Vải gấm màu vàng được tháo ra, bên trong là một khối Ngọc tỉ màu xanh, bốn cạnh vuông vức, rộng chừng bốn tấc, đế dày chưa đến hai tấc, bên trên điêu khắc hình rồng uốn lượn vào nhau, miệng rồng dữ tợn hé mở, chạm trỗ cao chưa đến ba tấc.
Tôi không khỏi kêu lên, sáp đến gần nhìn kỹ, khối Ngọc tỉ vuông vức bóng loáng, hoàn toàn không có chút hư hỏng: “Không phải người ta nói là một góc của Ngọc tỉ nhà Tần truyền về sau đã từng bị mẻ một góc à, lẽ nào sau này đã dùng vàng đắp vào rồi ư?”.
Trong phút chốc, Đa Nhĩ Cổn giương ánh mắt sắc bén bắn về phía tôi. Lòng tôi trống rỗng vô cùng, chỉ là sự hoang mang thì vẫn còn đấy, theo như lời kể lại thì vào những năm cuối thời Tây Hán, Vương Mãn bên họ ngoại cướp ngôi đoạt quyền, vào lúc đòi Ngọc tỉ, Thái hậu đã giận dữ ném nó xuống đất, kết quả khiến nó bị mẻ một góc…
Ngón tay Hoàng Thái Cực vuốt ve góc cạnh của Ngọc tỉ, chậm rãi lật nó lại, dưới đế Ngọc tỉ có khắc chữ Triện*, tôi mở to mắt, khẽ hít một hơi.
*Một kiểu chữ cổ xưa của Trung Quốc, đây là một loại chữ tượng hình có nguồn gốc từ chữ Giáp Cốt thời nhà Chu, Kiểu chữ Triện của nhà Tần trở thành dạng chữ viết chính thức cho toàn Trung Quốc dưới thời Tần. Chữ Triện (Triện thư) chia làm hai loại: đại triện và tiểu triện, trong đó thì Tiểu Triện được nhắc đến nhiều hơn. Chữ triện chủ yếu được dùng để khắc con dấu vì độ phức tạp cao và đặc tính hình dáng khiến cho chữ rất khó giả mạo. Ngoài ra, nhờ tính thẩm mỹ đặc thù, chữ triện còn được dùng để viết thư pháp.
“Viết gì vậy?”. Hoàng Thái Cực nghiêng đầu hỏi tôi, âm lượng vô cùng nhỏ.
“Hình như là… ‘Chế cáo chi bảo’*!”. Tôi trả lời không được chắc chắn. Tôi đứng ngược chiều với chữ Triện được khắc trên đó, vất vả lắm mới dịch ra được.
*Theo như “Bản ghi chép các bảo vật trong điện Giao Thái”, “Chế cáo chi bảo” có tác dụng chỉ thị các quan lại.
Đa Nhĩ Cổn liếc tôi đầy sâu xa, trong mắt thoáng qua vẻ kinh ngạc cùng ngợi khen.
“Chế cáo chi bảo… ha ha”. Hoàng Thái Cực cúi đầu bật ra một tiếng cười khẽ, vô cùng dễ nghe, thế nhưng vẫn đè thấp giọng chỉ đủ cho tôi và Đa Nhĩ Cổn nghe thấy. “Cả hai có biết Ngọc tỉ truyền quốc thật sự do Tần Thuỷ Hoàng đã ngự chế khắc gì không?”.
Đa Nhĩ Cổn không đáp, chỉ đưa mắt quan sát tôi, tôi cuối đầu, trầm giọng: “Không biết là chữ gì, chỉ là nó giống như chữ Triện, nghe bảo là do Lý Tư tự tay viết…”.
Đa Nhĩ Cổn bỗng tiếp lời: “Là tám chữ ‘Nhận mệnh trời ban, tồn tại mãi mãi’“.
Tôi không khỏi sửng sốt, quay đầu nhìn Hoàng Thái Cực, rồi lại quay đầu nhìn Đa Nhĩ Cổn, vẻ mặt hai người họ đều rất bình tĩnh, vô cùng tự nhiên không có chút gì kinh ngạc.
Lẽ nào… ngay từ đầu bọn họ đã biết Ngọc tỉ này không phải là Ngọc tỉ Hoà thị bích truyền qua các triều đại sao?
Hoàng Thái Cực thoáng quơ tay, lập tức có thái giám dâng lên một cái hộp bằng gỗ lim, hoa văn sơn mài hình rồng, trang trí bởi vàng miếng, vô cùng rực rỡ và lấp lánh dưới ánh nắng. Hoàng Thái Cực mở hộp ra, bên trong có lót một tấm đệm mềm mại bằng lụa vàng, chàng cẩn thận đặt “Chế cáo chi bảo” đang cầm trong tay vào đấy rồi đóng hộp lại.
Hoàng Thái Cực tay cầm chiếc hộp, mỉm cười không nói năng gì. Đột nhiên Đa Nhĩ Cổn phất tay áo cúi chào, một gối quỳ xuống đất, cao giọng hô to: “Đại Hãn vâng mệnh trời, có được Ngọc tỉ truyền quốc, mãi mãi tồn tại…”.