Chu Minh Ngọc có nghe sơ qua về tính tình Đoan Vương Phi, người này không câu nệ thân phận, tính tình ôn hòa, đối đãi với người bên dưới rộng lượng, nhưng cũng thường thích trêu chọc người khác.
Chẳng qua bà quyền cao chức trọng, không biết rằng những lời nói đùa của mình rơi vào thường dân hay hạ nhân có thể biến thành họa diệt thân.
Sở thích thứ hai của Đoan Vương Phi là thích trêu ghẹo người khác.
Đoan Vương Phi lại ra hiệu bảo nàng đứng dậy, thoáng thấy bên hông nàng cài một chiếc quạt tròn, liền hỏi: “Quạt kia là ngươi tự thêu sao?”
Chu Minh Ngọc tháo quạt xuống, hai tay dâng lên: “Bẩm vương phi, đây là đồ dân nữ tự thêu chơi, không có gì đặc biệt.”
Quan ma ma hiểu ý, lập tức đưa quạt cho Đoan Vương Phi.
Đoan Vương Phi vuốt nhẹ mặt quạt, mới thấy đây là thêu hai mặt, hơn nữa hoa văn không hoàn toàn trùng khít. Cách dùng chỉ cũng rất khéo, mặt quạt khẽ nghiêng, ánh sáng phản chiếu lung linh như gió xuân lay cành, đẹp đến nao lòng.
Chỉ thêu lại rất mảnh, rõ là từng lớp chồng lên nhau mà mặt quạt không hề dày nặng, vẫn nhẹ nhàng thanh thoát.
Tua quạt cũng có dụng ý riêng, là một viên ngọc nhỏ hình con thỏ. Tuy không phải vật quý giá, nhưng điêu khắc tinh tế sinh động, phía dưới là ba dải lụa xanh, chẳng những không rối mắt mà ngược lại tràn đầy sinh khí.
Đoan Vương Phi vốn yêu thích những vật mới lạ, liền nói: “Quạt này làm khéo quá, mấy cô nương trẻ tuổi như các ngươi dùng lại càng thanh tú đáng yêu. Chu cô nương năm nay bao nhiêu tuổi rồi?”
Sở thích thứ ba của Đoan Vương Phi là làm bà mai.
Chu Minh Ngọc đáp: “Dân nữ năm nay đã hai mươi tuổi.”
Đoan Vương Phi nhướng mày, vốn cho rằng nàng còn trẻ, lại ăn vận như nữ tử chưa xuất giá, hẳn cũng chỉ mười bảy mười tám.
Lại hỏi: “Ngươi vẫn chưa thành thân?”
Chu Minh Ngọc đáp: “Phụ mẫu dân nữ mất sớm, may được đông gia cưu mang, thoát khỏi nô tịch, chỉ muốn chăm chỉ làm việc để báo đáp ân nghĩa đông gia, chưa từng nghĩ đến hôn phối.”
Đoan Vương Phi nói: “Ngươi thì biết tri ân, còn đông gia nhà ngươi sao lại không nghĩ thay cho ngươi. Lần sau ta gặp đại đông gia của Phồn Ký sẽ nói cho ra lẽ.”
Chu Minh Ngọc vội đáp: “Đông gia thường ngày quan tâm người làm hết mực, không hề sơ sót. Là dân nữ tự mình không muốn thôi.”
Đoan Vương Phi bật cười: “Thôi vậy, mấy cô nương như các ngươi có duyên tất sẽ có phúc, hà tất để người ngoài nhiều lời.”
Bà lại dặn Quan ma ma: “Ta thấy tay nghề của Chu cô nương cũng không tồi, ngươi đưa nàng đi làm cho ta một chiếc túi thơm hay quạt thêu gì đó, cũng để ta theo kịp xu hướng của Thượng Kinh.”
Quan ma ma vâng lời, dẫn Chu Minh Ngọc lui ra.
Càng đi xa, những lời khen tụng của các mệnh phụ dành cho phong thái vương phi cũng dần mờ nhạt.
Quan ma ma dẫn nàng đến hậu viện, nói: “Vương phi xưa nay yêu thích những thứ mới lạ, lần này thấy cô nương thêu thùa tinh xảo, quả thật vô cùng yêu mến. Cô nương cũng đừng quá lo, ta sẽ đưa cho cô nương hai cuộn vải, hai chiếc quạt, thêm mấy quyển mẫu hoa văn thường dùng, cô nương cứ chọn những kiểu thời thượng mà làm. Chỉ có một điều là phải chú ý thân phận vương phi, không được làm quá lòe loẹt.”
Chu Minh Ngọc vâng dạ.
Quan ma ma mở kho, đưa nàng vào.
Bà ta cũng không độc đoán, tự mình chọn vài tấm vải, lại hỏi nàng loại nào thích hợp.
Chu Minh Ngọc miệng nói không dám, nhưng vẫn lựa chọn vài món thương lượng với Quan ma ma, xác định hoa văn và phối màu.
Quan ma ma hài lòng với sự cẩn trọng của nàng, sai người chất đồ lên xe ngựa, đưa nàng trở về.
“Chu cô nương không cần gấp, Phồn Ký làm hoàng thương nhiều năm, đồ đưa tới không thứ nào kém. Vương phi nhà ta trước kia cũng không ít lần nhờ cậy đại đông gia các ngươi. Trong phủ dùng bao nhiêu là đồ, có khi cũng có đồ của cô nương làm ra. Giờ chẳng qua là bỏ bớt vài khâu trung gian thôi. Cô nương cứ cẩn thận mà làm, không cần nóng vội.”
Chu Minh Ngọc dạ một tiếng, cảm tạ Quan ma ma rồi trở về Vân Thường Phường.
Tại thủy tạ bên hồ trong vương phủ, rượu đã qua ba tuần, thơ cũng đề mấy bài, kiếm cũng đã luận vài chiêu, lúc này khách khứa mới tề tựu đông đủ.
Một người rót đầy chén, cười tiến lại: “Bát Lang đến trễ, phạt ba chén!”
Dương Giản trên mình còn mặc quan phục đỏ sẫm, nhận lấy khăn nóng từ tùy tùng để lau tay, có người hầu giúp hắn cởi ngoại bào.
Hắn vứt khăn lại vào mâm sơn, nói: “Ta vì công vụ mới tới trễ, các ngươi lại mượn cớ chuốc rượu ta?”
Người kia liền cười: “Thế tử gia thấy không, ta nói có sai đâu? Bát Lang ở ngoài là Hắc Diện Diêm Vương, gặp các ca ca mà vẫn thích giả vờ né rượu.”
Đoan Vương thế tử Nguyên Chi Lân ngồi bên mỉm cười, nâng chén: “Bát Lang, ta hiếm khi hồi kinh, ngươi đến muộn như vậy nói thế nào cũng không ổn, mau uống đi.”
Cả sảnh cười vang.
Bỗng ngoài cửa vang lên một giọng nữ trong trẻo, ngân vang như chuông: “Tốt quá nhỉ! Ta biết ngay các huynh lại muốn chuốc rượu Dương Bát Lang!”
Nguyên Chi Quỳnh là độc nữ của Đoan Vương phe phẩy quạt tròn bước vào, mỉm cười lấy chén rượu trước mặt Dương Giản đem đi.
“Dương Bát Lang, lần này là ta cứu huynh đấy, không định cảm tạ ta sao?”
Nguyên Chi Lân buồn cười nói: “Nha đầu này, Bát Lang là ca ca muội, ai dạy muội vô lễ như vậy?”
Dương Giản thuận theo tình thế, mỉm cười với Nguyên Chi Quỳnh: “Đa tạ tiểu quận chúa.”
Nguyên Chi Quỳnh giơ quạt che miệng cười khanh khách: “Thấy chưa?”
Dương Giản cúi mắt liếc nhìn chiếc quạt trong tay nàng ta, chỉ thấy mặt quạt màu xanh nhạt, một cành hải đường uốn khúc, mảnh mai lay nhẹ theo động tác, phản chiếu ánh vàng lấp lánh. Dưới đó là một con thỏ ngọc nhỏ xíu, tinh xảo đáng yêu.
Hắn khẽ ngẩn người.
Tâm trí phút chốc trở nên trống rỗng, rồi lại trong khoảnh khắc quay ngược về nhiều năm trước.
Năm ấy, trong một buổi chiều xuân yên tĩnh và dịu dàng, Tạ Tích đứng trước phủ không giấu được nụ cười đầy mặt, khẽ dùng chiếc quạt trong tay để che đi.
Hắn nhìn nàng qua bóng hải đường uốn lượn trên mặt quạt.
Nàng khẽ xoay chiếc quạt trong tay, lướt ngón tay qua xâu chuỗi thỏ ngọc, đằng sau chiếc quạt hải đường lộ ra đôi mắt tinh ranh rực sáng.
“Hứa rồi đấy nhé, ngày mai huynh phải đến đón ta sớm đấy.”
Ngày đó, Dương Giản đã đến trễ.
Lời hẹn đơn sơ từ đó về sau không bao giờ thực hiện được nữa.