Sang năm thứ hai đại học, chúng tôi vẫn đi du lịch nhưng tự kiếm tiền để đi. Chúng tôi đưa ra những mục tiêu rõ ràng hơn cho cả nhóm, bắt đầu từ việc tìm kiếm những khoá học về thiết kế đồ hoạ, thông qua đó chúng tôi vừa mở rộng kiến thức, vừa làm thêm công việc thiết kế web ở bên ngoài.
Nhóm chúng tôi có định hướng và ngày càng phát triển là nhờ phần lớn có Trung, cậu ấy rất giỏi đã gây ấn tượng mạnh với các giảng viên từng dạy trên lớp, Trung được các giảng viên tin tưởng, ưu ái mời vào nhóm thiết kế riêng của họ.
Tại đây, Trung được làm việc thực tế và rút ra nhiều kinh nghiệm từ những thầy, cô giỏi, có chuyên môn.
Từ những kinh nghiệm tích lũy được, Trung hướng dẫn lại cho chúng tôi. Nhóm chúng tôi còn nhận được sự hỗ trợ của những chuyên viên thiết kế web do công ty bố Đan Tiên và Khả Duy làm chủ.
Bắt đầu từ năm thứ tư đại học, chúng tôi đã có kinh nghiệm và uy tín hơn, chúng tôi ngày càng nhận được nhiều việc làm thêm bên ngoài. Tình hình ngày càng khả quan nên chúng tôi dự tính sẽ tự mở một công ty riêng sau khi ra trường, ý kiến này được Đan Tiên và Khả Duy hết sức hưởng ứng vì họ cũng muốn độc lập trước khi về tiếp quản công ty gia đình.
Trong chuyện tình cảm, tôi và Trung cũng đồng ý với nhau, sau khi ra trường mở công ty, đợi công ty ổn định một chút, hai đứa sẽ làm đám cưới.
Mấy năm qua cả tôi và Trung tuy yêu nhau nhưng vẫn phải cố gắng trong học tập và tích lũy kinh nghiệm thực tế. Đơn giản vì chúng tôi hiểu rằng ngành của mình chọn có rất nhiều người giỏi và chúng tôi không đủ kinh nghiệm và bản lĩnh sẽ bị xã hội đào thải, xuất phát điểm của chúng tôi thấp, chúng tôi không có một nền tảng gia đình vững chắc như Đan Tiên và Khả Duy.
Dĩ nhiên, chúng tôi vẫn quan tâm nhau, cho dù là những điều nhỏ nhất.
Chúng tôi thống nhất hạn chế những cãi vã, mâu thuẫn không đáng có, tránh làm sứt mẻ tình cảm của cả hai. Trung cố gắng sắp xếp, bù đắp cho tôi sau những dự án cần đúng hạn gấp, thi thoảng chúng tôi cũng đến nơi lãng mạn để hâm nóng tình cảm.
Người ta bảo tình yêu sinh viên là tình yêu đẹp nhất, vì không có nhiều suy nghĩ, bộn bề lo toan về cơm áo gạo tiền.
Phải chăng, tình yêu của chúng tôi quá êm đềm nên sau này khi gặp con sóng to, chúng tôi đã bị quật ngã ngay từ lần đầu tiên. Trước khi tình yêu chúng tôi gặp sóng lớn, có một người đặc biệt đã quay trở lại.
Mặc dù đang trong giai đoạn chạy nước rút hoàn thành khoá luận tốt nghiệp, chúng tôi vẫn nhận lời tham gia một bữa tiệc đặc biệt, bữa tiệc liên hoan được chị Thương trực tiếp đến mời nhân dịp chị ấy đi du học về, đồng thời cũng là liên hoan chị ấy nhận chức phó giám đốc.
Lại nói về chị Thương, công ty chị Thương làm là công ty quy mô lớn, đa quốc gia, đa ngành nghề. Điều này hoàn toàn xứng đáng với chị Thương, người vốn dĩ đã rất giỏi, năm nhất đại học chị ấy đã đi học trung tâm và thi lấy chứng chỉ tiếng anh, đến năm ba công ty chị ấy đang làm sang Việt Nam nhưng họ chỉ tuyển có một suất học bổng trong cả nước, chị Thương đã xuất sắc giành được suất học bổng này.
Hết học kỳ một sang học kỳ hai của năm ba chị ấy bắt đầu đi du học và có được thành công như ngày hôm nay.
Tôi nghe Trung còn kể, trước năm chị Thương đi du học, công ty đó đã sang để tuyển một suất đi du học như vậy rồi, đáng ra thì họ sẽ không còn tuyển nữa, từ trước đến giờ công ty này chỉ để phó giám đốc là người trong nước, còn lại họ sẽ cử người từ tập đoàn sang làm giám đốc.
Nhưng do người được tuyển năm trước quá giỏi, luôn đạt thành tích cao nên họ quyết định để người này làm giám đốc đầu tiên là người trong nước và tuyển thêm một phó giám đốc nữa, nên năm sau mới có thêm một suất học bổng nữa dành cho chị Thương.
Lúc nghe Trung kể, bọn tôi đều mở tròn mắt kinh ngạc, ai cũng tò mò xem vị giám đốc ấy là ai mà lại có thành tích khủng như vậy, nghe bảo hôm nay anh ta cũng có mặt.
Tôi đang miên man trong dòng suy nghĩ, chợt có cái ôm vòng qua vai tôi, giọng của Trung trầm ấm:
- Vy đi chuẩn bị đi, đúng 7 giờ, Đan Tiên và Khả Duy sẽ đi xe qua đón chúng ta đến nhà hàng, hôm nay em nhớ ăn mặc đẹp để anh được nở mày nở mặt nhé.
Tôi nhìn Duy khẽ mỉm cười đầy hạnh phúc:
- Em biết rồi.
Đúng 7 giờ, tiếng còi xe của Đan Tiên gọi chúng tôi ra, lúc nhìn thấy tôi cả bọn đứng ngây ra mất mấy giây, không ngờ tôi trang điểm và mặc váy đi tiệc lại đẹp đến thế.
Ngày bình thường tôi chỉ tô ít son, còn lại để mặt mọc và buộc tóc cao, hôm nay tôi dặm thêm ít phấn, tóc tôi để xoã cài thêm một chiếc băng đô, tôi mặc chiếc váy tơ màu trắng xoè nhẹ, dài qua đầu gối.
Lần đầu tôi mặc như này nên Trung nhìn tôi, cậu ấy ngây người như bị thôi miên khiến tôi ngại đỏ mặt, tôi bật cười dục mọi người đi nhanh không muộn giờ buổi tiệc.
Đến nơi, xe dừng lại trước cửa một nhà hàng sang trọng, vừa xuống xe chúng tôi đã thấy chị Thương và bố mẹ Trung đã có mặt từ trước để chuẩn bị. Tôi quay sang nhìn Đan Tiên khẽ nói nhỏ:
- Chị Thương khác quá, chị làm chức to có khác, nhìn chị toát lên sự sang trọng không kém phần quyến rũ, chị mặc bộ đầm đuôi cá ôm sát cơ thể, vừa thanh lịch vừa tôn lên vóc dáng mê hoặc lòng người.
Đan Tiên nhìn tôi, gật đầu lia lịa, tay dơ ngón cái lên tỏ ý đồng tình, nghĩ một lúc, nó không quên trêu tôi:
- Đến chào ba mẹ chồng và chị chồng tương lại đi kìa, cậu phải khéo mồm lấy lòng một chút, sau này về tha hồ được cưng chiều Trung nhỉ.
Trung nghe thấy Đan Tiên nói thì bỗng phì cười vui vẻ, tôi quay sang lườm Đan Tiên, nó nhìn tôi thích thú cười tít mắt.
Thực ra tôi có xuống nhà Trung chơi mấy lần, bố mẹ Trung rất tình cảm và gần gũi, họ đã sớm coi tôi như người một nhà, tôi chẳng cần phải tỏ ra quá khéo léo như lời Đan Tiên trêu tôi. Chúng tôi vừa nói chuyện, vừa tiến lại gần, lễ phép chào chị Thương và bố, mẹ Trung, rồi di chuyển đến vị trí được sắp xếp từ trước, ít phút sau bạn đại học và các anh, chị đại diện cho công ty chị Thương cũng đã đến đông đủ.
Chị Thương đợi mọi người ổn định mới tuyên bố lí do buổi tiệc và nói lời cảm ơn đến bố, mẹ, chị cũng không quên giới thiệu giám đốc công ty chị, nghe đến đoạn này Đan Tiên quay sang tôi đầy mong chờ:
- Đây rồi Vy ơi, thần tượng trong truyền thuyết hôm nay đã lộ diện.
Tôi nhìn theo ánh mắt của Đan Tiên, hướng về phía vị giám đốc đang đứng lên, không ngờ đó là Tuấn, người mà tôi tỏ tình khi còn ở công trình mùa hè năm lớp mười một.
Tuấn đứng lên, hơi cúi đầu, khẽ nở nụ cười xã giao như có như không xoay người lịch sự chào mọi người.
Tuấn giờ khác quá, trước kia tôi đã quen nhìn anh trong bộ quần áo bảo hộ lao động, hôm nay anh mặc bộ vest lịch lãm, sang trọng, dáng người cao ráo lại tăng thêm vẻ uy nghiêm, lạnh lùng.
Điều vẫn vậy không già đi chút nào, có chăng chỉ là ánh mắt sâu, khó đoán hơn, anh không cười tươi như trước thấy vào đó là nụ cười xã giao vừa đủ.
Đan Tiên nhìn thấy Tuấn thì thốt lên:
- Ôi mẹ ơi, đúng là cực phẩm vừa tài giỏi lại vừa đẹp trai chết đi được.
Không chỉ Đan Tiên bị kích động khi nhìn thấy Tuấn mà cả phòng náo nhiệt hẳn, các bạn đại học của chị Thương, họ cũng xôn xao bàn tán với ánh mắt ngưỡng mộ hướng về phía Tuấn.
Khả Duy nhìn Đan Tiên khẽ nhíu mày, còn Trung vẻ mặt thoáng chút trầm xuống.
Tôi hiểu được cảm giác của Trung, có lẽ cậu ấy cũng bất ngờ như tôi, mặc dù đến bây giờ tình cảm của chúng tôi không thể lay động nhưng người tôi từng thích đang đứng ngay trước mặt cậu ấy lại vô cùng thành đạt, suy cho cùng đứng trước một người từng là đối thủ lại như một cây đại thụ, ai rồi cũng có một chút gì đó lăn tăn thoáng qua.
Từ xa, chị Thương và giám đốc đang tiến gần đến bàn chúng tôi ngồi, ngoài bốn bọn tôi, bố, mẹ Trung cũng ngồi ở đây, chắc anh ta đến chào bố, mẹ Trung theo phép lịch sự với bề trên.
Tuấn đến bắt tay với bố Trung, anh khẽ cúi người chào bố, mẹ Trung, rồi mời bố mẹ Trung và chúng tôi cụm ly chúc mừng chị Thương.
Trong lúc nâng ly với mọi người, tôi thấy ánh mắt Tuấn dừng ở tôi mấy giây, thật lạ, tôi không thấy ánh mắt ấy lạnh lùng, xa cách mà có chút gì đó thâm tình khó dấu.
Tôi nhanh chóng khôi phục lại lý trí, khẽ nắm tay Trung nhìn về phía Tuấn, tôi nâng ly cùng mọi người rồi nhấp một chút rượu. Bố Trung niềm nở tiếp lời, bác nắm lấy tay Tuấn:
- Chúng ta đều là người từng quen biết qua từ trước, Thương nó còn trẻ người, kinh nghiệm chưa nhiều, mới trở về đã giữ chức vụ cao trong công ty không tránh khỏi bỡ ngỡ, bác hi vọng sau này cháu giúp đỡ Thương nhà bác.
Tuấn nhìn bác trai đầy tôn trọng và gần gũi, không tỏ vẻ gì khác so với trước kia, anh lễ phép trả lời:
- Dạ! bác không phải khách sáo như vậy đâu ạ. Cháu và Thương sẽ hỗ trợ nhau trong công việc ạ. Thương là một nhân tài lại vô cùng bản lĩnh, cháu tin cô ấy sẽ hoàn thành tốt trong công việc ạ.
Nói xong, Tuấn cúi đầu chào hai bác lần nữa, rồi rời đi cùng chị Thương, Tuấn đi rồi, tay tôi vẫn nắm chặt tay Trung, tôi chỉ muốn Trung biết, tôi yêu Trung, trong lòng không có chút vương vấn nào khác.
Đợi Tuấn đi khỏi, Trung nhắc mọi người mau dùng bữa, không quên gắp thức ăn vào bát cho tôi.
Đang ăn, Đan Tiên quay sang hỏi nhỏ tôi:
- Tớ nghe bác trai bảo có quen biết qua với vị giám đốc trẻ tuổi kia là như thế nào nhỉ, cậu có biết không?
Tôi nhìn Đan Tiên khẽ giải thích:
- Trước kia anh ấy làm thêm ở công trình chỗ bố Trung từng nhận thầu, có quen biết sơ qua thôi, cũng không hay nói chuyện với nhau nhiều.
- Vậy à cậu, vậy thì cũng không thân lắm, nghe anh ta nói chuyện rất dễ chịu, kiểu kính cẩn, khiêm nhường ấy. Đúng là vừa tài giỏi, vừa đẹp trai, tính tình lại tốt.
Tôi vừa gắp thức ăn đặt vào bát Đan Tiên vừa nói:
- Ăn đi cô nương, cậu mải hóng chuyện, nãy giờ chưa ăn gì đâu.
Tôi không muốn để Đan Tiên hỏi thêm quá sâu, chuyện cũng không có gì, tôi thì không sao nhưng tôi sợ cậu ấy nhắc lại chuyện xưa, Trung lại thêm phần suy nghĩ.
Trong suốt buổi tiệc diễn ra ngoài tiếng chúc tụng rôm rả, thì màn hình ti vi có hiện chế độ karaoke cũng được đặt ở giữa cho những ai đam mê ca hát thể hiện.
Hình như Trung và Khả Duy có sự chuẩn bị từ trước, cả hai không ai bảo ai, tiến lên sân khấu rất tự nhiên, hát tặng chị Thương một món quà, Khả Duy đàn, Trung hát, bài hát mà cậu ấy từng hát để tỏ tình tôi.
Đan Tiên vừa vỗ tay hoà vào tiếng vỗ tay của mọi người, vừa nhìn tôi:
- Không biết hát tặng cho chị gái hay tặng cho người yêu nữa.
Tôi khẽ mỉm cười hạnh phúc, nhìn về phía Trung, giọng cậu ấy sâu sắc, ngọt ngào, tâm trí tôi hoà theo giai điệu bài hát, hình ảnh trong suốt thời gian tôi ở bên Trung hiện lên như một cuốn phim tua chậm.
Đang say mê nghe Trung hát, tôi chợt có cảm giác như ai đó nhìn mình, bất giác tôi nhìn về bàn chị Thương thấy Tuấn đang nhìn tôi, tôi thu vội ánh mắt về phía Trung, thầm nghĩ chắc Tuấn cũng ngạc nhiên như tôi khi gặp nhau ở đây, chỉ đơn giản thế thôi.
Tôi còn nghe được cả tiếng đồng nghiệp Tuấn nhắc nhở:
- Anh Tuấn hôm nay vui cho Thương hay sao mà uống nhiều vậy?
Anh không phản bác, nhìn qua chỗ chị Thương rồi lại giơ tay nâng chén cùng chị Thương, không lẽ nào hai anh, chị ấy yêu nhau từ lâu mà tôi không biết.
Càng nghĩ tôi càng thấy có lý, không phải tự nhiên mà chị Thương lại đi du học cùng nơi và làm cùng một chỗ với Tuấn, xét về mọi mặt hai người là một cặp không thể hợp hơn được nữa.
Nếu anh Tuấn với chị Thương là một đôi, tôi với Trung một đôi thì tốt quá, thật may mắn cuối cùng ai cũng tìm thấy hạnh phúc riêng của mình.
Bữa tiệc tiếp diễn đến 21 giờ thì kết thúc, chúng tôi chào tạm biệt hai bác và chị Thương rồi lên xe ra về.
Đan Tiên rủ ba bọn tôi đi tăng hai nhưng Trung nói mọi người về nhà nghỉ ngơi sớm, do thời gian này chúng tôi đang hoàn thành khoá luận gấp.
Một tháng sau, chúng tôi đã tốt nghiệp, nhận bằng xong, chúng tôi quyết định tự thưởng cho mình một chuyến đi chơi xa ở đảo Phú Quốc. Chuyến đi ba ngày hai đêm, đánh dấu kết thúc thời sinh viên. Đan Tiên và Khả Duy đã được đi Phú Quốc nhiều lần còn tôi và Trung thì đây mới là lần đầu tiên đến đảo.
Buổi sáng ở đảo, không khí thật trong lành, tôi và Trung dắt tay nhau đi dạo trên bãi biển ngắm bình minh lên, cảm nhận gió biển thổi mát rượi, nước biển trong xanh, từng làn sóng nhấp nhô, khẽ xô vào bờ, bất chợt Trung ôm lấy tôi, khẽ đặt lên môi tôi một nụ hôn thật sâu.
Tôi chỉ ước thời gian mãi ngừng trôi, để tôi có thể tận hưởng trọn vẹn khoảnh khắc này, cánh môi Trung thật ngọt ngào, hoà quyện lấy môi tôi, cuốn lấy không thôi, để lại sự đê mê kéo dài bất diệt.
Tôi đâu biết nụ hôn đó là nụ hôn cuối cùng trong tình yêu của chúng tôi, cuộc sống luôn có những con sóng ngầm, những biến cố bất ngờ ập đến, mãi sau này tôi mới hiểu tình yêu của chúng tôi như con thuyền lênh đênh ngoài biển xa kia, trước khi đón những ngày bão tố mọi thứ thường trở nên yên bình không một dấu hiệu báo trước.
Khi ánh mặt trời đã lên cao, hai chúng tôi quay về phòng rủ Đan Tiên và Khả Duy đi chợ ở làng chài. Đan Tiên và Khả Duy vừa mới dậy sau chuyến bay dài đêm qua, khuôn mặt vẫn lộ rõ nét mơ hồ, ngái ngủ khi nghe chúng tôi rủ đi chợ làng chài Khả Duy hết sức ngạc nhiên:
- Nhóm trưởng và phu nhân hai người không thể ngược đãi chúng tôi vậy chứ?
Tôi biết, họ sinh ra trong gia đình có điều kiện, mỗi lần đến đây họ sẽ ở khu nghỉ dưỡng và ăn ở nhà hàng sang trọng, không có khái niệm chợ làng chài dân dã như hai chúng tôi, cậu ấy phản ứng vậy cũng là dễ hiểu, tôi mỉm cười lên tiếng giải thích:
- Trung và tớ muốn chuyến đi lần này không chỉ đến để nghỉ ngơi mà sẽ đi khám phá những nét văn hoá, đặc sản địa phương. Tớ đảm bảo sẽ vô cùng mới lạ và hấp dẫn, khác xa với hình thức nghỉ dưỡng của các cậu trước kia.
Nghe đến đây, Khả Duy và Đan Tiên nhìn nhau, cảm thấy có chút thú vị nên cũng không nói gì thêm, thay quần áo đi theo chúng tôi.
Ra ngoài chợ, chúng tôi chọn mua những loại hải sản tươi sống, trực tiếp từ những người dân đánh bắt lúc sáng, thuê họ hấp tươi luôn.
Sau đó, chúng tôi mua một chai rượu sim, đi bộ ra bờ biển gần đó, thưởng thức hải sản với một chút rượu sim. Một bữa ăn dân dã nhưng lại rất ngon, Đan Tiên và Khả Duy cũng vui vẻ thưởng thức.
Chúng tôi vừa uống vừa ôn lại những câu chuyện từ năm nhất đại học, từ lúc mới quen nhau cho đến những chuyến du lịch thời sinh viên, kỉ niệm vui có, buồn có nhưng điều quan trọng chúng tôi vẫn bên nhau.
Chúng tôi đang rôm rả nói chuyện, bất chợt điện thoại của Trung vang lên, Trung khẽ nhíu mày, chị Thương hôm này lại gọi cho Trung giờ này:
- Alo, chị Thương à.
Đầu dây bên kia, chị Thương không đợi Trung nói hết câu, giọng lạc đi:
- Trung em ở đâu vậy? Về gấp đi em, công trường bố xảy ra chuyện rồi. Bố và đội thợ đang cấp cứu trong viện.
Trung mặt tái đi, giọng run run hỏi lại:
- Bố đang nằm ở đâu vậy chị?
- Bệnh viện đa khoa X, đường Y. Khi nào về đến nơi gọi cho chị. Chị cúp máy đây.
Tất cả chúng tôi đều nghe được cuộc hội thoại của Trung với chị, đứa nào cũng hốt hoảng. Mọi người bảo nhau nhanh chóng quay về khách sạn dọn đồ rồi di chuyển ra sân bay, Đan Tiên tìm chuyến bay để kịp về nhanh nhất có thể.
Hai tiếng sau, chúng tôi đã có mặt trên máy bay, tôi nhìn Trung khuôn mặt hiện lên rõ sự bất an, lo lắng, hai tay bám chặt vào nhau, cậu ấy đang phải kiềm chế mọi thứ lúc này.
Tôi chỉ dám đặt lên tay cậu ấy vỗ nhẹ ăn ủi, bây giờ có lẽ lòng cậu ấy như lửa đốt, mọi chuyện đến quá bất ngờ.
Xuống máy bay chúng tôi không kịp về nhà cất hành lý, mà đi thẳng đến viện.
Tại hành lang bệnh viện, tôi thấy chị Thương đang ngồi an ủi mẹ. Tuấn cũng có mặt ở đây, chắc anh đi cùng chị Thương vào viện.
Bên trong phòng bệnh, bố Trung đang ngủ, đầu và chân bị băng bó lại, Trung nhìn bố đang ở bên trong rồi nhìn chị Thương gấp gáp hỏi:
- Chị Thương, bố sao rồi chị?
- Bố tạm thời ổn rồi, chị đã cho bố đi kiểm tra hết rồi, bị gẫy chân, vết thương ngoài da không đáng lo. Bố đang tạm thời nghỉ ngơi, lát nữa bố tỉnh em hãy vào. Giờ có việc quan trọng hơn cần em giải quyết, em và anh Tuấn ra ngoài công trình chỗ bố làm xem tình hình thế nào, em thay bố làm việc với chủ đầu tư và công an nhé. Chị sẽ đi thăm các anh trong đội thợ của bố đang cấp cứu ở bên kia.
- Vâng, vậy giờ em ra công trình chỗ bố làm ngay đây.
Tôi đến hỏi thăm tình hình và động viên bác gái, Khả Duy bảo tôi đi cùng Trung để cậu ấy bình tĩnh hơn, Khả Duy và Đan Tiên sẽ ở lại đây cùng bác gái.
Tôi và Trung ngồi lên xe Tuấn đến công trình. Trên xe Tuấn làm công tác tư tưởng trước để Trung bình tĩnh và tỉnh táo hơn, đồng thời anh cũng chỉ cho Trung hướng xử lý như thế nào vì lát nữa chúng tôi làm việc với công an và chủ đầu tư.
Tôi nghe Tuấn nói mà khâm phục anh vô cùng, Tuấn là người từng trải, lại được đào tạo ở môi trường nước ngoài nên trong mọi tình huống vẫn giữ được bản lĩnh và xử lý mọi việc kín kẽ như vậy, không có Tuấn, một mình Trung không biết sẽ phải làm sao? Chị Thương chắc cũng lường trước được việc này nên bảo anh đi cùng Trung.
Gần đến nơi, Tuấn lái xe chầm chầm rồi dừng trước một toà nhà. Cảnh tưởng vô cùng khủng khϊếp hiện ra trước mắt tôi, trên tường vết sơn vẫn còn mới đang được quét dở, dưới đất cả một giàn giáo bị đổ sập nằm la liệt ở dưới đất, có cả những vệt máu còn chưa khô hẳn.
Tôi nhìn Trung, mặc dù trong lòng tôi dấy lên nỗi bất an khó nói nhưng dặn lòng cố gắng động viên Trung phải thật sự bình tĩnh trong hoàn cảnh này.
Ba chúng tôi đi vào bên trong đã thấy chủ đầu tư đang làm việc với công an. Trung được anh Tuấn hướng dẫn từ trước nên giới thiệu qua và hỏi thăm tình hình hiện tại.
Bên công an họ đã điều tra, trang thiết bị thi công và đồ bảo hộ, bố Trung đã đảm bảo đầy đủ và đúng theo quy định.
Công an, họ đang nghi ngờ nguyên nhân bị sập giàn giáo là do nhóm thợ thi công đã bỏ qua một số bước, rút ngắn quy trình an toàn khi tham gia lao động trên cao.
Ngày mai, công an sẽ đến làm việc và lấy lời khai từ đội thợ rồi mới đi đến kết luận cuối cùng.
Khi công an rời đi, Trung nói chuyện với chú chủ đầu tư là chú Quang, nghe Trung trình bày, chú Quang có vẻ muốn giúp đỡ bố Trung vì ngoài sự cố lần này, từ trước đến giờ bố Trung đều làm rất tốt và sống tình nghĩa.
Chú Quang còn nói may có đồ bảo hộ phía dưới và làm ở tầng thấp nên không xảy ra án mạng, công an không phát hiện bố Trung có dấu hiệu sai phạm, chú ấy cũng không mong muốn công trình này dính đến pháp luật vì sau này sẽ khó cho thuê. Trung và chú Quang nói chuyện một hồi, trước thành ý của Trung, chú ấy đồng ý ngày mai sẽ cho người dọn dẹp đống đổ nát ngoài kia.
Chú Quang cho Trung một tuần để tìm đội thợ mới tiến hành thi công tiếp công trình, làm như vậy vừa không phải đền bù vi phạm hợp đồng, không bị chậm tiến độ công trình, lại đảm bảo uy tín ở trên đất thủ đô cho bố Trung làm ăn sau này.
Vấn đề liên quan đến pháp luật do bố Trung không có sai phạm nên nếu đội thợ kia họ không kiện, bố Trung sẽ không phải đi tù.
Nghe đến đây tôi và Trung thở phào nhẹ nhõm, mọi chuyện cũng đã ổn hơn.
Trên đường đi về, Tuấn bảo Trung sáng mai vào hỏi thăm người nhà bệnh nhân, trao đổi với họ về nguyện vọng của họ lúc này, để chiều mai họ nói giúp khi công an đến làm việc, còn vấn đề ở công trường, nếu Trung cần hỗ trợ thì cứ gọi cho Tuấn.
Trung cảm ơn Tuấn, rồi nhờ Tuấn trở tôi về trước nghỉ ngơi cho đỡ mệt, Trung vào viện xem bố tỉnh dậy chưa, Trung trao đổi qua tình hình cho bố yên tầm và cùng với chị Thương bàn bạc kế hoạch đến thăm đội thợ sơn ngày mai.
Tôi cũng muốn theo Trung vào thăm bác trai nhưng Trung bảo tôi mai hãy vào, hôm nay tinh thần của bác trai chưa ổn định. Tôi thấy Trung nói cũng có lý nên đồng ý để Tuấn trở về.
Ngồi trên xe, lúc này tôi mới cảm nhận được cơ thể đã thấm mệt, ngày hôm nay có quá nhiều chuyện xảy ra, trước đó lại phải bay đường dài.
Tôi lo cho Trung, cậu ấy chắc cũng sẽ rất mệt mà vẫn chưa thể nghỉ ngơi, bao nhiêu gánh nặng giờ đổ dồn lên vai cậu ấy.
Tôi nhìn mơ hồ ra ngoài cửa xe, ngoài đường thành phố đã lên đèn, xe cộ đi lại chen chúc, tôi không tránh khỏi những suy nghĩ phức tạp. Tiếng Tuấn từ chỗ lái vọng xuống:
- Em có muốn ăn gì không? Giờ này về đoạn đường nhà em tắc đường cũng không về nhanh được mà anh muốn ăn chút gì đó, anh đói quá.
Tôi biết Tuấn nói vậy là để tôi không từ chối được, hôm nay Tuấn cũng giúp chúng tôi nhiều rồi, nên tôi đồng ý đi ăn cùng anh.
Tuấn dừng lại tại một quán bún chả ven đường nhìn có vẻ sạch sẽ rồi gọi hai bán bún chả. Tôi nhìn anh tò mò hỏi:
- Anh thích ăn bún chả ạ?
Tuấn nhìn tôi ánh mắt không khác trước kia là mấy, tay với lấy khăn lau bàn, giọng nói vẫn trầm ấm, nuông chiều:
- Anh ăn gì cũng được nhưng anh nhớ có người từng nói với anh thích ăn bún chả ở thành phố.
Tôi nhìn anh cảm giác một người anh thân thương ngày nào bất chợt ùa về, trong lòng có chút cảm động, bên ngoài nhìn anh có vẻ lạnh lùng, quyết đoán của một vị giám đốc nhưng trong sâu thẳm con người anh vẫn gần gũi như vậy, anh vẫn còn nhớ tôi muốn ăn gì.
Tôi đang định tiếp lời Tuấn thì chuông điện thoại của tôi vang lên là Trung gọi:
- Alo Vy à, em về đến nhà chưa? Em nhớ ăn tối rồi nghỉ sớm đi nhé. Hôm nay anh không về đừng đợi anh.
- Em đang đi ăn rồi, anh yên tâm, mọi chuyển vẫn ổn chứ anh? Bố đã tỉnh dậy chưa ạ?
- Uh, bố tỉnh dậy rồi, anh vừa nói chuyện qua tình hình, tâm trạng bố đã tốt hơn rất nhiều. Tối nay anh trực ở đây cho mẹ và chị Thương về phòng nghỉ ngơi.
- Vâng, vậy anh nhớ ăn chút gì giữ sức, anh đừng suy nghĩ quá, còn rất nhiều việc đang chờ anh giải quyết, sáng mai em sẽ vào với anh.
- Ừ, em ăn đi, ăn nhiều vào nhé. Anh cũng tranh thủ đi ăn đây không lát chị Thương về không có ai trực bố để đi ăn được.
- Vâng, anh mau đi ăn đi ạ.
Trung vừa cúp điện thoại, không hiểu sao trong lòng tôi tự nhiên dấy lên một nỗi bất an mơ hồ. Thấy biểu cảm của tôi, Tuấn bê bát bún chả về phía tôi:
- Ăn đi em, lúc này cậu ấy cần em. Ăn đi có sức khoẻ thì mới lo cho người khác được.
- Vâng, em xin ạ.
Trong suốt bữa ăn, Tuấn không hỏi thêm gì, ăn xong, Tuấn đưa tôi về. Về đến nhà, tôi chào và cảm ơn Tuấn rồi bước vào nhà, anh cũng chỉ gật đầu:
- Em vào đi.
Mặc dù trong lòng tôi đầy rối ren, nhưng sao tôi vẫn cảm thấy Tuấn đang không vui, từ khi nghe cuộc nói chuyện của tôi và Trung anh lại càng trầm tư. Có phải tôi suy nghĩ nhiều không hay trực giác của tôi đã sai?