Chương 21
🍀Hoa Dại P21🍀Tác giả: Phú Dương
Page: Phú Dương- Mrs Duong.
Đám tang của mẹ tôi diễn ra nhanh chóng. Bác Thành bàn bạc đưa mẹ đi thiêu. Thời bấy giờ người chết hầu như toàn là chôn cất rồi chờ vài năm sau sang áo. Khi ấy mẹ tôi được đưa đi thiêu mọi người cũng dị nghị bàn tán. Cô Thuý giải thích mẹ tôi bệnh lao, gia đình lại không có người thân, anh em họ hàng thân thích nên đưa mẹ tôi đi thiêu là hợp lí nhất. Tất thảy cũng chẳng ai nghi ngờ lời cô Thuý nói. Bởi lẽ nếu lộ ra thông tin mẹ tôi bị HIV giai đoạn cuối mà mất chắc chắn đám tang của mẹ sẽ chẳng có ai đến thăm viếng.
Khu nhà tôi có trường hợp nhà chú An cũng từng như thế. Gia đình chú ấy cũng đông họ hàng anh em nhưng khi đám tang lại rất ít người thăm hỏi. Một phần trước khi chú mất cũng nghiện ngập chích hút trộm cắp nên mọi người ghét bỏ. Một phần do mọi người nói chú bệnh SIDA nên hạn chế thăm viếng. Thậm chí người ta đến viếng cũng không ở lại uống chén nước hay ăn cơm đám ma giống như đám tang những người khác. Khi ấy cái tư tưởng bệnh AIDS là bắt buộc mọi người xa lánh và kì thị bởi họ sợ ở lại sẽ lây căn bệnh thế kỉ ấy.
Đám tang mẹ diễn ra vội vàng, gấp gáp. Mấy người hàng xóm cạnh nhà ông bà tôi cũng đến hỏi thăm, tuyệt nhiên ông bà tôi không xuống. Cả vợ chồng cô Na xuống ở từ hôm trước tới hôm sau xong việc mới về. Tôi nghe cô bảo rằng vì mẹ không phải con ông bà nên ông không cần phải tới. Tôi nghe mà tủi thân nhiều lắm, bởi dù sao mẹ tôi cũng ở nhà và phụng dưỡng ông bà suốt ba mấy năm. Vậy mà khi mẹ nằm xuống, một câu hỏi thăm ông bà cũng chẳng có. Quả nhiên, cuộc đời của mẹ quá bạc, đến khi chết vẫn còn bạc!
Bạn học; thầy cô giáo lớp và phụ huynh lớp tôi cũng tới thăm hỏi. Mấy bạn còn ở lại động viên an ủi tôi. Tôi chỉ như người mất hồn chẳng nói chẳng rằng đứng lặng thinh đáp lễ. Có lẽ ai đã từng gặp nỗi đau mất đi người thân yêu duy nhất mới thấu được nỗi lòng của tôi lúc bấy giờ.
Sau đám tang của mẹ tôi như biến thành người khác. Tôi tủi thân, tôi mặc cảm và tự ti. Tôi thậm chí sợ gặp mọi người. Cả ngày tôi chỉ ngồi im trong nhà ngắm di ảnh của mẹ. Đã có lúc tôi nghĩ dại muốn kết thúc cuộc đời của mình đi theo mẹ cho xong, bởi lẽ mất mẹ tôi sống trên đời này còn có ý nghĩa gì nữa.
Năm ngày sau khi mẹ mất, tôi vẫn nghỉ học tự nhốt mình trong nhà. Bạn bè tới động viên tôi đi học trở lại nhưng tôi từ chối không gặp bất cứ ai. Hàng xóm thấy tôi chỉ biết lắc đầu ngao ngán. Cô Thuý lúc ấy vẫn tranh thủ sang ngủ thì thầm tâm sự với tôi. Tuy nhiên có cô bên cạnh tôi lại nhớ đến mẹ nhiều hơn nữa.
Ngày thứ 6, cô Thuý thấy tôi vẫn ủ rũ, không lấy lại được tinh thần mới khuyên nhủ: Xuyến Chi này. Mẹ đã mất thì cháu phải để mẹ đi vui vẻ và an lòng. Cháu cứ như thế này mẹ cháu dưới chín suối sẽ đau lòng lắm, cháu có biết hay không?
Tôi lặng im nghe cô nói chứ không đáp lại lời cô. Cô nói tiếp: cô biết cháu đau lòng. Nhưng cháu có biết cháu tự tổn thương mình thì mẹ cháu và mọi người xung quanh cũng đau lòng lắm hay không. Mẹ cháu mất không hẳn là kết thúc. Mẹ vẫn ở trên trời nhìn dõi theo cháu ở dưới này. Cháu hứa với mẹ rằng phải học hành cho giỏi để thi đại học rồi lấy bằng về cho mẹ xem. Vậy mà mẹ mới mất có mấy ngày cháu đã nuốt lời hứa với mẹ mẹ. Cháu nghĩ mẹ có đau lòng hay không?
Tôi ngẩng đầu lên trả lời cô: mẹ cháu chết rồi. Cháu học còn có ý nghĩa gì nữa chứ? Giấy khen để làm gì? Bằng tốt nghiệp để làm gì? Nó có nghĩa là nữa hả cô?
Bác Thành đi từ ngoài vào chỉ tay vào tôi mà nói: vô dụng. Cháu là đứa con gái vô dụng và bất hiếu nhất trên đời này. Mẹ cháu mất nhưng linh hồn mẹ vẫn ở đây. Từng giây từng phút mẹ cháu vẫn nghe cháu nói, nhìn cháu làm. Cháu có xứng với hi sinh của mẹ hay không? Cháu không tự hỏi bản thân tại sao mẹ cháu lại ra đi sớm như thế hay không? Tại vì sao nào? Cháu mau nói cho bác biết. Tại sao lại như thế?
Trước cơn thịnh nộ của bác tôi bỗng bị biến thành kẻ tội đồ. Tôi lắc đầu, nước mắt nước mũi giàn giụa. Cô Thuý ôm lấy tôi vỗ về: Xuyến Chi là đứa bé ngoan. Xuyến Chi chắc chắn sẽ giữ lời hứa với mẹ có đúng hay không?
Tôi gật gật đầu. Cô thả người nắm lấy bàn tay tôi: cháu ốm quá! Bao nhiêu ngày nhịn ăn, nhịn ngủ, cháu mà cứ thế này làm sao có sức khoẻ để học tập cho tốt chứ? Nghe lời cô, ăn cơm nhé!
Tôi lắc đầu: cháu không muốn ăn gì cô ạ!cháu muốn ở với mẹ thôi!
Bác Thành như người điên lao đến lôi tôi ném ra giữa nhà. Bác chỉ tay vào tôi mà rằng: mẹ cháu không có đứa con vô dụng như thế. Đời người ai mà không phải chết. Mẹ cháu vì cháu hi sinh cả cuộc đời chỉ muốn cháu được sống tốt, được bằng bạn bằng bè. Cháu có biết để có cháu hôm nay mẹ đã phải bỏ bao nhiêu mồ hôi, nước mắt. Mẹ cháu đúng là mù mắt rồi. Mẹ cháu không nhìn thấy cháu vô dụng ra sao nên mới hi sinh cả mạng sống cho cháu. Cháu đúng là đồ tồi. Đồ bỏ đi!
Cô Thuý vội lao tới đỡ lấy tôi: sao anh lại nặng lời với con bé như thế? Con bé quá đau lòng mới nghĩ chưa thông. Anh để em từ từ khuyên can cháu.
Bác Thành đáp: loại người vô dụng này có khuyên cũng bằng thừa. Cô xem có phải mọi người không khuyên đâu, bạn bè, thầy cô, xóm láng, tôi và cô đều hết lòng hết sức khuyên can nhưng con bé có coi ra cái gì đâu. Đầu nó đúng là không chứa não nữa rồi. Tôi phải mắng cho nó tỉnh người ra. Để nó thế này tôi đau lòng lắm. Mẹ con bé chắc chắn sẽ ân hận, lo lắng mà không chịu đầu thai chuyển kiếp cho mà xem.
Tôi ngước lên nhìn bác rồi lại nhìn bàn thờ của mẹ. Khói hương vẫn nghi ngút, tấm hình mẹ vẫn tươi như đang cười với tôi. Tôi cố đứng dậy đi về phía mẹ nhưng được vài bước tôi chao đảo rồi ngất lịm.
----------------
Lúc tỉnh dậy tôi đã ở bệnh viện. Tôi mở đôi mắt vô hồn nhìn xung quanh một lượt. Tôi khẽ cười nhạo bản thân mình. Quả nhiên tôi không hề cứng cỏi và bản lĩnh như bản thân tôi từng nghĩ. Bởi lẽ khi phát hiện ra bệnh tình của mẹ, tôi đã biết chắc chắn cái kết cuộc đời của mẹ. Vậy mà tôi không làm chủ được tâm lí của mình. Từ một người hiểu chuyện, hoạt bát tôi bị biến thành cái xác vô hồn, cả ngày ngây dại nhìn bàn thờ mẹ.
Tôi giật sợi dây truyền nước khỏi tay từ từ bước xuống giường. Đầu óc tôi hoàn toàn trống rỗng. Tôi chỉ muốn kết thúc cuộc sống đầy bi thương và mất mát ấy để đi cùng mẹ. Tôi còn tin tưởng rằng mẹ cũng đang chờ để đón tôi đi cùng.
Tôi tìm quanh phòng nhưng chả có thứ gì giúp tôi kết thúc mạng sống. Căn phòng cấp cứu có 8 chiếc giường nhưng chỉ có một mình tôi nên nó rộng rãi và trống trải vô cùng. Tôi lê chân ra cửa lững thững bước đi. Tôi cứ bước mà chẳng biết mình nên đi về đâu và làm gì. Rồi tiếng hét, tiếng còi xe chói ta vang lên. Trong đầu tôi lúc ấy loé lên một suy nghĩ rằng tôi sẽ chết. Rất nhanh, một cơ thể lao ra ôm lấy tôi. Tôi bị ngã vật xuống đường, đầu đập lên cánh tay ai đó. Giật mình, tôi choàng tỉnh khỏi cơn điên loạn. Mọi người đổ xô lại phía chúng tôi. Tôi hốt hoảng nhìn xuống, là bác Thành, một lần nữa bác cứu tôi khỏi cơn nguy kịch.
Bác Thành tặng cho tôi một cái tát cháy má: cháu đúng là điên thật rồi. Cháu mau tỉnh táo lại cho bác. Muốn chết sao? Cháu tưởng cứ muốn chết là được chết hay sao? Trước lúc chết mẹ cháu gửi gắm cháu cho bác. Được! Cháu muốn chết vậy bác cháu ta cùng chết.
Bác nói xong lôi xốc tôi dậy kéo ra giữa đường. Tôi run lên ôm chặt lấy cánh tay bác: không! cháu muốn sống! Cháu muốn thực hiện lời hứa với mẹ. Cháu không muốn chết! Cháu không muốn chết!
Bác nghe tôi nói lập tức kéo tôi vào bệnh viện trước anh mắt tò mò của người đi đường. Về tới phòng cô ý tá cũng đang chạy hớt hơ hớt hải tìm tôi. Vừa thấy tôi cô vội vã mắng: cháu vừa chạy đi đâu thế? Cháu biết mọi người lo lắng cho cháu lắm hay không?
Tôi lí nhí nói: cháu xin lỗi!
Bác Thành thở dài: giờ con bé sẽ không bỏ đi nữa đâu. Cô xem lắp dây truyền lại cho con bé. Cả 5-6 ngày con bé không ăn không ngủ. Cứ như này con bé kiệt sức mất.
Cô y tá nhìn bác Thành vội nói: anh bị sao thế? Tay anh chảy máu, anh mau đi rửa rồi băng vết thương lại đi.
Nghe cô y tá nói tôi mới để ý sang tay bác Thành. Đây là do bác đỡ lấy tôi ban nãy mới để lại vết rách chảy máu như thế. Bác bảo tôi: cháu vào phòng tiếp tục truyền nước đi. Bác không sao. Có vết rách nhỏ xíu như vậy bác không chết được đâu.
Bác giao tôi cho cô y tá rồi lầm lũi bước đi. Bóng vai bác hôm nay sao lạnh lẽo, cô đơn. Có lẽ mẹ mất, không chỉ tôi đau mà bác cũng đau theo cách riêng của bác. Tôi tự nhủ nhất định sẽ phải sống tốt làm niềm tự hào của mẹ và không phụ lòng của người đàn ông đã yêu thương mẹ con tôi hơn cả bản thân mình.
🍀🍀🍀
Sau 2 ngày nằm viện tôi khoẻ lại nên bác Thành làm thủ tục cho tôi về nhà. Tôi về buổi sáng thì chiều nhà tôi có khách ghé thăm. Một nhà ba người họ vào nhà nhìn một lượt rồi bảo tôi: chúng tôi là chủ của ngôi nhà này. Chúng tôi đi xa mới về. Chắc cô là người thuê nhà đúng không?
Tôi mời họ ngồi xuống ghế lấy nước mời. Người đàn ông đi sang nhà bác Thành còn vợ con chú ấy ở lại ngồi với tôi. Rất nhanh sau đó bác Thành sang nhà tôi. Người phụ nữ vội lên tiếng: anh ơi! Chúng em đường cùng mới phải về bấu víu vào anh. Nhà này trước đây em biết là anh đã đưa tiền cho chúng em làm ăn rồi nhưng giờ chúng em làm ăn thua lỗ thành trắng tay. Em biết anh thương người, người ngoài như họ anh còn cho ở được thì em nghĩ anh không bỏ rơi vợ chồng em và cháu bác. Anh xem cả nhà ba người chúng em khổ sở lắm anh ơi!
Bác Thành thở dài: ngày cô chú đi tôi đã gàn rồi mà cô chú không chịu nghe. Không ngờ mới qua mấy năm mà cô chú đã thành ra như vậy. Cái nhà này ngày ấy cô chú bán nhưng tôi tiếc nên đưa tiền cho cô chú để giữ lại, tôi cũng không sang tên mà vẫn để tên của chú. Tôi tính vậy để nếu có ngày cô chú trở về còn có chỗ chui ra chui vào.
Em trai bác Thành ôm lấy anh trai mà khóc: anh ơi! Em biết chắc chắn anh sẽ không bỏ rơi chúng em mà. Vậy giờ anh bảo người ta dọn đi cho vợ chồng em vào ở được không anh?
Bác Thành lắc đầu: không được!
Người phụ nữ ngạc nhiên: sao lại thế hả anh? Anh vừa nói sẽ cho chúng em ở đây còn gì? Nếu anh lo số tiền ngày trước đưa cho vợ chồng em thì coi như mấy chục triệu đó chúng em nợ anh, chúng em sẽ trả lại khi có.
Bác Thành đáp: cô chú và cháu sang nhà tôi ở tạm đi. Nhà này tôi để mẹ con cô ấy ở rồi. Cô ấy mới mất có 1 tuần, cô chú muốn ở phải chờ qua 100 ngày.
Người đàn ông lớn tiếng: anh vừa nói cái gì? Sao anh lại cho người chết ở nhà chúng em? Anh có biết như thế là đen đủi lắm hay không? Người sống ở cũng còn phải xem xét, huống hồ người ta có thân thích gì đâu. Anh làm thế là có ý gì?
Người phụ nữ cũng giận dữ: đúng rồi! Chúng em dù gì cũng là em của anh. Nhà đang yên đang lành anh cho người lạ vào ở. Đã vậy họ lại chết ở đây nữa. Anh bảo thế này làm sao mà chúng em ở được chứ?
Bác Thành tức giận: cô chú không ở được thì thôi. Người chết thì làm sao? Ai mà không phải chết?
Em trai bác Thành chỉ tay vào tôi: anh vì con bé này mà mắng em sao? Hay anh có ý gì với con ranh này?
🍀Lời tác giả: Nhớ ngày nào khi mới đọc nửa vời câu chuyện "Hoa Dại", có rất nhiều bạn vào nói cô Lan là người phụ nữ nhu nhược, người mẹ tồi. Thậm chí có những Cm nói cô ấy ngu dốt nữa.... Mị khi ấy chỉ nói: cô ấy có lí do riêng mới làm như vậy. Giờ cô ấy đã kết thúc chuỗi ngày u ám, buồn tủi. Mọi người hãy nói xem: có ai trong chúng ta đủ cam đảm và tình thương như người mẹ ấy? Mặc dù cô ấy không học hành đàng hoàng, cũng không xinh đẹp hay tài giỏi...nhưng trong cuộc chiến làm #MẸ mị tin cô ấy là người xuất sắc.