Khương Lăng vẫn còn giận chuyện cha mẹ ép cô ra ngủ phòng khách, nên mới bốc đồng dắt Tống Quan Thư đi đăng ký kết hôn. Trong đầu đã lên kế hoạch dọn ra ngoài sống, cắt đứt sạch sẽ, coi như cho cả nhà một bài học nhớ đời: Biết vậy, đã chẳng ép con.
Nhưng thời buổi này, một cậu trai đưa một cô gái về nhà, dù chưa chính thức tuyên bố yêu đương, thì thiên hạ cũng đoán tám phần là người yêu, hai phần còn lại là đính hôn.
Bác Thôi — hàng xóm đối diện nhà cô — dù miệng còn hỏi dò, nhưng trong lòng đã xem như chắc chắn rồi.
Khương Lăng nghĩ bụng: Giấy chứng nhận kết hôn cũng đã cầm trên tay, giấu kiểu gì cũng không qua được mắt thiên hạ, chi bằng thẳng thắn cho xong.
“Là đối tượng của cháu.”
Ở Bắc Thành, “đối tượng” là cách gọi phổ biến cho bạn trai, bạn gái. Dù có kết hôn rồi, vẫn gọi nhau là “đối tượng”, cũng không có gì sai.
Cô nói thật lòng, còn hiểu sao thì tùy người nghe suy diễn.
Tống Quan Thư thì khỏi bàn. Vừa đẹp trai, ăn mặc chỉnh tề, đạp xe cũng gọn gàng dứt khoát. So với đám công nhân thường ngày, khí chất đúng kiểu con nhà có giáo dưỡng, nhìn là thấy khác người.
Bác Thôi tính tình thẳng như ruột ngựa, lập tức hỏi lớn: “Cậu này làm ở đâu thế? Cha mẹ làm gì?”
Câu hỏi vừa ra, mấy bà hàng xóm xung quanh liền dựng tai hóng như hội nghị tổ dân phố.
Ai cũng muốn biết con gái út nhà Khương tìm được mối ngon cỡ nào.
Khương Lăng còn nhớ trong nguyên tác, Tống Quan Thư không thích nhắc đến gia đình, nên chỉ nói lấp lửng: “Cũng là gia đình bình thường thôi.”
Câu trả lời mập mờ ấy lập tức chia phe diễn giải:
Một phe cho rằng: Gia đình cậu kia chắc có thế lực, nên mới không muốn lộ ra, tránh điều tiếng.
Phe còn lại lại thì nghĩ: Khương Lăng lên mặt, cố tình giấu, làm như tìm được mối cao sang, chứ biết đâu chỉ là bốc phét lấy le.
Trong đám ấy, nổi bật nhất là Hứa Đại Hoa, người vừa liếc vừa bĩu môi, giọng đanh đá:
“Làm như cao giá lắm ấy. Không biết đã trèo nổi cái chức gì chưa mà giấu giấu giếm giếm.”
Bác Thôi là người hiểu chuyện.
Hứa Đại Hoa là vì con trai mình theo đuổi Khương Lăng không được, bị từ chối phũ mặt nên cay cú, nhân dịp “bỏ đá xuống giếng”.
Thật ra, nhà họ Hứa chẳng có gì ra hồn. Thằng út không nghề không nghiệp, ngay cả việc tạm thời cũng không có. Ngày ngày lông bông ngoài phố, đến con gái bác Thôi cũng chê chẳng thèm ngó.
Hai nhà vốn đều là hàng xóm, nhưng chẳng thân thiết gì. Đều nghèo, đều xoay xở sống qua ngày.
Bác Thôi tuy không ưa Hứa Đại Hoa, nhưng vì thỉnh thoảng vẫn đi chợ chung, nên vẫn miễn cưỡng nói lại: “Nói gì mà khó nghe vậy! Có đối tượng là chuyện tốt, chuyện vui, đừng có ghen tị rồi đi rêu rao nói xấu người ta hoài!”