Cũng khó trách, nằm bẹp cả chục ngày, cơm cháo chẳng ăn được mấy miếng.
Cậu dừng lại nghỉ chân ven đường, cảm thấy trong miệng khó chịu, bèn tiện tay ngắt nửa đoạn cành liễu bên bờ mà nhai lấy nhai để.
Cách này là do bà dạy cậu từ hồi còn bé để làm sạch răng. Khi ấy cậu chưa đi học, lại mê ăn kẹo, tối đến lười đánh răng, bà phải vắt óc nghĩ đủ thứ chiêu trò.
Cậu còn nhớ rõ, khi ấy là một buổi chiều mùa hạ, hai bà cháu ngồi hóng gió ngoài sân.
Gió nhẹ thổi qua, bóng cây in rập rờn trên mặt đất.
Bà hái một đoạn cành liễu từ chỗ chân tường, dụ cậu rằng: "Nhai cái này ngọt lắm đấy con."
Giang Phán khi ấy tin bà như tin thánh, liền bỏ ngay đoạn cành vào miệng nhai rôm rốp, nhai mãi chẳng thấy ngọt, chỉ thấy đắng với chát. Cậu lập tức nhăn mặt định nhổ ra, bà liền cười mắng: “Nhai cái này để làm sạch răng chứ có phải ăn kẹo đâu, ráng chịu tí, rồi sau này sẽ ngọt ngào.”
Trong đầu lại vang lên giọng bà dịu dàng an ủi, xen lẫn tiếng cậu la oai oái lúc còn nhỏ, như thể mọi thứ chưa từng rời xa.
Giang Phán vừa nhai nhánh liễu, vừa ngỡ ngàng nhận ra hình như cậu thật sự đã nếm được cái ngọt bà nói đến. Chỉ là đôi mắt lại cay cay.
Cậu nhắm mắt lại, nuốt khẽ một cái, rồi nhổ đoạn liễu ra, cảm thấy miệng bớt khô, người cũng tỉnh táo hơn chút. Cậu liền tiếp tục đi dọc theo con đường làng.
Cách đó không xa, bên tay trái là một triền dốc thoai thoải, Giang Phán theo đó mà bước lên. Đi chừng năm mươi bước, liền trông thấy một căn nhà hoang đã đổ nát, nằm khuất bên chân Tây Sơn, quanh nhà địa thế bằng phẳng, cỏ hoang mọc cao tới đầu gối.
Đứng trên triền dốc, có thể trông thấy quá nửa thôn làng, thôn có khoảng hai trăm hộ dân, lưng tựa Tây Sơn, nhà cửa san sát theo chân núi. Một dòng sông nhỏ uốn lượn từ trong khe núi chảy xuyên qua thôn, phía trước thôn là vùng đất bằng phẳng, ruộng tốt hàng mẫu đan xen thành lưới.
Ánh sáng ban mai mờ nhạt dần hiện, màn sương mỏng phủ trên mái ngói lưng núi cũng tan đi, tiếng chim hót côn trùng râm ran như khúc nhạc dạo đầu cho ngày mới. Mặt trời sắp ló rồi.
Giang Phán bỗng thấy lòng mình dịu xuống.
Từ trên triền dốc bước xuống, Giang Phán đi tới chiếc cầu đá đầu thôn, chọn một vị trí thoải mái, tựa người vào lan can chẳng buồn nhúc nhích.
Cầu nhỏ, dòng nước, nhà dân chẳng phải đây chính là cuộc sống điền viên mà bao người ao ước đó sao?
Dù sao về cũng chẳng còn bà nữa, cha mẹ thì… thôi thì còn có đại ca ở bên, thế cũng được.
Nghĩ thông suốt rồi, trong đầu Giang Phán bắt đầu tính toán chuyện sau này, đã dùng thân xác của nguyên chủ, vậy cũng nên gánh lấy phần trách nhiệm của nguyên chủ.
Hiện tại có ba chuyện cần làm gấp: Một, xử lý chuyện muốn bắt Lâm Bình Bình làm đồng nhi (vợ nuôi từ nhỏ).
Hai, nghĩ cách thoát khỏi nhà họ Lâm, không thể cứ để mặc cho nhà Triệu Quế Phương chà đạp.
Ba, kiếm chút bạc, để còn sống nổi cái đã.
Rồi sau đó thì...
Khoan đã đằng trước có người kia đang làm gì thế? Tay xách thứ gì đấy? Sau lưng đeo là tên? Là cung tên thật à?
Hắn đang làm gì vậy? Hắn đang tiến lại đây? Hắn đi về phía này rồi!? Làm sao đây, có nên chạy không!?
Ơ... Không, hắn chỉ dừng lại bên bờ sông.
Hình như là vừa xuống núi? Phải không? Không nhìn nhầm chứ?
Là vừa săn thú về à!?
Trời ạ, đây là lần đầu tiên ta thấy một thợ săn thời cổ đại bằng xương bằng thịt á!?
Giang Phán đứng khá xa, không nhìn rõ mặt người đang dừng chân bên bờ sông. Chỉ lờ mờ thấy người kia mặc áo vải thô ngắn tay, thân hình cao lớn, vai rộng chân dài.
Chỉ thấy hắn liếc mắt về phía Giang Phán, sau đó cúi đầu bắt đầu xử lý con mồi của mình.
Hẳn là không cần chạy đâu nhỉ? Giang Phán lẩm bẩm trong lòng.
Ngay lúc cậu vừa định quay về thì một giọng non nớt vang lên từ phía sau: “A ca!”
Giang Phán quay đầu lại, liền thấy Lâm An An thở hổn hển chạy tới.
An An chạy đến cầu, nắm lấy tay cậu, giọng đầy oán trách và ấm ức: “A ca, ngươi sao lại ra ngoài? Ta tỉnh dậy không thấy ngươi đâu, nhị thẩm còn nói ngươi không cần bọn ta nữa. Ngươi đứng trên cầu làm gì? Ngươi có phải, có phải là…”
Lời càng nói càng nhỏ, cuối cùng nghẹn lại nơi cổ họng.
Giang Phán vội vàng ôm lấy An An dỗ dành, mất một lúc lâu đứa nhỏ mới bình tĩnh lại.
Đến lúc ấy cậu mới phản ứng được cái đứa nhỏ này, nó tưởng cậu định nhảy cầu tự vẫn sao?
Giang Phán toát mồ hôi lạnh. Một kẻ sống hai đời như cậu, thế mà lại khiến một đứa trẻ sáu tuổi lo đến thế. Mà nghĩ kỹ lại, lúc trước cậu đúng là từng có ý niệm ấy thật…
Cậu xấu hổ đưa tay dụi mũi, nắm lấy tay An An, dắt nó rời khỏi cầu: “Về thôi, kẻo Bình Bình lại lo.”
“Còn nữa, A ca sẽ không bao giờ bỏ mặc các ngươi.”
Thời Viễn Quy xử lý xong một con gà rừng, ngẩng đầu nhìn lại thì chẳng thấy bóng người trên cầu đâu nữa. Hắn lập tức đứng dậy, sải bước lớn về phía cầu.
Tới gần đầu cầu, hắn bỗng khựng lại.
Phía trước có hai bóng người một lớn một nhỏ, tay nắm tay, đang men theo triền dốc mà đi. Chẳng mấy chốc, cả hai đã khuất khỏi tầm mắt. Hắn đứng yên một lát, mặt lạnh tanh xoay người trở về.
Thời Viễn Quy vừa mới vào núi săn thú năm ngày, lần này thu hoạch không tồi.
Trời chưa sáng hẳn, hắn đã từ sâu trong núi trở ra, tính bụng về nhà xử lý qua đám thú rồi đem lên huyện bán, chắc cũng kiếm được vài đồng bạc trắng, tâm trạng rất chi là tốt đẹp.
Ai ngờ đâu, vừa mới bước ra khỏi rừng, liền thấy có kẻ lén la lén lút trèo lên sườn dốc.
Chỗ hắn ở nằm ngay chân núi, phía sau rừng trúc, cách nơi đó không xa.
Căn nhà hoang đã bỏ không nhiều năm, giờ lại có người mò lên, Thời Viễn Quy theo bản năng cho rằng là trộm, biết hắn đi vắng nên định đột nhập trộm đồ.