Nén lại kích động, Hà Tố Tố cầm chiếc áo đã vá xong ra sân phơi lại lên sào tre, không dám tưởng tượng mẹ sẽ ghét bỏ miếng vá trên áo thế nào, rồi lại quay về phòng.
Lần này chọn thêm mục "Tôi có thể đổi", những thứ hiển thị trên màn hình ảo nhiều hơn hẳn.
2 điểm chăm chỉ có thể đổi một cân thịt heo, một con gà rừng nặng bốn cân, một cân sủi cảo nhân thịt hẹ, hai hộp đào vàng đóng hộp…
Thứ thích hợp nhất để chia cho cả nhà cùng ăn đương nhiên là con gà rừng nặng ký nhất. Hà Tố Tố không do dự nhiều, đổi lấy một con gà rừng nặng bốn cân, điểm chăm chỉ vất vả tích góp lại lần nữa về không.
Cô cất gà rừng vào ngăn chứa đồ của hệ thống, định chiều tìm cơ hội lấy ra. Cô chọn đổi gà rừng cũng vì đây là thứ hiện tại cô dễ kiếm cớ mang về nhà nhất.
Ngủ trưa xong, trong nhà ngoài Hà Tố Tố ra thì không còn ai, người lớn đều đi làm rồi, trẻ con cũng đi theo cắt cỏ heo, hoặc lên núi sau xem có nhặt được trứng chim về nướng ăn không.
Cô thu dọn đơn giản rồi ra khỏi nhà.
Đi lên núi sau phải đi qua ruộng lúa của thôn, nhìn xa xa toàn là bóng người đang khom lưng làm việc, mặt trời chiếu lên lưng họ thấm đẫm mồ hôi. Thỉnh thoảng có người ngẩng đầu nhìn thấy Hà Tố Tố, cười chào một tiếng.
Đều là những người trong thôn nhìn cô lớn lên từ nhỏ, Hà Tố Tố cười gọi chú, gọi thím. Nụ cười của cô ngọt ngào, như gió xuân thổi qua, khiến những người đang làm việc ngoài đồng phấn chấn hẳn lên, cũng bớt khó chịu hơn.
Hà Tố Tố không biết, mấy người thím nhìn thấy cô bắt đầu xì xào bàn tán, vừa tiếc nuối lại vừa có chút hả hê.
"Con bé Tố Tố này trông xinh thật đấy, cả mấy thôn xung quanh đây chưa thấy đứa con gái nào xinh hơn nó."
"Tiếc là xinh đẹp không ăn được, con gái lớn thế này rồi cũng không xuống đồng làm việc, nghe nói ở nhà cũng chẳng làm gì, học hết cấp ba thì có ích gì, chẳng phải vẫn dựa vào bố mẹ anh chị nuôi sao."
"Theo tôi thấy, trong đội sản xuất có không ít thanh niên thích Tố Tố. Tiếc là cưới vợ chứ không phải cưới tiểu thư, nhà nào chịu được cưới một cô vợ chẳng làm gì về chứ. Mấy bà như Xuân Phượng đều ngăn con trai mình, sợ dính dáng đến con bé đó."
Mấy người thím vừa nói vừa lắc đầu.
Ngoài đồng đúng là có không ít thanh niên trai tráng khỏe mạnh, cúi lưng làm ruộng thì rất giỏi, nhưng ngẩng đầu nhìn thấy bóng hình xinh đẹp đi qua kia lại thấy lòng xao xuyến. Nhưng họ cũng biết, Hà Tố Tố rất kiêu ngạo, bình thường chẳng thèm để ý đến họ, thậm chí còn chưa từng liếc nhìn họ một cái.
Hà Tố Tố quả thực không để ý đến họ. Lúc này cô chỉ một lòng muốn đi đến núi sau, tìm cơ hội lấy con gà rừng đã đổi ra, để giúp nhà cải thiện bữa ăn.
Đến chân núi, đây đó lác đác tụ tập trẻ con các nhà, có đứa đeo giỏ trúc cắt cỏ heo, có đứa cúi đầu nhặt nấm mới mọc sau mưa, có đứa tuổi không lớn nhưng tham vọng lớn, ra dáng muốn đặt bẫy săn thú.
Hà Tố Tố thầm hừ trong lòng, thời buổi này dưới chân núi làm gì còn thú săn chứ, những năm trước đã bị người trong đội sản xuất lùng sục hết rồi. Chắc là người lớn cũng đã dặn, trong núi sau nguy hiểm, không cho chúng vào sâu trong núi.
Cô đương nhiên cũng nhìn thấy năm đứa cháu trai cháu gái nhà mình.
Quế Phương đeo giỏ trúc, dẫn các em đi cắt cỏ heo. Vừa nhìn thấy cô út, cô bé kinh ngạc đi tới: "Cô Út, sao cô lại đến đây?"
Thật là lạ, cô bé chưa bao giờ thấy cô út ở những nơi làm việc như ngoài đồng hay dưới chân núi sau này.
Quế Hy và Khả Nhu sáu tuổi, cũng đeo chiếc giỏ trúc ông nội đan riêng cho để cắt cỏ heo, kiếm một hai công điểm cũng tốt. Quế Miên và Khả Kiệt một đứa bốn tuổi một đứa ba tuổi, đi theo cũng chỉ là góp vui. Chúng nhìn thấy cô út, đứa nào đứa nấy tò mò lại gần.
Hà Tố Tố thuận miệng nói: "Cô ở nhà rảnh rỗi không có việc gì, lên núi sau dạo xem sao, biết đâu may mắn bắt được con thỏ về ăn."
Quế Phương nghe xong định nói trong núi sau làm gì dễ bắt được thỏ, bọn họ ngày nào cũng cắt cỏ heo dưới chân núi, nếu có thì đã bắt từ lâu rồi. Nhưng cô Út trước nay vốn ngang ngược, cô bé cũng không phản bác được.
Hà Tố Tố nhìn quanh một lượt rồi nói: "Quế Hy, đưa giỏ trúc của cháu cho cô, lát nữa cô mà gặp được thứ gì tốt thì còn có cái đựng."
Quế Hy không muốn: "Nhưng cô út ơi, cháu đựng cỏ heo trong đó rồi."
Hà Tố Tố: "Nửa giỏ cỏ heo thì đổ sang giỏ của Khả Nhu là được rồi, hai đứa các cháu vừa hay có thể nghỉ ngơi rồi đấy."
Quế Phương đưa tay huých nhẹ vào tay Quế Hy, ra hiệu bảo cậu bé nghe lời cô út. Nếu em trai bướng bỉnh không đưa, lỡ cô út giật lấy, rồi lại va vào đâu bị thương, bọn họ sẽ bị ông bà mắng chết.
Quế Hy đành ấm ức đồng ý, đổ cỏ heo từ giỏ của mình sang giỏ của Khả Nhu, rồi đưa cho cô út.
Hà Tố Tố nhận lấy, để lại một câu "Cô lên núi đây, các cháu làm tiếp đi nhé", rồi sải bước đi lên núi.
Mấy đứa Quế Phương nhìn nhau, bố mẹ nói trên núi nguy hiểm không được đi, nhưng cô út là người lớn rồi, chắc không sao đâu.
Hà Tố Tố men theo con đường mòn người thôn đi lại mà lên núi, dọc đường gặp thêm những đứa trẻ khác. Cô đành phải đi tiếp về phía trước.
Rừng cây trên núi sau rậm rạp, che bớt cái nóng của mặt trời nên khá mát mẻ. Mấy hôm trước vừa mưa xong, giờ đất dưới chân vẫn còn hơi ẩm, dưới gốc cây nhú lên từng đám nấm Khẩu Bắc, chứng tỏ là chưa có ai đến đây.
Thời buổi này thức ăn đều quý giá, Hà Tố Tố đi tới ngồi xổm xuống, hái hết chỗ nấm Khẩu Bắc* nhìn thấy bỏ vào giỏ trúc. Cô nhìn quanh mấy lần, chắc chắn không có ai gần đó mới động ý niệm lấy con gà rừng từ ngăn chứa đồ ra.
*nổi tiếng nhất ở vùng Trương Gia Khẩu Trung Quốc
Con gà rừng mà hệ thống mua sắm cung cấp đương nhiên là loại tốt nhất, nếu không phải Hà Tố Tố giữ chặt, con gà này chắc chắn đã vỗ đôi cánh khỏe mạnh mà chạy thoát. Cô tiện tay nhặt một hòn đá sắc dưới đất, đập mạnh vào đầu con gà.