Hoa Dại

Chương 23

Chương 23
🍀Hoa Dại P23🍀

Bác Thành ngước sang nhìn thím Hoa: tôi không nói thím phải coi con gái tôi nhất hay nhì, quan trọng nhất là mọi người coi nhau như người một nhà. Tôi nói thế đấy, chú thím nghe mà liệu.

Chú Tâm cầm bát lên lẳng lặng không nói năng gì. Thím Hoa ngọt nhạt: phải, anh nói phải lắm à! Chúng ta là người một nhà. Người một nhà thì yêu thương lẫn nhau.

Thím nói rồi nhanh tay gắp miếng thịt gà bỏ vào bát của tôi: nào, đùi gà đấy, cháu ăn đi cho khoẻ. Chắc mấy ngày vừa qua cháu mệt mỏi lắm đúng không? Người chết thì mồ yên mả đẹp rồi, người sống cũng phải phấn chấn lên cháu ạ, ăn nhiều một chút lấy sức còn học. À mà Xuyến Chi học lớp mấy rồi ấy nhỉ?

Tôi đáp: thím để cháu tự gắp ạ! Cháu học lớp 12.

Thím cười tươi như hoa: ối trời! Cháu học lớp 12 rồi cơ á? Thế là hơn em Đạt 7 tuổi rồi nhỉ! Vậy là em Đạt từ nay có người kèm cặp rồi. Em Đạt nhà thím thông minh lắm nhưng lại phải cái tính lười học, cháu giúp chú thím kèm thêm cho em nhé.

Bác Thành giục tôi: con ăn đi cho lại người, tối tranh thủ lấy sách ra ôn lại bài đi. Mai con đi học lại. Con cứ kệ chú thím ấy, việc của con là ăn và học, những cái khác con không cần lo

Bác bảo với thím Hoa: giờ thím về không làm gì thì kèm cháu Đạt, Xuyến Chi còn bận học, năm cuối cấp này quan trọng lắm. Chú thím về hẳn thì làm thủ tục xin học cho cháu đi. Năm nay cu Đạt học lớp 5 rồi ấy nhỉ, cũng lại chuẩn bị lên cấp 2, chú thím liệu liệu kèm cặp để nó học hành theo các bạn.

Thím Hoa cười mà méo xệch cả miệng: vâng, anh nói phải ạ! Xuyến Chi học năm cuối là quan trọng lắm. Em cũng nói cho có câu chuyện cho vui ấy mà. Ăn cơm, cả nhà mình ăn cơm.

Tôi thấy vậy bèn nói: cháu rảnh có thể giúp chú thím kèm em Đạt học. Cháu học sáng, vậy chiều và tối nếu em không đi học thì sang học chung cháu kèm em cho thím ạ!

Bác Thành nói: không được, từ giờ con chuyên tâm vào học hành thi cử cho bố. Mai  bố đưa con lên trường trao đổi với thầy cô giáo, con sắp thi học kì phải tập trung cao độ. Chuyện của em Đạt có chú thím lo rồi.

Chú Tâm lúc ấy mở miệng nói: thằng Đạt năm nay lên cấp 2, nó dốt người ta cũng phải cho lên thôi. Giờ trường học thầy cô cũng chạy đua thành tích, để học sinh đúp thì các cô còn thi đua cái gì nữa. Với lại giờ đang xoá mù chữ , phổ cập tiểu học, ai dám để nó học cấp 1 mãi được mà mọi người phải lo.

Bác Thành: dù người ta có phổ cập thì cũng không thể bỏ mặc cháu nó được. Chú Thím phải giành thời gian kèm cặp cháu chứ. Con cái mà không được quan tâm kèm cặp từ bé thì lớn lên dạy không nổi đâu. Mà...tôi thấy chú nói thế là bất mãn à?

Chú Tâm chắc động lòng tự ái để bát cơm xuống mâm: em ăn no rồi, mọi người ăn rồi nói chuyện đi.

Thím Hoa vội vã kéo tay chồng: kìa mình, trời đánh tránh miếng ăn mà. Mình có không hài lòng cũng phải ăn thêm lấy sức chứ. Mình thế này em còn tâm trạng nào mà ăn nữa.

Bác Thành đặt bát cơm xuống mâm: chú tức giận cái gì? Nếu chú mệt thì về phòng nghỉ, còn chú mà giận tôi thì xác định chú còn giận dài dài. Tôi già rồi nên khó tính, tôi là giống bố mẹ lúc còn sống đấy.

Chú bỏ đi còn lùng bùng: bé thì ông bà già quản thúc, già đầu thì anh trai quản thúc. Thằng này sinh ra đúng là đồ thừa mà.

Tôi chẳng biết sao sự tình lại xảy ra như thế. Bác Thành nhìn chú Tâm đi khuất vào phòng bảo thím Hoa: thím phụ nữ mềm mỏng thì khuyên can chú ấy nhiều vào. Chú ấy cũng chẳng phải mười tám, đôi mươi mà còn giận dỗi kiểu đấy nữa. Đây là góc độ anh em máu chảy ruột mềm tôi nhắc chú thím, còn như người dưng tôi chả thèm mở miệng cho tốn sức.

Thím Hoa và vội bát cơm rồi cũng đứng dậy: vâng, em sẽ khuyên bảo nhà em thêm. Anh và cháu ăn cơm.

Tôi ngồi như người thừa giữa mâm cơm "gia đình". Bác giục tôi: con mau ăn đi, con đừng suy nghĩ gì cả. Chuyện không liên quan đến con. Chú ấy giận bố chuyện từ hồi chiều rồi chứ không riêng chuyện này đâu.

Bác thấy tôi ngồi im lặng bèn mỉm cười: sao thế? Sao con không ăn?

Tôi đáp: bác có thể đừng bênh con quá như vậy được không?

Bác nghe tôi hỏi phì cười: như thế nào là bênh quá! Con mà hư bố nhốt vào phòng quất cho tét mông chứ ở đó mà bênh. Quan trọng là con không sai gì cả, con là đứa bé ngoan, hiểu lễ nghĩa. Giá như những người lớn họ biết nghĩ và sống có tâm ý được bằng như con thì bố đỡ phiền lòng.

Bác nói xong tắt vội nụ cười, gương mặt bác trầm tư rất nhiều. Tôi hiểu từ "người lớn" bác nhắc đến là ai. Có lẽ chú ấy cũng chính là nỗi lo của bác bấy lâu nay. Bác ấy điềm tĩnh và chững chạc trái ngược hoàn toàn với tính cách chú Tâm. Bác vì chú thím ấy mà cũng hao tâm nhiều lắm, đơn giản từ việc bác lo lắng cho chỗ ở của chú thím hay việc bác lo xa đến chuyện ngôi nhà chú ấy bán khi xưa. Nếu bác không thương chú thím chắc chắn sẽ không mua lại căn nhà ấy để giành lỡ chú thím sa cơ lỡ vận trở về còn có chốn dung thân.

Tôi mở miệng xua đi cái không khí tĩnh lặng ấy: cơm hôm nay ngon thật, lâu lắm con không thấy ngon và ăn nhiều như vậy.

Bác mở nồi cơm nghiêng cho tôi xem: họ chê thì bố con mình ăn hết nhé! Không hết không đứng lên.

Tôi nhìn nồi cơm còn hơn một nửa mà giả vờ lo lắng:  nếu ăn vậy con  làm sao mà đi học được ạ?

Bác gõ gõ đôi đũa vào nồi rồi đáp: ồ! Bố quên mất! Xuyến Chi là thiếu nữ rồi. Giờ con gái lo ăn nhiều mất eo xấu gái đúng không nào? Nhưng con gầy lắm, con phải chịu khó ăn nhiều vào cho béo lên lấy sức mà học. Giờ xấu xấu một tí cho cái đội thanh niên nó đỡ nhòm ngó, bố đỡ phải thả chó. Chắc bố phải học theo mấy cụ ngày xưa treo biển trông con mất thôi.

Tôi nghe bác nói mà không nhịn được cười khẽ hỏi: bác Thành, sao bác tốt với con vậy? Con nợ bác nhiều quá!

Bác nghiêm mặt: con đừng làm bố nhớ đến mẹ Lan có được không?

Quả thực mà nói, bác Thành đúng là người đàn ông chuẩn của chuẩn. Người ta nói tình yêu là bất chấp, bác luôn yêu thương mẹ con tôi theo cách riêng của bác, lặng thầm, không đòi hỏi, không tính toán. Tôi lại bỗng ước giá như thời gian quay trở lại, chắc chắn chúng tôi sẽ hạnh phúc biết bao nhiêu.

Bác Bỗng dưng hỏi tôi: con lại nghĩ đến mẹ đúng không? Lại tự hỏi sao bố tốt như thế? Lại ngưỡng mộ và ước ao đúng không? Là do ý trời. Ông trời xếp cơ duyên cho chúng ta gặp nhau nhưng chắc kiếp trước ta tu chưa đủ nên kiếp này duyên phận mỏng manh, mẹ con phải đi sớm lìa xa bố con mình. Mà con yên tâm đi, bố con ta nhất định sẽ vui vẻ, lạc quan và hạnh phúc cho mẹ trên trời mỉm cười mãn nguyện.

Hai bác cháu ngồi ăn cơm khá lâu, lúc dọn bát bác lấy cơm cho chó ăn rồi hỏi: sao con không thắc mắc chuyện bố cho nhà chú Tâm về ở căn nhà bên ấy?

- Đó là nhà của bác! Bác cho ai ở sao con dám có ý kiến ạ?

- Vậy con đồng ý theo sự sắp xếp của bố đúng không? Chờ cúng 100 ngày cho mẹ con xong bố con mình đón mẹ về bên nhà ở. Một nhà ba người chúng ta sẽ sống vui vẻ.

- Bác đã lo lắng sắp xếp chu toàn mọi chuyện cho mẹ con rồi, con còn có gì để suy nghĩ hay thắc mắc đâu bác. Thực sự là con phải biết ơn bác rất nhiều. Bác giống như ông bụt trong truyện cổ tích mà con hay đọc hồi bé ấy.

Bác cười khà khà: con bé này, sao lại ví bố như ông bụt chứ? Bố chỉ mong muốn rằng được làm người bố tốt của bé Xuyến Chi mà thôi. Nhưng con yên tâm đi, dù bố không là ông bụt nhưng trời có sập bố nhất định sẽ chống cho con.

🍀🍀🍀🍀

Ngày hôm sau tôi dậy sớm đi học. Tôi mở cửa đã thấy bác đứng sẵn ở cổng. Bác gọi tôi: con gái, hôm nay bố chở con đi học. Con để xe ở nhà đi.

Tôi ngạc nhiên: sao bác phải làm vậy ạ?Con khoẻ rồi, con tự đi học được mà bác.

- Bố biết con khoẻ và con tự đi học được. Tuy nhiên hôm nay con đi học lại, bố muốn đến trường cám ơn các thầy cô giáo và các bạn học đã đến thăm hỏi chia buồn cùng gia đình mình.

Tôi miễn cưỡng cầm cặp trèo lên phía sau xe bác. Bác chở tôi đi một đoạn thì ghé vào tiệm tạp hoá lấy một thùng đồ và mấy bọc trái cây to đùng. Tôi thắc mắc: nhà mình có việc gì hay bác mua hộ ai thế ạ?

Bác cười: bố mua ít quà gọi là đáp lễ cho các thầy cô và các bạn học lớp con thôi, của ít lòng nhiều con ạ!

Tôi sửng sốt: bác à! Bác không cần làm như vậy đâu ạ! Thầy cô và các bạn ngộ nhỡ hiểu sai bảo bác đút lót thầy cô thì con mang tiếng lắm ạ!

- Ai dám nói bậy bác khoá miệng nó lại. Yên tâm đi con, mình chỉ là đáp lễ lấy thảo chứ mỗi tí quà thế này ai mà dám bảo đút lót mà con lo. Mà con thấy ai đi đút lót mà đường hoàng vác đi như bố con mình không? Với lại con học dốt cho cam, đằng này con lại học nhất nhì lớp. Nói gì thì nói, chả có cái lí do gì để họ nói chúng ta đang đút lót cả. Tất cả là do con suy nghĩ quá nhiều mà thôi!

Tới trường, hai bác cháu tôi khệ nệ mang đồ vào văn phòng giáo viên trước. Các thầy cô giáo ai cũng ngạc nhiên. Có lẽ đây là lần đầu tiên các thầy cô gặp phụ huynh mang quà đáp lễ cám ơn việc nhà trường đã thăm viếng đám ma. Thầy chủ nhiệm của tôi vội vã bắt tay bác Thành: chú à! Chú chu đáo và cẩn thận quá. Chú làm vậy chúng tôi lại thấy áy náy, bởi lẽ thăm hỏi đám hiếu là chuyện chúng tôi nên làm.

Bác Thành cười: tôi biết các thầy cô đều là người tốt, sống tình nghĩa. Có tấm lòng như thầy cô mới dạy ra thế hệ trẻ vừa giỏi vừa ngoan, giúp phụ huynh chúng tôi an tâm làm ăn. Đây chỉ là một chút lòng cám ơn các thầy cô lấy thảo, mong các thầy cô nhận lấy cho chúng tôi vui lòng.

Cô giáo dạy văn của tôi xúc động ôm lấy tôi: con gái à! Cố lên con nhé! Cô được nghe các bạn kể về hoàn cảnh của con, cô rất xúc động. Nếu con có khó khăn gì hãy nói với cô. Cô không hứa sẽ giúp được tất cả, nhưng bất cứ khi nào con cần, cô sẽ san sẻ cùng con.

Các thầy cô cũng đều động viên tôi cố gắng vượt qua nỗi đau và khó khăn. Bác Thành xúc động cám ơn các thầy cô và gửi gắm tôi cho nhà trường. Tôi còn nhớ như in câu bác nói: tuy tôi không phải người sinh ra Xuyến Chi, nhưng tôi nguyện sẽ ở bên chăm sóc và bảo vệ con bé. Từ nay tôi sẽ thay mẹ cháu kết hợp với nhà trường dạy dỗ con bé thành người có ích. Nếu ở trường có vấn đề gì mong các thầy cô thông báo giúp tôi một câu. Tôi học ít chứ không giỏi như các thầy cô. Kể mà thầy cô cho tôi đi học lại chắc tôi cũng cắp sách đi cùng cháu.

Cô hiệu phó rưng rưng nước mắt: anh đúng là một người tuyệt vời! Em Xuyến Chi cũng là một học sinh giỏi. Em ấy tuy không may mắn mồ côi mẹ nhưng bù lại có một người cha tận tâm như anh, thật đáng tự hào! Nhất định nhà trường sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho em hoàn thành năm học cuối cùng thuận lợi nhất!

Hai bác cháu chào thầy cô rồi mang đồ về lớp. Các bạn thấy tôi đi học lại, bạn thì vui vẻ ào ra hỏi thăm tôi, có nhóm khác thì tụ tập chỉ trỏ bàn tán. Bác Thành đứng lên thay tôi nói lời cám ơn các bạn rồi bê thùng quà đặt xuống góc lớp. Bác về, thầy giáo vào dạy. Cả buổi học cô bạn ngồi cùng bàn cứ cách tôi một khoảng. Giờ ra chơi tôi và lớp trưởng nhanh nhẹn chia số quà bác Thành mua về các bàn. Hầu như mọi người đều vui vẻ nhận lấy. Chỉ có một người không nhận, thậm chí hất tay tôi làm rơi mấy cây kẹo xuống sàn nhà. Lớp trưởng thấy vậy bèn hỏi: Vi, bạn tỏ thái độ gì vậy? Xuyến Chi làm gì bạn mà bạn lại làm thế?

Vi lườm lớp trưởng: ai cần đồ ăn của bạn ấy?

(Mọi người nhớ tương tác nha.)