Lại một mùa hè nóng bức nữa vừa đến, thằng Tư tên Mạnh cùng vợ để lại đứa con mới ba tuổi, xin phép mẹ cho được ra tiền tuyến. Ngôi nhà tranh rách nát đó giờ chỉ còn một người già cô độc cùng một đứa trẻ đôi mắt mở to ngơ ngác giữa dòng đời, chưa kịp hiểu gì đã không có bố mẹ kề bên. Từ một người mẹ, mẹ Hậu trở thành người bà. Rồi lại trở thành mẹ lần nữa. Hậu quả chiến tranh không dừng lại ở những trận đánh đẫm máu mà còn là những mất mát không thể nói bằng lời.
Gió Mùa Đông Bắc tràn về, thổi từng cơn gió lạnh vào từng kẽ hở của mái nhà tranh lụp xụp. Mẹ Hậu ngồi bên bếp củi, đôi mắt mờ đυ.c vì bao nỗi lo toan, tấm áo mỏng manh nhiều mảnh vá không thể che dấu được sự phai tàn của thời gian, tấm lưng tuy còng đến mức gập sát mặt đất, nhưng lòng Mẹ vẫn bất khuất như ngọn giáo các con cầm khi ra trận.
Sức mạnh của Mẹ lại được thể hiện qua từng bước chân kiên cường, Ngày lại qua ngày, Mẹ đi cấy mướn, mót lúa ngoài đồng, mò ốc trong ao lạnh, nhặt từng cây củi bó ra chợ phiên bán. Cái lưng còng của Mẹ lại còng xuống một vòng. Tay run, lưng còng xuống có lần gánh nước ở đầu làng, Mẹ trượt chân ngã xuống, người làng tưởng Mẹ không sống nổi nữa, nhưng Mẹ vẫn bật dậy, cháu đã mồ côi cha mẹ, không thể mồ côi Nội nữa. Thằng bé tên An, an an bình bình.
Bữa cơm của Mẹ toàn cơm cháy dập nước. Đôi khi là mấy củ từ còn sượng Mẹ cũng ráng cười mà nuốt. Nhưng chưa bao giờ Mẹ để cháu đói.
Có nhưng đêm cháu sốt, Mẹ hát ru cả đêm, tiếng ru có phần khản đặc và nghẹn ngào như tiếng nức nở từ những lần trắng đêm, từ những giật mình hoảng hốt vì nghe ai đó gọi nhẹ hai tiếng “Mẹ ơi” trong đêm. Mỗi lần ru cháu Mẹ lại nuốt nước mắt vào trong, nước mắt chảy âm thầm, mặn như vị đời.
An lớn dần trong vòng tay chai sạn ấy, trong mùi khói rơm, trong đôi mắt trũng sâu khắc khổ của người bà mà nó tưởng trừng như không bao giờ cười. Tình thương không dư dả nhưng lại chẳng thiếu thốn. Dù không cha không mẹ nhưng lại có Nội. Không có sự dư dả về vật chất nhưng lại đầy đủ về tinh thần. Một người bà đôi mắt đã đυ.c đi vì ngóng con nhưng lại sáng rực mỗi khi nhìn cháu. Thằng An là phần sống duy nhất của người mẹ mất hết những đứa con đã gửi mình cho đất nước, là chút lửa ấm cuối cùng còn sót lại của người con út.