Hoa Dại

Chương 18

Chương 18
🍀Hoa dại p18🍀

Tôi lao vào đỡ mẹ, mẹ đẩy mạnh tôi ra. Tôi lồm cồm bò dậy lao ra phía mẹ nhưng mẹ chỉ tay vào tôi thều thào: tránh ...tránh... xa mẹ ra, ..mẹ ...tự lo được.

Tôi gào lên: mẹ đi viện đi. Mẹ đừng làm con sợ.

Mẹ tôi nói không ra hơi, đứt đoạn từng từ: mẹ...không ...sao..con...mau...tránh xa...mẹ ra.

Tôi lắc đầu: không, me ho ra máu, có phải mẹ bị bệnh gì nặng lắm không?

Mẹ tôi xua tay: không sao! ...Mẹ không sao. Chạy đi ...gọi ...cô Thuý.. cho mẹ!

Tôi vẫn muốn chạy lại dìu mẹ mà mắt mẹ trợn lên ra lệnh: đi ..ngay...!

Lúc ấy tôi sợ lắm! Tôi co chân chạy ra mở cửa. Vì hoảng loạn tôi mở mãi mới được cái khoá, chưa khi nào tôi thấy ghét cái khoá cửa đến thế. Tôi chạy ra cửa nhà bác Thành đập tay lên cửa mà gọi: bác Thành! Cứu mẹ cháu! Bác Thành ơi! Mau cứu mẹ cháu.

Rất nhanh bác Thành mở cửa chạy ra ngoài. Mặt bác hốt hoảng không hiểu chuyện gì đã xảy ra: Xuyến Chi, mẹ con làm sao?

Tôi lắp bắp chỉ về phía nhà: máu...mẹ ho ...ra máu.

Tôi nói xong lại oà lên khóc rồi chạy sang gọi cô Thuý. Lúc tôi về đến nhà mẹ tôi mệt mỏi ngồi ở dưới sàn nhà. Mẹ đã múc nước dội sạch chỗ máu nôn ra khi nãy. Tôi chạy lại ôm lấy mẹ: mẹ đừng làm con sợ! Mẹ thấy người sao rồi? Sao mẹ ho ra nhiều máu thế?

Mẹ mệt mỏi nhưng cố cười với tôi: không sao! Mẹ khoẻ rồi.

Bác Thành chạy sang hô to: mau, đi viện!

Mẹ tôi mệt tới không trả lời bác. Cô Thuý còn mặc nguyên cả bộ ngủ chạy sang hỏi dồn dập: chuyện gì thế chị? Chị bị làm sao? Con Xuyến Chi nói chị nôn ra máu. Là chị ho phun ra máu hay nôn ra máu? Máu nhiều không? Chị đau chỗ nào? Có đau bụng hay tức ngực gì không?

Bác Thành nói to: cô hỏi từ từ thôi. Mau giúp tôi đưa Cô ấy đi viện.

Mẹ tôi nói rất nhỏ: tôi ho ra máu, chắc tôi ho lâu quá nên bị như thế. Mọi người đừng quá lo lắng, sẽ không có chuyện gì đâu.

Tôi khóc tu tu như đứa trẻ: mẹ cháu ho nhiều lắm. Cháu bảo mẹ đi khám mà mẹ không chịu.

Mọi người đưa mẹ tôi xuống viện, bác sỹ bắt mẹ làm thủ tục nhập viện. Có lẽ mẹ mệt nên đi kiểm tra một lượt mẹ ngủ thϊếp đi. Tôi và bác Thành ngồi trông mẹ. May mắn có cô Thuý nên mẹ tôi lấy được kết quả khá sớm.

Cô Thuý bước vào phòng bệnh mặt cô buồn buồn. Bác Thành hỏi: bác sỹ nói sao hả cô Thuý?

Cô Thuý đáp: không sao đâu anh. Chị làm nhiều quá lại ăn uống kham khổ không đủ dinh dưỡng nên lao lực.

Tôi thắc mắc: nhưng mẹ cháu ho ra nhiều máu lắm cô ạ! Mẹ cháu có nguy hiểm gì không hả cô? Cháu sợ lắm! Mẹ cháu càng ngày càng gầy. Cô không nhìn thấy mẹ cháu ho phun ra máu lúc sáng đâu. Máu nhiều lắm! Toàn là máu tươi cô ạ!

Bác Thành cũng hỏi: có kết quả tết cả chưa cô Thuý? Rốt cuộc là ho ra máu do nguyên nhân nào?

Cô Thuý thở dài ngồi xuống ghế: chị ấy do ho quá lâu ngày nên bị tổn thương đường hô hấp. Thổ huyết cũng dễ hiểu. Chị ấy giờ hơi yếu vì thời tiết nắng nóng thế này....

Bác Thành: nhưng nguyên nhân nào mà ho phun ra máu như thế chứ? Có phải lao phổi không? Hay giãn phế quản?

Cô Thuý lắc đầu: không phải đâu anh: chỉ là chị ấy ho dài quá, lại tăng huyết áp kết hợp mấy hôm nay trời quá nóng, chị ấy tham làm quá sức nên bị như thế. Ho ra máu sẽ còn tái phát nếu chị ấy không nghỉ ngơi hợp lí. Bệnh này tái phát nhiều lần sẽ khiến cơ thể bị suy kiệt, có người mất máu quá nhiều còn nguy hiểm tính mạng.

Tôi nghe cô Thuý nói vậy lại oà lên khóc. Tôi cầm bàn tay mẹ ốp lên má: mẹ ơi! Mẹ mau khoẻ lại mẹ ơi. Con sợ lắm! Mẹ phải mau chóng khoẻ lại.

Cô Thuý ôm lấy tôi mà động viên: mẹ cháu không sao đâu. Cháu yên tâm nhé. Giờ mẹ hơi mệt, bác sỹ đã truyền thuốc cho mẹ rồi, mẹ sẽ không ho ra máu nữa.

- Mẹ cháu dạo này làm nhiều quá! Mẹ đi làm tăng ca cả chủ nhật cô ạ! Đêm về mẹ còn thức khuya móc áo cho người ta nữa. Cháu nói mẹ nghỉ mà mẹ không chịu.

Cô Thuý gật đầu: được rồi! Từ giờ sẽ không cho mẹ lao động quá sức nữa. Cháu đừng quá lo lắng.

Bác Thành thở dài: khổ thân hai mẹ con. Mà cô ấy tự tôn cao lắm, nhất định không chịu nhận sự giúp đỡ của người khác. Giờ bệnh tật ra có khổ không cơ chứ?

Bác bảo tôi: Xuyến Chi, sau đợt này mẹ khỏi bệnh, con gả mẹ cho bác nhé! Hai bác cháu tự quyết bắt mẹ Lan phải theo.

Cô Thuý nghe vậy liền nói: em nghĩ anh nên tôn trọng quyết định của chị ấy. Chị Lan là người tốt, chị ấy làm gì cũng suy nghĩ thấu đáo cả rồi. Giờ chị ấy bệnh như thế, anh lại ép chị ấy ngộ nhỡ chị ấy bị kích động thì sao ạ? Bệnh của chị ấy là tuyệt đối không được kích động anh ạ!

Bác Thành: vậy cô nói tôi phải làm sao?

Cô Thuý: nếu chị ấy đồng ý lấy anh thì đã đồng ý từ lâu rồi, không chờ đến giờ đâu. Em nghĩ anh cứ là người bạn tốt của chị ấy như bây giờ là được rồi. Chị ấy cần một người bạn tốt, một tri kỉ hơn là một người chồng vì bản thân chị ấy có thể đảm đương vai trò của một người trụ cột gia đình rồi.

Bác Thành nhíu mày: sao mọi lần cô ủng hộ tôi lắm mà hôm nay lại đứng về phía cô ấy vậy?

Cô Thuý đáp: em là suy nghĩ cho cả hai người. Đứng trên quan điểm của chị ấy mà nói thì chị ấy làm đúng.

Cô quay sang bảo tôi: Xuyếnp Chi chịu khó tâm sự động viên và kể chuyện vui cho mẹ nghe nhé. Thương mẹ thì cháu cố gắng học hành cho tốt, đừng làm mẹ buồn lòng nghe không?

Tôi gật đầu: vâng, cháu sẽ không bao giờ để mẹ cháu buồn. Mẹ cháu cả đời khổ cực. Cháu nhất định sẽ ngoan ngoãn, hiếu thảo với mẹ.

🍀🍀🍀🍀

Mẹ tôi tỉnh dậy và nói chuyện vui vẻ như không có chuyện gì xảy ra. Mẹ luôn miệng nói tôi và mọi người vì lo lắng mà làm quá lên chứ mẹ khoẻ, mẹ không sao, vài hôm là mẹ khoẻ lại bình thường. Tôi ở cạnh mẹ cả buổi hàn huyên đủ thứ chuyện trên trời dưới bể chọc cho mẹ cười. Mẹ hỏi: sáng nay con nói hôm nay là ngày cực kì quan trọng. Giờ con cho mẹ biết ngày hôm nay là ngày quan trọng gì vậy?

Tôi thấy mẹ nhắc mới nhớ ra chuyện quan trọng mà tôi định làm. Hôm nay, đáng lẽ cả nhà tôi sẽ vui vẻ mừng sinh nhật mẹ, tuy nhiên mẹ tôi lại bệnh tới nhập viện. Tôi nhìn mẹ gượng cười: hôm nay là sinh nhật mẹ, mẹ không nhớ hay sao ạ? Con định cùng mẹ đi chợ mua đồ về nấu một bữa cơm sinh nhật mà giờ tất cả lại ở viện rồi.

Mẹ cười: mẹ gần 40 tuổi rồi còn sinh nhật gì nữa? Mấy cái đó để dành cho tụi trẻ các con được rồi.

Tôi đáp: nhưng hôm nay là sinh nhật mẹ, ai mà không có ngày sinh, cứ đến ngày sinh của mình là sinh nhật mà mẹ?

Mẹ buồn buồn nói: từ bé đến giờ mẹ cũng chả bao giờ để ý tới ngày sinh nữa. Sinh nhật hay không sinh nhật đâu có gì quan trọng, mẹ chỉ có duy nhất một mong muốn, đó là con gái mẹ học hành thành tài, sau này có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Những cái khác với mẹ không có ý nghĩa gì cả.

Bác Thành xung phong: vậy chúng ta làm sinh nhật ở đây đi. Có làm ở nhà thì cũng có vài người chúng ta thôi. Vậy chúng ta tổ chức sinh nhật tại bệnh viện luôn, đảm bảo đây là sinh nhật thật ý nghĩa.

Cô Thuý cũng ủng hộ: vậy mọi người ở đây, em đi chuẩn bị cho, chúng ta tổ chức sinh nhật cho chị Lan

Mẹ tôi vội xua tay: cô Thuý, đừng lại vậy, tốn kém cô ạ!

Cô Thuý cười: chả mấy khi gặp dịp ý nghĩa, em mua mấy cái bánh kẹo thôi chị. Mình vui một chút làm kỉ niệm chị ạ.

Mẹ đáp: nhưng đây là bệnh viện mà cô!

Cô Thuý nói: Hôm nay chủ nhật, bệnh viện cũng chả có người nên không ai quản mấy cái vụ này đâu chị. Với cả em thấy bệnh nhân cũng hay tổ chức sinh nhật cho người thân ở viện, bác sỹ cũng chả cấm. Chị không cần lo đâu. Hơn nữa phòng này hôm nay có mình chị, cũng không ảnh hưởng đến bệnh nhân khác.

Tôi cũng vui mừng: mình tổ chức ở đây được hả cô? Nếu vậy mẹ cháu vẫn có ngày sinh nhật ý nghĩa.

Cô Thuý cười: chỉ cần muốn thì không gì là không thể cháu nhé! Mình mua ít đồ bánh kẹo, trái cây về ăn nhẹ nhẹ chứ không vác nồi niêu xoong chảo đến ăn lẩu là được.

Mọi người quyết định tổ chức sinh nhật cho mẹ. Đây là sinh nhật đầu tiên của mẹ, và cũng là sinh nhật ý nghĩa nhất cuộc đời của hai mẹ con chúng tôi.

Tôi được phân công ở lại với mẹ. Bác Thành và cô Thuý đi sắm đồ. Hai người đi rất nhanh đã trở về xách theo nào là trái cây, bánh kẹo và ít đồ uống. Cô Thuý nói: nếu biết sớm hơn thì em đặt bánh sinh nhật, giờ mua ngay người ta không làm kịp nên chúng ta chuẩn bị sơ sài như vậy. Sang năm sinh nhật chị nhất định chúng ta sẽ tổ chức thật hoành tráng.

Tôi nhanh tay đón lấy đồ cô mua bày ra đĩa. Mẹ tôi xúc động mắt rưng rưng. Chúng tôi cùng hát bài hát mừng sinh nhật cho mẹ. Bài hát kết thúc, mẹ khóc! Cô Thuý khóc! Tôi cũng khóc!

Bác Thành nhìn tất cả chúng tôi khóc bèn nói: mấy người hay thật đấy. Hôm nay sinh nhật Lan, ngày vui chúng ta phải cười vui vẻ lên chứ, ai lại thi nhau khóc lóc thế còn ra cái gì nữa.

Mẹ tôi nói: là em vui quá anh ạ! Em vui đến không kìm được nước mắt. Em sống gần 40 năm rồi, nhưng đây có lẽ là ngày em vui nhất.

Bác Thành chẹp miệng: vui thì phải cười lên chứ? Nào! Tất cả cùng cười lên! Mừng em thêm tuổi mới. Từ giờ lớn hơn 1 tuổi phải thật vui vẻ và hạnh phúc.

Cô Thuý lau nước mắt nói giọng nghèn nghẹn: em cũng vui quá! Em không kìm được nước mắt. Bác Thành nói đúng, phải cười lên. Hôm nay là ngày vui mà chị.

Cô giơ miếng dưa hấu lên nói to: chúc chị sinh nhật vui vẻ, đời sẽ đỏ và ngọt như miếng dưa này.

Tôi lanh chanh chạy ra giữa phòng nói to: mọi người cười lên, cháu sẽ chụp ảnh làm kỉ niệm.

Tôi nói rồi giả vờ đưa tay lên bấm chụp ảnh tách tách. Mẹ tôi, cô Thuý và bác Thành cùng cười rất vui vẻ. Nếu như hôm ấy tổ chức sinh nhật mẹ ở nhà tôi chắc chắn sẽ nhờ bác thợ chụp cho tấm hình làm kỉ niệm, nhưng do mẹ tôi nằm viện nên kế hoạch chụp ảnh được bàn lùi lại đến sinh nhật mẹ năm sau. Tuy nhiên tấm hình sinh nhật hôm ấy được tôi chụp lại trong kí ức. Mãi mãi, đó là tấm hình đẹp và ý nghĩa nhất mà tôi có được cho đến tận sau này.

🍀🍀🍀🍀

Tối hôm đó cô Thuý nói sẽ ở lại trông mẹ giúp tôi. Bác Thành chở tôi về nhà để hôm sau đi học. Tôi muốn ở lại viện với mẹ nhưng không ai đồng ý. Mẹ nói tôi phải về nhà ngủ lấy sức còn học hành cho tốt. Mọi chuyện khác mẹ tự lo được. Cô Thuý cũng khuyên tôi về nhà chứ bệnh viện chật chội lại không có chỗ nằm cho nhiều người. Tôi đành nghe lời mọi người để bác Thành chở về nhà.

Hai bác cháu lấy xe đi được một đoạn thì tôi sực nhớ bỏ quên chìa khoá nhà trong hộp tủ của bệnh viện. Tôi bảo bác đỗ xe ở cổng viện chờ còn tôi chạy vào phòng mẹ lấy chìa khoá. Chùm chìa khoá nhà đã đưa tôi đến với bí mật của mẹ- cái bí mật để tôi giải đáp tất cả mọi thắc mắc trong lòng về mẹ bấy lâu nay.