cháu mất đi một người thân nhưng chưa phải là mất tất cả, bởi bên cạnh cháu còn nhiều người quan tâm, yêu thương cháu.

Tôi thấy xúc động trước lời an ủi của bác. Ba năm học ở trường, tôi ở đội trực cờ đỏ nên hay trò chuyện tâm sự với bác. Bác rất hiền lành và tốt bụng y như bác Thành vậy. Tôi vui vẻ chào bác về nhà. Vừa tới cửa lớp tôi thấy Nguyên chạy lên hớt hải hỏi: Xuyến Chi, sao bạn không về thế?

Tôi thắc mắc: sao bạn biết tôi chưa về mà chạy lên đây?

Nguyên gãi đầu tìm lí do: à, thì tôi thấy xe của bà vẫn ở nhà để xe nên nghĩ bà có chuyện gì. Tôi lo bà buồn vì chuyện của mẹ lại chui vào góc lớp tự kỉ nên chạy lên tìm bà về đấy.

Tôi nghe lí do của Nguyên mà phì cười: bạn từ khi nào biết xe của tôi vậy? Thế hôm nay tôi đi xe màu gì, bạn có biết không?

- Cả nhà xe học sinh còn mỗi xe của bạn mà. Tôi thề luôn. Sáng nay mẹ tôi chở tôi đi học tiện thể mang  đồ sinh nhật của tôi đến trường. Tôi bảo mẹ trưa khỏi cần đón vì tôi đi nhờ xe của "Hoa Cứt lợn". Tôi ngồi nhà xe chờ mãi không thấy bạn xuống nên chạy lên kiểm tra. May quá, nãy giờ tôi nửa thì lo bạn tự kỉ, nửa lo bạn bị ma giấu rồi đấy.

Chúng tôi đạp xe đôi về nhà. Nguyên nói nguyên là con trai ga lăng nên bạn cầm lái chở tôi, tôi chỉ cần ngồi đằng sau. Trên đường về bạn huyên thuyên đủ chuyện trên trời dưới bể làm tôi cười ngoác cả miệng. Về nhà, bạn còn bắt tôi hứa tối nhất định phải sang dự sinh nhật. Nguyên nói: bạn mà dám trốn sinh nhật thì đảm bảo ngày mai cả trường sẽ biết chuyện ngày bé bạn yêu thầm thầy giáo. Tin tôi đi, tôi nói được làm được.

Tôi cứng đơ cả mặt trước lời đe doạ của Nguyên. Sự cố ngày ấy do trò đùa oái oăm của mấy bạn học. Chả là trường tôi ngày ấy có một giáo viên dạy Toán tên Quý. Thầy trẻ và cực kì đẹp trai, theo cách nhìn của chúng tôi ngày ấy. Thầy vừa ra trường nên tràn đầy nhiệt huyết. Thầy lại vui tính, dễ gần, thậm chí thầy còn chơi cùng chúng tôi, nhất là cầu lông và đá cầu. Thầy hơn chúng tôi cũng 8-9 tuổi nên nhiều bạn trong trường hay "nhờn" trêu ghẹo cả thầy giáo. Hôm đó, các bạn thách tôi nếu dám gọi thầy là anh thì từ đó về sau không gọi tôi là hoa cứt lợn nữa. Tôi suy nghĩ một hồi rồi đáp: tôi không gọi thầy bằng anh mà gọi thầy bằng em. Mấy bạn học thấy vậy vỗ tay ầm ầm. Chắc tụi bạn nghĩ tôi phen này láo nháo sẽ ăn kiểm điểm nên đứng dọc hai bên hành lang xem tôi gọi thầy bằng em. Tôi chuẩn bị tinh thần rất tốt, đứng ngay đầu cầu thang chờ thầy vừa xuất hiện liền hô to: Em Quý...

Cả đám bạn nghe thấy tôi gọi thầy là em thật thì há mồm trợn mắt vì ngạc nhiên. Thầy cũng chau mày tỏ vẻ bất ngờ. Tôi chờ thầy đến gần nói tiếp từ cuối: thầy. Nghĩa là nguyên văn câu của tôi sẽ là: em quý thầy. Nhưng tôi láu cá tách đôi câu thành: Em Quý....thầy. Sau hôm đó các bạn đồn ầm ĩ lên rằng tôi yêu thầm thầy giáo. Nỗi oan ấy chưa được giải và chìm xuồng theo thời gian thì nay lại nghe Nguyên nhắc lại. Tôi nguýt Nguyên thật dài: đồ đàn bà!

Nguyên cười: tôi đùa bạn đấy. Tối đến nhé. Tôi không mời nhiều đâu. Bạn vừa là bạn học cũ, vừa là hàng xóm. Bạn không đến tôi buồn.

Bạn nói đến nước ấy tôi lại cố tình vắng mặt thì quả thực xấu tính nên tôi quyết định đến dự sinh nhật bạn. Tôi vừa vào đến ngõ đã thấy nhà bạn tấp nập dựng hẳn rạp ở sân. Tôi cứ ngỡ mình đi nhầm nhà nhưng thấy Nguyên lon ton chạy ra đón từ xa. Bạn nhìn thấy tôi cứ tủm tỉm cười: Xuyến Chi hôm nay như hoa ấy nhỉ? Cánh trắng, nhuỵ vàng y hệt bông hoa....

Bạn bỏ lửng câu nói làm tôi mặt đỏ lên vì tức giận. Trùng hợp Vi cũng mặc chiếc váy trắng giống tôi. Bạn đi lại gần phía tôi mỉa mai: hoa cứt lợn mãi mãi cũng chỉ mọc dại, sánh sao nổi với hoa quỳnh.

~~~~~~

Mai là qua quãng thời gian học trò.

Mai nữa sẽ là sóng gió. Vậy nên hôm nay cứ thoải mái thư giãn đi cả nhà