Chương 25
🍀Hoa Dại P25🍀Tôi hỏi: này, sao ngày xưa bạn thâm nho, chơi thối thế. Bỏ hẳn một túm phân vào ngăn bàn của tôi?
Nguyên đần mặt ra: ai nói?
Tôi nghi ngờ: thế cái hôm bạn bị tôi lấy mất dép lúc ở cây bàng ấy. Hôm sau bạn chả bỏ nguyên một bọc phân vào ngăn bàn của tôi trả thù còn gì?
Nguyên gãi đầu: sao tôi không nhớ tôi đã làm chuyện đó nhỉ?
Tôi nhíu mày: giả vờ giỏi quá cơ! Thế hôm ấy sao mà bạn về nhà được vậy?
Nguyên cười cười: thì tôi phải cố mà tụt xuống chứ làm sao. Bạn làm tôi rách cả quần. Tối đó về tôi bị mẹ tôi bắt nằm sấp trên giường quất cho lằn mông. Hôm sau tôi đau quá nên có đi học được đâu. Thế đứa nào nó chơi ác bạn thế? Tôi thề là tôi muốn trả thù nhưng tâm tôi sáng lắm, tôi chả nghịch dại đi bốc phân bỏ vào ngăn bàn của bạn làm gì. Có chăng giờ học nấu ăn tôi bỏ đá gạo vào nồi cơm của tổ bạn thôi.
Tôi nghe nguyên nhắc đến vụ nồi cơm bị bỏ đá gạo mà nghiến răng ken két: hoá ra là bạn. Chúng ta thù oán cá nhân, sao bạn lại làm thế, hại cả tổ tôi bị điểm kém làm chúng nó ghét không thèm nhìn mặt tôi nữa.
- Tại ngày đó bạn huyênh hoang nói bạn nấu cơm giỏi. Tôi xin vào tổ với bạn thì bạn không cho.
- Thì tại tôi nghĩ ông thả nguyên bọc phân vào ngăn bàn hại tôi rửa mãi không hết mùi. Mấy đứa cùng bàn tránh tôi như tránh hủi. Thế rốt cuộc là ai chơi bẩn thế nhỉ?
- Bạn đanh đá gây thù chuốc oán với nhiều người như vậy, làm sao tôi biết là ai giở trò với bà. Nhưng tôi cam đoan là tôi không làm trò ấy. Nhìn bản mặt tôi đẹp đẽ, sạch sẽ thế này, ai lại đi bốc phân.
Tôi nghe cậu ấy nói mà phì cười. Vừa lúc đó bác Thành đến đón, bác nhíu mày nhìn Nguyên rồi hỏi: cậu này nhìn quen nhỉ? Thanh niên ở đâu mà tôi không thấy ở lớp Xuyến Chi thế?
Nguyên chào bác Thành rồi giới thiệu sơ lược thông tin cá nhân cho bác biết. Bác gật gù ra vẻ đã hiểu chuyện bảo tôi lên xe rồi dặn dò bạn: mấy cô cậu giờ năm cuối rồi, tập trung học hành cho cẩn thận, rủ nhau vào đại học nghe không?
Nguyên vâng dạ rồi đạp xe thong dong về nhà. Bác giải thích: bố bận chút chuyện nên tới đón con gái muộn. Con chờ lâu có sốt ruột lắm không?
Tôi cười: con chờ không lâu mà bác. Với lại có Nguyên đứng cà kê chuyện cũ cũng vui lắm ạ!
À! Mà con có chuyện muốn khoe với bác. Con được cô giáo chọn đi thi học sinh giỏi văn Thành Phố ạ!
- Thật sao? Ôi con gái giỏi quá! Thế này phải thưởng quà gì cho con nhỉ?
Tôi cười: là cô chọn con đi thi, còn được giải hay không thì con chưa biết. Bao giờ nếu thi xong có giải thì mới nói chứ bác?
- Nhưng như con là giỏi lắm rồi! Nhất định phải thưởng.
Tôi dè dặt: vậy mai bác cho con đi sinh nhật Nguyên được không ạ?
- Là cái cậu lúc nãy đúng không? Được rồi! Mai bác chở con đi.
- Không cần bác ạ! Nhà bạn ấy ở gần nhà mình. Con tự đi được mà.
Chúng tôi về đến nhà đã thấy thím Hoa đon đả cười nói từ xa: hai bố con anh về rồi đấy à! Anh và cháu vào nhà nghỉ một chút rồi ăn cơm. Em xới cơm cúng cho mẹ Xuyến Chi rồi anh ạ!
Bác Thành hơi nhau mày: sao thím có chìa khoá nhà bên ấy vậy?
Thím Hoa hơi sựng người: à, thì em thấy anh để trong ngăn tủ nên em mở thử, ai dè đúng luôn. Em thấy anh và cháu mãi chưa về nên em xới cơm cúng trước, chờ mọi người về rồi ăn cũng vừa.
Tôi nhìn khuôn mặt của thím Hoa mặc dù đang cười vui vẻ nhưng tôi lại có cảm giác không thoải mái cho lắm. Bác Thành giục tôi: con mau rửa mặt mũi tay chân rồi thắp hương cho mẹ Lan,sau đó qua nhà còn ăn cơm kẻo muộn.
Lúc tôi cầm bát cơm cúng của mẹ sang thím Hoa nhanh nhẹn cầm lấy rồi đổ trộn vào trong nồi. Tôi ngồi đỡ lấy muôi thay thím xới cơm cho cả nhà. Miệng thím nói liến thắng: Xuyến Chi hôm nay đi học lại thấy thế nào hả cháu? Có gặp khó khăn gì hay không?
Tôi mỉm cười: cháu học bình thường thím ạ!
Thím ngắm tôi thật lâu rồi gật gù: Xuyến Chi nhà ta xinh đáo để ấy nhỉ, cao ráo, mặt tròn trịa, mắt to đen, có cái lúm đồng tiền duyên nữa. Sau này chắc là nhiều anh chết mê chết mệt cho mà xem.
Bác Thành: e hèm! Chuyện sau này để sau này tính. Giờ cháu nó còn phải học
Thím gọi Đạt và chú Tâm ra ăn cơm. Chú Tâm tối qua tức giận nhưng hôm nay lại vui vẻ đến lạ. Chú bảo: sáng nay cả nhà em tranh thủ mua sắm ít đồ và quần áo cho cu Đạt chuẩn bị đi học anh ạ. Em nghĩ kĩ rồi, giờ phải đầu tư cho con cái học hành, sau này có cái nghề may ra mới bớt khổ chứ như đời bố mẹ nó chán lắm
Bác Thành gật gù: chú thím nghĩ thông rồi thì tôi mừng cho chú thím.
Thím Hoa nhanh nhẹn: em thấy người ta bán váy đẹp quá nên ngắm cho Xuyến Chi một cái. Em thấy con bé suốt ngày mặc quần áo đồng phục thôi. Con gái thì cũng phải quần áo súng sính rồi váy vóc nó mới ra dáng chứ.
Bác Thành gật đầu: phải rồi! Có thím phụ nữ ngắm cho cháu còn gì bằng. Tôi cũng tính dẫn con bé đi mua cái váy mặc đi sinh nhật bạn học. May mà thím mua rồi thì lát tôi gửi tiền.
Chú Tâm xua tay: ôi dào! Người nhà cả, nhà cửa còn cho nhau được huống hồ cái váy. Chúng em mua làm quà cho cháu mà. Anh đừng nghĩ ngợi.
Tự nhiên thấy vợ chồng thím Hoa tốt bụng với tôi mà tôi lại nơm nớp lo sợ không biết họ tính giở trò gì. Tôi cũng không biết mình mắc bệnh đa nghi và đề phòng người khác từ khi nào nhưng nói chuyện với họ tôi rất khó chịu.
Ăn cơm xong thím nhất quyết bắt tôi thử cái váy mà thím mua. Lần đầu được mặc váy tôi cũng hồi hộp và ngượng ngùng lắm. Thực ra hồi bé tôi cũng được mẹ mua cho cái váy nhưng lúc mặc váy ra đường tôi lại bị mấy đứa trẻ con trong xóm trêu. Tôi ghét nhất chuyện tụi nhỏ gọi tôi mặc váy liên xô, mặc quần trung quốc. Tôi cũng không hiểu sao ngày ấy nghe thấy tụi nó hô cái câu ấy tôi lại thấy tức giận.
Chiếc váy ấy tôi quý như báu vật nhưng bị bà tôi giận cá chém thớt mang dao ra sân chém. Cơ nguyên chuyện ấy là bà tôi chửi tôi là đánh dĩ mới mặc quần không đũng. Tôi cãi lại bà là váy thì làm sao có đũng, hơn nữa tôi cũng mặc quần bên trong. Bà bảo: mày mặc cái nơm úp gà thế để bím ra cho thiên hạ nó đào mả nhà tao lên hả con đĩ. Khôn hồn thì vứt ngay đi cho bà. Bà mà thấy mày mặc nữa bà chém chết.
Tôi cãi: thế ngày xưa các cụ mặc váy đυ.p thì có để bím ra không bà? Bà chửi thế thì chả khác nào chửi cả các cụ.
Ngay sau khi tôi nói câu ấy bà túm tóc tôi sềnh sệch ra giữa sân lột bằng được chiếc váy ra rồi chém. Tôi ôm lấy đống vải vụn mà khóc nức nở. Từ sau lần ấy chưa khi nào mẹ mua cho tôi chiếc váy nào khác.
Thím Hoa thấy tôi bước ra với chiếc váy thì không ngừng suýt soa: ôi chao! Xuyến Chi quả nhiên là xinh đẹp. Người ta nói người đẹp vì lụa quả không sai.
Bác Thành không tán thành với câu nói của thím Hoa: con gái tôi xinh đẹp từ trước rồi. Thím nói thế là chê con bé không có cái váy thì xấu à?
Thím vội vàng chữa ngượng: ấy không, ý em là Xuyến Chi đã xinh đẹp, mặc thêm chiếc váy này càng xinh đẹp hơn.
Bác Thành bỗng dưng không vui: cởi ra đi! Con gái mặc thế này không được.
Tôi ngạc nhiên nhìn về phía bác, bác giả vờ ôm tim: con xinh đẹp như công chúa thế tụi con trai nó lại dán mắt vào rồi tụi nó thay nhau tới nhà mình quấy rầy. Bố lại đau tim với chúng nó mất thôi!
Tôi phì cười với hành động khôi hài của bác. Từ hôm mẹ mất hôm nay có lẽ tôi thấy tim mình ấm áp nhất. Thím Hoa lượn quanh tôi một lượt: mai thím trang điểm cho Xuyến Chi. Đảm bảo cháu xinh đẹp nhất cho các bạn lác mắt cho xem.
Tôi xấu hổ: cháu không cần đâu thím. Cháu đi sinh nhật bạn học thôi ạ! Với lại cháu còn nhỏ tuổi chưa được trang điểm ạ!
- Ối! 18 tuổi rồi còn ít gì nữa. Thím ngày xưa bằng tuổi cháu sắp lấy chồng đến nơi rồi ầy chứ. Mà trong Sài Gòn tụi học sinh cấp 3 đi học đã trang điểm rồi đấy. Cháu thế là còn muộn.
Bác Thành: thím lo xa quá rồi. Sài Gòn là đất ăn chơi. Chúng ta đang ở quê. Con bé còn đang tuổi đi học, giờ chưa phải lúc lo mấy chuyện đó. Thím đừng đầu độc con bé.
Thím Hoa ra vẻ không hài lòng nhưng lại mỉm cười rất tươi: vâng. Em suy nghĩ chưa thấu đáo.
Thím ngừng một lúc rồi hỏi dò: anh thấy cái váy Xuyến Chi đang mặc có đẹp không ạ?
Bác Thành chau mày: thím hỏi vậy có ý gì? Chú thím đang tính cái gì cứ nói thẳng ra cho tôi nghe xem nào. Nếu là chuyện hợp lí thì tôi ủng hộ chú thím hết mình. Sao thím phải vòng vo tam quốc làm gì?
Thím nghe bác Thành nói vậy mở cờ trong bụng: anh ạ! Chuyện là thế này! Vợ chồng em tính về đây ở hẳn nên muốn kiếm cái nghề để kiếm sống. Em thấy ở khu mình chưa có tiệm bán quần áo nào, hôm nay em thấy mối quần áo chỗ này rẻ mà đẹp, em tính nhập về bán, anh thấy sao ạ?
Bác Thành hỏi: chú thím định nhập quần áo về bán sao?
Chú Tâm: vâng anh ạ! Anh xem vợ chồng em lăn lộn bên ngoài cả chục năm mà bị người ta lừa hết, giờ về tay trắng, nghề nghiệp chẳng có. Em còn phải lo cho cháu Đạt học hành nữa. Anh thương em, anh giúp đỡ chúng em với!
Bác Thành suy nghĩ một hồi: thôi được rồi. Nhưng mà nhà bên chú thím muốn bán hàng phải sửa lại, lắp cái cửa kính cho sáng. Nhà bên ấy để ở không sao, bán hàng thì sửa chữa cũng mất kha khá đấy.
Chú Tâm: em biết anh thương vợ chồng em mà. Vậy anh gọi người về sửa giúp em với. Em xa quê bao năm nay nên chả biết thợ nào mà tìm. Anh ở nhà dân thổ kiếm thợ giỏi làm nhanh nhẹn thì đốc thúc giúp vợ chồng em.
Thím Hoa nói thêm: chuyện bàn thờ của mẹ Xuyến Chi thì em tính thế này. Anh cứ để bàn thờ mẹ Xuyến Chi bên ấy, hàng ngày chúng em ở nhà rồi bán hàng quán có người ra vào nhà cửa cũng đỡ lạnh lẽo chứ Xuyến Chi đi học đóng cửa suốt cũng tội nghiệp chị ấy. Tối thì chúng em dọn hàng vào rồi về bên anh ngủ. Khi nào anh đón chị ấy và Xuyến Chi về bên này ở thì vợ chồng em sẽ dọn qua bên kia sau anh ạ! Em tính vậy có được không anh?
Chú Thím Hoa đúng là giỏi nói chuyện, kiểu gì họ cũng tác động được tới lòng thương người của bác Thành. Bác nhanh chóng đồng ý. Chú Tâm gợi ý: anh này, chúng em cứ mượn tiền của anh thế này thì vợ chồng em thấy có lỗi lắm. Em tính như vậy đi, anh bỏ tiền cho chúng em mượn trước để xây cửa hàng bán quần áo và có vốn nhập hàng. Sau đó em lấy sổ đỏ nhà bên ấy đi cầm ngân hàng lấy tiền về trả lại anh. Dù gì nhà bên ấy vẫn đứng tên vợ chồng em. Coi như anh cho em mượn cái sổ đỏ để cầm ngân hàng vay tiền. Tụi em sẽ mỡ nó rán nó, hàng tháng sẽ tự có trách nhiệm trả cho ngân hàng. Anh không cần lo khoản tiền nong. Như vậy vẹn cả đôi đường, anh thấy được không ạ?
Mọi người nhớ like, share và thả 💕 cho mị nhá